Chiếm Thành Jericho

Giô-suê, bài 07

Giô-suê 6:1-27

Câu 1 đáng lẽ phải nằm trong ngoặc đơn, bởi vì nó chỉ là một ý phụ về tình trạng Jericho lúc bấy giờ (1). Các sự kiện tiếp diễn sau khi Giô-suê đã cởi giày ra là lời Chúa truyền lệnh phải làm gì để đánh chiếm thành Jericho (2-5).

Nhiều học giả Kinh thánh đã đoán già, đoán non về vị Thần Linh đến để làm Tướng chỉ huy đạo quân của Đức Giê-hô-va là một thiên sứ trưởng ở trên trời; người khác thì cho rằng đó là Đức Chúa Jesus, vv. Nhưng Kinh thánh chỗ nầy chép là Đức Giê-hô-va phán với Giô-suê (2); có nghĩa là cuộc trò chuyện tiếp diễn sau khi Giô-suê vâng lệnh Chúa cổi giày ra và quỳ nghe Ngài phán.

Như đã phân tích ở phần trước, chỉ có chính Đức Chúa Trời mới bảo nơi Ngài hiện diện là đất thánh (Xuất Ai-cập 3:5; Giô-suê 5:15). Cho nên, Vị Tướng chỉ huy đạo quân của Đức Giê-hô-va chính là Đức Chúa Trời hiện ra phán bảo Giô-suê.

Nỗi mừng vô hạn của Giô-suê không phải chỉ là được cất khỏi gánh nặng, mà được gặp Chúa tận mắt, nghe tận tai.

Chúa cho Giô-suê biết quân đội của Jericho là các dũng sĩ, nhưng Ngài đã quyết định trao họ vào tay của Giô-suê và Israel, nghĩa là trận đánh chiếm Jericho sẽ là một chiến thắng dễ dàng đối với Israel khi bắt đầu chinh phục đất hứa (2).

Tuy nhiên, để thực hiện việc đó thì họ phải làm theo kế hoạch của Đức Chúa Trời: “Con cùng tất cả chiến sĩ hãy đi vòng quanh thành một lần và phải làm như vậy trong sáu ngày” (3).

Lẽ đương nhiên là khoảng cách giữa quân Israel với vách thành phải đủ xa, để các mũi tên trong thành không thể bắn tới họ. Đối với người chưa biết Chúa, chiến thuật nầy có vẻ rất ngớ ngẩn. Còn quân phòng thủ ở Jericho thì vô cùng bối rối vì không thể hiểu nổi ý định của quân Israel.

Ý nghĩa thâm sâu của lệnh nầy là Israel đừng nương cậy vào khả năng hay sự dũng cảm của họ để chiến thắng. Trong khi đó, người Canaan phải thấy bàn tay can thiệp và sự hiện diện của một Đấng Toàn Năng, khi họ thấy Rương Giao Ước đi với quân Israel (4).

Sáu ngày căng thẳng theo dõi quân Israel đi vòng chung quanh thành sẽ khiến quân Jericho ngạc nhiên và thắc mắc. Chúa cũng bảo: “Bảy thầy tế lễ sẽ cầm bảy cây kèn bằng sừng đi trước Rương Giao Ước. Nhưng qua ngày thứ bảy, các con phải đi quanh thành bảy lần, và các thầy tế lễ sẽ thổi kèn lên” (4).

Đối với Israel thì con số bảy là biểu tượng của ấn chứng về giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân tộc họ. Vì Đức Chúa Trời đã chỉ định họ phải giữ lễ Vượt Qua và lễ Lều Tạm trong bảy ngày; các lễ nghi phong chức các thầy tế lễ cũng bảy ngày; họ phải dâng bảy sinh tế trong các dịp đặc biệt. Do đó, con số bảy là một dấu hiệu nối kết họ với Chúa, con số trọn vẹn, để chúng ta ngày nay hiểu lý do tại sao Đức Chúa Trời bảo họ phải đi bảy vòng vào ngày thứ bảy trước khi các thầy tế lễ thổi hồi kèn dài (5).

