Phục Hồi Chiến Thắng

Giô-suê, bài 09

Giô-suê 8:1–35

Trước khi vượt sông Jordan, Đức Chúa Trời phán với Giô-suê: “Chẳng phải Ta đã truyền phán với con sao? Hãy mạnh dạn, can đảm! Chớ run sợ, chớ kinh hãi! Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con vẫn ở cùng con trong mọi nơi con đi” (Giô-suê 1:9).

Bây giờ, sau khi đã trừng phạt kẻ phạm lỗi, Đức Chúa Trời lại bảo Giô-suê: “Đừng sợ, cũng đừng nản chí!” (1), tức là vẫn bảo đảm với Giô-suê rằng Ngài vẫn tiếp tục ở bên ông để giúp đỡ Israel.

Trước khi đánh sập thành Jericho, Tướng chỉ huy đạo quân của Đức Giê-hô-va đã đến để chỉ huy và chỉ dẫn Israel phải làm gì để chiếm được thành mà không bị tổn thất (Giô-suê 5:14).

Nhưng khi lên đánh thành A-hi, Chúa đã không đi với Israel vì có người phạm tội bất trung, không vâng lời và tham lam. Bây giờ Ngài trở lại để chỉ huy quân đội Israel như trước. Tuy nhiên, Giô-suê phải đem tất cả chiến sĩ ra trận.

A-hi tuy là một thành nhỏ, nhưng là một đồn luỹ chận đường quân Israel tiến chiếm đất hứa; vì thế Chúa hứa: “Kìa, Ta đã phó vua A-hi, dân chúng, thành trì, và đất đai của nó vào tay con” (1b).

Lệnh của Chúa là Giôsuê phải đối xử với A-hi và vua nó như đã đối xử với Jericho và vua nó (2). Ngài cũng dặn hãy dùng quân mai phục phía sau thành và kế nghi binh để dễ dàng chiếm thành.

Giô-suê vâng lời chỉ dẫn của Chúa, ông đem toàn thể chiến sĩ ra trận. Ông chọn ba chục ngàn quân tinh nhuệ làm đội quân mai phục. Lần trước, họ chỉ đem ba ngàn quân ra trận và bị đánh bại. Lần nầy, cả sáu trăm ngàn quân đều ra trận.

Ba chục ngàn quân dũng cảm đã lặng lẽ đi trong đêm tiến tới mai phục không xa phía sau thành A-hi. Giô-suê dặn họ khi nào quân A-hi bị nhử ra xa khỏi thành, thì đội quân mai phục sẽ tiến vào chiếm và phóng hoả thành ấy (3-8).

Khi đánh chiếm Jericho, lệnh của Chúa là vật gì có hơi thở đều sẽ bị tận diệt, ngoại trừ kỹ nữ Rahab và gia đình của cô ta (Giô-suê 6:21). Nhưng lần nầy đánh chiếm A-hi thì chỉ người A-hi phải bị diệt mà thôi, còn chiến lợi phẩm và súc vật thì Israel sẽ thu về cho họ (2).

Như thế, mặc dù dân A-hi là người Amorite, nhưng có lẽ họ khác với dân Jericho; bởi lẽ, mọi thứ của Jericho, từ hàng hoá cho đến thú vật, đều bị xem là vật đáng bị huỷ diệt (Giô-suê 6:18).

Lệnh chỉ huy, lời dặn dò và ám hiệu đã trao cho các chỉ huy trưởng đội quân tinh nhuệ để họ đi lúc đêm tối mai phục về phía Tây của A-hi; Giô-suê cùng với cả quân đội vẫn còn ở lại trại trong đêm ấy (9). Đến sáng, sau khi điểm quân, Giô-suê cùng các chỉ huy trưởng dẫn đại hùng binh Israel tiến về thành A-hi và đóng trại ở phía Bắc của thành, có một cái thung lũng ở giữa họ với thành A-hi (10-11).

