Tin Mừng Lan Rộng

Tín Đồ Của Chúa, bài 21

Công Vụ 8:1-8

Lúc Hội thánh thời sơ lập chỉ có vài ngàn người, thì vấn đề chia xẻ của cải cho nhau theo nhu cầu và sinh hoạt chung chưa gặp nhiều trở ngại. Nhưng khi số người trong Hội thánh đã gia tăng lên một mức mới, thì các sự rắc rối bắt đầu nảy sinh vì nạn bè phái và thiếu tổ chức (Công vụ 6:1).

Lúc ấy, các sứ đồ mới thấy nhu cầu phải có người lo về hành chánh, đứng ra tổ chức, điều động và chỉ huy sinh hoạt chung. Tuy nhiên, họ không nhắm vào những người có tài hay có khả năng, mà phải là những người được tiếng tốt, đầy dẫy Thánh Linh và khôn ngoan để giao cho công tác tổ chức, phục vụ; còn họ thì vẫn chuyên tâm cầu nguyện và giảng dạy lời Chúa (Công vụ 6:2-4).

Bảy người được đề cử vào chức chấp sự, cũng gọi là trợ tế, nên các sứ đồ cầu nguyện và đặt tay giao nhiệm vụ. Ê-tiên là người được đầy dẫy Đức Thánh Linh nên được Chúa ban cho quyền năng đặc biệt làm nhiều phép lạ (Công vụ 6:5-8), thành ra các chấp sự vừa phục vụ, vừa truyền giáo có hiệu quả, làm cho số tín hữu tại Jerusalem càng gia tăng thêm, kể cả các thầy tế lễ cũng vâng phục đạo nữa (6:7).

Vào thời đó cũng như thời nay, những người trung thành với truyền thống thì thường có thái độ không ngay thẳng và không lương thiện; nhất là những người ưa tranh luận mà không thắng nổi đối phương thì bị lòng thù ghét điều khiển hoàn toàn.

Đáng lẽ ra, khi nào thấy ai có khả năng thực hiện các phép mầu, dấu lạ, thì phải suy xét xem điều đó từ đâu ra; và lý do nào khiến cho niềm tin của mình chẳng có chút quyền năng gì hết, để thấy nhược điểm mình là gì.

Nhưng số người có tâm tình đó rất hiếm; vì vậy, Đức Thánh Linh không thể ban ơn đặc biệt cho những người không biết quý trọng và chẳng bao giờ tìm kiếm ơn ban của Ngài.

Dung mạo của người có ánh sáng của Đức Thánh Linh ban cho phản ảnh vinh quang của thiên đàng; cho nên, mặt Ê-tiên rực sáng giống như mặt thiên sứ (6:14).

Lời tố cáo quá thật của Ê-tiên khiến giới lãnh đạo Do-thái-giáo rất căm hờn (7:51-54). Tới khi thấy “Ê-tiên được đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhìm chăm lên trời, ……rồi nói: ‘Kìa tôi thấy các tầng trời mở ra và Con Người đứng bên phải Đức Chúa Trời” (7:55-56), thì họ bịt tai, ùa lại lôi ông Ê-tiên ra ngoài để ném đá giết ông.

Vì đối với Do-thái-giáo, ai nói rằng mình thấy Đức Chúa Trời, là một sự phạm thượng không thể tha thứ; vì thế, họ ném đá giết chết Ê-tiên trong sự đồng lòng của các giáo đồ Do-thái khác (7:57-58). Những người rất cuồng tín ấy vẫn không nhận ra đức nhân ái trong tâm linh của người bị họ giết (7:59-60).

Sau khi đã giết được Ê-tiên, người mà họ không thể tranh luận nổi, các giáo đồ Do-thái-giáo lấn tới bắt bớ các tín đồ của Đức Chúa Jesus (Công vụ 8:1-3).

Cuộc bách hại lan rộng khiến cho vô số tân tín hữu phải trốn khỏi Jerusalem, tan lạc tới các địa phương khác, mang theo Lời Sự Sống mà họ đã nhận để rao truyền cho người khác (8:4).

