Tại Sao Suy Đồi?

Truyền Giáo Vững Vàng, bài 14

Rôma 1:21–25

Không một tín hữu nào đang tin Chúa và có đời sống tâm linh tốt đẹp bình thường, sau một đêm ngủ thức dậy bỗng trở chứng sống đời tội lỗi. Cũng không một người nào đang hiền lành sau một đêm bỗng quyết định lập mưu giết người khác ý kiến với mình. Những tên trộm chuyên nghiệp không xuất thân từ một người đạo đức bất thình lình đổi ý đi ăn trộm.

Bất cứ sự suy đồi nào cũng phải trải qua một tiến trình từ cao xuống thấp. Những con người hành xử xấu xa trong thế giới loài người đều là hậu quả của một tiến trình nào đó tạo nên.

Ví dụ như tình trạng giới trẻ vô lễ và sự đảo lộn luân thường đạo lý trong người Việt là hậu quả của một xã hội giành giật lừa đảo để tồn tại của giới cầm quyền và chủ trương dối trá của một nền giáo dục bịp bợm gây ra.

Đời sống đức tin của chúng ta cũng vậy; cách sống đạo yếu đuối và lòng tin bị phôi pha theo một chiều hướng sai lạc, thì đời sống tâm linh ngày càng suy đồi theo một quy luật nhất định. Hễ không chịu thực hành điều mình phải làm thì sẽ dẫn tới hậu quả không theo ý mình muốn.

Bởi vì ai cũng ước mong được ở trong Chúa, được hưởng các phước lành và bước đi vững vàng trên con đường thánh hoá, nhưng chúng ta thường ngạc nhiên vì thấy đời sống tâm linh mình không tăng trưởng mà ngày càng thoái hoá.

Để biết cách chấn chỉnh các nhược điểm và thoát khỏi sự suy đồi trong đời sống tâm linh, chúng ta cần biết những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng suy đồi của tâm linh con người. Hãy quan sát các nguyên nhân khiến người ta phạm tội và sa bại.

Rôma 1:21 nói rằng: “Vì mặc dù đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài, nhưng cứ suy luận viển vông; lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối.

Thế thì bước đầu tiên dẫn tâm linh con người vào sự suy đồi là không chịu tôn cao Đức Chúa Trời. Tôn cao có nghĩa là vinh danh Đức Chúa Trời. Trong sự vinh danh có tôn trọng, ca ngợi, tôn vinh, ca mừng, thờ phượng, và vui hưởng các ơn phước thiên đàng.

Sự tôn cao Chúa không phải chỉ là tham dự sinh hoạt ca hát tôn vinh thờ phượng ở nhà thờ là đủ, mà phải thiết lập trong lòng một nếp sống thờ phượng; nếp sống ấy biểu lộ tâm linh yêu kính Chúa trong mọi sinh hoạt hàng ngày.

Bởi vì người có nếp sống thờ phượng không cần phải nỗ lực phô diễn gì hết, sự yêu kính ấy tự biểu lộ qua hành vi tôn cao, yêu mến và hết lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

Tôn cao là yêu kính và thờ phượng. Chúng ta đã học nhiều lần rằng thờ kính Chúa là đặt Ngài lên ngôi cao nhất trong lòng mình.

Tại sao có vô số người xưng là con cái Chúa nhưng không thờ kính Ngài mà thờ kính người khác? Bởi vì họ chưa bao giờ đặt Chúa lên ngôi cao nhất trong lòng họ; danh của Chúa thì quen thuộc, nhưng thân vị của Chúa thì xa lạ với những người ấy. Họ chưa bao giờ có mối liên hệ tương giao gì với Ngài, nên rất xa lạ đối với Thần Linh của Đức Chúa Trời.

Hậu quả đối với tâm linh những người như vậy là đời sống đạo đức hoàn toàn suy đồi. Họ xem sự dối trá không phải là tội lỗi gì đáng quan tâm, miễn là đạt mục đích về một tham vọng vật chất nào đó trong đời. Ví dụ hàng mấy trăm ngàn người từ Trung Mỹ nói dối để mong được hưởng quy chế tị nạn tại Mỹ, mà nhiều nhà thờ chẳng khi nào lên án hình thức nói dối đó, vì muốn có thêm tín đồ.

Không phải chỉ tôn cao là đủ, nhưng phải tôn cao một cách xứng đáng với sự vĩ đại của Đức Chúa Trời; đó chính là sự thiếu sót của chúng ta khi chúng ta chưa ý thức đủ về tầm mức vô biên của Chúa chúng ta.

Tại sao có tình trạng đó? Chúng ta thường quên rằng Đức Chúa Trời không phải là một thần linh trong số nhiều thần linh của các tôn giáo thế gian.

Vì ai nghĩ như vậy là hạ thấp Chúa của mình ngang hàng với các thứ thần linh giả hiệu. Chính vì thế mà nhiều tín hữu sợ quỷ hơn là kính sợ Chúa.

Bước đầu tiên dẫn tới đời sống tâm linh suy đồi là “không tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời.” Hãy nhớ rằng Chúa chúng ta là Đấng Chủ Tể trên linh giới và trần giới khắp vũ trụ, không một ai xứng đáng ngang hàng với Ngài.

Nếu ai trong số con cái Chúa thấy tâm linh mình chưa mạnh mẽ như đáng phải có, thì phải hiểu mình chưa tôn cao Chúa như đáng phải làm.