A-hi nằm cách hai mươi lăm cây số về phía Tây-Tây-Bắc của Jericho. Còn trại quân của dân Israel vẫn đóng tại Gilgal dù đã đánh hạ Jericho rồi; cho nên, khoảng cách đi bộ từ Gilgal tới A-hi cũng khá xa.

Tới câu 12 thì chép rằng: “Giô-suê đem khoảng năm ngàn quân mai phục giữa Beth El và A-hi, về phía Tây của thành” (12). Sự sai biệt giữa con số ba mươi ngàn quân với năm ngàn quân là khó nghĩ. Tại sao có sự sai biệt đó?

Thứ nhất, một đội quân đông tới vài chục ngàn người cần phải kín đáo mai phục thì hơi khó. Thứ nhì là Giô-suê sai ba chục ngàn quân đi trước, nhưng sai thêm năm ngàn quân mai phục giữa Beth-El với A-hi; ba mươi ngàn quân đi trước cũng ẩn núp kín dưới các khe suối. Họ để trống con đường từ Beth-El tới A-hi về phía Bắc hai khe suối. Quân Beth-El không biết có mai phục. Sau khi đã dàn quân xong, Giô-suê dẫn quân vào thung lũng (13).

Vua A-hi và hết thảy quân đội của họ cùng tiến ra khỏi thành từ sáng sớm để giao chiến với quân Israel ở nơi đã định, tức là nơi có địa thế bằng phẳng (14). Giô-suê và quân đội của ông giả thua, bỏ chạy về hướng hoang mạc phía Jericho để dụ quân A-hi đuổi theo ra xa khỏi thành (15). Dân Amorite từ thành Beth-El cũng ra khỏi thành để rượt theo quân Israel (16-17).

Khi họ đã rượt theo quân Israel xa khỏi thành A-hi chừng một dặm rưỡi, vượt qua phần cuối của hai khe suối có quân Israel mai phục, thì Đức Chúa Trời bảo Giô-suê giơ ngọn giáo đang cầm trong tay hướng về thành A-hi (18).

Đó là ám hiệu mà các tiền sát viên của Israel đã được căn dặn, họ liền thông báo cho đội quân mai phục. Một phần đội quân nầy nhanh chóng chiếm và phóng hoả thành, đội còn lại chận đường không cho quân A-hi trở lại thành. Đó là lý do cần tới ba mươi lăm ngàn quân (19).

Bất cứ quân đội nào cũng dựa vào hậu phương để phòng thủ. Khi hậu phương bị thất thủ thì không còn chỗ nương tựa nữa nên hoàn toàn mất tinh thần. Hơn nữa, theo các sử gia phỏng đoán thì thành A-hi có khoảng vài ngàn quân cộng với vài ngàn quân Beth-El tới tiếp viện cũng không thể chống nổi quân đội Israel đông đảo, thiện chiến lại được Đức Chúa Trời ban phước trợ lực và bảo vệ.

Quân A-hi bị bao vây tứ phía, không còn đường chạy thoát nên bị tiêu diệt hoàn toàn (20-22). Tính khắc nghiệt của chiến tranh thời xưa cộng với lệnh của Đức Chúa Trời phải tiêu diệt hết dân Amorite, không chừa một người nào sống (Phục truyền 31:4-5), thì có vẻ quá tàn nhẫn đối với ý thức nhân đạo thời nay.

Nhưng người đọc Kinh-thánh cần phải nhớ lại lý do nào người Amorite phải bị tiêu diệt, vì đất đã mửa họ ra (Sáng thế 15:16; Lê-vi-ký 18:25, 27-28). Vì thế, mười hai ngàn cư dân của A-hi, cả nam lẫn nữ, đều bị tiêu diệt, không một người nào được để cho sống (23-26). Hãy để ý là hai thành đầu tiên bị Israel đánh chiếm đều bị hoàn toàn thiêu huỷ (27-29).

