Sự Biến Dạng của Lòng Tin

Theo Dõi Tận Thế, bài 12

Các Quan Xét 2:8–15

Sau đó, Giôsuê con trai của Nun, đầy tớ của Đức Giê-hô-va, qua đời, hưởng thọ một trăm mười tuổi.

9Người ta chôn cất ông trong phần đất thuộc sản nghiệp của ông tại Timnathheres trên vùng đồi núi Ephraim, về phía bắc núi Gaash.

10Rồi cả thế hệ ấy cũng được tiếp về cùng tổ phụ mình, và một thế hệ khác tiếp nối; họ chẳng biết Đức Giê-hô-va cũng chẳng biết các công việc mà Ngài đã làm cho Israel. 11Bấy giờ, dân Israel làm điều ác dưới mắt của Đức Giê-hô-va, phụng sự các thần tượng Baal,

12lìa bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ, là Đấng đã đem tổ phụ họ ra khỏi xứ Ai Cập. Họ theo các thần khác của những dân tộc chung quanh, quỳ lạy các thần tượng đó khiến Đức Giê-hô-va nổi giận.

13Họ đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va mà phụng sự Baal và Astarte.

14Vì thế, Đức Giê-hô-va nổi cơn thịnh nộ với Israel. Ngài phó họ vào tay kẻ cướp để chúng bóc lột họ. Ngài bán họ cho các kẻ thù chung quanh và họ không chống cự nổi kẻ thù mình.

15Mỗi khi họ ra trận, tay của Đức Giê-hô-va đều giáng họa trên họ như Đức Giê-hô-va đã thề phán với họ. Họ lâm vào cảnh khốn cùng.

Thời nay, khi quan sát đời sống tâm linh của vô số tín hữu trong Hội Thánh Chúa và xã hội của nhiều dân tộc vốn lấy luật pháp của Đức Chúa Trời làm nền tảng, người đọc Kinh Thánh càng thấy Lời Chúa thật rất nhiệm mầu như thế nào. Bởi vì khi đọc lịch sử của người Israel trong thời Cựu ước rồi so sánh với nếp sống tâm linh của tín hữu trong thời đạo đức xã hội hiện nay, thì lịch sử ấy như cái gương phản chiếu hình ảnh tâm linh trung thực của nhiều tín hữu bây giờ. Cơ-đốc-nhân thời nay có thể lấy những chuyện tích trong lịch sử của người Do-thái ngày xưa để xem lại cách sống đạo của mình hiện ra sao để khỏi bị trừng phạt trong ngày phán xét sẽ đến nhanh chóng.

Lịch sử của người Do-thái vào thời ấy ra sao? Sau nhiều lần phản loạn trên đường được Chúa đem về miền đất hứa, dân Israel tới đóng trại ở đồng bằng Moab. Ở đó, họ được Chúa dùng Môise truyền lệnh: “Đức Giê-hô-va phán với Môise trong đồng bằng Moab gần sông Jordan, đối diện Jericho, rằng:Hãy bảo dân Israel: Khi các con vượt qua sông Jordan để vào xứ Canaan thì phải đuổi tất cả dân bản địa khỏi các con, phá hủy hết tượng chạm và tượng đúc cùng triệt hạ tất cả các nơi cao của chúng” (Dân-số-ký 33:50–52). Môise nói thêm “Hôm nay, nhất quyết không có một người nào trong anh em, dù nam hay nữ, dù gia tộc hay bộ tộc nào được thay lòng đổi dạ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta mà đi thờ cúng các thần của những dân tộc đó. Trong anh em cũng đừng có rễ sinh ra trái độc và quả đắng. Người nào nghe được các lời thề ước nầy thì đừng có tự mãn trong lòng rằng: ‘Ta sẽ được bình an dù ta có cứng lòng đi theo đường lối riêng của mình’, như thể đất bùn cũng bị trôi đi như đất bụi” (Hiền hay ác đều bị khốn khổ như nhau Phục Truyền 29:18–19).

