Nữ Quan Xét Deborah

Quan Xét, bài 05

Quan Xét 4:1–24

Sau tám mươi năm bình an, đáng lẽ người Israel phải vững vàng trong lòng tin của mình vào Đức Chúa Trời, nhưng sự bình an ấy lại khiến họ chiều chuộng dục vọng của xác thịt. Việc ấy bộc lộ ra sau khi Ehud qua đời, vì “dân Israel lại làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va” (1).

Điều ác dưới mắt Chúa là sự bắt chước các dân tộc Canaan thờ thần tượng, điều mà Đức Chúa Trời đã nhiều lần cho họ biết sự nghiêm cấm của Ngài. Tình trạng ấy chẳng phải điều gì mới, vì Israel bị tai hoạ do vi phạm luật pháp của Chúa, họ kêu van xin Ngài giải cứu, sau khi được thoát khỏi tai hoạ và hưởng sự bình an thì lại tính nào tật nấy.

Lịch sử ấy cứ tiếp tục lặp lại trong thực trạng tín hữu ngày nay. Nó giống như một cái gương soi phản chiếu chính xác hình ảnh thật bên ngoài; vì vô số tín đồ của Hội Thánh thời nay có cách sống đạo chẳng khác gì dân Israel ngày xưa hết.

Bị bán cho một kẻ thù nào đó tức là không có sức chống cự, phải hoàn toàn bị đè nén trấn áp bởi kẻ thù ấy. Jabin là danh hiệu một ông vua của một vùng ở Canaan, không phải tên riêng của một người. Vua ấy trị vì tại thành Hazor, một thành lớn bị đại bại dưới tay Giô-suê trước kia (Giô -suê 11:1, 10), nhưng nay nó thuộc về lãnh thổ của Nép-ta-li (Giô-suê 19:36). Lúc ấy Sisera là chỉ huy trưởng quân đội của Jabin ở tại Harosheth.

Bị gọi là đất của dân ngoại (2) trong khi nó thuộc lãnh thổ của Nép-ta-li nghĩa là cư dân ở đó lẫn lộn, vừa người Israel, vừa các sắc dân Canaan. Xe bằng sắt có nghĩa là chiến xa bằng gỗ bọc sắt; vì trước đó Israel đã từng thiêu rụi chúng rồi (Giô-suê 11:9). Kỳ nầy, Israel bị Jabin đè nén một cách tàn bạo tới hai mươi năm, nên họ kêu cứu đến Chúa (3).

Hễ phản Chúa thì bị tai hoạ; và Chúa dùng tai hoạ để cảnh tỉnh dân của Ngài. Nếu không có tai hoạ chắc dân Israel bị hư vong vĩnh viễn. Một điều rất lạ vào lúc ấy là dân Israel chịu sự phân xử của một phụ nữ làm quan xét.

Bà Deborah được gọi là nữ tiên tri vì bà được ban cho các năng lực đặc biệt: Một thi sĩ, một người có ơn tiên tri, một phụ nữ rất can đảm, và khả năng sáng suốt phân xử các vụ kiện tụng giữa dân Israel thuộc các chi tộc Sa-bu-lôn và Nép-ta-li.

Deborah nghĩa là con ong, mật ngọt đối với bạn bè nhưng là nọc độc chích cho kẻ thù phải đau đớn. “Bà thường ngồi dưới cây chà là Deborah, trong vùng đồi núi Ép-ra-im, khoảng giữa Rama và BethEl, và dân Israel đến với bà để được phân xử” (4–5).

Trong vai trò quan xét do lệnh truyền từ Đức Chúa Trời, bà sai gọi ông Barak, một người phải nổi danh về tính can đảm và khả năng chiến đấu, bởi vì Barak có nghĩa là sấm chớp (lightning). Kedesh nghĩa là thành phố thánh (6).

