Tại Sao Phải Thánh Khiết?

Tín Đồ Của Chúa, bài 25

2Phierơ 1:13-16

Ba lãnh vực đan quyện nhau: Quyền phép của Chúa, sự thánh khiết và truyền giáo. Thiếu sự hiện diện quyền năng của Chúa, không ai có thể sống thánh khiết, còn mặt truyền giáo thì rất yếu.

Thiếu sự thánh khiết, thì tín hữu không thể bày tỏ tính cách của Đức Chúa Trời, sự truyền giáo lại chẳng có sức thuyết phục.

Nếu thiếu truyền giáo thì khó sống đời thánh khiết, cũng không thể bày tỏ quyền năng của Chúa. Ba mặt nầy đan quyện chặt chẽ với nhau, nên Hội thánh không thể thiếu một điều nào cả.

Nhưng để có quyền năng của Chúa hiện diện trong Hội thánh nhằm truyền giáo hiệu quả, thì phải có sự thánh khiết ở giữa Hội thánh. Nói cách khác, thánh khiết là yếu tố không thể thiếu trong việc nhận lãnh quyền năng của Chúa để truyền giáo.

Sức mạnh của cơ đốc nhân bắt nguồn từ đời sống thánh khiết. Sự thánh khiết thành hình trong lòng, chứ không phải hành vi bên ngoài làm cho lòng thánh sạch, vì tư tưởng bên trong điều khiển hành vi bên ngoài.

Ý tưởng hay khái niệm về sự thánh khiết mà Đức Chúa Trời muốn bày tỏ chỉ có trong Kinh-thánh. Không tôn giáo nào do người trần gian lập ra có nổi khái niệm đúng về sự thánh khiết; bởi vì họ chưa bao giờ được tiếp xúc với Đức Chúa Trời thánh ở thiên đàng.

Ý nghĩa của chữ ‘thánh‘ trong lời Chúa thì chẳng những phải là hoàn toàn thanh sạch không chút gợn nhơ nào, mà còn nói về sự phân cách, biệt riêng ra khỏi trần thế, không bị vướng víu vào những thói quen thông thường.

Thánh vừa có nghĩa là tách rời khỏi điều thông tục, vừa có nghĩa là biệt riêng ra cho một điều gì đó. Hễ chỗ nào, hoặc cái gì biệt riêng cho các mục đích của Đức Chúa Trời thì gọi là thánh: Đất thánh, thành thánh Jerusalem, đồ vật thánh, vv., bởi vì chính Ngài là thánh.

Sách Khải huyền mô tả cảnh tượng các chêrubim và thiên sứ vòng quanh ngai Đức Chúa Trời hô vang:Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng” (Khải huyền 4:8).

Bất cứ nơi chốn nào, vật dụng gì, người nào được tiếp xúc với Đức Chúa Trời đều được trở nên thánh; bởi vì chính Chúa là thánh (Thi thiên 99:3, 5). Khi lửa thánh của Chúa loè ra trúng vật gì thì vật đó được thánh hoá (Dân số 16:35-38).

Lúc ông Ê-sai được thấy cảnh trí vô cùng thánh khiết ở ngai của Đức Chúa Trời một cách bất ngờ, ông hoảng kinh thốt lên lời tuyệt vọng vì nhận biết sự ô uế của mình, thì một Seraphim dùng kềm gắp than lửa đỏ ở bàn thờ bay đến đặt chạm vào miệng ông và nói rằng: “Đây, cái nầy đã chạm đến môi ngươi, lỗi ngươi đã được xoá rồi, tội ngươi được tha rồi” (Ê-sai 6:1-7).

Những hình ảnh lửa thánh từ thiên đàng chạm tới vật chất ở trần gian đều có nghĩa là sự thánh khiết đòi hỏi mọi sự ô uế đều phải bị thiêu huỷ; khi tội lỗi hay sự ô uế bị tiêu trừ rồi thì vật hay người được thánh hoá đã được biệt riêng ra để Chúa sử dụng.

Ngày nay, những người tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời qua ơn hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus thì được thánh hoá bởi sự dâng thân thể của Ngài (Hê-bơ-rơ 10:10), vì sinh tế Ngài hiến dâng để chuộc tội chúng ta là sinh tế toàn hảo, Ngài lấy huyết mình để thánh hoá chúng ta (Hê-bơ-rơ 10:14; 13:12).

Con cái Chúa được thánh hoá ngày nay là nhờ Đức Chúa Jesus đã đổ huyết ra để chuộc chúng ta khỏi lối sống phù phiếm từ tổ tiên truyền lại (1Phier ơ 1:18-19), nhờ huyết ấy, chúng ta được thánh hoá và được Chúa biệt riêng ra để làm công việc Ngài giao cho Hội thánh là truyền giáo để dẫn những người đang hư vong đến tiếp xúc với sự thánh khiết của thiên đàng.

Đức Chúa Trời đã cứu rỗi chúng ta không phải chỉ cho chúng ta được xưng công nghĩa nhưng còn phải kinh nghiệm sự xưng công nghĩa, tức được kể là vô tội, diễn ra như thế nào.

Người được huyết Đức Chúa Jesus tẩy sạch tội lỗi và xưng công nghĩa là người kinh nghiệm được sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong lòng và Ngài dùng quyền phép giúp người ấy ngừng các hành vi phạm tội mà trước đó chưa bao giờ ngưng được.

Sau khi có thể ngừng, không phạm tội nữa, thì tín hữu mới bắt đầu kinh nghiệm sự thánh hoá, tức là bước lên trình độ cao hơn trên linh trình hay thiên trình của mình.