Sau khi được Chúa đưa vào một miền đất phì nhiêu, phong phú, dân Israel được Ngài yểm trợ đánh đuổi và tiêu diệt nhiều dân tộc thù nghịch. Nhưng khi chủ tướng của họ là Giôsuê, và cả thế hệ thời ông qua đời hết, “một thế hệ khác tiếp nối; họ chẳng biết Đức Giê-hô-va cũng chẳng biết các công việc mà Ngài đã làm cho Y-sơ-ra-ên. Bấy giờ, dân Israel làm điều ác dưới mắt của Đức Giê-hô-va, phụng sự các thần tượng Ba-anh, lìa bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ” (Các Quan Xét 2:10–12). Cứ mỗi lần họ phản bội, Chúa rút tay không bảo vệ, thì Israel bị các kẻ thù chung quanh trấn áp và ức hiếp. Họ kêu cầu Đức Chúa Trời, Ngài dấy các dũng sĩ lên đánh bại những kẻ thù ấy; họ được bình an một thời gian. Nhưng khi lãnh tụ ấy qua đời rồi, Israel trở lại thói cũ.

Sau khi Ghi-đê-ôn qua đời, dân Y-sơ-ra-ên trở lại phạm tội tà dâm với các thần Baal và tôn Baalberith [Baal giao ước] làm thần của họ. Như vậy, dân Y-sơ-ra-ên không nhớ đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, là Đấng đã giải cứu họ khỏi tay các kẻ thù chung quanh” (Các Quan Xét 8:33–34). Không phải dân Israel chỉ thờ các thần Baal, “Họ phụng sự các thần Baal và Astarte, cùng các thần của dân Aram, các thần của dân Sidon, các thần của dân Moab, các thần của dân Ammon, và các thần của dân Philistine. Họ từ bỏ Đức Giê-hô-va, không phụng sự Ngài” (Các Quan Xét 10:6). Các thần ấy có tên là Dagon, Moloch, Thammuz, Chemosh, và Milcom. Dân Israel không những từ bỏ Đức Chúa Trời, họ quay qua thờ các tà thần vô ích của những dân tộc thù nghịch với họ.

Chúng ta có thể rất thắc mắc về các lý do nào khiến dân Israel phản bội Đức Chúa Trời nhanh đến mức đó. Qua các bài học nầy, chúng ta quan sát và tìm hiểu để thấy nguyên nhân, rồi so sánh với cách những người xưng là tín đồ của Đức Chúa Jesus đối xử với Ngài trong thời nay. Kinh Thánh có mục đích gì khi ghi chép lại tất cả những thời kỳ dân Israel phản bội Đức Chúa Trời? Sứ đồ Phaolô giải thích: “Tất cả những điều nầy xảy ra cho họ như một bài học, và được ghi chép lại để cảnh cáo chúng ta là những người đang sống ở cuối các thời đại” (1Côrinhtô 10:11). Sự biến dạng của niềm tin vào Chúa diễn ra cách tiệm tiến. Chúng biến dần ở bên trong rồi khoác các vỏ ngoài giả mạo cho đến khi nó đã trở thành các hình thức khác hẳn mà người ta không thấy nó đã đổi.

Dân tộc Israel được tạo nên theo ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời. Qua các thế hệ, dân tộc ấy tách dần dần khỏi nền tảng họ được Đức Chúa Trời thiết lập trên đó. Suốt 40 năm họ đi lang thang trong hoang mạc, mặc dù Đức Chúa Trời là Đấng vô hình, họ vẫn thấy trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm luôn đi với họ để bảo vệ và dẫn đường; họ cũng chưa có sản nghiệp gì để ước ao mùa màng dư dật trù phú. Nhưng sau khi vào miền đất hứa, trụ mây và trụ lửa không còn ở với họ nữa, con cháu họ sống gần các dân tộc chung quanh, dân nào cũng có tượng thần để thờ lạy, cầu khẩn được nhiều con cái và mưa thuận gió hòa để mùa màng kết quả; còn họ thì không có tượng gì hết. Nhu cầu có hình ảnh nào đó để hi vọng và thỏa mãn các tham vọng giống như một sức hút mạnh không cưỡng lại nổi, hình tượng len dần vào đời sống của xã hội Israel lúc nào không hay.

Khi lòng tin đã bị biến dạng dần dần mà không hay, người ta không biết mình đã lìa bỏ chân lý để chạy theo sự suy nghĩ chủ quan của họ. Niềm tin vào Đức Chúa Trời quyền năng nhưng vô hình không rờ chạm được đã trở thành một niềm tin thiếu hẳn chỗ để bám víu. Hạnh phúc của đời sống trong thời hòa bình không còn là được bảo vệ bình an, mà là làm thế nào thỏa mãn được khát vọng lạc thú xác thịt và sở hữu nhiều của cải để được giàu sang. Đối với người vùng Trung Đông thì có nhiều con cái là dấu hiệu của người được phước “Đức Giê-hô-va sẽ làm cho anh em thịnh vượng, bông trái của thân thể anh em, bầy con của đàn gia súc, hoa quả của đất ruộng anh em sẽ được dồi dào trong xứ mà Ngài sẽ ban cho anh em theo lời thề với các tổ phụ. Đức Giê-hô-va sẽ mở kho báu từ trời của Ngài cho anh em, ban mưa đúng mùa trên đất đai anh em và ban phước cho mọi công việc của tay anh em” (Phục Truyền 28:11–12).

