Thế Nào là Thờ Phượng bằng Tâm Linh?

Truyền Giáo Vững Vàng, bài 11

Giăng 4:23-24

Hầu hết các Hội thánh Tin-lành ở khắp thế giới đều hát những bài thánh ca trong lễ thờ phượng. Có nơi thì ca hát hăng hái với tinh thần hưng phấn; nơi khác thì hát với thái độ uể oải chiếu lệ.

Ở nhiều nơi bất cứ một bài đơn ca, song ca hay toàn ban hợp ca nào trình diễn ở nhà thờ, có khi nội dung chẳng phải ca ngợi Chúa đều được gọi là tôn vinh Chúa. Từ hàng giáo phẩm cho tới tín hữu xưa nay chẳng mấy ai quan tâm đề nghị cải tiến hay đổi mới âm nhạc thêm sinh động; vì hình như mọi người đều hài lòng với những gì hiện có sẵn.

Có thể do thiếu tài năng hoặc không dám đưa ra những đề nghị mới. Nhưng, có rất ít người chịu xem xét các sinh hoạt gọi là thờ phượng của Hội Thánh có được Chúa trên trời vui lòng chấp nhận, hay bị Ngài kể là sự diễn trò tôn giáo lố bịch trước mặt Ngài? Có người sẽ giật mình khi nghe điều nầy vì chưa bao giờ nghĩ tới.

Trong cuộc trò chuyện với người đàn bà Samari ở làng Sikha, Đức Chúa Jesus tiết lộ một chi tiết cực kỳ quan trọng trong cái nhìn của Đức Chúa Trời về người thờ phượng: “Giờ sắp đến và đã đến rồi, khi những người thờ phượng chân thật sẽ thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý; ấy là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm” (Giăng 4:23).

Qua câu tuyên bố nầy, ai thật lòng yêu mến Đức Chúa Trời đều phải suy xét cẩn thận sự thờ phượng lâu nay của mình; bởi vì Chúa không chờ đợi được Hội Thánh thờ phượng, nhưng Ngài tìm kiếm những người thờ phượng chân thật.

Chữ tìm kiếm ngụ ý nói rằng số người ấy không nhiều. Tại sao Đức Chúa Trời tìm kiếm tín đồ chân thành thờ phượng Ngài bằng tâm linh và chân lý? Tại sao Ngài không quan tâm tới sự thờ phượng của các Hội Thánh?

Khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người, Ngài muốn người thân mật trò chuyện với Ngài, nên Ngài đi dạo trò chuyện với họ trong vườn Eden (Sáng thế 3:8).

Mặc dù Đức Chúa Trời dựng nên loài người để tương giao trò chuyện với Ngài, nhưng Ngài ban cho người sự tự do, chứ không bao giờ ép buộc người nào phải tới trò chuyện với Ngài.

Đức Chúa Cha muốn tương giao với những người bởi ý chí tự do ước mong có tình thân mật với Ngài. Nghĩa là người ấy lập quyết định đến gần Ngài vì thật lòng muốn như vậy.

Trong mối liên hệ yêu thương giữa loài người với nhau, hạnh phúc chỉ đến khi cả hai bên đều ước mong được gần nhau chứ không phải vì bị ép buộc. Những cuộc hôn nhân ép buộc không khi nào có hạnh phúc. Ấy là lý do tại sao Đức Chúa Trời tìm kiếm những người thờ phượng Ngài, thay vì chờ đợi các buổi lễ thờ phượng của các Hội Thánh.

Nếu Ngài chỉ cần sự thờ phượng thì Ngài đã tạo ra loài người có bộ óc được lập trình sẵn như những người robots luôn trung thành với Ngài và không phản phúc.

Ý niệm về việc Đức Chúa Trời tìm kiếm những người thờ phượng Ngài một cách tự nguyện với lòng biết ơn và kính yêu Ngài thì không xa lạ hay khó hiểu đối với những người đã từng yêu thương một đối tượng nào đó. Bởi vì chẳng người nào đang yêu một người khác mà không muốn gặp mặt trò chuyện, gần gũi vuốt ve bày tỏ tình yêu và sự quan tâm của mình.

Nhưng cũng giống như bất cứ một mối liên hệ yêu thương thân mật nào đều cần thời gian để phát triển, không tự có trong phút giây, thì mối liên hệ tương giao thân mật giữa chúng ta với Đức Chúa Trời cũng phải cần thời gian để tăng trưởng. Lòng yêu kính của chúng ta đối với Chúa sẽ gia tăng dần theo cách chúng ta hiểu biết thêm về Ngài.

Không ai có thể thờ phượng Chúa vượt quá sự hiểu biết của họ về Chúa; cho nên, hầu hết sự thờ phượng Chúa của nhiều người bị giới hạn vì biết Ngài quá ít.

Người nào chưa từng nếm trải sự thành tín và nhân từ của Chúa thì người đó chưa thể mừng rỡ hết lòng tung hô ca ngợi thờ phượng Ngài về đức nhân từ và sự thành tín của Ngài.

Hội chúng nào thờ phượng Chúa kiểu uể oải, chiếu lệ, thì hội chúng ấy chưa biết bao nhiêu về Chúa và giữa họ cũng chưa có những người thờ phượng chân thật.

Những ai thật lòng tin Đức Chúa Trời, hiểu biết ơn cứu rỗi của Ngài và muốn trở thành người thờ phượng chân thật mà Ngài đang tìm kiếm, thì người ấy phải thiết lập mối liên hệ tương giao thân mật thắm thiết với Ngài, bằng sự hiểu biết các mỹ đức của Ngài ngày càng nhiều hơn.

