Truyền Giáo Vững Vàng, bài 08
Giăng 15:1–17
Luôn luôn được ở trong Đức Chúa Jesus là phước hạnh mà mọi tín đồ thật của Ngài đều ước ao. Mặc dù Ngài đã dạy rõ ràng rằng điều kiện để được ở trong Ngài là các môn đồ phải giữ điều răn yêu thương lẫn nhau mà Ngài truyền cho họ; nhưng vì có rất nhiều tín hữu của Hội Thánh chưa biết họ cần phải làm gì để thực hiện được sự yêu thương lẫn nhau đúng với ý định mà Đức Chúa Trời muốn Hội Thánh Ngài phải đạt đến.
Vì người ta thường hiểu khác nhau về cách bày tỏ tình yêu thương đối với anh chị em trong Chúa, không phải mọi suy nghĩ đều giống nhau; nên để có thể hiểu vấn đề một cách chính xác, chúng ta sẽ xem xét mối liên hệ với nhau giữa mọi người đang được ở trong Chúa thì như thế nào. Sau đó, chúng ta có thể suy ra sự yêu thương lẫn nhau là gì.
Để có thể thấy được các đặc điểm cụ thể của mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau giữa các con cái Chúa là như thế nào, trước hết, hãy tìm ý nghĩa thật của sự tin Chúa.
Rất có thể rằng nhiều người đã nhắm tới nhiều mục tiêu khác nhau khi tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Mục tiêu đầu tiên là được cứu thoát khỏi sự trừng phạt ở đời sau. Ý hướng đó chẳng có gì sai, bởi vì một trong các mục đích của Đức Chúa Trời khi Ngài thực hiện ơn cứu rỗi, là giải thoát loài người khỏi cơn huỷ diệt chắc chắn sẽ đến trên khắp thế gian.
Mặt khác, có người còn mong được phước vật chất lẫn tâm linh cộng thêm ơn cứu rỗi. Có người chỉ ước ao được bình an trong tâm hồn. Mặc dù mọi ước muốn ấy đều là lành mạnh, nhưng Đức Chúa Trời muốn nhận được gì từ lòng của người muốn bày tỏ một tâm linh thật sự thờ kính Ngài?
Những người Do-thái trong thời Cựu Ước đều tưởng rằng Đức Chúa Trời muốn họ dâng các tế lễ thiêu bằng hàng ngàn chiên đực, hàng vạn sông dầu, con đầu lòng là bông trái của thân thể họ thì có thể xoá bỏ tội lỗi họ đã phạm.
Nhưng Chúa trả lời qua vị tiên tri: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện, điều mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi ngươi. Đó chẳng phải là làm điều công chính, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Michê 6:8).
Vậy, thực chất của lòng tin phải có trong mỗi người chúng ta là biết thờ kính Chúa đúng với điều Ngài đòi hỏi. Làm điều công chính, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Chúa là thái độ và cách cư xử của chúng ta đối với người chung quanh mình. Mà những người gần gũi nhất để chúng ta phải bày tỏ lòng yêu thương là anh chị em ở trong một hội chúng địa phương.
Thế thì, thờ phượng và phục tùng Đức Chúa Trời trong mọi lãnh vực của đời sống là sự biểu lộ lòng tin Ngài; nhưng sự bày tỏ tình yêu thương đối với các anh chị em khác trong thân thể của Chúa, tức là Hội Thánh địa phương, mới là thực chất của đức tin mà mình tuyên xưng.
Tình hiệp thông giữa con cái Chúa với nhau đã trở thành một sức thu hút đặc biệt đối với người chưa tin ở chung quanh chúng ta: “Ngày nào họ cũng chuyên tâm đến đền thờ; và từ nhà nầy đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành, ca ngợi Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người. Mỗi ngày, Chúa thêm số người được cứu vào Hội Thánh” (Công vụ 2:46–47).
Mặc dù tinh thần thờ phượng phải phát xuất từ trong tâm linh của mỗi người, nhưng khuôn mẫu của thiên đàng là thờ phượng tập thể (Khải 5:11–13). Đó là lý do mà ngày nay chúng ta có giờ thờ phượng tập thể của cả Hội Thánh để mọi người có cơ hội hoà nhập không khí thiên đàng.
Tuy nhiên, người tin chỉ có thể thờ kính và tùng phục Chúa khi người đó đã được tái sinh và thánh hoá con người bề trong.
Nhưng làm thế nào một tập thể nhiều người có thể đồng lòng hiệp ý thờ phượng Chúa được? Câu giải đáp nằm trong lời Đức Chúa Jesus xưng Ngài là cây nho thật, tất cả những ai tiếp nhận Ngài làm Chúa của đời họ đều là các nhánh của cùng một gốc nho.
Nếu mọi cành nhánh của cây nho đều phải dính liền với thân, nhận nhựa sống từ thân cung cấp, thì tất cả cành nhánh ấy đều phải có liên hệ mật thiết với nhau. Hễ cành nào rời ra thì chết. Chúng ta có thể đồng lòng hiệp ý thờ phượng Chúa được khi chúng ta thật sự là những cành còn dính liền với gốc nhờ mối liên hệ mật thiết với Chúa và với nhau trong tình hiệp thông của Đức Thánh Linh.
