Hậu Quả Bạo Tàn

Quan Xét, bài 18

Quan Xét 18:1-31

Những việc được tường thuật trong đoạn nầy diễn ra vào thời các trưởng lão Israel đã qua đời hết, và chưa có vua nào được lập lên trong dân Israel.

Chi tộc Đan đã được chia phần đất cơ nghiệp (Giôsuê 19:40-48), nhưng vẫn chưa đủ sức chiếm hết phần đất đó (19:47), có lẽ vì láng giềng cạnh họ là dân Philistine hùng mạnh; cho nên, một số gia tộc của chi tộc Đan phải đi tìm một vùng đất của dân Canaan bản địa rồi chiếm lấy để định cư (1).

Năm dũng sĩ của họ ra đi từ Zorah và Eshtaol, là ranh giới đã chia cho họ, lên vùng đồi núi Ephraim; thay vì theo đường đồng bằng trung du ở phía tây Giu-đê thì dễ đi hơn, nhưng họ tránh đường đó vì dân bản địa đang cư ngụ nơi ấy.

Khi tới nhà của Mica thì họ nghỉ đêm (2). Có lẽ nhận ra giọng nói đặc biệt của người thuộc chi tộc Lêvi đang ở trong nhà đó, họ mới hỏi anh ta là ai và tại sao lại lưu lạc tới xóm ấy (3).

Người Lêvi kể lại chuyện mình đi tìm nơi cư trú, tới đây được Mica mời làm thầy tế lễ có trả lương và được đối xử rất tốt (4). Có lẽ chi tộc Đan chẳng có thầy tế lễ lâu lắm rồi, và họ cũng quen với tục lệ tổ tiên để lại là phải nhờ thầy tế lễ cầu hỏi ý Chúa về những việc họ muốn làm mà không biết sẽ thành hay bại; cho nên, mấy dũng sĩ Đan nhờ người Lêvi nầy “cầu hỏi ý Đức Chúa Trời” xem hành trình họ có được may mắn không (5). “Thầy tế lễ nói: Hãy đi bình an. Đức Giê-hô-va sẽ phù hộ các ông trong hành trình nầy” (6).

Trong chi tiết vừa kể, chẳng phải mấy người Đan biết Đức Chúa Trời và kính sợ Ngài, nhưng họ làm theo thói tục trước một tương lai bấp bênh. Nhiều tín đồ ngày nay cũng vậy, khi nghe nói người nào có ơn tiên tri của Chúa ban đều muốn nhờ người ấy cầu hỏi Chúa về việc mình. Trong vấn đề nầy, tâm lý người ta là muốn biết trước tương lai như xem bói. Khác với việc cầu hỏi Chúa vì kính sợ Ngài và muốn làm điều đúng, đẹp lòng Ngài.

Còn thầy tế lễ nghe họ tâng bốc mình lên thì có lẽ cũng giả bộ đem ê-phót ra mà cầu hỏi, làm như việc giữ chức thầy tế lễ cúng bái cho hình tượng vẫn được Chúa chấp thuận bởi vì mình thuộc chi tộc Lêvi. Người học Kinh Thánh phải chú ý rất kỹ về những điều Chúa cấm kỵ, để không lầm lạc theo giáo hội, giáo phái hay giáo phẩm làm sai các nguyên tắc bất di dịch của Đức Chúa Trời. Dù người ta có lý luận gì đi nữa, hãy nhớ rõ rằng Đức Chúa Trời không thay đổi luật lệ của Ngài để làm hài lòng người thế gian.

Năm người lên đường tới thành Laish, quan sát dân ở đó thấy họ giữ phong tục của người Siđôn, có lẽ trước kia là thuộc địa của Siđôn; họ hiền lành, sống yên ổn, không cần canh phòng, và sống biệt lập không giao thiệp với ai hết (7). (Riêng bản tiếng Việt hiệu đính có câu: ‘Không ai có điều gì để phiền trách người lãnh đạo trong thành,‘ thì hoặc là dịch sai, hoặc là lấy từ một bản hoàn toàn xa lạ, không phổ thông, vì bất cứ bản tiếng Anh nào cũng không có câu đó).

Các thám tử người Đan trở về đất của họ ở Zorah và Eshtaol kể lại về thành Laish và các cư dân ở đó, rồi khuyến khích chi tộc mình hãy tiến lên chiếm thành; bởi vì xứ đó rộng và đất rất tốt, chẳng thiếu loại thổ sản nào (8-10). Sáu trăm chiến sĩ người Đan và gia đình họ lên đường chiếm thành Laish (ở Giôsuê 19:47 gọi là thành Leshem). Đây không phải là tất cả người Đan, vì lần kiểm tra dân số cuối cùng thời Giôsuê thì Đan có 64,400 người đàn ông (Dân số 26:43).

Kirjath Jearim là một thành nằm cách Jerusalem chín dặm về phía Tây, khi toán quân Đan đóng trại nghỉ tạm tại đó thì nó mang tên Trại Quân Đan cho tới thời sau lưu đày, Từ chỗ ấy, họ lên vùng đồi núi Ephraim và tới nhà Mica (11-13). Lúc ấy, năm thám tử nói cho cả bọn biết xóm nhà của Mica có một ê phót, tượng lớn và các tượng thần nhỏ (14). Họ tính kế cướp các tượng thần và kéo thầy tế lễ theo.