Chúng ta thực hiện điều ấy bằng cách dành thì giờ ở riêng tĩnh lặng với Chúa qua Kinh Thánh và trò chuyện với Ngài. Thời gian đầu thì tín đồ thường trình dâng các nhu cầu của mình nhiều hơn, nhưng về sau sẽ ngạc nhiên nghe tiếng Chúa dạy dỗ.

Vừa nói vừa nghe thì rất khó. Người ta nghe dễ hơn khi giữ được sự im lặng. Vì thế, Chúa sẽ phán khi ta biết im lặng lắng nghe tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ trong tâm linh. Lúc đầu có thể bị lẫn lộn với tiếng nói trong tâm trí; nhưng về sau, khi đã làm quen dần với tiếng của Đức Thánh Linh thì sẽ không còn lẫn lộn nữa.

Hãy nhớ rằng khi tâm linh ta được Đức Thánh Linh sinh lại thì linh ấy đã trở thành một “thần” có khả năng tương giao và nghe tiếng của cõi thần. Vì lý do đó, người thờ phượng chân thật phải là người được tái sinh trước đã.

Khi tín hữu chưa hiểu biết vấn đề nầy một cách rõ ràng thì có khuynh hướng sống theo xác thịt, toan tính những điều thuộc cõi trần xác thịt, chứ không sống theo sự chỉ dẫn của tâm linh; cho nên, khi đã biết rồi thì cách sống và sự thờ phượng của chúng ta sẽ đổi khác.

Vì tâm linh (thần) của ta điều khiển sự thờ phượng, không phải xác hay hồn. “Người thờ phượng chân thật sẽ thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý.

Vua David thuở xưa là người biết thờ phượng bằng tâm linh từ khi còn là một thiếu niên làm công việc chăn cừu cho cha mình. Một mình ở ngoài đồng cỏ vắng lặng với bầy cừu, David dành rất nhiều thời gian suy gẫm về Đức Chúa Trời; càng suy gẫm về Chúa nhiều chừng nào, tâm linh ông càng thân mật với Chúa chừng nấy:

Con sẽ hết lòng cảm tạ Đức Giê-hô-va; con sẽ thuật lại các việc lạ lùng của Ngài. Lạy Đấng Chí Cao, con sẽ vui vẻ và hớn hở trong Ngài; con sẽ ca tụng Danh của Ngài” (Thi-thiên 9:1-2).

Halêlugia! Con sẽ hết lòng ca ngợi Đức Giê-hô-va trong đoàn người ngay thẳng và giữa hội chúng” (Thi thiên 111:1).

David không nói sẽ ca ngợi Chúa khi mọi việc được hanh thông. Vì làm nghề chăn cừu là phải đương đầu với gấu, sư tử và chó sói, là thú dữ thường xuyên đến ăn cắp các con chiên đi ăn lẻ loi. Nhưng David ca ngợi Chúa giữa hiểm nguy, gian khổ và cô đơn một mình. Chúa đã đoái đến ông vì là một người thờ phượng chân thật.

Nếu anh chị em biết chắc mình đã được tái sinh thì sự thờ phượng bằng tâm linh không khó chút nào. Lý do là người được tái sinh có Đức Thánh Linh đến cư trú trong lòng. Phần của chúng ta là hãy nhường cho Ngài điều khiển đời sống thờ phượng Chúa trong ta thành một lối sống thờ phượng.

Hãy tỉnh thức bắt thân thể phải làm theo điều tâm linh mong muốn, vì “tâm linh thì tha thiết, mà xác thịt lại yếu đuối” (Mathiơ 26:41). Vậy, thờ phượng bằng tâm linh là thờ phượng trong mức độ hiểu biết và lòng tôn kính của mình đối với Chúa. Đức Chúa Jesus cũng đề cập tới sự thờ phượng bằng chân lý nữa.

Những người thờ phượng chân thật sẽ thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý; ấy là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm” (Giăng 4:23). Có vài điều tín hữu cần phải biết trong sự thờ phượng bằng chân lý.

Thứ nhất là thờ kính Chúa dựa trên những sự thật mình biết về Ngài qua Kinh Thánh. Người thờ phượng bằng chân lý phải biết và thuộc lòng nhiều câu Kinh Thánh. “Đức Giê-hô-va là thiện, sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi và sự thành tín Ngài còn đến đời đời” (Thi-thiên 100:5).

Nhờ biết các sự thật về Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh, rồi kinh nghiệm về Ngài qua lối sống thờ phượng thì chúng ta mới có thể thờ phượng bằng chân lý.

Một phương diện khác của sự thờ phượng bằng chân lý là lòng thành thật, không giả trá, không đeo thứ mặt nạ nào trước mặt Chúa. Mặc dù chân thành không phải là yếu tố duy nhất trong sự thờ phượng, nhưng nó là yếu tố cần thiết nhất, vì khi chúng ta đến với Chúa thì phải đến bằng một lòng trong sạch, thành thật và không mang mặt nạ.

Thờ phượng bằng chân lý cũng vì danh Đức Chúa Jesus mà thờ phượng: “Bất cứ điều gì anh em nói hay làm, hãy thực hiện mọi sự trong danh Chúa là Đức Chúa Jesus, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Côlôse 3:17).

Nói tóm lại, Đức Chúa Trời tìm kiếm người thờ phượng chân thật kính thờ Ngài bằng tâm linh và chân lý; cho nên, hãy hiểu biết Chúa của mình ngày càng nhiều thêm. Nhờ đó đời sống chúng ta sẽ có một lối sống thờ phượng để trở thành những người mà Đức Chúa Trời tìm kiếm và gặp được. Những người như vậy sẽ hạnh phúc biết bao!

TruyenGiaoVungVang11.docx

Rev. Dr. CTB