Rước Tai Họa Về

1Samuel, bài 07

1Samuel 5 và 6

Chiếm được Rương Giao Ước, người Philistine rất hoan hỉ đem Rương ấy về thành Ashdod, một thành lớn bên bờ Địa Trung Hải, nơi trú ngụ của một trong năm lãnh chúa Philistines. Về sau, nơi đó là thành Azotus (Công vụ 8:40). Lãnh chúa Ashdod đem Rương vừa chiếm được đặt vào đền thần Dagon của họ, để bên cạnh tượng Dagon (1–2). Tượng Dagon có đầu và tay người nhưng mình là con cá, tượng trưng cho sự kết quả. Họ đặt bên cạnh tượng Dagon với ý muốn làm nhục Thần của dân Israel và tôn kính thần của họ. Nhưng sáng hôm sau họ thấy tượng nằm sấp mặt xuống đất phía trước Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời. Họ đặt tượng lại chỗ cũ thì ngày sau nữa lại thấy ngã sấp phía trước Rương Giao Ước; lần nầy thì đầu và tay bị gãy nằm trên ngưỡng cửa (3–4). Từ đó, người Philistines tránh đạp lên ngưỡng cửa đền thần Dagon ở Ashdod.

Tuy nhiên, điều khiến họ kinh sợ là dân cả thành và vùng phụ cận đều mắc bệnh bướu độc rất đau đớn (5–6). Lúc ấy họ mới công nhận Đức Chúa Trời của Israel đang hành hại dân Ashdod và thần Dagon của họ; nhưng chưa biết phải giải quyết cách nào, vì nếu Rương Giao Ước vẫn còn ở đó, thì Đức Chúa Trời vẫn thẳng tay trừng trị dân Philistine và thần Dagon (7). Tất cả lãnh chúa Philistine phải họp bàn cách giải quyết. Họ quyết định đem Rương Giao Ước Đức Chúa Trời của Israel đến Gath. Họ quyết định như vậy vì tưởng rằng thần Dagon và Thần của Israel kỵ nhau; ở Gath không có đền thần Dagon, nên đem tới đó là hợp lý, vì vậy, họ đem tới Gath (8).

Nhưng khi họ đem Rương Giao Ước đến Gath thì Đức Giê-hô-va ra tay trên thành ấy khiến cả thành kinh khiếp hãi hùng. Ngài đánh dân thành ấy từ trẻ con đến người lớn đều phát bệnh bướu độc” (9). Người Philistine không biết Đức Chúa Trời là Thần của cả vũ trụ. Họ tưởng Ngài giống như một thứ thần địa phương nhỏ nhoi của họ. Thay vì đầu phục Chúa và cầu xin Ngài tha thứ, họ tìm cách tránh xa Đức Chúa Trời để tiếp tục thờ thứ thần không có quyền lực gì. Vẫn chưa chịu từ bỏ miếng mồi có vẻ quý báu, các lãnh chúa Philistines đem Rương Giao Ước tới Ekron là thành phố ở phía bắc của lãnh thổ họ, cách Gath khoảng 11 dặm; thần của thành ấy là Baal-zebub. Dân Ekron kinh hãi kêu khóc vì mấy thành kia đẩy tai họa tới cho mình (10).

Dân Ekron không dám giữ Rương Giao Ước, vì tai họa bắt đầu giáng xuống. Họ sai gọi tất cả các lãnh chúa của Philistines để bảo phải gửi trả Rương Giao Ước lại cho Israel. Sự chết đau đớn vì bướu độc khiến cho tất cả các thành của Philistine đều kinh hoàng “tiếng kêu la trong thành lên đến tận trời” (11–12). Sự chết đã làm người ta sợ hãi, nhưng chết trong sự đau đớn là điều không ai muốn phải bị trải qua. Mà Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời tới chỗ nào trong xứ của người Philistines đều đem tai họa khủng khiếp tới cho họ. Thời gian Rương Giao Ước lưu lại trong lãnh thổ của Philistine là bảy tháng vì họ không muốn buông bỏ chiến lợi phẩm (6:1).

Bấy giờ, dân Philistine gặp khó khăn vì không biết phải trả lại cho Israel bằng cách nào. Cướp thì dễ nhưng trả lại thì khó. Họ phải gọi các thuật sĩ, các tế sư của họ tới để hỏi: “Chúng tôi phải làm gì đối với Rương Giao Ước của Đức Giê-hô-va? Hãy cho chúng tôi biết phải trả Rương ấy về nơi cũ bằng cách nào?” (6:2). Câu trả lời là: “Nếu anh em trả lại Rương Giao Ước Đức Chúa Trời của Israel thì đừng gửi đi không, nhưng phải trả cho Ngài lễ vật chuộc tội, rồi anh em được chữa lành, và sẽ biết tại sao tay Ngài không rời khỏi anh em” (6:3). Họ xin mấy người ấy cho biết lễ vật chuộc tội mà họ phải dâng cho Đức Chúa Trời là những gì? Trả lời rằng: “Năm hình bướu bằng vàng và năm con chuột bằng vàng, theo số lãnh chúa của người Philistine, vì cùng một tai họa đã giáng trên anh em và các lãnh chúa của anh em” (6:4).