Sự cám dỗ của khoái lạc xác thịt và giàu sang luôn luôn thúc giục lòng người. Dân Israel sống bằng nghề nông và chăn nuôi gia súc. Xứ Canaan thỉnh thoảng bị hạn hán làm cho mùa màng thất bát, mỗi mùa mưa tới đất lại thêm phì nhiêu; vì vậy, nhu cầu về nước mưa chiếm hữu lòng người ở đó. Các dân tộc ở xứ Canaan tạo nên nhiều vị thần mà họ đặt tên là Baal. Một trong các thần Baal là thần sấm sét và mưa bão cỡi trên các đám mây. Baal có nghĩa là chủ hoặc chúa, nhưng Baal theo nghĩa thông thường là thần sinh sản, đứng đầu trong giới thần linh. Nhưng Baal có kẻ thù truyền kiếp là Mot. Khi hai thần đánh nhau, nếu lần đó Baal thắng thì sẽ có bảy năm hoa lợi dồi dào; nhưng khi nào Baal thua, thì bảy năm kế tiếp sẽ bị hạn hán và mùa màng thất bát.

Khi hết giặc giã, Israel giao du với các lân bang thì bị rủ rê thờ các thứ thần Baal của Canaan; bởi vì các thứ thần ấy có hình tượng cụ thể thấy được. Nhưng trước khi dân Israel mạnh dạn chấp nhận các thần Baal, thì họ dần dần quên Đức Chúa Trời. Nghĩa là họ từ từ loại bỏ ảnh hưởng của sự kính sợ Đức Chúa Trời ra khỏi đời sống riêng của gia đình rồi ra khỏi xã hội chung. Luật pháp của Chúa cũng bị giảm nhẹ rồi lập luật riêng. Đạo đức luân lý của luật Môise cũng dần dần bị loại khỏi đời sống chung của cộng đồng. Hậu quả là văn hóa đặc thù của Israel cũng biến dạng, không còn là của riêng dân Israel nữa. Tới khi có vị tiên tri được Đức Chúa Trời sai đến nhắc nhở, thì họ không nhớ quên Chúa từ hồi nào “Có trinh nữ nào quên đồ trang sức, hay có cô dâu nào quên áo cưới của mình không? Nhưng dân Ta đã quên Ta từ bao ngày không đếm được” (Giêrêmi 2:32).

Baal có gì hấp dẫn được Israel? Trong mấy thế kỷ ở Canaan, đã bao lần họ bị Đức Chúa Trời trừng phạt bằng các dân tộc hung bạo trấn áp và ức hiếp triền miên; nhưng vừa bình an được mấy chục năm thì tánh nào tật nấy. Israel trở lại thờ các thứ thần bị Đức Chúa Trời gớm ghiếc. Tại sao? Trên cõi đời, có hai lãnh vực rất hấp dẫn và lôi cuốn người ta không bao giờ dứt, đó là nhục dục và tiền bạc của cải. Theo Baal thì được công khai thỏa mãn lạc thú xác thịt và hi vọng Baal đem mưa tới cho mùa màng thành công, vừa no đủ, vừa thu nhập được nhiều tiền. Từ chỗ đi xuống đó, dân Israel tiến tới tình trạng dùng con cái mình làm tế lễ thiêu dâng cho thần Moloch để cầu phước và nhiều sự đồi bại khác để thỏa mãn lạc thú xác thịt không bao giờ dứt của họ.

Những hình ảnh sa bại của Israel ngày xưa là gương soi cho người thời nay. Như Chúa trách: “Thật ngươi đã khéo vạch đường mở lối để tìm kiếm tình yêu! Ngươi còn dạy các đường lối đó cho cả những người đàn bà xấu nết. Trên vạt áo ngươi cũng vấy máu của người nghèo vô tội, dù ngươi không bắt quả tang họ đào ngạch khoét vách, nhưng bất chấp tất cả” (Giêrêmi 2:33–34).

TheoDoiTanThe12.docx

Rev. Dr. CTB