Những Kẻ Gây Rối

Quan Xét, bài 13

Quan Xét 12:1–15

Dòng dõi của Ép-ra-im có tính tình không giống tổ phụ của họ chút nào. Joseph khiêm nhu và điềm đạm bao nhiêu, thì tính tình của dòng dõi ông lại trở nên rất quái đản.

Nhiều năm trước, khi quân Madian xâm chiếm xứ và cướp phá hoa màu, thì họ trốn chui trốn nhủi trong núi trong hang. Tới khi Gideon được Đức Chúa Trời ban ơn, nên chỉ ba trăm người mà đánh bại đạo quân đông đảo người Madian, dân Amalek và dân phương đông nhiều như cào cào, thì người Épraim tìm Gideon để gây gổ, trách móc là không rủ họ cùng đi đánh quân Madian. Vì Gideon hạ mình nói so với Épraim ông có xứng đáng chi, nên họ mới chịu im (Quan Xét 8:1–3).

Bây giờ họ lại giở trò cũ tập họp quân đội Épraim, “vượt qua sông đến Zaphon và hỏi Giép-thê: ‘Tại sao ông đi đánh dân Ammon mà không gọi chúng tôi đi với? Chúng tôi sẽ đốt nhà của ông luôn với ông nữa’” (1).

Thái độ ngang ngược vô lý của người Épraim đã khiến họ không biết rằng họ đang chọc tức Giép-thê, một con người ngang tàng thuộc giới giang hồ lừng danh ở xứ Tóp, chẳng những trách móc vô lý mà họ còn đe doạ sẽ đốt nhà của Giép-thê và thiêu ông ta trong đám cháy luôn.

Có thể áp dụng câu nói: “Vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn” trong trường hợp nầy. Giép-thê chẳng những vạch mặt tính hèn nhát của người Épraim rằng: “Tôi và dân tôi tranh đấu ác liệt với dân Ammon, và khi tôi kêu cứu thì các ông không đến giải cứu tôi khỏi tay chúng. Khi thấy các ông không đến tiếp cứu thì tôi đã liều mình đi đánh dân Ammon, và Đức Chúa Trời đã phó chúng vào tay tôi. Vậy, tại sao ngày nay các ông lại lên gây chiến với tôi?” (2–3), rồi ông chiến đấu chống họ.

Lúc ấy, Giép-thê tập họp toàn quân Galaát và giao chiến với Épraim. Quân Galaát đánh bại Épraim vì người Épraim có nói rằng: ‘Hỡi dân Galaát, các người chỉ là bọn trốn chạy khỏi Épraim và sống chui nhủi giữa Épraim và Manasseh mà thôi’” (4).

Suốt cả sách Quan Xét, dân Épraim bị mô tả như một chi tộc thô bỉ, lười biếng và hèn nhát khi bị áp bức, nhưng kiêu căng thô lỗ khi kẻ thù đã bị người khác đi đầu đánh bại xong rồi (Giô-suê 17:14–18; Quan Xét 8:1).

Bây giờ, sau khi quân Ammon không còn là mối đe doạ cho an ninh của họ nữa, người Épraim lại nói lời ngạo mạn nhục mạ người Galaát, tưởng rằng những lời láo lếu ấy sẽ không bị hậu quả gì; nhưng họ chạm tới anh giang hồ khét tiếng nên hậu quả thật là kinh hoàng.

Vì nhát sợ trước kẻ thù mà hung hăng với anh em mình, nên khi thực sự lâm trận thì Épraim không thể chống nổi đối thủ Galaát rất thiện chiến.

Galaát trên cao nguyên Bashan là lãnh thổ của Israel nằm ở phía đông sông Jordan. Trước kia nó là lãnh thổ của Ogg, một trong hai vua người Rephaim còn sót lại của dân Amorite. Vì Ogg đã dàn quân chống lại Israel vào thời họ đóng trại ở đồng bằng Moab, lúc Moise còn sống, nên Israel đã đánh bại, tiêu diệt và chiếm trọn lãnh thổ của vua Ogg, trong đó có vùng Galaát nhiều đồng cỏ.

Lãnh thổ của Épraim ở vùng đồi núi phía tây sông Jordan; cho nên, khi họ tìm Giép-thê để khiêu khích, họ phải vượt sông Jordan ở những chỗ cạn để tiến sang vùng đất phía đông sông ấy mới tới được đất Galaát.

