Tình Hiệp Thông Là Gì?

Truyền Giáo Vững Vàng, bài 15

Công vụ 2:42-47

Hội thánh thường nhắc tới các chữ thông công hoặc hiệp thông mỗi lần cả tập thể Hội Thánh cùng vui chung trong các sinh hoạt nào đó. Cho nên, tín hữu thường hiểu thông công là ăn uống chung với nhau.

Cũng có người hiểu sâu hơn một chút thì biết hiệp thông là trò chuyện với nhau để tìm biết ý Chúa hoặc thảo luận về những vấn đề tâm linh giữa các tín hữu với nhau.

Hiểu sâu hơn chút nữa thì hiệp thông còn có nghĩa là tương giao, như sứ đồ Giăng viết: “Sự sống nầy đã được bày tỏ; chúng tôi đã thấy và làm chứng, nên chúng tôi công bố cho anh em sự sống đời đời vốn ở với Đức Chúa Cha, và đã được bày tỏ cho chúng tôi. Chúng tôi lấy điều đã thấy, đã nghe mà công bố cho anh em để anh em có được sự tương giao với chúng tôi, còn chúng tôi vẫn có sự tương giao với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ” (1Giăng 1:2-3).

Vậy, theo ý nghĩa của Kinh Thánh thì sự thông công hoặc hiệp thông thật là được tương giao với sự sống của Đức Chúa Trời. Cho nên, sự hiệp thông thật là dòng chảy sự sống đời đời vào tất cả những người tin nào đang ở trong Đấng Christ. Như lời Đức Chúa Jesus dạy về mọi cành nho sống được và kết trái là do dính liền với gốc nho và nhận nhựa sống từ thân nho truyền cho.

Vậy nên, tất cả những ai là con cái thật của Đức Chúa Trời đều hiệp thông với nhau qua sự sống Ngài tuôn chảy vào tâm linh mỗi người.

Tình hiệp thông thiêng liêng của mọi con cái Chúa trong Hội Thánh còn biểu lộ qua sự hợp nhất về mục đích chung và ích lợi chung của nhà Chúa; vì lý do đó mọi người đều đặt các lợi ích riêng của mình sang một bên để cùng nhau vun đắp lợi ích của nhà Chúa.

Hội Thánh địa phương nào đạt tới tinh thần đó là một hội chúng thật hiệp thông với nhau.

Hãy để ý thấy bốn điều chính mà các tín hữu thời Hội Thánh sơ lập chuyên tâm nhắm tới là: giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.

Thông công không phải là điều họ tự động có, mà họ phải chuyên tâm giữ điều ấy. Đó là lý do mà họ dành ưu tiên cho sự nhóm lại.

Tình hiệp thông giữa con cái Chúa với nhau phải là mục tiêu ưu tiên, không phải là hệ quả nẩy sinh từ nỗ lực đoàn kết; cho nên, Hội Thánh phải giữ tình hiệp thông giữa mọi con cái Chúa lúc nào cũng mạnh mẽ, vì Hội Thánh có hiệp thông là một tập thể có sự sống sung mãn của Chúa tuôn tràn trong mọi người.

Những người tránh né tình hiệp thông với anh chị em khác trong vòng con cái Chúa thì sớm bị dứt bỏ khỏi thân thể của Đức Chúa Jesus.

Vậy, hiệp thông là trở nên một phần tử của một nhóm người để chia sẻ với những người ấy và cộng tác với họ về các sự quan tâm chung, niềm tin chung, vv, như mối liên hệ của thành viên một gia đình.

Trong mối liên hệ đó, chúng ta cần có những điều chung nào để thật sự hiệp thông với nhau? Sứ đồ Phao-lô nói điều ước ao của ông:

Xin Đức Chúa Trời ban cho anh em sự hiểu biết tường tận về ý muốn của Ngài trong sự khôn ngoan và thông hiểu thuộc linh để sống một cách xứng đáng cho Chúa, đẹp lòng Ngài hoàn toàn, kết quả trong tất cả việc lành, và tăng trưởng trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời” (Côlôse 1:9-10).

Sứ đồ Giăng thì tâm sự “Chúng tôi lấy điều đã thấy, đã nghe mà công bố cho anh em để anh em có được sự tương giao với chúng tôi, còn chúng tôi vẫn có sự tương giao với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ” (1Giăng 1:2-3).

Vậy, yếu tố đầu tiên phải có để có thể hiệp thông với mọi anh chị em khác là tương giao với Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus để nhận lãnh sức sống chung từ Ngài như các tín hữu khác.

Điều chung mà chúng ta phải có để thật sự hiệp thông với nhau là hiểu biết tường tận ý muốn của Đức Chúa Trời trong sự khôn ngoan và thông hiểu thuộc linh để sống một cách xứng đáng cho Chúa. Vậy, ý Chúa muốn chúng ta phải sống như thế nào mới là xứng đáng?

Mặc dù các đòi hỏi thì nhiều lắm, nhưng có thể tóm gọn rằng hãy “lột bỏ người cũ cùng các công việc của nó mà mặc lấy người mới, là người đang được đổi mới trong nhận thức, theo hình ảnh Đấng tạo dựng người ấy. … mặc lấy tình yêu thương vì là dây liên kết của sự toàn hảo” (Côlôse 3:9-10, 14).

Hãy để ý rằng nhờ mối liên hệ tương giao mới nẩy sinh các hình thức sinh hoạt; không phải nhờ sinh hoạt làm nẩy sinh mối liên hệ tương giao.

