Giáng Sinh, Ân Điển của Đức Chúa Trời

Bài Học Mùa Giáng Sinh

Hêbơrơ 1:1–3

Đức Chúa Jesus tuyên bố Ngài đến thế gian để làm chứng cho chân lý (Giăng 18:37b). Tổng trấn Ponce Pilate kinh ngạc hỏi: “Chân là cái gì?” Vì ông ta chưa nghe nói về chân lý bao giờ. Có khi nào chúng ta chịu suy nghĩ lý do tại sao Đức ­Chúa Trời phải sai Ngôi Lời của Ngài giáng sinh, để người trần gian có thể hiểu ‘chân‘ của Ngài không? Nếu nó dễ hiểu, tại sao chính Ngài phải xuống trần gian để trình bày, giải thích và chứng thực? Vì chỉ cần thiên sứ rao truyền, hoặc Đức Chúa Trời linh cảm các tiên tri viết rõ ràng qua sách vở là đủ rồi. Thư Hêbơrơ giải thích việc ấy: “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần, nhiều cách. Nhưng trong những ngày cuối cùng nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên làm Đấng thừa kế muôn vật; cũng qua Con ấy, Ngài đã sáng tạo vũ trụ” (Hebrew 1:1–2).

Suốt cả Kinh Cựu ước trình bày một Đức Chúa Trời thánh khiết, công nghĩa, yêu thương, chân thật, và thành tín qua lịch sử của dân tộc Israel. Chính Đức Chúa Trời đã dùng nhiều cách phán dạy tổ tiên loài người, đặc biệt là dân tộc Do-thái, nhưng họ vẫn không hiểu nổi tình yêu và chân lý của Ngài. – Để có thể hiểu chương trình của Đức Chúa Trời cứu chuộc loài người qua biến cố giáng sinh của Đức Chúa Jesus Christ, chúng ta cần phải lược qua lịch sử của dân tộc ấy từ thời tổ phụ Abraham của họ cho tới ngày Con Trời giáng sinh, và cách thức Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương của Ngài qua lịch sử đối xử với một dân tộc mà Ngài đã lựa chọn.

Khoảng hơn 4200 năm trước, Đức Chúa Trời gọi ông Abram, người duy nhất có đức tin trong cả thiên hạ, bảo ông ra khỏi quê hương, nơi bị ô uế bởi đầy dẫy thần tượng, để lập thành một dân tộc mà Ngài có thể bày tỏ bản thể của Ngài cho họ. Bởi đức tin, Abram được Chúa đổi tên thành Abraham; ông truyền đức tin ấy lại cho con trai là Ysaac rồi cháu nội là Jacob. Dòng dõi Jacob là dân được tuyển chọn của Đức Chúa Trời mà Ngài đặt tên là Israel, dân tộc thành hình từ gia quyến 70 người của Jacob sinh sôi nẩy nở trong hơn 400 năm kiều ngụ ở Aicập. Bàn tay sắp xếp thần hựu kỳ diệu của Chúa đã khiến gia đình ấy phát triển thành một dân tộc đông tới hơn hai triệu người, dù họ bị hà hiếp, đối xử khắc nghiệt trong khoảng hơn 300 năm dưới thân phận nô lệ.

Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng quyền phép có một không hai để cứu người Israel đang bị đối xử tàn tệ ở Aicập. Ngài phán với Môise, người Ngài chọn làm lãnh tụ giải thoát dân Israel rằng: “Đức Giê-hô-va phán: Ta đã thấy rõ nỗi khốn khổ của dân Ta tại Ai Cập và đã nghe thấu tiếng họ kêu than vì các đốc công. Phải, Ta biết được nỗi đau đớn của họ. Ta ngự xuống để giải cứu dân nầy khỏi tay người Ai Cập, đem họ ra khỏi xứ ấy, đưa đến một vùng đất tốt đẹp và rộng rãi, đượm sữa và mật” (Xuất 3:7–8). Chúa cũng che chở họ bằng trụ mây dẫn dắt ban ngày, trụ lửa soi sáng ban đêm, ban lương thực là bánh mana, làm cho nước phun ra từ vầng đá, và chăm sóc họ suốt bốn mươi năm hành trình trong hoang mạc, thậm chí y phục không cũ mòn (Phục.8:4). Kinh Thánh chép: “Mỗi khi dân Ngài bị khốn khổ thì chính Ngài cũng khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ” (Êsai 63:9). Tuy vậy, chính dân tộc được ơn ấy chẳng nhận ra tình yêu của Ngài: “Nhưng họ đã nổi loạn, và làm buồn Thánh Linh của Ngài” (Êsai 63:10).

Cứ qua một thế hệ phản nghịch, dân Israel lại bị lâm vào hoạn nạn khốn khổ, họ bèn kêu cầu sự cứu giúp từ Đức Chúa Trời. Ngài bèn sai một đấng giải cứu đem họ ra khỏi hoạn nạn. Việc cứ tái diễn qua nhiều thế hệ, được ghi lại trong Kinh Thánh (Các Quan Xét 3:7–9). Mặc dù họ không hiểu nổi bản thể của Đấng ban tình yêu diệu kỳ như vậy, Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục bày tỏ tình yêu thương của Ngài cho một dân tộc cứng cổ qua sự chăm sóc, tha thứ, phục hồi của Ngài. (Thi Thiên 103:2–4) nói về tình yêu rộng lượng ấy “Hỡi linh hồn ta, hãy chúc tụng Đức Giêhôva, chớ quên các ân huệ của Ngài. Chính Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bệnh tật ngươi, cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, lấy lòng nhân từ và thương xót mà làm vương miện đội cho ngươi.” Đức Chúa Trời cũng bày tỏ tình yêu của Ngài bằng lời phán: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng.” (Giêrêmi 29:11).

