Đức Tin để Nghe Tiếng Chúa

Luyện Tập Nghe Tiếng Chúa, bài 03

Hebơrơ 11:5–6

Trở ngại lớn nhất ngăn cản tín hữu nghe tiếng Chúa là không dám nghĩ rằng Chúa muốn trò chuyện thân mật với con dân Ngài. Hơn nữa, người chưa được hướng dẫn cũng không biết cách nào để trò chuyện với Chúa. Nhất là những người đã trải qua những kinh nghiệm cô đơn bị người thân trong gia đình hất hủi. Người ở trong hoàn cảnh đó rất muốn bày tỏ tâm sự mình cho Đấng Thiêng Liêng để tìm sự an ủi, nhưng thắc mắc không biết Chúa có sẵn sàng trò chuyện với mình hay không nên chẳng nghe được gì hết. Ai có ý nghĩ tương tự như vậy thì phải biết sự thật nầy: Nếu có điều gì ngăn cản không cho tín hữu biết Chúa một cách thân mật hơn, thì nguyên nhân ấy thuộc về phía loài người chúng ta chứ không phải Đức Chúa Trời muốn vậy.

Kinh Thánh có nói về một người gần gũi Đức Chúa Trời mỗi ngày: “Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không trải qua sự chết; người ta không thấy ông nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp ông lên. Bởi trước khi được tiếp lên, ông được chứng nhận là đã sống hài lòng Đức Chúa Trời” (Hêbơrơ 11: 5). Ông Enoch được phước lớn hơn mọi người thời ấy vì ông gần gũi với Đức Chúa Trời. Ông lấy gì để gần gũi? Kinh Thánh nói rằng ông nhờ đức tin mà được. Vậy, để bắt đầu luyện tập nghe tiếng Chúa, chúng ta phải tin chắc Ngài muốn trò chuyện với chúng ta. Ai có đức tin và tìm kiếm sự dẫn dắt của Chúa, người đó sẽ được Ngài chỉ dẫn: “Khi ngươi xoay qua bên phải hoặc bên trái, tai ngươi sẽ nghe có tiếng phía sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Êsai 30:21).

Chúa đã hứa và Ngài sẽ thực hiện: “Đức Giêhôva, Đấng Cứu Chuộc ngươi, là Đấng Thánh của Israel phán thế nầy: Ta là Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy dỗ ngươi để ngươi được ích lợi, và dẫn ngươi vào con đường ngươi phải đi” (Êsai 48:17). Để có khả năng nghe tiếng Chúa, chúng ta phải thật lòng tin rằng Ngài muốn nói chuyện với chúng ta; bởi vì bất cứ điều gì liên quan đến Đức Chúa Trời đều phải thực hiện bằng đức tin. – Nếu từ trước đến giờ quý anh chị em chưa bao giờ nghe tiếng Chúa mà bây giờ muốn trò chuyện với Ngài thì phải thay đổi cách suy nghĩ của mình. Nghĩa là ăn năn về việc không dám tin Chúa chăm lo cho chúng ta. Đồng thời phải trông đợi Ngài sẽ trò chuyện. Hãy thật lòng đến với Chúa thì mới có thể trông đợi được.

Một yếu tố quan trọng nữa ảnh hưởng tới tâm linh chúng ta có nghe được rõ hay không là nỗi ước ao mong mỏi được nghe tiếng Chúa. Mức độ chân thành ước ao mạnh chừng nào thì càng dễ thành hình một sự nhạy bén với tiếng của Chúa trong linh hồn chúng ta. Đức Chúa Trời là Thần Linh, Ngài vận hành trong lòng tin của con dân Ngài; vì vậy, ai chờ đợi nghe tiếng Ngài phán qua thính giác thể chất sẽ rất thất vọng. Đó là lý do mà tín hữu phải luyện tập tâm linh mình nghe tiếng Ngài. Khi các môn đồ của Đức Chúa Jesus hỏi tại sao Ngài không nói rõ cho đoàn dân mà dùng ẩn dụ? Chúa đáp “Các con đã được ban cho sự hiểu biết về những mầu nhiệm của Vương quốc thiên đàng, còn họ thì không được ban cho. Vì ai có sẽ được cho thêm để được dư dật, còn ai không có sẽ bị cất luôn điều chính mình đang có nữa. Bởi vậy, Ta dùng ẩn dụ để nói với họ, vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, không hiểu” (Mathiơ 13:11–13).

Lời đáp của Chúa giúp chúng ta hiểu tại sao những người không dám tin Đức Chúa Trời sẽ trò chuyện với họ thì không thể nghe được tiếng Ngài. Cùng một bài giảng, một đoạn Kinh Thánh, một sự dạy dỗ, vv., có người hiểu dễ dàng, người khác không hiểu gì hết. Đức Chúa Trời rất muốn bày tỏ các điều mầu nhiệm của thiên đàng cho con cái Ngài, nhưng chỉ những người có lòng mong mỏi ước ao sẵn sàng tiếp nhận và làm theo, thì mới nghe được tiếng Chúa bày tỏ. Còn những người nào chẳng có chút ước mong gì tiếp nhận các việc của Vương quốc để thực hiện, thì theo đạo suốt đời vẫn chưa bao giờ nghe tiếng Chúa phán với mình. Giống như ẩn dụ của Đức Chúa Jesus kể về người gieo giống; những hột giống rơi trên đường đi đất cứng sẽ không bao giờ mọc được.

