Xong Rồi! Khởi Nguyên và Tận Cùng

Theo Dõi Tận Thế, bài 61

Khải Huyền 21:1–8

Phần cuối của sách Khải Huyền trình bày mục đích vĩnh viễn và sự sắm sẵn tuyệt vời của Đức Chúa Trời cho con dân Ngài. Lúc ấy, Satan và tội lỗi đã bị loại trừ, sự chết và âm phủ cũng chẳng còn. Điểm tận cùng của thời gian đã đến, Đức Chúa Jesus Christ đã hiển lộ Ngài là Đấng Toàn Thắng, là mọi sự trong mọi sự. Ngài sẽ giao Vương quốc lại cho Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, Vua của cõi đời đời (1Côrinhtô 15:24). Bóng tối đã tiêu mất, chỉ còn vinh quang rạng ngời. Dòng lịch sử của loài người đã chấm dứt, và Đức Chúa Trời đưa vạn vật vào một trật tự mới. Con dân Chúa sẽ được biết rõ Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Những điều mô tả của sứ đồ Giăng cho thấy lúc đó ông ở trong một cõi hoàn toàn khác, một khải tượng về những thực tế ở thiên đàng. “Khi ấy tôi thấy trời mới đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã qua đi, và biển cũng không còn nữa” (1).

Hai đoạn cuối 21–22 được viết để người đọc suy gẫm chứ không phải để giải nghĩa. Vì ngôn ngữ nhân loại không thể mô tả cảnh trí của cõi thiên đàng, là nơi mà chẳng ai còn đang sống trên đất đã từng tới, chúng ta thường dùng những hình ảnh mình đã biết để mô tả cho người khác hình dung những sự vật mà họ chưa từng thấy. Tuy nhiên, chúng ta dựa vào câu sau đây để dùng làm nền tảng hiểu biết những điều sẽ được khải thị: “Nầy, Ta sẽ làm mới lại tất cả muôn vật…” (5a). Nghĩa là Chúa sẽ tạo dựng lại mọi vật hoàn toàn mới, chưa ai từng thấy. Đáng lẽ các câu 5–8 phải nằm trước 3–4 và sau đó là 1–2 thì dễ hiểu hơn; vì nó giúp ta hiểu theo thứ tự sự việc.

Ngài lại phán: ‘Hãy viết đi, vì những lời nầy là đáng tin cậy và chân thật’” (5). Hai mươi thế kỷ đã trôi qua, một số người chế giễu sách Khải Huyền; hoặc một số không được Đức Thánh Linh soi sáng thì nói rằng Khải Huyền chỉ là một sách dùng để dọa tín đồ, chứ nó sẽ không thực sự xảy ra đâu. Nhưng Đức Chúa Trời thì phán: “Những lời nầy là đáng tin cậy và chân thật!” Vì thế cho nên, người nào tin lời Chúa bày tỏ trong sách nầy thì có tương lai vững vàng hơn người thờ ơ. Sau đó Ngài lại phán: “Xong rồi! Ta là Alpha và Omega, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (6a). Vì Chúa đã hoàn thành cuộc sáng tạo thế giới, loài người, sự chuộc tội, và chương trình cứu rỗi. Sau khi Đức Chúa Jesus thăng thiên, Ngài chờ đợi hơn hai ngàn năm, để nhiều thế hệ nhân loại hiểu biết và tiếp nhận ơn cứu rỗi ấy; lúc đó, chương trình Ngài đã hoàn tất, nên Ngài phán: “Xong rồi!

Alpha là chữ cái đầu tiên và Omega là chữ cái cuối cùng của mẫu tự Hy Lạp. Vì vậy, AlphaKhởi Nguyên, còn OmegaTận Cùng. Lời phán nầy còn có nghĩa là chỉ một mình Đức Chúa Trời là Thần Tối Cao; ngoài Ngài ra, không có thần tối cao nào khác. Bởi vì chỉ một mình Ngài có quyền năng sáng tạo, cứu vớt và trừng phạt. Một người chết bị tôn làm ‘đức thế tôn’ vẫn làm cho nhiều người kém suy nghĩ bị lầm lạc. ‘Đức thế tôn’ ấy không sáng tạo được một cái gì hết, không biết chân lý nên không thể tìm ra, đã chết không thể sống lại, và không ban phước hay giáng họa gì được cả. Khi con rồng và mọi kẻ theo hắn, tức là những người tin theo các đạo lạc tôn kính con rồng, cùng những kẻ phạm đủ thứ tội bị ném xuống hồ lửa, thì thế giới ở địa cầu sẽ chấm dứt.

Ngài phán tiếp: “Người nào khát, Ta sẽ cho uống nước miễn phí từ nguồn nước sự sống” (6b). Khát ở đây không có nghĩa là khát nước bình thường của thân thể xác thịt; nhưng là lòng khát khao muốn biết chân lý: Mình từ đâu tới thế giới nầy, ý nghĩa của đời sống là gì, tại sao phải sống cách đạo đức, và định mệnh sẽ đưa chúng ta tới đâu? Chưa từng có bất cứ một người nào từ nhân loại trả lời thỏa đáng được bốn câu hỏi nầy. Nhưng, ai nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Jesus thì sẽ biết rõ những lời giải đáp cho bốn điều thắc mắc ngàn đời đó. Sự khát khao chân lý sẽ được thỏa mãn giống như người khát nước được uống nguồn nước sự sống miễn phí, không phải tốn kém gì hết.