Các lễ vật họ đề nghị không phải để khinh thường Đức Chúa Trời, bởi vì họ đang muốn được Ngài đẹp lòng; nhưng để chứng tỏ rằng họ khiêm cung hạ mình xuống trước mặt Chúa thì họ phải dùng vàng ròng đúc năm cái hình bướu độc, tượng trưng cho căn bệnh mà họ cầu xin Chúa đem nó đi khỏi họ. Sách cổ cho biết đồng một lúc với bệnh bướu độc, chuột cũng sinh ra nhiều tàn phá mùa màng. Như vậy, năm tượng vàng bướu độc cộng với năm tượng con chuột bằng vàng để làm lễ vật dâng cho Đức Chúa Trời của Rương Giao Ước. Các tế sư căn dặn: “Vậy anh em hãy làm các hình bướu và những hình chuột phá hoại xứ sở, và hãy tôn vinh Đức Chúa Trời của Israel. Có lẽ Ngài sẽ nhẹ tay trên anh em, trên các thần và trên xứ sở của anh em” (6:5).

Các thuật sĩ và tế sư của người Philistine nhắc lại dân Ai-cập bị hành hại vì Pharaon cứng lòng dù đã thấy các phép mầu của Chúa. Cho nên, họ khuyên hãy đóng một cỗ xe mới thắng vào cổ hai con bò cái đang cho con bú nhưng chưa mang ách, nhốt bò con riêng ra, đặt Rương Giao Ước lên, đặt cái khay chứa các hình vàng bên cạnh Rương, rồi để cho bò cái tự kéo xe đi (6:6–8). Họ cũng được bảo hãy theo dõi: “Nếu Rương Giao Ước đi lên hướng xứ nó, tức về hướng Beth Shemesh, thì chính Ngài đã giáng đại họa nầy trên chúng ta. Nếu không thì chúng ta biết rằng chẳng phải Ngài đã ra tay trừng phạt chúng ta, nhưng tai họa này xảy đến tình cờ mà thôi” (6:9).

Người Philistines vâng lời làm theo y như đã được căn dặn. Họ đóng một cái xe mới, bắt hai con bò cái còn cho con bú thắng vào cỗ xe, nhốt con của chúng lại, đặt Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời lên xe, đặt cái hộp có hình bướu bằng vàng và hình chuột bằng vàng bên cạnh (6:10–11). Hai con bò bèn đi thẳng về hướng Beth Shemesh. Chúng cứ theo đường cái mà đi, vừa đi vừa rống, không quay sang trái hoặc phải. Các lãnh chúa Philistine đi theo sau chiếc xe bò kéo ấy tới ranh giới Beth Shemesh thì dừng lại (6:12). Người Bethshemesh đang gặt lúa, thấy dân Philistine trả Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời về cho họ thì mừng rỡ lắm (6:13). Còn hai con bò cứ đi thẳng tới cánh đồng của Giô-suê mới đứng lại (6:14).

Beth Shemesh có nghĩa là “nhà của mặt trời,” nằm ngay ranh giới chi tộc Giu-đa, rất gần với Bethlehem. Làng nhỏ nầy ở giữa một cánh đồng xinh đẹp. Hai con bò theo bản tính tự nhiên không thể rời bỏ con của chúng còn đang bú. Nhưng Đức Chúa Trời đã bắt chúng phải đi ngược với phía bản năng chúng muốn, mà phải hướng thẳng về Beth Shemesh, xứ sở dân Israel của Ngài. Người Lêvi ở Beth Shemesh đi ra đặt Rương Giao Ước lên tảng đá lớn, họ chẻ gỗ của chiếc xe làm củi, dùng hai con bò làm sinh tế để dâng tế lễ thiêu lên Đức Chúa Trời. Họ cũng dâng thêm cho Chúa nhiều lễ vật khác. Các lãnh chúa Philistine chứng kiến mọi việc và trở về Ekron (6:14–16).

Năm hình bướu và năm con chuột đều bằng vàng là lễ vật chuộc tội mà người Philistine dâng lên Đức Chúa Trời, thay mặt cho năm thành Ashdod, Gaza, Askelon, Gath, và Ekron, cùng tất cả các thành lớn nhỏ và làng quê của họ. Bởi vì họ quá kinh hãi những tai họa mà Đức Chúa Trời đã giáng xuống vì tội cướp Rương Giao Ước của Ngài (6:17–18).

Bảy mươi người trong dân ở Beth Shemesh bị ngã chết vì tò mò giở nắp thi ân nhìn vào trong Rương Giao Ước. Luật lệ của Chúa là họ phải tôn kính vật thánh; mà Rương Giao Ước là vật được đặt trong gian chí thánh của Đền Thờ. Vì vậy họ bị phạt khiến dân chúng than khóc (6:19). Một bản sao Hebrew chép rằng có 50,070 người chết. Bản ấy không được tin cậy vì Beth Shemesh chỉ là một làng nhỏ. Vào thời cực thịnh của các vua Giu-đa về sau, dân số của Jerusalem chỉ có khoảng 70,000 dân mà thôi. Người Beth Shemesh quá sợ hãi nên sai sứ giả nhắn người ở Kirjathjearim tới Beth Shemesh rước Rương về địa phương của họ (6:20–21).

Người Kirjathjearim đến thỉnh Rương, đem về đặt trong nhà Abinadab ở trên đồi. Có Eleazar, con trai của Abinadab trông coi. Rương Giao Ước đặt tại đó khoảng hai mươi năm. Dân Isreal than khóc vì nhớ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình, nhưng không làm gì cả (7:1–2).

1Samuel07.docx

Rev. Dr. CTB