Hiểu Biết Sự Sáng Tạo, bài 04
Sáng Thế 1:20–23
Tới giai đoạn nầy, đã có biển, đất khô, thực vật, cây ăn trái, và các dấu hiệu chuyển mùa, tháng và năm trên trái đất. Nhưng bề rộng của rừng và bao nhiêu loại cây đang có thì độc giả Kinh Thánh không biết được. Trong bài học tuần trước, chúng ta gặp phải những khó khăn trong việc giải thích lý do tại sao các thiên thể được nói tới trong Yom sáng tạo thứ tư, như thể là chúng được tạo dựng lúc ấy. Việc Đức Chúa Trời công bố mục đích của các nguồn sáng trong Yom thứ tư thì không có nghĩa là chúng đã không thực hiện mục đích soi sáng ấy từ “ban đầu.” Điểm chính của lời ký thuật là trình bày rằng Chúa đã chờ tới Yom thứ tư để giải thích mục đích Ngài tạo nên mặt trời mặt trăng và các ngôi sao từ “ban đầu.” Tại sao Chúa chờ tới Yom thứ tư mới công bố mục đích của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao? Câu trả lời nằm trong kết cấu chung của câu chuyện sáng tạo.
Mối liên hệ song hành giữa các sự kiện của ba Yom đầu với ba Yom cuối đã được nhận biết từ lâu. Ở ba Yom đầu, hoạt động của Chúa tập trung liên tiếp vào bầu trời, biển và đất khô. Ở ba Yom sau, Ngài lại tập trung công việc của mình vào ba cõi đó. Ở Yom thứ tư, Chúa ra lệnh cho mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao phân biệt ngày và đêm, và mọi dấu hiệu của các mùa (1:14–15). Ở Yom thứ năm, Chúa ra lệnh cho biển có cá, thủy sinh vật, và có chim bay ở khoảng không bầu trời trên đất. Ở Yom thứ sáu, Ngài ra lệnh cho đất có đời sống thú vật. Ngài đã chuẩn bị sẵn theo thứ tự kế tiếp nhau, bầu trời, biển, và đất khô trong ba Yom đầu; ở ba Yom sau, Đức Chúa Trời tuyên bố mục đích của những vật ấy là để đặt trên bầu trời, biển, và đất khô. Cho nên, Ngài đợi tới Yom thứ tư mới cho biết chương trình của Ngài về các dấu hiệu mà Ngài đặt trên bầu trời.
Ở Yom thứ năm, Đức Chúa Trời làm cho đất có nhiều loại sinh vật. Bản văn chia Yom thứ năm thành hai giai đoạn lấn qua tới Yom thứ sáu. Ký thuật về Yom thứ năm vẫn theo khuôn mẫu quen thuộc. Đức Chúa Trời phán, c.20, và Đức Chúa Trời làm, c.21. Giống như các phần khác trong ký thuật nầy, nếu chúng ta chú ý tới các chi tiết, nó sẽ giúp ta thấy rõ mục đích chung của tác giả. Đầu tiên, chữ tạo nên (bara) được dùng. Nó được dùng sáu lần trong câu chuyện sáng tạo (1:1, 21, 27; 2:3). Ở các chỗ khác trong Sáng Thế đoạn 1, chữ làm (asah) được dùng để mô tả các hành động của Đức Chúa Trời. Tại sao động từ bara được dùng để tả hành động của Chúa ở Yom thứ năm? Tại sao dùng chữ “bara” để đặc biệt nói về “các loài cá khổng lồ” (1:21)?
Một ý kiến cho rằng sự dùng chữ “bara” là một sự cố ý nhấn mạnh hồi khởi đầu một giai đoạn mới trong chuyện tích sáng tạo. Đây là lần đầu tiên chúng ta nghe về sự tạo dựng “các sinh vật,” một nhóm hoàn toàn khác với các loài thực vật và thế giới thể chất của cácYom trước. Vì vậy, mỗi giai đoạn của cuộc sáng tạo được đánh dấu bằng động từ ‘bara:‘ vũ trụ, các sinh vật, và nhân loại. “Đức Chúa Trời phán: ‘Nước phải đầy dẫy các loài thủy sinh vật, và phải có các loài chim bay lượn trên mặt đất dưới vòm trời.‘ Đức Chúa Trời sáng tạo các loài cá khổng lồ, mọi loài động vật thủy sinh, tùy theo loại mà sinh sôi nẩy nở trong nước, và mọi loài chim có cánh tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp” (1:20–21). Việc dùng chữ ‘bara‘ trong Yom thứ năm cũng có thể liên quan tới khái niệm về sự chúc phước, là điều được đề cập lần đầu ở Yom đó.
Đức Chúa Trời sáng tạo các sinh vật biết di chuyển như thế nào? Sáng 2:19 ghi “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên mọi loài thú đồng và chim trời, rồi đưa đến trước mặt con người để xem con người đặt tên chúng là gì, và bất cứ tên nào con người đặt cho mỗi sinh vật đều thành tên riêng của nó.” Nếu chúng ta chỉ chăm chú vào ký thuật ở đoạn 1 mà không để ý tới sự miêu tả ở đoạn kế về việc loài chim được tạo nên như thế nào, nhiều người có thể tưởng Chúa phán thì các loài sinh vật đó xuất hiện ngay lập tức. Không phải vậy, câu trên nói rằng Ngài lấy đất nắn rồi làm cho chúng trở thành các sinh vật. Câu chuyện nầy một lần nữa chứng minh rằng phải mất thời gian để chúng được tạo thành. Chúng không xuất hiện ngay lập tức trong chớp nhoáng.