Một số người có thể đặt câu hỏi trong lòng: Tại sao Đức Chúa Trời quyền năng không bảo vệ Hội-thánh, để con cái Ngài bị bắt bớ tàn hại nguy khốn như thế? Câu trả lời là Đức Chúa Jesus không định cho Hội thánh Ngài cứ quanh quẩn vùng Jerusalem; các môn đồ của Ngài phải từ đó đi rao giảng khắp xứ Judea, xứ Samaria, và trên khắp địa cầu (Công vụ 1:8).

Nếu không có biến cố bắt bớ, cả Hội thánh cứ sung sướng hưởng ơn phước phép kỳ dấu lạ của Đức Thánh Linh làm cho Hội-thánh Jerusalem tăng trưởng và phát triển, chứ chưa có kế hoạch nào đem Tin Mừng ra khỏi thành phố trong thời gian đó.

Đức Chúa Trời cho phép tai hoạ xảy ra để các tân tín hữu phải tản lạc khắp nơi; những người vốn từ các xứ xa về Jerusalem dự lễ rồi tin Chúa, thì bây giờ họ phải trở lại quê cũ mà rao truyền Tin Lành (Công vụ 8:4).

Khi người thời nay ôn lại lịch sử thời sơ lập của Hội-thánh, nhiều người sẽ nhận ra bàn tay kỳ diệu của Đức Chúa Trời đã hành động trong các biến cố mà theo sự nhận định của người đương thời dường như là xấu, hoá ra là lợi ích cho Vương quốc của Đức Chúa Trời, vì Tin Mừng của Chúa theo chân các môn đồ chạy lánh nạn được lan truyền ra khắp nơi cứu vớt vô số linh hồn trong nhiều dân tộc khác, vô số Hội thánh được thành lập trên đất các dân ngoại.

Một sự việc khá tương tự đã xảy ra trong Hội thánh ở Việt nam vào các năm cuối thập niên 1980, đầu 90, làm cho Hội thánh của Chúa phát triển mạnh mẽ.

Khi một số nhà thờ ở vùng thành phố Saigon được Đức Thánh Linh thăm viếng, số người tin Chúa tăng vọt trong các buổi truyền giảng ở vài địa phương, những anh chị em tín hữu nhận được ân tứ của Đức Thánh Linh cứ quây quần ở các điểm nóng ấy chứ ít khi đi xa khỏi khu vực.

Đức Chúa Trời đã khiến giới giáo quyền theo thần học truyền thống cách chức các vị giáo phẩm nào có dính líu tới ân tứ Đức Thánh Linh, đuổi họ ra khỏi tổ chức Hội thánh chung.

Còn các tín hữu hăng hái trong phong trào ân tứ bị lạnh nhạt và hất hủi bởi anh chị em trong Hội-thánh mình thì cũng theo những người bị đuổi thành lập các nhóm tư gia để truyền giáo cách thầm lặng, rồi lan ra ngoại ô và các tỉnh thành khắp nước; cứ như thế, nhiều Hội-thánh tư gia ra đời, nhà cầm quyền thì kiêng nể sự bạo dạn của tín hữu tư gia.

Xứ Samari nằm ở ngoài vùng quyền hạn của giáo quyền Do-thái-giáo ở Jerusalem. Người có tên Philip nói đến ở đây là một trong bảy chấp sự được các môn đồ đề cử (Công vụ 6:5), một người cũng được Đức Thánh Linh ban năng quyền đặc biệt trục xuất lũ uế linh ra khỏi người chúng ám, và chữa lành những người bị tật nguyền; đặc điểm nổi bật nầy là dấu hiệu của những người đang ở trong một Hội-thánh được Đức Thánh Linh điều khiển.

