Rèn Luyện Đức Tin

Tâm Linh Trưởng Thành, bài 18

Mác 9:20-27

Trong đời sống mỗi ngày, đức tin trong nhiều người vào những lời hứa của Chúa thường lung lay khi gặp các sự thử thách hay khó khăn. Hầu như đại đa số tín hữu chẳng bao giờ chịu nghĩ tới việc luyện tập đức tin của mình sao cho vững vàng. Vì thế, nếu thấy nếp sống tâm linh của mình bạc nhược, không thắng nổi sự cám dỗ và tấn công từ thế giới tối tăm; hoặc lười nhác không chịu chăm sóc đời sống tâm linh mình, thì đó chỉ là hậu quả của người không rèn luyện đức tin mình mà thôi.

Những biểu hiện về thực trạng đó rõ ràng lắm: Không trung tín với Chúa trong mọi việc, chỉ giữ đạo một cách yếu ớt, không làm gương được cho người chung quanh, đời sống thuộc linh không khi nào mạnh mẽ như một số anh chị em khác trong Chúa.

Hầu hết tín đồ ở các Hội Thánh của Chúa đều đang ở trong tình trạng như vậy. Điều thật mừng là Đức Chúa Trời vẫn ban phương cách giúp chúng ta rèn luyện đức tin để đạt được những lời hứa của Ngài cho con dân Ngài. Vậy, hãy học tập để biết các phương cách ấy và áp dụng cho mình.

Nếu cõi vật chất có những luật không thay đổi, ví dụ trọng lượng bị sức hút của trái đất làm rơi thẳng xuống mặt đất; hoặc hai đường song song sẽ không bao giờ gặp nhau. Thì linh giới cũng có các luật của cõi linh, mà chúng ta thường không biết. Ví dụ: Đức Chúa Trời sẽ không làm chi cho chúng ta nếu chúng ta không mời Ngài vào làm Chủ đời sống tâm linh của chúng ta.

Nghĩa là, nếu tâm linh của một người chưa được tái sinh để thánh hóa, thì Chúa không biểu lộ hoặc bày tỏ gì về Ngài trong đời sống người ấy. Người đó không nghe được tiếng Chúa phán cho mình; chẳng phải vì Chúa không thể làm cho người đó nghe, nhưng vì tâm linh người ấy xa cách với linh giới thánh của cõi trời, không thể tiếp xúc với cõi ấy.

Người ta chỉ có thể nghe được tiếng Chúa phán khi nào tâm linh được sống lại qua sự tái sinh nhờ tin vào ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, tức là hết lòng tin Đức Chúa Jesus, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, đã chịu chết thay chỗ cho tội lỗi mình đáng bị trừng phạt.

Nếu ai chưa đạt tới điều kiện đó, thì Đức Thánh Linh không thể cộng tác với người chưa nhận ơn tái sinh để thực hiện những việc lớn cho người ấy.

Một ví dụ khác về luật trong linh giới thì hãy xem gương Đức Chúa Jesus khi còn sống ở thế gian: Ngài luôn luôn dành nhiều thì giờ để cầu nguyện (Luca 5:16). Nhưng khi chữa bệnh, đuổi quỷ, gọi người chết sống lại, hoặc khiến bão tố phải ngừng, Ngài chỉ cần ra lệnh chứ không cầu xin gì hết (Mác 1:25; 2:11; 4:39; Giăng 11: 43). Các sứ đồ cũng thế: Phi-e-rơ và Phao-lô đều ra lệnh cho người què chân đứng dậy để được lành (Công Vụ 3:6; 14:10).

Là con cái Chúa, chúng ta phải biết dùng lời nói để ra lệnh việc phải xảy ra, thay vì chỉ lo cầu xin. Cầu nguyện tương giao với Chúa trong chỗ riêng tư là để nhận năng lực, quyền phép. Nhưng khi ra mặt trận là phải ra lệnh, không cầu nguyện lâu dài nữa. Cầu nguyện chiến đấu là hành động khác với chiến đấu trong sự cầu nguyện.

Luyện tập cách vận dụng đức tin là rất quan trọng. Luyện tập là để cho Đức Thánh Linh đang ngự trong lòng phát huy các ân tứ Ngài đã ban cho ta. Chúng ta không cần lo lắng chi về việc mình có hoặc không có các ân tứ của Chúa. Chỉ cần Đức Thánh Linh trong lòng là đủ; vì Ngài là Đấng sở hữu các ân tứ và thực hiện các ân tứ ấy. Hễ chúng ta chịu vâng lời và tin cậy Ngài, thì Ngài sẽ sử dụng chúng ta để hoàn thành các chương trình và mục đích của Ngài.

