Anh Hùng Thời Thế

Quan Xét, bài 12

Quan Xét 11:1-40

Theo tập quán của người vùng Trung Đông vào thời tục lệ đa thê vẫn còn thịnh hành, thì con của những người hầu thiếp, hay kỹ nữ được người đàn ông nào đó nhận làm hầu thiếp, thường bị khinh rẻ vì không phải là con của người vợ cả; nhất là người con của mẹ vốn làm kỹ nữ thì dễ bị đuổi ra khỏi nhà (1-2).

Một ví dụ lịch sử rất rõ: Con đầu lòng của Abraham tên là Ishmael nhưng mẹ lại là hầu thiếp vì là nô lệ của bà vợ cả Sarah; cho nên, khi bà Sarah sinh Isaac, thì đứa con của người hầu thiếp và mẹ bị đuổi ra khỏi gia đình. Mặc dù ông Abraham rất buồn vì phải lìa xa đứa con trai mà ông yêu thương suốt mười bốn năm trường, nhưng ông phải thực hiện.

Lúc Giép-thê còn trẻ, ông bị các con của người vợ cả đuổi khỏi nhà. “Giép-thê chạy trốn khỏi anh em mình và ở trong xứ Tóp. Có một nhóm du đãng tụ tập quanh ông và đi cướp phá với ông” (3).

Khi dân Ammon gây chiến với Israel thì Giép-thê đã trở thành một dũng sĩ nổi danh xứ Tóp, nổi danh đến nỗi các trưởng lão Galaát phải nuốt tự ái đi tới xứ Tóp để mời Giép-thê về làm lãnh tụ của họ; bởi vì không ai trong cả xứ Galaát đủ khả năng chỉ huy quân đội Israel ở Galaát chống lại quân Ammon tới gây chiến. Họ nói: “Xin ông về lãnh đạo chúng tôi đánh dân Ammon” (4-6).

Giép-thê được dịp mỉa mai nhóm trưởng lão Galaát tới mời mình về làm lãnh tụ của họ: “Chẳng phải các ông ghét tôi và đuổi tôi khỏi nhà cha tôi sao? Còn bây giờ, khi các ông bị khốn khổ sao lại chạy đến với tôi?” (7). Như vậy, khoảng thời gian từ khi Giép-thê bị các anh em ông đuổi khỏi nhà tới thời họ đến tìm ông thì đã trải qua vài chục năm. Các nhà lãnh đạo Galaát, trong đó có lẽ có cả các anh em của Giép-thê, đành phải hạ mình một lần nữa để mời ông về làm lãnh tụ (8).

Kinh nghiệm khôn ngoan lỏi đời của Giép-thê khiến ông phải đặt điều kiện, và những trưởng lão Galaát phải lấy danh Đức Giê-hô-va mà thề, thì Giép-thê mới bằng lòng trở lại Galaát với họ để đương đầu với quân Ammon gây hấn.

Vậy, khi Giép-thê đi với các lãnh đạo Galaát trở về quê cha thì “dân chúng lập ông làm thủ lãnh và vị chỉ huy của họ. Tại Mizpah, Giép-thê lặp lại trước mặt Đức Giê-hô-va mọi lời ông đã nói” (9-11). Giép-thê bây giờ rất khôn ngoan, ông muốn tất cả dân Galaát phải chứng kiến sự hứa hẹn giữa hai bên để không bên nào có thể nuốt lời hứa.

Sau đó, Giép-thê dùng uy thế của mình làm biện pháp ngoại giao để nói với vua Ammon “Tôi với ông có chuyện gì mà ông kéo quân đến đánh đất nước tôi?” Vua dân Ammon nói có vẻ hợp lý, tuy nhiên sai sự thật. Vì đất Ammon bị dân Amorite chiếm, mà hai vua Amorite dẫn quân tấn công Israel nhưng bị thua và bị tiêu diệt, nên Israel chiếm và làm chủ đất ấy (12-23).

Giép-thê tuyên bố thẳng thừng: Ammon và Moab, hai dân tộc bà con gần gũi với nhau cùng thờ thần Chemosh và được ban cho lãnh thổ họ hiện đang ở. Còn Israel “cũng nhận được đất của những kẻ nào mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đã đuổi khỏi chúng ta” (24).

Giép-thê nhắc vua Ammon rằng ông ta không mạnh hơn Balak, vua Moab; mà Moab chẳng bao giờ dám cãi vã hay tranh đấu với Israel; còn “trong ba trăm năm Israel đã ở tại Heshbon và vùng phụ cận, Aroer và vùng phụ cận, cùng tất cả các thành dọc theo rạch Arnon. Tại sao ông không lấy lại các thành ấy trong thời gian đó?” (25-26).

