Giô-suê, bài 13
Giô-suê 13:1 – 14:15
Từ đoạn nầy trở đi được xem như phần thứ nhì của sách Giô-suê. Phần thứ nhất chép lại lịch sử cuộc chinh phục vùng đất hứa, phần thứ nhì của sách nói về việc phân chia đất đai cho các chi tộc Israel.
Sau một thời gian dài chinh chiến, tiêu diệt các dân tộc bị Đức Chúa Trời định phải bị tiêu diệt, tới thời kỳ nầy thì Giô-suê đã già, tuổi đã cao (1). Không chỗ nào trong Ngũ Kinh ghi rõ số tuổi của Giô-suê. Chỉ trong sách nầy ghi ông qua đời vào năm 110 tuổi (Giô-suê 24:29); vậy thì người ta phải tìm hiểu bằng cách so sánh các giai đoạn chính của cuộc hành trình từ Ai-cập về miền đất hứa.
Theo sách Seder Olam Rabbah của người Do-thái thì Giô-suê lãnh đạo Israel được 28 năm rồi qua đời. Có lẽ họ tính số tuổi của ông lúc khởi đầu cuộc hành trình về đất hứa thì ông đã 42 tuổi. Sau khi Môi-se qua đời, Giô suê bắt đầu lãnh đạo Israel thì đã 82 tuổi.
Sau bảy năm chinh chiến, đánh dẹp các dân tộc ở xứ Canaan, Giô-suê đã chiếm hết miền bắc và nam xứ Canaan (Giô-suê 11:23) để có thể tạm yên ổn mà chia phần sản nghiệp cho chín chi tộc rưỡi còn lại của dân Israel.
Theo các sách lịch sử của người Do-thái thì sau bảy năm chinh phục, Israel dành thêm bảy năm nữa để chia đất và ổn định cuộc sống ở vùng đất mới.
Ngày Đức Chúa Trời phán với Giô-suê là ông đã già, tuổi đã cao, thì ông đã gần 90 tuổi. Thế mà đất phải chiếm thì còn nhiều lắm.
Chúa chỉ cho thấy các vùng đất chưa chiếm được: Đất của người Philistines ở góc Tây Nam của xứ Canaan; sở dĩ đất nầy được kể là xứ Canaan vì dân Cáp-tô từ đảo Crête đã xâm lăng xứ Canaan từ trước thời Abraham di cư đến đó. Họ tiêu diệt và đuổi cư dân Avim ở đó đi nơi khác (Phục truyền 2:23). Tuy vậy, nhiều người Avim chạy thoát, tụ tập lại và thành lập xứ mới không xa chỗ cũ của họ. Vì thế, đất của người Philistines thì Chúa đã định cho dân Israel (2-4).
Dân Ghê-su-rít nằm ở phía Đông Bắc của xứ Canaan; còn dân Ghi-bê-lít nằm ở phía Bắc của phần đất đã chiếm, các cư dân miền núi và cả dân Sidon đều sẽ bị Đức Chúa Trời đuổi đi vì phần đất họ đang ở sẽ được ban cho Israel (5-6). Còn nhiệm vụ trước mắt của Giô-suê là chia phần sản nghiệp đất đai cho từng chi tộc (7).
Như đã biết trong các bài học trước của sách Dân-số và Phục Truyền, hai chi tộc Reuben và Gát cùng với nửa chi tộc Manasseh đã được chia phần đất đã đánh chiếm của các vua Amorite ở phía đông sông Jordan rồi. Nhưng phần đất Ga-la-át thuộc phía bắc của miền đất ở bờ đông sông Jordan thì vẫn còn hai dân tộc địa phương là Ghê-su-rít và Ma-ca-thít sống ở đó.