Những người được xưng công nghĩa rồi dừng lại ở mức độ đó chứ không chịu tiến lên trình độ cao hơn, là những người sẽ bị sa ngã vì không đủ khí giới chống lại sự tấn công hung hãn và dồn dập của ma quỷ.

Nhưng tín hữu nào chịu học hỏi và luyện tập để sống đời thánh khiết thì được Đức Thánh Linh trang bị các vũ khí cần thiết chống lại sự tấn công của ma quỷ một cách có hiệu quả và truyền giáo cũng có hiệu quả.

Đức Thánh Linh đã cung cấp đầy đủ trang bị và vũ khí cho mọi con cái thật của Chúa, nhưng mỗi người đều phải được huấn luyện để biết cách sử dụng các món trang bị và vũ khí ấy hầu cho có đủ khả năng theo đuổi một đời sống thánh khiết và truyền giáo có hiệu quả.

Hãy nhớ rằng đời sống thánh khiết là điều Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài phải đạt tới để xứng đáng với ơn mà mình đã nhận được. Để có thể sống thánh khiết theo ý muốn của Chúa, chúng ta cần phải biết rõ cách mà mình đã được thánh hoá.

Theo định nghĩa chữ thánh vừa nói ở trên là được tách rời khỏi những điều thông tục và biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời sử dụng. Vậy, ta được tách rời khỏi cái gì? Kinh thánh cho biết chúng ta được tách rời khỏi thế giới tối tăm (Công vụ 26:18), ra khỏi khuôn mẫu xấu xa của thế gian (Rôma 12:2; Êphêsô 4:17, 22) và quyền lực của tội lỗi (Côlôse 1:13).

Qua công tác của Đức Thánh Linh biến đổi và tái sinh tâm linh người tin, Đức Chúa Trời đặt những người đã được tái sinh trong Đức Chúa Jesus để họ được ở chung với Ngài trong linh giới (Êphêsô 2:6); cho nên, người ấy đã được tách rời khỏi quyền lực của tội lỗi, khuôn mẫu xấu xa của thế gian và thế giới tối tăm; người tin còn được biệt riêng ra để làm các việc lành (Êphêsô 2:10) mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn cho họ.

Các việc lành đó là nhận lãnh, tập tành và phát triển bông trái của Đức Thánh Linh đã gieo trong lòng họ (Galati 5:22), trở nên các môn đồ mẫu mực của Đức Chúa Jesus để làm gương mẫu truyền bá tình yêu và ơn cứu độ của Đức Chúa Trời một cách hữu hiệu; cũng là truyền rao Tin Mừng của Đức Chúa Trời, có khả năng đào tạo tân tín hữu trở thành các môn đồ như mình, và truyền dạy họ các giáo huấn của Đức Chúa Jesus (Mathiơ 28:19-20).

Mọi điều đó đều nằm trong tiến trình thánh hoá của con cái Đức Chúa Trời.

Người đang được thánh hoá không có nghĩa là người đó không còn phạm tội nữa, cũng chưa phải là trở nên hoàn toàn về mọi mặt.

Trước hết, được thánh hoá là được ở trong Đức Chúa Jesus nhờ đã được tha tội và chuộc ra khỏi án phạt của tội lỗi; vì thế, người đang được thánh hoá sống dưới luật mới của Đức Thánh Linh (Rôma 8:2), quyền năng mới từ Đức Chúa Trời (2Côrinhtô 10:4) và mục đích mới cho đời sống mình (Philip 2:8-10).

Vì các lý do đó, những ai muốn tiến trình được thánh hoá của mình tiếp tục tiến tới và tăng trưởng, thì người ấy phải thay đổi cách sống.

Điều đó không có nghĩa là phải thay đổi nhà cửa, xe cộ, nghề nghiệp, hay quần áo bề ngoài, nhưng là tâm tính bên trong phản ảnh qua cách hành xử bề ngoài đối với những người chung quanh.

Đức Chúa Trời thánh hoá con cái Ngài để chúng ta đủ điều kiện cộng tác với Vương quốc Ngài.

Mặc dù mọi con cái thật của Chúa đều được gọi là thánh đồ, bởi vì tất cả đều được tẩy sạch hết tội lỗi bởi quyền năng của huyết Chiên Con, là Đức Chúa Jesus; và thời điểm chúng ta được sạch tội là khởi đầu của tiến trình thánh hoá, nhưng tín đồ chỉ có thể duy trì tình trạng được thánh hoá bằng cách tương giao trò chuyện với Đấng thánh hoá mình và siêng năng lắng nghe lời Ngài qua những giờ nghiên cứu Kinh-thánh.

Các việc đó được Kinh thánh gọi là sự “cẩn thận giữ tấm lòng” (Châm Ngôn 4:23). Các thánh nhân chẳng bao giờ xem họ cao hơn người khác, chẳng tị nạnh với bất cứ ai, luôn luôn hi sinh quên mình vì hạnh phúc và ích lợi của người chung quanh.

Người nào thiếu các phẩm chất như vậy thì rất khó trở thành những người được Đức Chúa Trời sử dụng làm những việc lớn, chẳng những thế mà còn bị loại trừ khỏi Vương quốc Ngài.

Hội thánh vẫn luôn mong được Chúa ban cho quyền năng để truyền giáo có kết quả, nhưng điều kiện tiên quyết để Đức Chúa Trời có thể hiện diện và ban quyền năng cho Hội thánh, là mỗi thành viên đều theo đuổi sự thánh khiết, để tinh thần và tình trạng thánh khiết thấm nhuần trong mỗi tiết mục thờ phượng và các nếp sinh hoạt chung, thu hút vinh quang Ngài đến với Hội thánh.

TinDoCuaChua25.docx

Rev. Dr. CTB