Vậy, vì tình trạng của cả Israel lúc bấy giờ không có vua, không có thầy tế lễ dòng A-rôn dạy, nên họ không biết thờ kính Đức Chúa Trời sao cho đúng, cũng không biết hành xử thế nào là đúng luật pháp của Ngài. Cho nên, họ vừa mê tín, vừa bất lương, vừa đầy tính côn đồ, đạo tặc.

(Nếu bản dịch tiếng Việt chính xác hơn thì người đọc Kinh Thánh sẽ biết nơi Mica định cư là một xóm nhà, thầy tế lễ ở riêng một nhà).

Năm dũng sĩ Đan vào nhà chứa tượng và có thầy tế lễ, cướp lấy tất cả các tượng, cái ê-phót đem ra, trong khi sáu trăm chiến sĩ đứng với thầy tế lễ ngoài cổng xóm nhà (15-17). Anh chàng Lêvi thất kinh hỏi họ: “Các anh làm gì vậy?” (18), vì anh ta nhờ mấy cái tượng mà kiếm ăn được; mất tượng coi như mất việc và mất luôn chỗ ở. Tình trạng của thanh niên Lêvi ấy giống như một số người ngày nay xưng là hầu việc Chúa chỉ để kiếm cơm và một địa vị xã hội.

Khi bị đe dọa và được hứa làm thầy tế lễ cho cả một gia tộc, anh chàng Lêvi mừng húm, vội vàng đi theo nhóm người Đan, không cần biết lễ nghĩa gì hết (19-20). Thói ấy ngày nay vẫn chiếm hữu lòng của vô số người thích được xưng là thành viên của các Hội Thánh lớn, đông người, không cần biết chỗ ấy đúng hay sai, có được Đức Chúa Trời chấp nhận hay không; bởi vì họ chưa từng được hưởng sự cảm nhận có sự hiện diện của Chúa trong các buổi nhóm, miễn có danh là đủ; một tình trạng chẳng những đáng buồn mà còn quá nguy hiểm cho những người như vậy. Nếu chỉ mang danh là tín đồ mà không có Chúa trong đời sống, thì danh nghĩa ấy không cứu được ai.

Bọn người Đan đã đi xa rồi thì người ở xóm nhà Mica mới đuổi theo đòi trả lại các tượng bị cướp và thầy tế lễ (21-24). Bị dọa giết, nhóm người của Mica đành nuốt hận trở về vì yếu thế (25-26).

Dân thành Laish bị sáu trăm người của chi tộc Đan tấn công bất ngờ và bị giết sạch. Họ vốn hiền hòa, không gây sự với ai và sống biệt lập nên chẳng được ai giải cứu (27-28).

Thực tế xã hội của thời xa xưa là như vậy. Chúng ta không thể lấy tư tưởng văn minh thời nay để phê phán cách chiếm đất ngày xưa. Sách Quan Xét không nói dân thành ấy có thuộc về bảy sắc dân bị Đức Chúa Trời ghê tởm hay không. Nhưng chi tộc Đan về sau không được nhắc tới nữa. Lần cuối cùng chi tộc của họ được nhắc tên là 1Sử-ký 27:22, vì chi tộc ấy đã cưới vợ, gả con hòa lẫn với người ở khu vực Siđôn. Tên của họ cũng biến mất khỏi mười hai chi tộc Israel được kể trong Khải Huyền 7.

Như vậy, thờ hình tượng là nguyên nhân khiến chi tộc Đan bị xóa tên; có lẽ sự tàn bạo của họ cũng đưa tới hậu quả tai hại ấy. Đây là bài học trong cách xử thế của các con cái Chúa với người khác.

Thành Laish được người Đan xây dựng lại và đặt theo tên tổ phụ của họ là Đan. Họ dựng cái tượng đã cướp từ nhà Mica để thờ và tâm lý thờ hình tượng ăn sâu vào lòng dạ người Đan (29-31). Nhất là khi Jeroboam xúi giục nhà Israel tách rời khỏi nhà David, thành lập vương quốc Israel phía Bắc, thì Đan trở lại thờ cái tượng con bò bằng vàng do Jeroboam dựng tại Đan (1Các Vua 12:29-30).

Có lẽ một số người sẽ thắc mắc tại sao Chúa khiến chi tộc Đan sa vào sự thờ hình tượng. Lựa chọn sống như thế nào là quyền tự do của con người. Đức Chúa Trời đã truyền cho Israel luật pháp của Ngài và đem họ vào vùng đất mà Ngài đã hứa cho Abraham. Nhưng họ đã không giữ theo lời dạy bảo của tổ tiên nên sa vào sự thờ hình tượng.

Con cái Chúa ngày nay cũng vậy, số đông người sa vào sự tôn thờ của cải vật chất là vì không chịu nghe lời khuyên dạy của Đức Thánh Linh.

Chúng ta hãy lấy bài học về chi tộc Đan để răn mình đừng phạm những tội mà Chúa đã cấm.

QuanXet18.docx

Rev. Dr. CTB