Chim hoàn toàn khác với loài cá. Đức Chúa Trời sáng tạo thân thể của mỗi loài cách kỳ diệu. Chúng có bộ hô hấp, bộ tiêu hóa, bộ tuần hoàn, hệ thống thần kinh, và bộ bài tiết. Kinh Thánh không mô tả Chúa tạo nên chúng như thế nào, nhưng điều rõ ràng là Ngài đã tạo nên từng chi tiết trong thân thể của các sinh vật. Càng nghiên cứu chừng nào, chúng ta càng thấy cơ thể của mỗi sinh vật được Đức Chúa Trời tạo nên là đáng sợ và kỳ diệu. Ngài tạo nên chúng cách nào vẫn còn là sự bí ẩn đối với trí óc loài người. Bởi vì mỗi Yom sáng tạo đã được thấy là những thời kỳ lâu dài, cho nên, “các sinh vật biển khổng lồ” rất có thể là nói về các loài khủng long hay cá sấu rất lớn. Chúng ta thật không biết khủng long xuất hiện khi nào và bị tuyệt chủng ra sao. Nhưng tại Cambodia, trên bức tường của đền Angkor Wat, một hình chạm khủng long rất rõ ràng; hay ở Peru vô số hòn đá ở các huyệt mộ có hình mô tả người ta đối phó với các loài thú bự trông giống như khủng long. Vài con có cổ dài và đuôi dài, con khác có hàng gai nhọn trên lưng, chân trước ngắn, và hàm răng dữ tợn. Những hình đó cho thấy người thời ấy đã thấy hoặc nghe kể về khủng long.
Có ai thắc mắc rằng làm thế nào các sinh vật biển, loài thủy sinh, và chim tìm được thức ăn khi chúng được tạo nên không? Ở Yom thứ ba, Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cây cỏ sinh hạt, và cây ăn trái kết quả đủ cho các sinh vật sẽ được sáng tạo vào các Yom thứ năm và thứ sáu. Đức Chúa Trời phán với hai người đầu tiên: “Còn các loài thú rừng, loài chim trên trời, loài vật bò sát trên mặt đất, và bất cứ loài nào có sự sống thì Ta ban mọi thứ cỏ xanh dùng làm thức ăn” (Sáng 1:30). Khi xem xét các chi tiết nầy, chúng ta có thể thấy Yom thứ ba là một giai đoạn rất lâu. Nó có thể bao gồm nhiều thời kỳ lâu dài. Bởi vì Đức Chúa Trời đã định các luật vật lý cho thực vật sinh hột, và cây ăn trái sinh quả có hột bên trong, phải cần thời gian cho chúng tăng trưởng, kết hột; rồi cây cỏ mới lan rộng thành đồng cỏ và rừng cây. Phải có nhiều trái cây rụng xuống nước làm thức ăn cho loài cá.
Một số người vẫn cho rằng vào lúc thực vật, cây cối, loài cá, và loài chim được tạo dựng, thì chúng được tạo nên với số lượng đông đảo; cây cỏ thực vật lan tràn trên đồng, cá sinh đầy dưới nước, chim bay đầy trời trên đất. Nhưng câu sau đây nói khác: “Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó và phán: ‘Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy gia tăng thật nhiều trên đất‘” (1:22). Nếu loài cá phải sinh sôi nẩy nở để có đầy trong nước dưới biển, và loài chim phải sinh sôi thêm nhiều trên đất, thì vào lúc chúng được tạo nên đã không phải là con số rất lớn. Chúng ta thực sự không biết có bao nhiêu loài hoặc số lượng của mỗi loài được tạo thành là bao nhiêu khi chúng được dựng nên. Chúng có thể là mỗi loài có vài trăm cặp khi chúng được dựng nên, rồi sau đó sinh sôi nẩy nở.
Một lần nữa chúng ta lại gặp “vậy, có buổi tối và buổi sáng, đó là ngày thứ năm” (23), sau khi Đức Chúa Trời sáng tạo mọi loài tủy sinh, mọi sinh vật có thể di chuyển, và tất cả các loài chim. Kỳ kết thúc của giai đoạn lâu dài thứ năm đã đến, và thời khởi đầu của giai đoạn lâu dài thứ sáu đã tới nơi. Sự tìm được nghĩa chính xác của câu “và đã có buổi tối và đã có buổi sáng” trả lời được nhiều câu hỏi khó khi chúng ta đọc Sáng Thế đoạn 1. Chuyện tích sáng tạo trong đoạn nầy là các bản tóm tắt ngắn nhất; chúng không tường thuật về mọi việc đã xảy ra. Nhưng khi nghiên cứu kỹ về Sáng Thế đoạn 1 sẽ giúp chúng ta khám phá nhiều điều lý thú mới về sự sáng tạo của Chúa.
HieuBietsuSangTao04.docx
Rev. Dr. CTB