Chiến Công và Ý Dân

1Samuel, bài 15

1Samuel 14:1–52

Khi ở Gilgal, vua Saul tự ý dâng tế lễ thiêu vì quá lo lắng, thiếu lòng tin vững vàng vào sự bảo vệ của Đức Chúa Trời đối với Israel. Lòng trung thành và tin cậy Chúa của Jonathan khác hẳn cha mình. Ông thấy quân Philistine đóng một đồn trên đèo Michmash từ khi họ kéo đến đó thì đã ngứa mắt muốn nhổ nó rồi. Vì vậy, ông quyết định sẽ nhờ sức Chúa để diệt trừ đồn quân Philistine mà không nói cho cha mình biết (1). Vào thời ấy, các bậc vương hầu đều có người mang binh khí đi theo hầu chủ ở bất cứ nơi nào chủ đi; cho nên, Jonathan cũng có một người trai trẻ vác vũ khí đi theo mình. Jonathan rủ người vác vũ khí cùng đi tới đồn quân của người Philistine.

Vua Saul và sáu trăm lính đóng quân ở bên ngoài Gibeah dưới tàn vườn cây lựu ở Migron, có lẽ để quan sát mọi hoạt động của quân Philistine. Bên cạnh Saul có thầy tế lễ Ahijah là con của Ahitub, mà Ahitub là anh của Ichabod. Ichabod là người được sinh ra trong ngày Phinehas, cha mình, và ông nội là thầy tế lễ Eli đều chết khi Israel bị Philistine đánh bại (4:17–18). Vậy, Ahijah là chắt của Eli (Hêli), và đang giữ chức thầy tế lễ thượng phẩm cho Saul vì được mang ephod, là cái yếm thuộc bộ áo lễ của thầy tế lễ thượng phẩm, có Urim và Thummim rất bí ẩn để cầu hỏi ý muốn của Đức Chúa Trời; không ai trong số những người ở với vua Saul biết Jonathan đã đi (2–3).

Hai cái mỏm đá nhọn (không phải đỉnh núi đá) tên là Bozez (trắng hay sáng láng) và Seneh (bóng hay trơn trợt) nằm giữa chỗ của Jonathan với đồn quân Philistine. Người ta tin rằng Jonathan phải trèo qua cả hai mỏm đá đó để leo lên đồn quân Philistine (4–5). Ông bàn với người mang binh khí rằng: “Nào, chúng ta hãy tiến sang đồn của những kẻ chẳng chịu cắt bì kia. Có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ hành động vì chúng ta. Dù ít người hay nhiều người, không có gì cản trở Đức Giê-hô-va cho chúng ta chiến thắng. Người vác khí giới cho ông thưa: Xin cứ làm mọi điều ông ước muốn, tôi xin một lòng một dạ với ông.

Mặc dù chỗ nầy không nói “Thần của Đức Giê-hô-va tác động” trên Jonathan, nhưng với hành động can trường và sức mạnh thần kỳ của Jonathan, thì chắc phải có sự tác động và thục giục của Chúa để Jonathan đánh quân Philistine. “Giô-na-than tiếp: Nầy, chúng ta hãy đi đến chỗ những người ấy và để cho chúng thấy chúng ta. Nếu chúng nói: ‘Hãy đợi chúng tao đến chỗ chúng mầy,’ thì chúng ta sẽ đứng tại chỗ và không lên cùng chúng. Còn nếu chúng nói: ‘Hãy lên đây,’ thì chúng ta sẽ lên, vì đó là dấu hiệu Đức Giê-hô-va đã phó chúng vào tay chúng ta.” (8–10). Quân Philistine không thấy Jonathan cho tới khi Jonathan chường mặt ra bên dưới hú gọi chúng phía trên.

Ông tin rằng nếu họ bảo: “Hãy lên đây” thì đó là dấu hiệu Chúa cho ông biết Ngài dùng tay ông diệt họ. “Vậy, hai người xuất hiện trước đồn Philistine. Người Philistine nói: Kìa, bọn Hê-bơ-rơ đang chui ra khỏi các hang chúng ẩn trốn. Những người trong đồn gọi Jonathan và người vác khí giới của ông: “Hãy lên đây! Chúng tao có việc muốn nói với chúng mầy” (11–12). Jonathan biết đó là hiệu lệnh của Chúa nên bảo đầy tớ mình “Hãy theo ta, vì Đức Giê-hô-va đã phó chúng vào tay Israel” (12). Jonathan bày tỏ đức tin mạnh mẽ vào Đức Chúa Trời của Israel. Ngày nay rất ít tín hữu đặt lòng tin vào Chúa. Người ta thường suy luận theo cách tính toán yếu ớt thường tình.

Quân Philistine không ngờ Jonathan trèo lên nhanh như vậy. Ở đây không nói ông đánh chúng như thế nào mà tất cả đều ngã gục trước mặt ông, còn người cầm gươm đi theo sau chỉ cần giết kẻ đã ngã mà thôi. Họ chỉ giết khoảng hai mươi quân Philistine, mà “nỗi kinh hoàng lan ra trong trại quân, ngoài đồng, và trong toàn dân. Quân trong đồn cũng như đội quân đột kích đều khiếp đảm, đất thì rúng động. Đó là nỗi kinh khiếp mà Đức Chúa Trời giáng xuống” (13–15). Đến nỗi người Philistine hoảng loạn, rút gươm chém giết lẫn nhau. Những người Hê-bơ-rơ trước đó đã theo người Philistine, thì nay quay về với người Israel theo Saul và Jonathan. Tất cả những người Israel đang ẩn trốn trong vùng đồi núi Ephraim nghe tin người Philistine vỡ chạy, cũng rượt theo đánh đuổi chúng. Hôm ấy, Đức Giê-hô-va đã giải cứu Israel; và chiến trận vượt khỏi Beth Aven (16–23).

