Thân, Hồn, và Linh

Luyện Tập Nghe Tiếng Chúa, bài 05

1Têsalônica 5:23–24

Được nghe tiếng Chúa phán qua thính giác thể chất là điều vô cùng hiếm hoi. Số người được nghe như vậy trong Kinh Thánh Cựu Ước, theo sự ước đoán thời nay, chỉ vỏn vẹn vài người. Lúc loài người mới được dựng nên trong thời thái cổ, thì Đức Chúa Trời trò chuyện trực tiếp với Adam và Eva. Trước và sau khi Cain giết Abel, Ngài đã nói chuyện với Cain rồi rao sự nguyền rủa trên ông. Trong các hậu tự của Adam có Enoch là người thường xuyên trò chuyện với Chúa vì được kể là đồng đi với Ngài. – Không ai biết Đức Chúa Trời đã phán dạy ông Nô-ê bằng cách nào để ông biết cách đóng chiếc tàu. Rất có thể thiên sứ của Chúa đến trò chuyện với Nô-ê và chỉ dẫn ông cách đóng chiếc tàu vĩ đại. Sau Nô-ê hàng ngàn năm mới tới đời Abraham. Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Trời hiện ra trò chuyện với Abraham nhiều lần, sau đó là Isaac và Jacob.

Từ Joseph cho tới khi Môise sinh ra, không có ghi chép nào về việc Chúa phán dạy trực tiếp. Ngài chỉ nói chuyện với Môise trong sách Xuất Ai-cập. Sau đó Tướng của đạo binh Đức Giêhôva hiện ra nói chuyện với Joshua. Tới thời các quan xét, thiên sứ hiện ra với Gideon rồi cha mẹ của Samson. Sau đó, Chúa gọi cậu bé Samuel ba lần và cho Samuel biết trước tương lai của cha con thầy tế lễ Hê-li. Đó là những lần người ta tận tai nghe tiếng Chúa. Còn các tiên tri trong thời David và về sau thì không ai biết Chúa phán với họ như thế nào. Qua hai sự kiện Nathan nghe David nói nhưng Chúa bảo hãy truyền lời Ngài cho David (2Samuel 7:4, 17); Êsai thăm vua Hezekiah bị bệnh, khi ông đang đi ra thì nghe tiếng Chúa bảo trở lại báo tin mừng cho Hezekiah (2Vua 20:4–5). Trong cả hai trường hợp nầy thì có lẽ Chúa không nói vào tai, nhưng phán thẳng vào tâm linh của họ.

Khi nghiên cứu tiếng phán của Chúa vào thời chúng ta đang sống đây, chúng ta phải vận dụng một số sự hiểu biết mới. Bởi vì nhiều sự kiện về lời Chúa phán với người ta trong Kinh Thánh vào thời Cựu Ước chỉ có tính cách tham khảo chứ không thể xem đó là các khuôn mẫu cố định. Ở thời Tân Ước, số lần Đức Chúa Trời phán với các sứ đồ sau khi Đức Chúa Jesus thăng thiên đã ghi lại thì không nhiều. Một số trường hợp ghi là Đức Thánh Linh phán (Công vụ 11:28; 13:2; 15:28; 16:7; 21:10–12), nhưng không ghi rõ Ngài phán như thế nào. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã giáng lâm trong ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên, sau khi Đức Chúa Jesus đã về trời, để hướng dẫn Hội Thánh Ngài cho tới ngày nay. Vì vậy, Đức Thánh Linh là Chúa và là Đấng chỉ dẫn Hội Thánh.

Đức Chúa Trời là Thần Linh; cho nên Thần Linh của Ngài được gọi là Đức Thánh Linh. Thần Linh không dùng lưỡi thể chất cộng với hơi thở từ phổi để nói như chúng ta. Vì vậy, ai trông mong nghe Chúa nói bằng âm thanh cõi thể chất sẽ rất thất vọng. Sự trò chuyện truyền thông của linh giới để nói với chúng ta không theo cách chúng ta nghĩ. Cách Đức Thánh Linh truyền đạt cho con cái Ngài chủ yếu là chuyển lời của Ngài vào ý tưởng trong chúng ta; người ta thường gọi là cảm tưởng. Cảm thúc ấy không truyền thẳng vào tâm trí mà vào tâm linh; bởi vì linh liên lạc trực tiếp với linh: Thánh Linh nói vào nhân linh, không nói cho chúng ta nghe qua thính giác thể chất. Cho nên, dù hai người ngồi cạnh nhau, một người nghe tiếng Đức Thánh Linh, người kia không biết gì hết. Chúa hoặc thiên sứ có thể hiện ra, một số người thấy, còn phần đông không thấy gì hết.