Không phải các tín hữu thời Hội Thánh sơ lập vì chăm chú tổ chức các sinh hoạt chung nên có tình thông công, nhưng vì có mối thông công bền chặt nhờ sự sống trong Đấng Christ nên họ chuyên tâm giữ mối thông công với anh em, họp lại bẻ bánh, cầu nguyện và ăn uống chung với nhau cách vui vẻ thật thà.

Vì hiệp thông có nghĩa là con cái Chúa thuộc về nhau trong mối tương giao nhờ có chung một sự sống và ân điển từ Đức Chúa Jesus Christ ban cho. Bởi sự sống thánh thiện và mối tương giao đó, chúng ta có thể tránh xa những gì xung khắc với đức thánh khiết của Chúa khi giữ vững tình hiệp thông với mọi anh chị em khác.

Chẳng những có mối tương giao, trong tình hiệp thông còn có bổn phận hợp tác. Nếu liên hệ tương giao là đặc tính gần gũi thân mật của một cộng đồng, thì hợp tác là bổn phận các giám đốc của một công cuộc kinh doanh.

Trong một hãng kinh doanh, những người lãnh đạo phải cộng tác với nhau để hãng sinh lợi và phát triển, thì trong Hội Thánh mọi người đều là chủ và có bổn phận hợp tác với nhau làm vinh danh Đức Chúa Trời, làm Hội Thánh tăng trưởng, làm phát triển Nước Chúa.

Và mọi tín hữu nâng cao trình độ tâm linh, nếp sống đạo, hiểu biết và áp dụng các huyền nhiệm của Nước Trời, mà chỉ có sự đoàn kết đồng nhất hợp lực của một Hội Thánh có sự sống mạnh mẽ của Đức Chúa Trời mới đạt tới được.

Chẳng Hội Thánh nào có thể tăng trưởng và phát triển nếu các thành viên của Hội Thánh hoạt động riêng rẽ, không hợp tác với nhau.

Một hội chúng chia rẽ, trong đó đa số thành viên không có nếp sống thờ phượng, không hiểu biết về sự thờ phượng Chúa, thì không thể nào có các buổi thờ phượng được Chúa đẹp lòng, nói gì tới các buổi thờ phượng có sự hiện diện của Chúa.

Nhưng nếu đa số đều quý trọng sự tôn kính thờ phượng Chúa và hết lòng thờ kính Ngài, thì tình hiệp thông của Hội Thánh ấy mạnh mẽ, mối tương giao với Chúa và với nhau cũng mạnh mẽ; việc hợp tác với nhau để phục vụ Chúa và phục vụ lẫn nhau chắc chắn phải xảy ra; việc hợp tác với nhau để truyền giáo sẽ được đẩy mạnh và kết quả lớn.

Hãy nhớ rằng tình hiệp thông không phải chỉ là giữa các con cái Chúa với nhau, mà còn là hiệp thông với Đấng ban sức sống tâm linh cho Hội Thánh Ngài; vì vậy, khi chúng ta cộng tác với nhau hầu việc Chúa là chúng ta dự phần với Ngài trong công việc của Ngài:

Vì nếu chúng ta cứ giữ vững lòng tin quyết ban đầu của mình cho đến cuối cùng thì chúng ta được dự phần với Đấng Christ” (Hêbơrơ 3:14).

Đặc tính kế tiếp trong tình hiệp thông là đồng hành, nghĩa là cùng đi chung với nhau, mà yếu tố chính của sự đồng hành là giao thiệp tương thông, nghĩa là chia sẻ với nhau về các ý tưởng, sự suy nghĩ hay cảm nghĩ, cảm xúc, ý kiến, tin tức, và các nhu cầu, vv.

Nếu không giao thiệp bày tỏ ý nghĩ, cảm xúc hay nhu cầu, thì tập thể khó biết tình trạng của nhau; vì thế, việc phải có các sinh hoạt nhóm nhỏ là rất cần thiết trong mọi Hội Thánh.

Đương nhiên là chúng ta đồng hành và tương giao với Chúa theo chiều từ dưới lên trên, nhưng chúng ta cũng đồng hành và tương giao với nhau theo chiều ngang giữa anh chị em với nhau trong Chúa nữa.

Khi đã có mối tương giao và biết các nhu cầu của nhau hoặc của Hội Thánh, thì dẫn tới một đặc tính khác nữa của tình hiệp thông trong Hội Thánh là sự phục vụ.

Người ta thường nói “quyền lợi đi đôi với trách nhiệm.” Một Hội Thánh có tình hiệp thông mạnh mẽ sẽ biểu lộ qua tinh thần phục vụ lẫn nhau của mọi người trong Hội Thánh.

Sự lười nhác bộc lộ qua người không hiệp thông với anh chị em khác. Mà không có tình hiệp thông thì người ấy không thuộc về thân thể của Chúa, không nhận lãnh sức sống từ Đức Chúa Trời.

Nói tóm lại, tình hiệp thông giữa các con cái Chúa với nhau là vô cùng quan trọng. Những người ở trong sự hiệp thông biết rõ mình đã nhận được sự sống siêu nhiên từ Chúa ban qua sự tái sinh và đời sống thánh hoá.

Những người như vậy có tâm tình biết thờ phượng Chúa và có khả năng truyền giáo, biết đem Tin Mừng cho người chưa tin; đó cũng là người được Chúa hài lòng.

TruyenGiaoVungVang15.docx

Rev. Dr. CTB