Bà nói với Barak: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel đã truyền lệnh nầy cho ông: ‘Hãy đi, đem theo mười ngàn người thuộc con cháu Nép-ta-li và Sa-bu-lôn và dàn trận trên núi Tabor. Ta sẽ khiến Sisera là chỉ huy trưởng quân đội vua Jabin đem xe cộ và quân lính đến giao chiến với con tại suối Kishon, và Ta sẽ phó hắn vào tay con’” (6–7).

Tabor là một ngọn núi thấp có đỉnh bằng phẳng và khá rộng, rất dễ lập tuyến phòng thủ và quan sát khắp chung quanh rất thuận tiện. Vì nơi nầy thuộc lãnh thổ của Nép-ta-li gần Sa-bu-lôn, nên quân sĩ sẽ tham gia trận chiến phải là dân của hai chi tộc nầy.

Barak nói với bà Deborah rằng: “Nếu bà đi với tôi thì tôi sẽ đi, nhưng nếu bà không đi với tôi thì tôi sẽ không đi” (8). Mặc dù Barak là một người mạnh dạn, nhưng ông vẫn chưa dám ra trận một mình, vẫn phải dựa vào khả năng nghe tiếng Chúa của bà Deborah.

Deborah cho biết sẽ sẵn sàng đi với Barak, nhưng vinh quang của cuộc chiến thắng sẽ không thuộc về ông mà thuộc về một phụ nữ, rồi Deborah cùng đi với Barak đến Kedesh để tụ tập quân lính (9). Barak tập họp được mười ngàn quân thuộc hai chi tộc Sa-bu-lôn và Nép-ta-li rồi cùng với Deborah kéo quân tới núi Tabor (10).

Người Kenite đang sống ở xứ Canaan là dòng dõi của Hobab, anh vợ của ông Môi-se. Heber là một trong những người Kenite du mục đã tách ra khỏi gia đình để có đủ chỗ cho đàn gia súc của mình gặm cỏ. Vì vậy, gia đình Heber đóng trại ở cánh đồng có tên là Zaanaim, vì nơi ấy có cây sồi lớn được đặt tên là Zaanaim (11).

Câu chuyện đến đây đề cập tới gia đình Heber, người Kenite, vì có liên quan tới kết quả của trận chiến giữa Israel, do Barak lãnh đạo, với quân Canaan, do Sisera chỉ huy.

Khi Sisera được tin báo rằng “Barak, con trai Abinoam, đã lên núi Tabor” (12) với quân đội của mình, thì Sisera tập trung tất cả chín trăm chiến xa bọc sắt và toàn thể quân lính của ông ta từ Harosheth của dân ngoại, tức là Harosheth-haggoim, cho tới Kishon, bây giờ gọi là Nahr Mukutta (13). Sở dĩ Sisera huy động toàn lực lượng để tấn công quân Israel vì trong hai mươi năm qua, chưa có cuộc khởi nghĩa dấy loạn nào có vẻ lớn như lần nầy.

Hơn nữa, Sisera vẫn tin cậy vào tính hiệu quả của các chiến xa bọc sắt không sợ giáo mác hay cung tên nào bắn thủng được. Sisera kéo toàn lực lượng hùng hậu của mình tới núi Tabor, nơi đồn quân của Israel đang đóng trên núi, quyết tâm đánh bại quân Israel.

Bà Deborah thúc giục Barak: “Hãy vùng lên! Vì đây là ngày Đức Giê-hô-va phó Sisera vào tay ông. Không phải Đức Giê-hô-va đi trước ông sao?” (14). Sisera từ xa kéo tới, đội quân mười ngàn người của Barak cũng xuống núi để giao tranh với quân lực hùng hậu của Sisera.