Bước thứ nhì trên con đường đi xuống là “không tạ ơn Chúa.” Thực tế nầy hoàn toàn đúng trong đời sống của hầu hết con cái Chúa. Mặc dù chúng ta nói lời tạ ơn Chúa khi thờ phượng và cầu nguyện, nhưng sau đó thì thường xuyên phàn nàn về những điều không được như ý hoặc bất cứ việc gì xấu mình thấy xảy ra trong xã hội.

Sự phàn nàn về một số điều bất như ý thì không ai xem đó là tội lỗi, nhưng cũng không ai thấy việc mình không tạ ơn Chúa là hậu quả của sự không tôn cao Đức Chúa Trời.

Những ai thường xuyên tôn cao Chúa thì cũng có khả năng nhận ra việc Chúa làm để tạ ơn Ngài. Bởi vì mọi việc mà Chúa cho phép xảy ra, hoặc những ơn phước Chúa ban, hoặc bàn tay can thiệp của Ngài trong từng việc lớn nhỏ để hỗ trợ hay bảo vệ chúng ta, đều là ý muốn tốt lành của Chúa mà chúng ta phải biết tạ ơn Ngài.

Còn những người không có ý thức về việc tôn cao Chúa thì chẳng bao giờ nhận ra ơn Đức Chúa Trời ban để biết tạ ơn Ngài.

Người ta chỉ tạ ơn một đấng hay người nào đó khi biết đấng hay người đó có quyền ban cho ân huệ nào đó hoặc giúp đỡ mình vượt qua cảnh ngộ khó khăn.

Cho nên, nếu tín hữu nào không nhận biết hoặc không có chút ý thức nào về quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên cả nhân loại, kể cả người tin lẫn người chưa tin, thì người ấy không thấy sự bình an cùng những phước lành mình đang hưởng trong cuộc sống mỗi ngày là từ Chúa mà đến, nên người ấy không thấy mình có bổn phận gì để tạ ơn Chúa hết.

Lòng không biết ơn Chúa của những người nào đó trong Hội Thánh là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những người ấy đang trôi giạt khỏi lòng tin vào Đức Chúa Trời. Những người như vậy sẽ quên hẳn ơn cứu chuộc mà họ được hưởng, rồi từ bỏ đức tin vào lúc nào không hay.

Cho nên, các nguyên nhân chính của tình trạng đời sống đức tin bị suy đồi không xuất phát từ tánh lười biếng mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Nó ra từ tâm lý không kính trọng Chúa.

Vì không có lòng kính trọng nên chẳng khi nào biết tôn cao Ngài dù đang ở giữa Hội Thánh hay lúc ở chỗ riêng tư. Chúng ta hãy nên suy gẫm và truy tìm tận nguồn gốc của sự suy đồi trong đời sống tâm linh, để từ đó ta biết loại trừ các nguyên nhân gây ra điều tai hại.

Nghĩa là hãy biết tôn cao Đức Chúa Trời trong mọi cảnh ngộ của đời sống; tức là tôn kính quyền tể trị của Ngài về mọi việc xảy ra trên thế gian và trong đời sống của chính mình.

Hãy hành xử khác với người thế gian có phản ứng tiêu cực khi sự việc không diễn ra theo ý họ muốn. Chúng ta tôn kính Chúa và biết ơn Ngài trong mọi việc.

Chúng ta cũng loại trừ tâm lý vô ơn đối với Đức Chúa Trời, vì nó là nguồn gốc khiến người tin xa lìa Chúa và bị trôi giạt theo giòng đời.

Nguyên nhân thứ ba của tình trạng tâm linh suy đồi là tâm trí “suy luận viển vông.” Nghĩa là cho rằng cách suy nghĩ hay hiểu biết của mình là giỏi nhất, đúng nhất.

Hậu quả nầy chỉ là chuyện đương nhiên phải xảy ra khi người ta từ chối quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên đời sống họ và cũng không biết ơn Ngài.

Những ví dụ cụ thể về loại tâm trí nầy thì đầy dẫy trong xã hội Mỹ thời nay. Mặc dù Đức Chúa Trời đã thông báo trước kết quả cuộc bầu cử là người Ngài chọn sẽ thắng cử vẻ vang; rồi việc đó đã diễn ra đúng như lời Chúa đã cho biết trước. Nhưng những người theo phái chính trị bị thất bại vẫn tiếp tục không tin rằng Đức Chúa Trời đã can thiệp vào cuộc bầu cử để kết quả phải xảy ra theo đúng ý Ngài muốn.

Vì suy luận viển vông, nên những người nầy vẫn tiếp tục giở đủ thứ lý luận và thủ đoạn xảo quyệt để mong sẽ lật ngược thế cờ. Nhưng càng gian xảo chừng nào thì càng bị thất bại đau đớn và nhục nhã chừng đó.

Chúng ta là những người biết Chúa của mình, biết tôn cao Ngài và biết ơn Ngài, thì không bị sa vào tình trạng vô ơn và suy luận viển vông. Vì chúng ta đã biết chúng là nguyên nhân làm cho tình trạng tâm linh chúng ta bị suy đồi.

Để giữ cho nếp sống tâm linh của chúng ta khoẻ mạnh và vững vàng, hãy nhớ tôn cao Chúa và biết ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh. Vì biết rằng Chúa chúng ta vẫn hằng chăm xem đời sống của mỗi con cái Ngài. Ngài hằng chăm sóc để con cái Ngài luôn được bình an và thịnh vượng.

Đối với những ai đặt Ngài làm Chúa của đời sống họ, thì Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ tâm linh của những người ấy không bị suy đồi theo trào lưu của thế gian.

TruyenGiaoVungVang14.docx

Rev. Dr. CTB