Trong lúc sửa phạt dân Israel thì Ngài phán rằng: “Mỗi lần Ta quở trách nó, Ta vẫn còn nhớ nó lắm. Cho nên lòng Ta yêu mến nó; Ta thương xót nó vô cùng. … Như Ta đã canh chừng chúng để bứng gốc, phá sập, lật đổ, tiêu diệt, và giáng họa thể nào, thì Ta cũng sẽ canh chừng chúng để xây dựng và vun trồng thể ấy. Đức Giêhôva phán vậy” (Giêrêmi 31:20b, 28). Chúa lại sai các tiên tri đem lời cảnh tỉnh của Ngài kêu gọi họ hãy ăn năn, nhưng dân Israel vẫn bỏ ngoài tai mọi lời tiên tri ấy. Mặc cho những hành động chăm sóc tha thứ của Chúa bày tỏ cho họ thấy tình yêu của Ngài, và để họ nhận ra bản thể của Đức Chúa Trời là thể nào, nhưng các thế hệ sau càng gian ác độc dữ hơn thế hệ trước; đến nỗi Chúa phải cho phép các dân tộc xa lạ đến xâm chiếm và xoá bỏ quốc gia Israel trên bản đồ thế giới, một đất nước từng được gọi là dân của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời đã biết trước rằng dù Ngài bày tỏ tình yêu Ngài qua quyền phép, sự giải cứu khỏi hoạn nạn, sự chăm sóc âu yếm, sự tha thứ phục hồi, và biết bao lời cảnh cáo, khuyên nhủ đầy nhẫn nại, người ta vẫn không thể hiểu biết nổi một Đức Chúa Trời siêu việt, họ lại tìm kiếm sự bảo trợ từ các thứ thần thánh tưởng tượng. Vì vậy, trong chương trình mà Chúa đã định từ trước khi sáng thế, Ngài sai Ngôi Lời của Ngài xuống thế gian để trình bày chân lý, tức là sự thật về bản thể của Đấng Chúa Tể vũ trụ. Chân lý về Ân sủng của Đức Chúa Trời ban miễn phí cho nhân loại mà Ngài muốn loài người biết, đó là Ngôi Lời của Ngài, để họ chỉ cần tiếp nhận ơn chuộc tội của Ngôi Lời là có thể nhận được sự sống vĩnh cửu (Giăng 3:16); khác hẳn sự tưởng tượng của người trần gian về Ông Trời khắc nghiệt, vô cảm, hoặc đòi hỏi người nhận phải đóng góp công đức.

Qua Giăng 1:1–4, người ta được biết Ngôi Lời là tư tưởng, trí tuệ, sự khôn ngoan và Lời nói của chính Đấng Sáng Tạo, là sự sáng và nguồn sống của muôn loài vạn vật, đã giáng sinh làm người trong nhân loại. Không có biến cố giáng sinh, không ai hiểu nổi Đức Chúa Trời. – Khi Ngôi Lời trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta đầy ơn và lẽ thật (Giăng 1:14, 16), thì loài người bắt đầu hiểu sự thật về ân điển của Đức Chúa Trời là thể nào. Người ta hiểu ân điển là một sự ban cho miễn phí không đòi hỏi sự xứng đáng của người nhận. Ngôi Lời là ân sủng nhân ái vô biên, dùng máu vô tội của chính mình che phủ trên người tin để khi ánh sáng sự thật của thiên đàng soi rọi thì mọi tâm địa giả dối, gian xảo, đen tối, đầy dục vọng của loài người được máu ấy xóa sạch và che chở; những người tiếp nhận ơn chuộc tội của Ngài đều được xem là vô tội vì tâm linh đã được biến đổi.

Nếu không có ơn ấy, chẳng ai tồn tại nổi khi bị ánh sáng chân lý soi rọi; cũng không ai nhận được ơn cứu độ của Đức Chúa Trời. Vì “Ánh sáng soi trong bóng tối, nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng” (Giăng 1:5). Tâm linh tội lỗi không có một chút chất liệu gì có thể nhận được ánh sáng sự thật để phản chiếu cả. Chỉ có ân điển của Chúa mới có thể làm cho những tâm linh u tối nhận được chất liệu sự sống từ thiên đàng để có khả năng phản chiếu ánh sáng chân lý và được cứu khỏi số phận trầm luân. Đức Chúa Jesus đã giáng sinh để đem đến sự thật về ân điển của Đức Chúa Trời, để bất cứ ai chịu quan sát đời sống và sự hi sinh của Ngài đều có thể biết sự thật về Đức Chúa Trời: Là tình yêu thương bao la, không bến bờ cho loài người của Vị Chúa Tể trời đất.

GiangSinh2021a.docx

Rev. Dr. CTB