Từ chỗ đó, mối hiệp thông giữa mọi con cái Chúa với nhau là yếu tố sống còn đối với sự trưởng thành và tăng trưởng của Hội Thánh. Ai không chịu hiệp thông với Hội Thánh, tách rời, không muốn dính với gốc, thì đời sống tâm linh vẫn tiếp tục èo uột, không thể nào kết quả được.
Nhờ các dấu hiệu nào mà chúng ta biết rõ mình đang được ở trong Chúa, tức là dính liền với gốc nho? “Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được” (Giăng 15:5).
Quả đây là hoa trái do quyền phép của Đức Thánh Linh hành động trong lòng tín hữu sinh ra. Vậy, hễ chúng ta nhận ra các hoa trái của Đức Thánh Linh kết quả trong mình, thì biết chắc mình đang được ở trong Chúa và Chúa đang ở với mình.
Trái của Đức Thánh Linh gồm có “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, và tiết độ” (Galati 5:22).
Các thứ hoa trái nầy chứng tỏ người mang chúng đã được tái sinh, đang trên con đường thánh hoá, và chắc chắn có khả năng dẫn đưa người chưa tin đến với Chúa.
Nguyên nhân nào giúp chúng ta biết mình có thể truyền giáo thành công?
Bất cứ cành nhánh nào dính liền với thân và gốc cây thì nhận nhựa sống của thân truyền cho. Nhánh hay cành đó không tự tiết ra nhựa, nó chỉ là ống dẫn mà thôi. Người bắt đầu có hoa trái từ Đức Thánh Linh sẽ trở nên ống dẫn quyền phép của Chúa bởi thẩm quyền trong Danh Đức Chúa Jesus và uy quyền thập tự giá chiến thắng của Đấng Christ.
Nếu Đức Chúa Jesus vẫn dùng quyền phép chữa bệnh khiến người ta tin Ngài, thì Ngài sẽ sử dụng những người muốn làm ống dẫn cho quyền phép Ngài được thể hiện, để người chưa tin sẽ thấy phép lạ, bị phép lạ ấy thu hút và thuyết phục rằng Đức Chúa Jesus đã trao thẩm quyền giải quyết những khó khăn trong thế gian cho Hội Thánh Ngài.
Những việc đó đã không thường xảy ra vì cách suy diễn sai trật của loài thần học từ chối quyền phép siêu nhiên đang hoành hành trong các nhà thờ thiếu đức tin.
Bởi các đặc điểm trên, chúng ta trở lại suy gẫm ý nghĩa thật của người ở trong Chúa và được Chúa ở trong mình liên quan ra sao tới sự thờ phượng của mỗi cá nhân và sự hiệp thông của Hội Thánh.
Những người đã thật lòng tin Chúa và đang hưởng các lợi ích được ở trong Ngài thì chấm dứt những ước vọng ích kỷ, bắt đầu hoạt động mạnh mẽ cho lợi ích chung của Vương quốc Chúa và sức khoẻ tâm linh của Hội Thánh địa phương.
Đó là những người có đời sống thờ phượng cao vượt xa hơn mọi lề thói tầm thường của số người giữ lễ mà không thể hoà nhập với sức sống vận hành của Đức Thánh Linh trong không khí thờ phượng của cõi thiên đàng.
Người đang được tình yêu thương của Chúa ở trong mình và đang ở trong tình yêu thương chăm sóc của Ngài là người coi trọng sự hiệp thông với nhau trong vòng con cái Chúa là yếu tố tạo nên sức mạnh truyền giáo rất hiệu quả. Đó là những người gắn bó với Hội Thánh và xây dựng mối dây hiệp nhất.
Đó là những người có mối liên hệ thân thiết với Chúa và luôn luôn vâng lời Ngài. Uy quyền và thẩm quyền Chúa ban sẽ tiếp tục ở trên người nào sẵn lòng nhường cho Ngài sử dụng mình giúp ích cho sự tăng trưởng của Hội Thánh và mở mang Vương quốc Đức Chúa Trời.
Người ở trong Chúa, thờ phượng Ngài bằng cách hết lòng phục vụ Ngài và hiệp thông với mọi con cái khác của Chúa, sẽ có khả năng hiểu biết những ý nghĩa sâu nhiệm của Kinh Thánh, khả năng đào tạo môn đồ cho Đức Chúa Jesus.
Người ấy cũng biết Ngài sử dụng mình như một cái ống dẫn quyền phép của Ngài, chứ tự mình chẳng có gì hết; biết rằng được sở hữu uy danh Chúa và thẩm quyền thập tự giá là nhờ duy trì được địa vị ở trong Chúa mà thôi.
Dấu hiệu để biết mình chưa được tái sinh cũng chưa được thánh hoá là khi mình né tránh sự thờ phượng Chúa, không tham dự các buổi học Kinh Thánh, né tránh các buổi nguyện chung của anh chị em trong Hội Thánh.
Vì vậy, để giải quyết những sự trục trặc và trở ngại mà Hội Thánh đang phải đối diện triền miên, không thể phát triển nổi, chúng ta phải chân thành thờ phượng Chúa và hiệp thông với nhau bằng tình yêu thương và chân thành phục vụ lẫn nhau.
TruyenGiaoVungVang08.docx
Rev. Dr. CTB