Đức Chúa Jesus kể ẩn dụ về mười đầy tớ được giao cho mười nén bạc để làm lợi cho chủ (Luca 19:12–13, 15–26) nói về lý do Đức Chúa Trời trò chuyện với một người mà hầu như chẳng nói gì với người khác. Vì Chúa biết người có đức tin vào sự tương giao với Ngài là người sẽ làm ích lợi cho Vương quốc Đức Chúa Trời; còn người không có đức tin thì Ngài không thể trò chuyện gì được, vì người ấy không thể nghe được tiếng Ngài khuyên dạy. Vậy, một bí quyết được nhận sự khải thị từ Chúa là hãy làm ích lợi những gì Ngài đã giao. Còn người chẳng bao giờ được mặc khải gì hết vì Chúa biết có giao việc cũng sẽ vô ích, người ấy sẽ chẳng làm gì cả. Nhiều người cứ nghĩ rằng nếu được Chúa giao cho tiền bạc thì sẽ làm lợi cho Ngài. Nhưng họ không biết họ sẽ chẳng làm gì hết với những sự khải thị mà Chúa cho họ thấy. Vì thế, họ không thể nghe tiếng Ngài.

Bây giờ, làm thế nào để có cơ hội trò chuyện với Chúa? Phải đến gần Ngài (Giacơ 4:8a), hết lòng tìm cầu Chúa (Thi 63:1–2). Có người gọi việc đến gần Chúa là bước vào sự hiện diện của Ngài (Thi 100:4). Đây là các bí quyết mà Kinh Thánh dạy để có thể tới gần Đức Chúa Trời. Không ai giấu tội lỗi hoặc không chịu ăn năn để được tẩy sạch mà có thể đến gần Chúa. Đức Thánh Linh sẽ xác nhận sự tha thứ cho những người chân thành ăn năn; nhờ huyết Đức Chúa Jesus tẩy sạch tội, chúng ta có thể dạn dĩ đến gần ngôi ân điển (Hêbơrơ 10:19). Làm sao biết mình đang ở gần Chúa? Đức Thánh Linh ở trong ta sẽ giúp ta cảm nhận sự hiện diện gần gũi của Ngài. Lúc ấy, hãy nói với Chúa những điều mình muốn trình lên Ngài (Philip 4:6). Người không được nghe là vì không có gì để nói.

Đừng nghe các lời bài bác của những người vô tín chưa bao giờ có Đức Thánh Linh, là người chuyên chỉ trích điều họ không biết. Đừng thảo luận với người tự xưng là con cái Chúa mà không có một chút kinh nghiệm nào về Đức Thánh Linh và các ân tứ do Ngài ban cho. Trong các nhà thờ có cả đống người như vậy. Họ tin ma quỷ hơn là tin Chúa. Những người ấy thường xuyên tin rằng ma quỷ chờ chực để nói vào tai tín đồ; nhưng họ không tin các thiên sứ sẽ hộ vệ cho con cái Chúa, và Đức Thánh Linh không có khả năng chỉ dẫn, dạy dỗ con dân Ngài. Không cần phải tranh luận gì với hạng người ấy. Điều chúng ta cần là trò chuyện với Chúa. Trong lúc tâm linh hướng về Chúa và thờ phượng Ngài, thì Đức Thánh Linh sẽ nói vào tâm trí ta rất rõ ràng. Hãy ghi chép những điều Ngài nói. Vì vậy, phải chuẩn bị sẵn một quyển sổ để ghi chép và đọc lại để hiểu Lời Chúa phán.

Đức Chúa Trời dùng rất nhiều cách để phán và chỉ dẫn con dân Ngài. Những ai đã quen thuộc trong sự trò chuyện với Chúa, thì phán vào tâm linh hay tâm trí là việc thường xảy ra. Đối với một số người chưa quen với cách đó thì Chúa dùng rất nhiều phương pháp để con cái Ngài phải chú ý; trong những cách đó thì hoàn cảnh hoặc những hiện tượng không bình thường khiến chúng ta phải đặc biệt chú ý. Bất cứ một hiện tượng không bình thường nào cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trước mắt, thì phải hiểu rằng Chúa cảnh báo chúng ta cẩn thận đề phòng chuyện không tốt hoặc có hại. Trong những bài học sắp tới, chúng ta sẽ dần dần nói về những cách Chúa dùng để bày tỏ ý muốn và chỉ dẫn của Ngài. Khi đã biết nhiều hơn, chúng ta sẽ tiến lên từng bậc để tăng tiến khả năng nghe.

Sự trưởng thành trong việc nghe tiếng Chúa một cách chính xác đòi hỏi sự tập luyện kiên nhẫn và thời gian để thu thập kinh nghiệm. Càng nhiều kinh nghiệm chừng nào, càng nhận ra tiếng Chúa rõ thêm chừng đó. Ai không chịu luyện tập, người đó sẽ rất khó trưởng thành trong đời sống theo Chúa và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong nếp sống bình thường ở thế gian. Hãy chịu luyện tập; hãy thưa chuyện với Ngài bằng sự chân thành. Hãy đến gần Chúa thì Ngài sẽ lắng nghe. A-men.

LuyenTapNgheTiengChua03.docx

Rev. Dr. CTB