Saul càng ngày càng chứng tỏ là một người kiêu căng nhưng suy nghĩ nông cạn, thấy địch bỏ chạy lại tưởng do mình giỏi, mở miệng thề lời thiếu khôn ngoan, khiến cho dân Israel bị kiệt sức vì đánh trận mà mắt mờ vì bụng quá đói (24–26). Jonathan không biết cha mình đã thề nên thấy mật ong thì nếm. “Có người trong dân chúng nói cho ông biết: Cha của ông đã thề với dân chúng rằng: ‘Đáng nguyền rủa kẻ nào ăn vật gì hôm nay.’ Vì vậy, dân chúng đều bị kiệt sức. Jonathan nói: “Cha tôi đã làm cho xứ sở bối rối thêm. Hãy xem, nhờ nếm chút mật nầy mà mắt tôi đã sáng dường nào! Ồ! Nếu như hôm nay dân chúng đã được ăn những vật thực chiếm được của kẻ thù thì người Philistine càng thất trận nặng nề hơn biết bao!” (27–30).

Lời thề thiếu suy nghĩ của Saul không ngăn cản được dân Israel quá đói. Hơn nữa, khi bắt đầu buổi chiều tối thì lời thề trong ngày hết hiệu nghiệm, nên họ giết mấy con thú và ăn thịt còn máu, vi phạm luật pháp (Lêviký 17:10–14) của Chúa truyền cho Môise (31–33). Lần đầu tiên Saul lập một bàn thờ bằng tảng đá lớn (34–35). Vì dân Philistine đã thua chạy tan tác như thế, “Saul nói: Chúng ta hãy đi xuống đuổi theo người Philistine suốt đêm nay, cướp phá chúng cho đến sáng sớm, và đừng để một ai sống sót. Họ đáp: Xin cứ làm mọi điều bệ hạ cho là phải. Nhưng thầy tế lễ nói: Chúng ta hãy cầu hỏi Đức Chúa Trời, ngay tại đây. Sau-lơ cầu hỏi Đức Chúa Trời: Con có nên đi xuống và đuổi theo người Philistine không? Ngài sẽ phó chúng vào tay Israel không? Nhưng ngày hôm ấy, Đức Chúa Trời không trả lời ông” (36–37).

Thời ấy, theo truyền thuyết khi Đức Chúa Trời trả lời cầu hỏi của vua hay thầy tế lễ thượng phẩm, thì các viên đá Urim và Thummim sẽ phát sáng lên. Nếu chúng không phát sáng, có nghĩa là Chúa không trả lời vì dân chúng phạm một lỗi gì đó. “Vì thế, Saul ra lệnh: Tất cả các vị chỉ huy quân đội hãy đến đây, để tìm xem hôm nay ai đã phạm tội. Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, là Đấng giải cứu Israel, kẻ đã phạm tội dù chính là Jonathan, con trai ta, chắc chắn cũng phải chết! Không một ai trong dân chúng đáp lời vua. Vua nói với toàn thể Israel: Các ngươi hãy đứng bên nầy, ta và Jonathan, con trai ta, sẽ đứng bên kia. Dân chúng thưa với vua Saul: Xin cứ làm điều bệ hạ cho là phải.” (38–40). Sau khi bắt thăm, Jonathan bị chỉ ra (41–42).

Chúa cho phép việc nầy xảy ra không phải để Jonathan phải chết, nhưng Ngài dùng dân chúng giải cứu ông. Việc nầy phải xảy ra để sự kiêu căng ngu muội của Saul phải bị vạch trần khi ông thấy lời thề dại dột của mình đem cái chết tới cho người con trai lớn tài giỏi của mình; vừa để sự vô tội của Jonathan được bày tỏ ra, vừa để thiết lập uy quyền của vua. Khi Jonathan tình nguyện chết và Saul quyết chí xử tử con mình (43–44), thì “dân chúng nói với Saul: ‘Jonathan là người đã làm cho Israel chiến thắng vẻ vang như thế mà phải chết sao? Nhất định không! Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, dù một sợi tóc trên đầu người cũng sẽ không rụng xuống đất, vì hôm nay người đã cùng làm việc với Đức Chúa Trời. Thế là, dân chúng đã giải cứu Jonathan, và ông không phải chết. Saul không truy đuổi người Philistine nữa; còn người Philistine thì rút về xứ mình.” (45–46). Tiếng nói quyết tâm của dân chúng đã thắng hơn lòng kiêu căng ngu muội của Saul.

Khi đã nắm được vương quyền trên Israel, Saul giao chiến với tất cả các kẻ thù chung quanh, như Moab, Ammon, Edom, các vua Zobar, và người Philistine. Ông đánh đâu thắng đó. Ông hành động can trường, đánh bại người Amalek và giải cứu Israel khỏi tay những kẻ cướp phá họ. Saul có các con trai là Jonathan, Ishvi, và Malki-shua; ông cũng có hai con gái: cô lớn tên là Merab, cô nhỏ tên là Michal. Vợ của Saul là Ahinoam, con gái của Ahimaaz. Tổng tư lệnh quân đội của SaulAbner, con của Ner (Ner là chú của Saul). Kish, cha của Saul; còn Ner, cha của Abner, đều là con của Abiel. Suốt đời Sau-lơ luôn có chiến tranh khốc liệt với người Philistine. Mỗi khi thấy người nào mạnh mẽ và gan dạ thì Saul chiêu mộ cho mình.” (49–52).

1Samuel15.docx

Rev. Dr. CTB