Trước khi vượt sông Jordan, các chi tộc Manasseh và Gát chưa kịp đuổi các dân ấy đi, thì các chiến sĩ của cả ba chi tộc đều phải đi theo trại quân Israel để giúp anh em chiếm đất; những người ở lại là đàn bà, con trẻ thì không đủ sức đánh dẹp các dân tộc ấy (8-13).
Theo lệnh của Đức Chúa Trời, người Lê-vi không được cấp đất làm sản nghiệp như các chi tộc khác, “vì Giêhôva Đức Chúa Trời của Israel là sản nghiệp của họ như Ngài đã phán với Môi -se” (14).
Chi tộc Reuben được chia cho phần phía Nam dọc theo sông Jordan (15-23); chi tộc Gát được chia cho vùng Galaát cũng dọc theo phần phía bắc của sông Jordan (24-28); còn nửa chi tộc Manasseh thì được cấp cho toàn cao nguyên Ba-san và một nửa xứ Ga-la-át (29-33).
Về phía Tây của sông Jordan thì các vùng đất đã chiếm được hoặc chưa chiếm xong, thì được chia cho chín chi tộc và nửa chi tộc Manasseh còn lại (14:1-5). Trong phần ký thuật chia đất nầy, tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng Lê-vi không được cấp đất nào làm sản nghiệp, chỉ được cấp thành để ở và theo phiên thứ phục vụ Chúa tại Đền Tạm vào lúc đó và Đền Thờ sau nầy (14:4).
Trong mười hai thám tử được Môi-se phái đi từ Kadesh-barnea dọ thám vùng đất của dân Amorite vào năm thứ nhì trên đường về đất hứa (Dân số 13:1-24), thì có hai người đầy đức tin là Giô-suê, con trai của Nun, thuộc chi tộc Ephraim, và Caleb, con trai của Jephunneh, thuộc chi tộc Giu-đa, mặc dù Jephunneh là người Kê-nít, nhưng mẹ của Caleb thuộc chi tộc Judah.
Ngày Caleb được sai đi do thám xứ, thì ông đã được bốn mươi tuổi, tức là ông được ba mươi tám tuổi lúc ra khỏi Ai-cập. Sau bốn mươi năm đi trong hoang mạc và bảy năm đánh chiếm xứ, Caleb đã được tám mươi lăm tuổi vào ngày chia xứ cho các chi tộc (14:6-10). Mặc dù vậy, Caleb vẫn mạnh khoẻ để vào ra mà đánh giặc.
Ngày đi do thám, ông đã thấy giống người khổng lồ Anakim cư trú ở vùng Hebron. Bây giờ, ông xin Giô-suê giao cho ông vùng đồi núi Hebron để ông đánh chiếm làm sản nghiệp. Giô-suê đồng ý cấp vùng Hebron cho Caleb làm sản nghiệp “vì ông trung thành vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel”
Khi xưa, Hebron gọi là Kirjath-Arba, có nghĩa “Arba là cha của Anak,” (Giô-suê 21:11) là người cao lớn hơn hết trong dân Anakim” (14:11-15).
Kirjath-Arba là nơi bà Sarah, tổ mẫu của người Israel đã qua đời và được Abraham an táng trong hang đá Machpelah phía đông Mamre, tức là Hebron về sau (Sáng thế 23:2, 19).
Khi nói rằng “Từ đó về sau, xứ sở được bình yên, không còn giặc giã” (14:15b), có nghĩa là việc toàn quân đội Israel tham gia các chiến dịch đánh chiếm đất của các dân tộc sống trong xứ Canaan đã tạm xong để các chiến sĩ của hai chi tộc Reuben và Gad với nửa chi tộc Manasseh có thể về bên kia sông Jordan, nơi họ đã được chia cho sản nghiệp, có vợ con họ chăn giữ các bầy gia súc trong những năm dài chinh chiến.
Về sau nầy, những trận đánh chiếm đất là của từng chi tộc chịu trách nhiệm để đuổi những dân của xứ Canaan còn sót lại.
Giosue13.docx
Rev. Dr. CTB