Khi những thầy tế lễ thổi một hồi kèn dài và khi các con vừa nghe tiếng kèn thì tất cả dân chúng phải hò hét lớn lên, tường thành sẽ đổ sập xuống.

Phép lạ nầy thật là cần thiết đối với Giô-suê. Vì vách thành cao ngất, cổng thành đóng chặt, không thể xuyên phá, là trở lực quá lớn đối với một dân tộc du mục, lớn lên trong hoang mạc cả bốn mươi năm.

Đồng thời, sự sụp đổ vách thành Jericho cũng cho dân Canaan thấy rằng sự thành công của Israel không phải là người chiến thắng người, và Đức Chúa Trời của Israel không giống như các thần của họ. Khi chính Đức Giê-hô-va đến làm Tướng chỉ huy đạo quân của Ngài, thì có ai chống nổi đạo quân ấy?

Giôsuê vâng theo mọi mệnh lệnh và chiến thuật do Đức Chúa Trời chỉ dẫn, nên ông bảo những thầy tế lễ: “Hãy khiêng Rương Giao Ước, và bảy thầy tế lễ cầm bảy cây kèn bằng sừng đi trước Rương Giao Ước của Đức Giê-hô-va” (6). Ở chỗ nầy, Kinh thánh miêu tả là: “những người vũ trang đi trước những thầy tế lễ thổi kèn; đội quân hậu vệ đi theo sau Rương Giao Ước” (9, 13). Không phải tất cả dân chúng, đàn bà, trẻ con cùng đi, chỉ có các chiến sĩ (3).

Như vậy, Giô-suê làm đúng như lời Đức Giê-hô-va đã truyền bảo ông: đoàn quân vũ trang đi trước các thầy tế lễ cầm kèn, Rương Giao Ước đi giữa, quân hậu vệ theo sau. Họ đi vòng Jericho mỗi ngày một lần trong sáu ngày. Các thầy tế lễ vừa đi vừa thổi kèn, còn tất cả chiến sĩ đều lặng lẽ đi theo, không ai nói tiếng nào hết. Mỗi ngày sau khi đi vòng quanh thành một lần, tất cả đều trở về trại và ngủ đêm cho đến khi đã đi vòng quanh thành mỗi ngày một lần đủ sáu ngày (7-14).

Sang ngày thứ bảy, họ dậy sớm từ lúc rạng đông, đi vòng quanh thành bảy lần theo cách thức giống như trước. …Đến lần thứ bảy, khi những thầy tế lễ thổi kèn thì Giô-suê nói với dân chúng ‘Hãy reo hò lên, ……. Vừa khi dân chúng nghe tiếng kèn thì reo hò vang dội và tường thành liền đổ sập” (15-16, 20).

Cần phải cẩn thận suy nghĩ các chi tiết về tường thành bị đổ sập (5b, 20). Bởi vì nếu người đọc Kinh thánh không hiểu đúng, sẽ khó giải thích vài việc có liên quan.

Nếu toàn thể tường thành Jericho đều bị đổ sập, thì bà Rahab và cả nhà của họ đều bị tường thành đè chết hết, bởi vì nhà bà Rahab ở ngay vách tường thành (Giô-suê 2:15).

Như thế, chỉ những phần nào của vách tường thành phải bị sập để thuận tiện cho các chiến binh Israel, thì Chúa làm cho chỗ ấy bị sập. Vách thành nơi nhà bà Rahab không bị sập để bà và cả gia đình đều được cứu (22-23), còn mọi người còn lại và mọi thú vật trong thành đều bị tiêu diệt (21).

Sự kiện vách thành Jericho bị sập dưới tiếng reo hò của các chiến sĩ Israel là một dấu hiệu cho dân Canaan biết rằng chiến thắng của Israel không phải là do khả năng chiến đấu gì của họ, mà là quyền năng của Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra. Bởi vì âm thanh tiếng reo hò của hơn sáu trăm ngàn quân Israel không đủ sức mạnh làm sập tường thành.