Để quỷ phải vâng lệnh, chấp sự Philip phải dựa vào uy quyền của danh Đức Chúa Jesus mà trục xuất chúng. Nguyên nhân khiến chúng kêu lớn tiếng lúc bị trục xuất là vì chúng tức giận nhưng sợ hãi (8:7). Bọn tà linh và uế linh không bao giờ sợ người không có uy quyền của Đức Chúa Jesus. Uy quyền đó chỉ được ban cho người nào có mối tương giao thân mật với Ngài, tức là được ở trong Ngài mà thôi.

Người đọc Kinh thánh phải thấy qua các biến cố nầy rằng người ta dễ dàng tin Chúa khi thấy quyền phép của Ngài được thi thố. Kết quả đó diễn ra ở bất cứ nơi nào Tin Mừng được rao giảng kèm theo quyền năng của Chúa thể hiện. Không ai có thể bác bỏ các phép lạ diễn ra trước mắt họ cách công khai và rõ ràng, không phải là ma thuật.

Người ta có thể gân cổ tranh cãi về các thứ lý thuyết nầy nọ, nhưng hễ có phép lạ xảy ra rành rành, thì mọi thứ lý luận chê bai hay bác bỏ phép lạ đều phải ngậm miệng.

Nếu vào thời đại chúng ta ngày nay chẳng nơi nào có phép mầu, dấu lạ, như Kinh thánh nói, thì chúng ta có thể đặt nghi vấn về những phép lạ mà Kinh thánh ký thuật là chuyện bịa hay chuyện thần thoại đời xưa. Nhưng vì vẫn có nhiều phép mầu và dấu lạ xảy ra khi con dân Chúa cầu nguyện cho người bệnh và người ghiền ma tuý được giải thoát, chứng tỏ rằng quyền phép của Chúa vẫn tiếp tục được ban cho Hội thánh của Ngài.

Hội thánh thời nay thường viện dẫn nhiều lý do để biện minh cho tình trạng không hiệu quả và thiếu quyền năng của mình; mà không dám công nhận thực trạng tâm linh bạc nhược của mỗi người là hậu quả của đời sống quá chăm chú về vật chất ở thế gian, lòng yêu mến Chúa dần dần nguội lạnh, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.

Nếu thân thể loài người chỉ có thể sống nhờ thứ lửa gọi là ‘tam muội chân hoả’ do dưỡng khí người ta hít vào đốt muôn vạn phân tử chất béo nằm trong các tế bào, giữ ấm cho thân thể, thì đời sống tâm linh chỉ có thể mạnh mẽ khi có lửa Thánh Linh bùng cháy trong lòng.

Nếu ngày nay quý anh chị em vẫn đi nhà thờ như một bổn phận phải làm, mà không có chút nôn nả hưng phấn nào, cũng không thấy mình có một chút trách nhiệm gì đối với sự tồn vong của Hội-thánh nhà, thì hãy xem lại mối liên hệ với Chúa có còn hay đã mất.

Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng: “Những gì đã được chép từ xưa đều nhằm dạy dỗ chúng ta, để nhờ sự kiên định và khích lệ của Kinh thánh mà chúng ta có niềm hi vọng” (Rôma 15:4).

Lời tường thuật của sách Công vụ không phải chỉ là lịch sử thời sơ lập của Hội-thánh, mà còn là lời chỉ dẫn cho con cái Chúa ngày nay về những điều kiện đã giúp cho Tin Mừng lan rộng.

Chính vì sự bách hại của Do-thái-giáo mà đạo Chúa đã lan rộng khắp vùng Trung Đông, Bắc Phi, Đông Âu, rồi tới Tây Âu. Sau nầy các giáo sĩ cũng theo chân các nhà buôn đem đạo Chúa sang vùng Á-Đông, vào tận các làng mạc xa xôi.

Chương trình khôn ngoan của Chúa đã đem sự sống mới đến cho chúng ta ngày nay; Ngài muốn chúng ta nhận lãnh quyền năng để tiếp tục làm cho Tin Mừng lan rộng.

TinDoCuaChua21.docx

Rev. Dr. CTB