Khi chúng ta trò chuyện với Chúa cũng vậy, có thể nói thành tiếng hoặc hướng tâm linh đến Ngài để trình bày tâm sự của mình. Nguyên nhân chính khiến cho nhiều người không thể tâm tình trò chuyện với Chúa lâu dài được, vì họ chưa mời Đức Thánh Linh làm Chủ đời mình nên không thể cầu nguyện bằng tâm linh. Nói cách khác là phần linh bên trong nhiều người chưa nối kết được với Đức Thánh Linh nên không có khả năng nghe tiếng Ngài; mà tâm trí chỉ có thể nói lên những nhu cầu hoặc ham muốn cho đời sống thể chất. Trong con người có ba thể: Thân, hồn và linh; một thể hữu hình là xác thịt, với hai thể vô hình là hồn và linh. Mỗi thể lại có ba phần: Thân gồm có thịt, xương và máu; hồn gồm có lý trí, ý chí và cảm xúc; linh gồm có khôn ngoan, lương tâm và hiệp thông. Vì thế, chỉ thể linh mới có khả năng nghe tiếng từ linh giới và trò chuyện với linh giới.

Cho nên chỉ tâm linh mới cầu nguyện lâu dài với Thánh Linh được. Bộ óc tuy thuộc thể xác, nhưng là nơi hoạt động của lý trí và ý chí, hai phần rất cụ thể nhưng vô hình. Cảm xúc dù vô hình vẫn liên quan đến trí óc, nhưng ảnh hưởng rất mạnh trên trái tim. Hồn là cái cầu nối giữa linh với thể xác. Khi Đức Thánh Linh truyền lời Ngài vào tâm linh tín hữu, linh đón nhận và chuyển cho hồn, rồi hồn giải nghĩa và báo cho thể xác biết để hành động. Đó là cách hoạt động bên trong ba thể của một người có tâm linh được biến đổi có khả năng nghe và trò chuyện với Đức Thánh Linh. Ngược lại, khi thể xác nhìn thấy, quan sát, ngửi, nghe, nếm, hoặc rờ chạm thế giới bên ngoài, thì hồn sẽ phân tích, giải thích, kể cả những biến đổi của cảm xúc, rồi chuyển cho tâm linh sự hiểu biết và phân tích của hồn về những thông báo của thể xác. Ba thể luôn luôn phối hợp chặt chẽ.

Thể xác của chúng ta sống và sinh hoạt trong cõi vật chất, nhưng thể linh của chúng ta thì vận hành trong cõi linh, tức là linh giới. Khi Đức Chúa Trời, thiên sứ hay tà linh tới gần con dân chân thật của Chúa, thì linh trong người ấy sẽ nhận biết các diễn biến của linh giới quanh mình. Người ta gọi đó là các giác quan tâm linh gần giống hệt các giác quan thể chất. Khi cảm nhận các diễn biến ấy, tâm linh báo cho hồn và hồn chuyển cho thể xác. Đối với người chưa biết vấn đề nầy thì rất xa lạ đối với những kinh nghiệm của người có khả năng nhận ra các hoạt động của linh giới. Phần nầy đang nói về người nhận biết tiếng nói hay hoạt động của cõi linh trong khi đang tỉnh táo. Có tỉnh táo mới nhận ra tiếng phán của Đức Thánh Linh; cho nên, tín hữu nào muốn trò chuyện với Chúa thì phải tập luyện trí óc của thân thể luôn tỉnh táo khi cần phải cầu nguyện lâu dài.

Tại sao có người thật lòng tin Chúa nhưng chưa khi nào nhận ra các thân vị linh giới và những điều họ muốn truyền đạt? Nan đề của những người như thế là linh hồn chưa được luyện tập để biết cách nhận ra loại trò chuyện nầy. Người nào chưa có thói quen đọc Kinh Thánh để quen thuộc và ưa thích Lời Chúa thì sẽ không có khả năng nhận biết tiếng Ngài. Những người như thế muốn nghe tiếng của Đức Thánh Linh thì phải luyện tập linh hồn mình, tức là tạo điều kiện cho linh hồn quen với cách Chúa dạy dỗ con cái Ngài. Có nhiều cách để tập:

1. Nghe bài giảng, nghe đọc Kinh Thánh 2. Sắp xếp thời biểu đọc Kinh Thánh mỗi ngày một cách có hệ thống. 3. Học hay nghiên cứu Kinh Thánh 4. Học thuộc lòng những câu Kinh Thánh rồi ghi chép những Lời Chúa phán mà mình ưa thích. 5. Suy gẫm những câu Kinh Thánh mình đã thuộc hoặc những câu quan trọng. 6. Dùng một một phần Kinh Thánh nào phù hợp với tình trạng tâm linh lúc đó làm bố cục hướng dẫn cho buổi cầu nguyện riêng tư của mình. 7. Hát các bài Kinh Thánh được phổ nhạc hoặc các bài tôn vinh Chúa và nói lên nỗi niềm của mình. 8. Vâng lời Kinh Thánh dạy. 9. Chia sẻ những gì mình học được cho bạn hữu thân quen trong Hội Thánh.

Những ai đã luyện được các bài tập nầy sẽ nghe được tiếng Chúa lúc nào không hay; đến khi nhận ra thì đã thuần thục trong sự trò chuyện với Ngài rồi. Hãy tạo điều kiện cho linh và hồn mình quen với tiếng nói và lời khuyên êm dịu nhỏ nhẹ của Đức Thánh Linh. Khi hồn và linh khát khao trò chuyện với Chúa, thì thể xác cũng tỉnh táo theo; để cả thân, hồn và linh của chúng ta được giữ vẹn toàn, không chỗ trách được, lúc chúng ta gặp mặt Chúa.

LuyenTapNgheTiengChua05.docx

Rev. Dr. CTB