Cách toan tính hay sách lược của loài người không thể thắng được ý muốn của Đức Chúa Trời. Đoàn quân của Barak dù khá đông nhưng là một đoàn quân ô hợp, không phải là một đội quân nhà nghề của Sisera với chiến xa bọc sắt. Nhưng “Đức Giê-hô-va làm cho Sisera và tất cả xa cộ cùng toàn thể quân lính của hắn chạy hoảng loạn trước lưỡi gươm của Barak. Sisera xuống khỏi xe và chạy trốn” (15). Sử gia Do-thái Josephus mô tả cách Đức Chúa Trời làm cho Sisera thất bại:

Khi hai bên kéo đến gần nhau thì một cơn giông dữ dội giáng xuống với nước mưa và mưa đá; gió thổi mưa dội vào mặt người Canaan, khiến họ tối tăm mặt mũi. Lính bắn cung và lính ném đá trở nên vô dụng, còn quân mặc giáp nặng nề của họ bị hơi lạnh làm cho không sử dụng gươm được. Quân Israel vì ở đầu gió, nên không bị thiệt hại gì, và tình hình đó khiến họ lên tinh thần, thêm can đảm vì tin rằng Đức Chúa Trời đang giúp đỡ họ, tiến lên giết nhiều quân thù

Sự mô tả trên không phải do Josephus tưởng tượng, mà ông dựa vào bài ca chiến thắng của Deborah (Quan Xét 5:20-22).

Sisera thấy chiến xa bọc sắt của mình thành vô dụng nên tuột khỏi xe, chạy trốn khỏi chiến trường. Tại sao Sisera không dùng chiến xa của mình để chiến đấu mà tuột xuống xe chạy trốn? Với mưa giông như vậy, chiến xa bị mắc lầy trở thành vô dụng; hơn nữa, xe của tướng chỉ huy dễ bị nhận diện, Sisera sợ bị quân Israel xúm lại giết chết, nên bỏ xe chạy trốn là cách tốt nhất để cứu mạng.

Quân Israel đuổi theo các chiến xa chạy trốn và giết hết quân địch (16). Sisera chạy trốn tới trại của Jael, vợ Heber người Kenite, vì Jabin, vua Hazor, và Keber hoà hiếu với nhau (17). Jael ra đón, mời Sisera vào năm nghỉ, lấy mền đắp cho ông ta đỡ lạnh, có lẽ vì ướt nước mưa (18). Jael cho Sisera uống sữa vì hắn ta khát nước, rồi trùm hắn lại. Sisera yên tâm nằm ngủ vì nghĩ rằng mình đang ở nhà một người đồng minh và được che giấu cẩn thận (19-21a).

Jael lấy một cái cọc lều, tay cầm búa, có lẽ là một cái dùi gỗ nặng, nhẹ nhẹ đến bên Sisera và đóng cây cọc xuyên qua màng tang, giết chết dũng tướng Sisera của vua Hazor Jabin (21b).

Barak đuổi theo tới nơi được Jael ra đón và chỉ cho thấy Sisera đã bị bà giết chết, đúng theo lời tiên báo của Deborah là “Đức Giê-hô-va sẽ phó Sisera vào tay một phụ nữ” (9); mặc dù trước đó Deborah thuật lại lệnh truyền của Đức Chúa Trời cho Barak hãy chiêu mộ mười ngàn quân Nép-ta-li và Sa-bu-lôn, Ngài sẽ phó Sisera vào tay Barak (7).

Tuy Barak và quân của mình đánh bại quân của Sisera, nhưng vinh quang lại thuộc về Jael, vợ của Heber người Kenite, người đã giết chết Sisera bằng một cây cọc lều đóng xuyên qua màng tang. Barak chỉ chứng kiến Sisera bị giết chết (22).

Bị thua trận, quân lính bị diệt sạch, Jabin phải bị dân Israel khuất phục và đè nén cho đến khi bị tiêu diệt. Một lần nữa, Đức Chúa Trời giải cứu Israel và tiêu diệt kẻ thù hãm hại dân Ngài.

Bài học từ xưa vẫn còn thích hợp trong mọi thời đại đối với tất cả con cái Chúa (23-24).

QuanXet05.docx

Rev. Dr. CTB