Bây giờ, bị thua trận muốn trở về xứ thì họ cũng phải trở lại các chỗ cạn của sông Jordan để vượt sông trở về nhà. Nhưng các chỗ ấy đã bị quân Galaát nhanh chân tới trước chiếm hết để ngăn không cho người Épraim qua sông (5).

Đối với người thời ấy khi đã trở thành kẻ thù của nhau thì cuộc nội chiến qúa đẫm máu. Bốn mươi hai ngàn người Épraim bị giết trong trận nầy, mà phần lớn là bị bắt tại các chỗ cạn của sông Jordan. Ba trăm năm sống ở quê hương mới thuộc vùng đất hứa, mỗi địa phương đã có giọng nói riêng biệt. Người Épraim cũng vậy, họ không thể phát âm S phải đưa lưỡi lên sát vòm miệng trên, mà chỉ phát âm X theo cách phát âm có phần lười biếng của chi tộc họ. Người Galaát đã khai thác nhược điểm đó của người Épraim để nhận diện và bắt giết họ ở các chỗ cạn của sông Jordan.

Một thái độ kiêu căng sai trật dẫn tới hậu quả thê thảm biết bao (6). Sau vụ đó, Giép-thê làm quan xét cho dân Israel thêm sáu năm, trước khi ông qua đời và được chôn cất ở quê hương mình (7).

Có rất ít chi tiết về quan xét sau Giép-thê, tên là Ibzan quê ở Bethlehem. Thường khi người ta nghe Bethlehem thì nghĩ rằng đó là Bethlehem thuộc Giu-đa, quê quán về sau nầy của vua David danh tiếng lẫy lừng. Nhưng ở Sabulôn cũng có nơi tên là Bethlehem. Các học giả Kinh Thánh tin rằng Ibzan quê ở Bethlehem thuộc Sabulôn chứ không thuộc Giu-đa.

Ibzan không theo thông lệ của các chi tộc Israel là gả ba mươi con gái cho những người thuộc các dòng tộc khác và cưới ba mươi cô dâu từ các dòng tộc khác cho ba mươi con trai của ông. Ibzan làm quan xét cho Israel chỉ được bảy năm rồi qua đời và được chôn ở quê hương mình (8–10).

Đến ký thuật về quan xét Elon thì chi tiết về ông còn ít hơn nữa, mặc dù ông làm quan xét cho Israel được mười năm. Chỉ biết ông là người của chi tộc Sabulon, khi qua đời thì ông được chôn ở Aijalon cũng thuộc lãnh thổ của Sabulon (11–12).

Sau khi Elon qua đời rồi, Abdon thuộc chi tộc Épraim lên làm quan xét. Vì Pirathon nằm trong lãnh thổ của Épraim, nên chúng ta biết Abdon là người Épraim; mặc dù trong chi tộc Benjamin có một người tên là Abdon (1Sử ký 8:23), nhưng sự trùng tên là chuyện bình thường; hơn nữa cha của Abdon người Benjamin không phải là Hillel. Vậy, Abdon nầy là người Épraim.

Ông có tới bốn mươi con trai và ba mươi cháu trai có lẽ vì có nhiều vợ. Các quan xét của thời đó thường là những người khá giả và có thế lực. Tất cả con và cháu của Abdon đều cỡi lừa, dấu hiệu của gia đình cao sang quyền quý (13–14).

Abdon làm quan xét chỉ được sáu năm thì qua đời; nghĩa là khi lên làm quan xét thì ông đã lớn tuổi. Ông qua đời và được chôn tại Pilathon thuộc lãnh thổ Épraim. Vì vùng đồi núi ấy trước  kia là đất của người Amalek cư ngụ, bị người Épraim đánh chiếm lấy và đuổi đi nơi khác, nhưng người ta vẫn quen gọi là vùng đồi núi Amalek (15).

Bài học lớn nhất trong đoạn nầy là những kẻ vô cớ gây rối để mong thoả mãn một chút tự ái nào đó trong lòng sẽ lãnh lấy hậu quả rất thảm thương. Mà ở đời thì những người hay gây gổ lúc bình an ở nhà là những người hèn nhát nhất khi đối diện với hiểm nguy nơi trận mạc.

Chúng ta cứ nương cậy Chúa của mình, thì Ngài sẽ bảo vệ và che chở trong mọi hoàn cảnh.

QuanXet13.docx

Rev. Dr. CTB