Điều Ngài đòi hỏi người tin là dạn dĩ bước đi bằng đức tin, để Ngài có thể dùng đức tin ấy mà thực hiện các dấu kỳ phép lạ, vì khi các môn đồ lấy đức tin truyền giảng khắp nơi, thì “Chúa cùng làm việc với họ và dùng các dấu lạ kèm theo để làm cho vững đạo” (Mác 16:20).

Chúng ta phải biết các sự thật trong cõi đức tin thì mới có thể luyện tập đức tin. Lý do là vì vài thứ tà đạo như thiền phái, yoga, hay Phật-giáo Soka Gakkai của Nhật bản đã có thể thực hiện một số phép lạ chữa bệnh nan y bằng cách vận dụng lòng tin của họ. Giống như thời Môi-se, các thuật sĩ Ai cập cũng bắt chước Môi-se làm một số phép lạ.

Nhiều thần học gia Cơ-đốc giải thích rằng đó là quyền phép ma quỷ. Nhưng một câu hỏi đặt ra là, nếu ma quỷ chữa bệnh được như thế, chẳng lẽ Hội-thánh của Đức Chúa Jesus không làm được nhiều phép lạ hơn sao? MS Yonggi Cho đã được Chúa giải đáp thắc mắc của ông về việc các tà giáo có thể chữa lành một số bệnh nan y. Ông viết ra sự hiểu biết đó qua quyển sách “Chiều Kích Thứ Tư” (The Fourth Dimension).

Chúng ta sống trong không gian có ba chiều. Thân xác của loài người bị giới hạn và không ai ra khỏi thế giới ba chiều kích ấy được. Kinh thánh chép: “Đất không có hình dạng và trống không, bóng tối bao trùm mặt vực, và Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước” (Sáng Thế 1:2).

Địa cầu vốn là một khối hỗn độn của không gian ba chiều. Thần của Đức Chúa Trời, tức là Đức Thánh Linh, bao trùm khối hỗn độn ấy bằng chiều kích thứ tư của Ngài. Vì vậy, đức tin của cõi linh thuộc về chiều kích thứ tư.

Chiều kích ấy đã bao trùm thế giới ba chiều, tái tạo địa cầu, thiết lập trật tự mới, ban sự sống thay sự chết, tạo cái đẹp thay cho xấu xa, tinh sạch thay thế dơ bẩn. Mọi điều xinh đẹp và tuyệt vời ra đời là do chiều kích thứ tư của Chúa bao phủ và ôm ấp.

Loài người được dựng nên có cả thể linh lẫn vật chất; như thế, trong ai cũng có chiều kích thứ ba và thứ tư cả. Những người tập thiền đã khám phá ra chiều thứ tư của cõi tâm linh bằng cách phát triển các sự tưởng tượng, hình ảnh, hay mơ ước do sự tập trung tư tưởng, ôm ấp chúng, tạo ảnh hưởng và thay đổi chúng.

Vì thế, những người tập yoga và thiền có thể khám phá và phát triển chiều kích thứ tư thuộc nhân loại, tức là cõi tâm linh của họ, bằng các hình ảnh rõ ràng trong tâm trí về sức khoẻ mà họ có thể “ấp ủ” chúng trên thân thể của họ.

Nếu chiều kích thứ nhì bao gồm và cai quản chiều thứ nhất; chiều kích thứ ba bao gồm và cai quản chiều thứ nhì, thì chiều kích thứ tư cũng bao gồm và điều khiển cả ba chiều kích kia. Cõi linh là thế giới có chiều kích thứ tư. Khi chúng ta lên cõi thiên đàng thì mới biết cõi ấy có thêm bao nhiêu chiều kích ngoài chiều thứ tư.

Ở đâu không có khải tượng, dân chúng phóng túng” hay bị tiêu diệt (Châm Ngôn 29:18). Khải tượng là yếu tố cần thiết của đức tin. Ôm ấp khải tượng là nắm lấy ước mơ và hi vọng để biến nó thành hiện thực bằng chiều kích thứ tư, tức là đức tin.

Đức Chúa Giêxu từng dạy: “Bất cứ điều gì các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin rằng mình đã nhận được, thì các con sẽ được điều ấy” (Mác 11:24). Tập luyện đức tin để đạt tới chiều kích ấy là một vấn đề lớn cần phải tiếp tục học hỏi.

TamLinhTruongThanh18.docx

Rev. Dr. CTB