Sự sụp đổ của tường thành Jericho là một dấu hiệu mới trong loạt dấu hiệu quyền năng của Đức Chúa Trời đã thi thố vì dân của Ngài mà thôi.

Những lời khích lệ và dặn dò của Giô-suê về việc phải huỷ diệt mọi vật ở trong thành, cùng với lời dặn về việc phải bảo vệ kỹ nữ Rahab và mọi thân nhân của bà; rồi việc phải tránh xa các vật đáng bị huỷ diệt để không đem sự rối loạn đến cho dân Israel, và mọi thứ bạc, vàng, đồng và sắt đều phải được biệt ra thánh cho Đức Giê-hô-va, đều phải được nói rõ ràng cho toàn quân biết trước khi tiến hành cuộc đi vòng quanh thành bảy lần vào ngày thứ bảy.

Bởi vì, tiếng của Giô suê không thể nào được nghe khắp chung quanh thành. Vì tác giả cũng không mô tả chu vi của thành lớn hay nhỏ như thế nào, người đọc Kinh thánh không thể hình dung được toàn cảnh lúc Jericho bị sụp đổ thì vị trí của quân Israel có bao vây được khắp chung quanh thành, hay chỉ tập trung ở một phần nào đó của Jericho mà thôi. Cho nên, người ta đoán rằng lệnh của Giô suê đã được ban ra kỹ càng trước khi tiến hành cuộc đi vòng chung quanh thành vào ngày thứ bảy (16-19).

Hai thám tử đã lập giao ước với bà Rahab thấy dấu hiệu sợi dây màu điều mà họ bảo bà buộc ở cửa sổ vách thành, nơi bà đã thòng hai người xuống (Giô-suê 2:18), bấy giờ đã vâng lệnh Giô-suê vào nhà, “đem Rahab, cha mẹ, anh em cô, và mọi vật gì thuộc về cô ra khỏi nhà. Họ đem cả gia quyến cô ra và để ở bên ngoài trại quân Israel” (23).

Họ đã làm đúng giao ước đã hứa với Rahab; còn Rahab thì đã cứu được mạng mình và cả nhà mình do đã tỏ lòng nhân từ cứu mạng hai thám tử đến do thám Jericho hơn chục ngày trước đó. “Giô suê bảo tồn mạng sống cho kỹ nữ Rahab cùng cả nhà cha cô và mọi vật gì thuộc về cô. ….vì cô đã giấu sứ giả mà Giô-suê sai đi do thám Jericho” (25).

Còn mọi thứ khác trong thành đều bị phóng hoả, chỉ lấy mọi thứ bằng bạc, vàng, bình bằng đồng và bình bằng sắt nhập vào kho của Đền Tạm (24).

Sau khi thành Jericho bị thiêu huỷ, Giô-suê phát thề (có lẽ trước sự hiện diện của các trưởng tộc Israel): “Ai trỗi dậy và xây lại thành Jericho nầy, sẽ bị rủa sả trước mặt Đức Giê-hô-va! Ai đặt nền nó lại thì con trưởng nam mình phải chết; ai dựng cửa nó lại thì con út mình phải chết” (26).

Lời thề ấy đã được ứng nghiệm về sau (1Vua 16:34). Giô-suê đã phát lời thề mình như vậy để ngăn ngừa người ta xây dựng lại một thành phố thờ hình tượng. Bởi lòng kính sợ Đức Chúa Trời Giô-suê không muốn thành phố thờ hình tượng ấy được xây dựng lại.

Vậy, Đức Giê-hô-va ở với Giô-suê và danh tiếng ông đồn ra khắp xứ” (27). Người sống đẹp lòng Chúa sẽ được nổi danh mà không cần phải tự phô trương quảng cáo gì hết.

GioSue07.docx

Rev. Dr. CTB