Người nào thắng sẽ nhận được những điều nầy làm cơ nghiệp; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người, và người sẽ làm con Ta” (7). Trong bảy thư gửi cho bảy Hội Thánh (đoạn 2 và 3), Đức Chúa Jesus luôn có lời hứa ban thưởng cho ai thắng, tức là vượt qua được những thử thách hoặc sự bách hại của ma quỷ hay kẻ thù. Người nào thắng ở câu 7 nầy là những người tin Chúa chân thành và được dự phần trong tiệc cưới Chiên Con. “Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người, và người sẽ làm con Ta,” nghĩa là sẽ vĩnh viễn che chở, bảo vệ, ban đủ mọi thứ phước lành mà con cái được hưởng từ Cha mình. Tất cả quyền lợi vừa nói sẽ thuộc về người nào được làm con cái Chúa. Cho nên, hạnh phúc ấy trở nên cơ nghiệp của người được hưởng phước thiên đàng. (Câu 8 sẽ đề cập sau).

Tôi nghe một tiếng lớn từ ngai nói rằng: ‘Kìa, đền tạm của Đức Chúa Trời ở với loài người! Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ. Ngài sẽ lau ráo nước mắt trên mắt họ. Sẽ không có sự chết, cũng không có tang chế, than khóc, hoặc đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi’” (3–4). Đền Tạm là từ ngữ thường được dùng trong Kinh Thánh nói về một chiếc “lều” được chế tác và dựng lên trong hoang mạc Sinaii, có thể tháo dỡ để di chuyển theo dân tộc Do-Thái trên đường về Đất Hứa. Đền Tạm ấy là biểu tượng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa dân Ngài. Vì dân Israel của thời Cựu Ước tiêu biểu cho Hội Thánh của Chúa thời Tân Ước; nên, dân Chúa luôn ước ao có Ngài ở với mình. Bây giờ, điều đó trở thành hiện thực.

Dân của Chúa đã phải trải qua biết bao cảnh ngộ đau khổ. Họ phải theo gương Chúa nhân lành của mình sống đời hòa bình, thanh sạch, nhẫn nại, và nhịn nhục. Trong cuộc sống ở trần gian, biết bao nước mắt đã đổ ra; bởi vì mọi con dân Chúa đều phải trải qua sự đau đớn phải cắt đứt bản ngã ô uế mới có thể theo Chúa sống đời thanh sạch. Tới thời điểm họ được Đức Chúa Trời đem ra khỏi thế gian tội lỗi, thì tình yêu của Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt xót thương thân nhân bị hư vong. Nếu Chúa không làm cho quên đi, thì việc thấy người thân bị trừng phạt sẽ làm cho người ta đau đớn hoài; vì vậy Chúa phán: “Ta sẽ tạo dựng trời mới đất mới; những việc trước kia sẽ không còn được nhớ đến, không còn nhắc đến trong tâm trí nữa” (Êsai 65:19). Cho nên “Sẽ không có sự chết, cũng không có tang chế, than khóc, hoặc đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (4).

Khi ấy tôi thấy trời mới đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Tôi cũng thấy thành thánh, là Jerusalem mới, từ nơi Đức Chúa Trời ở trên trời xuống, chuẩn bị sẵn như cô dâu trang điểm chờ chồng mình” (1–2). Nơi ở mới của con dân Chúa không còn là địa cầu hiện nay chúng ta đang sống. Nơi ấy cũng không có biển; bởi vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã bị tan biến hết rồi. Sứ đồ Phierơ viết: “các tầng trời đã hiện hữu từ rất lâu bởi lời Đức Chúa Trời, trái đất được hình thành từ nước và do nước; cũng bởi nước mà thế giới thời ấy đã bị ngập lụt và bị hủy diệt. Nhưng cũng bởi lời ấy mà trời đất hiện nay đã được dành cho lửa, và được giữ lại cho đến ngày phán xét và hủy diệt những kẻ vô luân” (2Phierơ 3:5–7).

Ông cũng nói trước về việc vũ trụ sẽ bị tiêu tan: “Tuy nhiên, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm; bấy giờ các tầng trời sẽ biến đi trong tiếng vang rền, các nguyên tố sẽ bị tan chảy trong lửa, đất và mọi công trình trên đó đều sẽ bị thiêu hủy” (2Phierơ 3:10). Loài người dù không bị phán xét và trừng trị vì tội lỗi mình, cũng chẳng còn trái đất để ở; bởi vì địa cầu sẽ nổ tung và cháy tiêu hết cả. Đó là lý do mà Đức Chúa Trời phải sắm trời mới và đất mới; không có biển nên cũng không có bão tố và ngập lụt nữa. Hiện nay, chúng ta chỉ được biết sơ qua về thành Jerusalem mới xuống từ trời. Còn cuộc sống sau ngày tận thế thì chưa ai biết rõ. Chỉ biết điều nầy sẽ diễn ra: “Những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng ghê tởm, kẻ giết người, kẻ gian dâm, kẻ hành nghề ma thuật, kẻ thờ thần tượng, và tất cả những kẻ nói dối, thì phần của chúng là hồ lửa lưu huỳnh đang bừng cháy, đó là sự chết thứ hai” (8).

Bài học tới sẽ giải thích thêm về ý nghĩa Đền Tạm Đức Chúa Trời xuống ở giữa loài người.

TheoDoiTanThe61.docx

Rev. Dr. CTB