Lý lẽ của Giép-thê đưa ra rất xác đáng, vững vàng, nói rằng: Hễ đất nào do Đức Chúa Trời ban cho dân Israel thì nó thuộc về Israel. Tại sao trước khi dân Israel được Đức Chúa Trời giúp sức đánh bại người Amorite, dân Ammon không đoạt các thành mà họ nhận là đất của họ; rồi trong ba trăm năm Israel sống ở đó, tại sao Ammon không lấy lại các thành của mình?

Giép-thê gán lỗi gây hoạ binh đao là do Ammon tự giáng hoạ cho mình, chứ Israel không có lỗi gì trong vụ nầy. Ông kêu gọi Đức Chúa Trời phân xử giữa dân Israel với dân Ammon vì vua Ammon đã gây chiến với Israel. Nhưng vua dân Ammon không nghe lời sứ giả của Giép-thê (27-28).

Thần của Đức Chúa Trời ngự trên Giép-thê để Giép-thê đi tuyển quân từ Galaát qua Manase tới Mizpah thuộc Galaát. Từ nơi đó ông vượt qua lãnh thổ dân Ammon để tấn công họ (29). Giép thê đã khấn hứa một điều mà về sau ông rất ân hận.

Ông khấn rằng: “Nếu Ngài phó dânAmmon vào tay con thì khi thắng trận trở về, bất cứ người hay vật nào từ cửa nhà con ra đón rước con thì người hay vật ấy sẽ thuộc về Đức Giê-hô-va, và con sẽ dâng làm tế lễ thiêu” (30-31). Chúng ta sẽ phải học bài học của Giép-thê để không liều lĩnh khấn nguyện trước về điều mình chưa biết.

Vì được Thần của Đức Giê-hô-va ngự trên ban cho lòng gan dạ, Giép-thê tấn công Ammon, “đánh bại chúng từ Aroer đến vùng phụ cận của Minnith, cho đến tận Abel-cherâmim, và chiếm được hai mươi thành. Dân Ammon bị đại bại và chịu khuất phục trước dân Israel” (32-33).

Giép-thê trở về nhà mình tại Mizpah trong niềm vui chiến thắng, giải thoát dân Israel ở Galaát khỏi sự tấn công của dân Ammon, “và kìa, con gái ông cầm trống nhỏ và nhảy múa đón rước ông. Nàng là con một của ông, ngoài nàng chẳng có con trai hoặc con gái nào khác” (34).

Bởi lời khấn hứa thiếu suy nghĩ, Giép-thê trở thành người cha vô cùng đau khổ: “Giép-thê vừa thấy nàng liền xé áo mình và nói: ‘Ôi con gái của cha, con làm cha khốn khổ vô cùng! Con thuộc vào số những kẻ làm cha rối trí! Vì cha có mở miệng khấn hứa với Đức Giê-hô-va và không thể nuốt lời’” (35).

Giép-thê, người bị kể là hoang đàng chuyên đi phá phách. Kinh Thánh không nói ông làm gì để sinh sống. Nhưng khi đã mở miệng khấn hứa với Chúa, dù ông là hạng người bị xã hội ruồng bỏ, và con gái ông thương yêu nhất lại trở thành đối tượng mà ông khấn hứa sẽ hiến dâng làm tế lễ thiêu, ông vẫn không dám nuốt lời. Sự giữ lời khấn nguyện nầy chẳng phải vì sĩ diện, nhưng vì sự kính sợ Đức Chúa Trời.

Chúng ta cần lãnh hội bài học giữ trọn lời hứa nguyện nầy, để không phạm tội đối với Chúa. Bởi vì đứng trước một sự thiệt hại về tiền bạc, tài sản, nhiều người nuốt lời hứa vì không có sự kính sợ Chúa trong lòng. Chúng ta cũng lãnh hội bài học vâng phục của cô con gái nhỏ, sẵn sàng hoàn thành lời khấn nguyện của cha (36).

Cô con gái nhỏ chỉ xin cha hoãn cho mình hai tháng, để cô đi vào miền đồi núi, cùng chị em bạn khóc cho thân phận trinh nữ của mình. Giép-thê bằng lòng. Cô gái đi lên núi khóc cho thân phận trinh nữ của cô. Sau hai tháng cô trở về với cha, và Giép-thê thực hiện điều ông đã khấn hứa với Chúa (37-39).

Hàng năm, tục lệ các cô gái Israel đi than khóc con gái của Giép-thê trong bốn ngày, là từ chuyện tích lịch sử nầy mà ra.

QuanXet12.docx

Rev. Dr. CTB