Không ai biết rõ sách Giô-suê được viết vào thời nào, căn cứ vào những câu ‘vẫn còn cho đến ngày nay’ ở rất nhiều chỗ trong sách, thì người ta đoán dù tác giả của sách sống sau thời Giô-suê nhưng có biết rõ mọi công trạng của Giô-suê, cộng với các tài liệu để lại, có lẽ do các thầy tế lễ ghi chép sử sách của Israel từ ngày ra khỏi Ai-cập.

Theo lời Môi-se truyền dặn: “Vậy, khi đã ở bên kia sông Jordan rồi thì anh em phải dựng các bia đá nầy trên núi Ebal và quét vôi như lệnh tôi truyền cho anh em ngày nay. Tại đó, anh em phải lập một bàn thờ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, một bàn thờ bằng đá chưa dục đẽo với dụng cụ bằng sắt. Anh em phải lập bàn thờ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng đá nguyên khối và dâng trên đó những tế lễ thiêu cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em” (Phục truyền 27:4-6), Giô-suê lập một bàn thờ cho Chúa trên núi Ebal (30).

Bàn thờ phải lập bằng các tảng đá nguyên khối xếp chồng lên nhau, chúng phải là đá chưa bị đục đẽo bởi dụng cụ bằng sắt (31). Khi làm điều nầy, Giô-suê thực hiện lời dặn của Môi-se (Phục truyền 11:29-30).

Không được dùng những tảng đá bị đẽo bằng sắt, vì đá đó đã bị ô uế: “Nếu con lập cho Ta một bàn thờ bằng đá thì không được dùng đá đẽo, vì nếu con dùng dụng cụ để đẽo thì con đã làm cho đá đó ra ô uế” (Xuất Ai-cập 20:25).

Tuy nhiên, phân đoạn Kinh thánh nầy (30-35) giống như nằm trật chỗ; bởi vì 8:29 và 9:1 mới có liên hệ nối tiếp nhau. Khoảng cách từ Gilgal tới núi Ebal là ba mươi dặm; trong khi Israel còn đang đóng trại ở Gilgal thì việc toàn dân tới đó có nhiều trở ngại.

Có lẽ họ phải đánh dẹp thêm nhiều chỗ nữa để được an toàn khi tập họp toàn thể dân chúng tới hai núi Garizim và Ebal để thực hiện các nghi lễ do Môi-se căn dặn phải làm khi vào xứ.

Tại đó, trước mặt dân Israel, Giô-suê cũng viết trên các bia đá một bản sao luật pháp mà Môi-se đã viết” (32). Các bia đá không phải là đá nguyên khối dùng làm bàn thờ, vì mặt đá ấy phải phẳng để viết vào.

Có nhiều ý kiến khác nhau về câu ‘một bản sao luật pháp.’ Vì có thể là tất cả các điều luật, hay chỉ là mười điều răn, hoặc sách Phục Truyền, hay tất cả sáu trăm mười ba giới luật chứa trong Ngũ kinh. Các học giả Kinh thánh cũng tin rằng ông Giô-suê viết lên trên các bia đá đã được tô vôi trắng, là cách dễ nhất, nhưng giữ được lâu dài nhất. Đó cũng là lệnh truyền của Môi-se bảo Israel phải làm sau khi qua sông Jordan (Phục Truyền 27:2-5).

Chắc chắn là sự việc nầy phải diễn ra về sau; bởi vì trong số người tham dự buổi lễ còn có những khách lạ lẫn người bản xứ (33). Vì “Giô-suê đọc toàn thể luật pháp, gồm lời chúc lành và lời rủa sả như chép trong sách luật pháp” (34), nên người ta có thể căn cứ trên câu nầy mà đoán về ‘bản sao luật pháp.

Giô-suê không bỏ sót một lời nào Môi-se đã truyền cho dân (35). Sự vâng lời và trung thành của Giô-suê đáng cho chúng ta học gương của ông.

Nếu mọi người trong Hội thánh của Chúa có tâm tình giống như Giô-suê, thì mọi việc trong Hội thánh sẽ không gặp nhiều trở ngại.

Giosue09.docx

Rev. Dr. CTB