YOM Sáng Tạo Thứ Sáu

Hiểu Biết sự Sáng Tạo, bài 05

Sáng Thế 1:24–31

Nếu chúng ta đã nhận ra rằng những Yom sáng tạo của Chúa từ thứ nhất tới thứ năm là những thời kỳ lâu dài, thì Yom thứ sáu cũng phải là một thời gian rất dài; có thể thời kỳ nầy lâu dài hơn các Yoms trước; bởi vì đã có nhiều sự việc cần nhiều thời gian đã xảy ra trong Yom ấy. Trước hết, Đức Chúa Trời tạo nên mọi loài thú vật trên đất. Tới đây chúng ta đã biết Ngài chẳng lấy lời phán khiến loài thú hiện hữu, Ngài dùng bụi đất nắn nên chúng rồi ban sự sống (Sáng 2:19). Các câu 1:24 –25 nói về chương trình của Đức Chúa Trời khi sáng tạo các loài thú khác nhau trên mặt đất.

Đức Chúa Trời đã dùng vật liệu ở trái đất để nắn thành các con thú ấy. Bởi vì tất cả nguyên tố và vật chất trên đất đều ở trong thời gian và không gian cõi tự nhiên; cho nên, chúng cũng phải bị nằm trong các định luật vật lý. Không ai biết có bao nhiêu chủng loại thú vật được dựng nên trong Yom đó; theo một số cuộc nghiên cứu thì có hơn 99% tổng số chủng loại từng sống trên đất, trong khoảng 5 tỉ chủng loại, được ước lượng đã chết hết hay tuyệt chủng. Trong thời chúng ta, hơn 200 năm sau khi các nhà sinh vật học đặt tên và xếp loại cây cối và thú vật trên thế giới, họ vẫn không biết có bao nhiêu chủng loại hiện đang còn. Các sự ước đoán cho rằng từ 3 triệu tới 100 triệu chủng loại hay nhiều hơn. Họ tin rằng trong số đó có từ 1 tới 2 triệu là các loài thú vật.

Công việc kế tiếp của Đức Chúa Trời là tạo nên loài người (Sáng 1:26–27). Ký thuật nầy là bản tóm tắt về câu chuyện sáng tạo loài người của Đức Chúa Trời. Đoạn sách Sáng Thế kế tiếp tường thuật việc người nữ đầu tiên được dựng nên ra sao. Chúng ta sẽ không tốn thì giờ bàn về các chuyện ly kỳ sau khi cặp vợ chồng đầu tiên được tạo nên. Bởi vì mục đích của các bài học nầy là giúp quý vị biết chắc những câu chuyện trong sách Sáng Thế không phải giả tưởng hay hoang đường. Chúng ta không chú tâm vào việc đó, chúng ta chỉ cần biết các Yoms sáng tạo của Chúa dài bao lâu; có phải là vài ngày hay các kỷ (kỷ = khoảng thời gian dài không thể định được).

Một bằng cớ có thể chứng tỏ Yom sáng tạo thứ sáu là một kỷ dựa trên câu chuyện con người đầu tiên phải đặt tên cho tất cả loài thú; là gia súc, loài có cánh, và mọi loài thú đồng (Sáng 2:19). Để hoàn tất nhiệm vụ đặt tên cho các chủng loại thú vật, ông Adam phải mất hàng tháng, thậm chí nhiều năm để làm. Ông không có đủ thời gian làm việc đó trong ngày 24-giờ. Kinh Thánh không cho biết bao nhiêu thời gian trôi qua trước khi Adam nhận thức ông cần một bạn đường. Có lẽ nhu cầu bạn đời của ông nẩy ra khi ông đang đặt tên cho các loài thú và chim. Ông thấy chúng đến có đôi đực và cái, trong khi đó ông một mình không có bạn giống cái để thành đôi. Ông cũng nhận ra rằng chẳng loài thú nào trông giống mình. Chủng loại gần người nhất là dã nhân và khỉ, Nhưng so với Adam, người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, thì loài khỉ trông xấu xí quá.

Khoảng thời gian Chúa dùng để tạo nên các loài thú chỉ là một phần của Yom thứ sáu. Kinh Thánh thuật là Chúa đem từng loài thú đến với con người để ông có thể đặt tên cho từng thứ. Môi se viết rằng các loài thú được gộp thành ba nhóm chính: gia súc, như cừu, dê, và bò lừa; loài bò sát như côn trùng, sâu bọ, rùa rắn; và các loại thú hoang dã như sư tử, chồn cáo, và kanguru. Mọi loài thú sống trên đất, kể cả sư tử, voi, hươu cao cổ, chó, mèo, rùa rắn, và các loại thú đồng khác đều được tạo nên trong Yom thứ sáu. Nếu quý vị có thể mường tượng được vấn nạn đặt tên cho hàng ngàn chủng loại hiện có ngày nay, nhân số đó lên một trăm lần rồi đặt trên Adam chỉ một thời gian ngắn sau khi ông thở những hơi đầu tiên, thì sẽ biết nhiệm vụ đó khổng lồ như thế nào.

Sáng Thế đoạn 1 ghi rằng loài người được dựng nên sau khi loài thú trên đất đã có. Khi dựng nên loài người, Đức Chúa Trời bàn thảo với chính Ngài: “Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, để quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài gia súc, và khắp cả đất, cùng mọi loài bò sát trên mặt đất.” Kinh Thánh cho thấy loài người được biệt riêng ra khỏi các loài tạo vật khác. Người được tạo nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Không giống như thực vật, cây cối, loài thủy sinh, chim chóc, và các loài thú trên cạn, Đức Chúa Trời đặt loài người riêng biệt độc đáo bằng cách tạo nên loài người “theo hình ảnh Ngài” (1:27). Là tuyệt đỉnh của công trình sáng tạo, loài người được tạo nên để phản ảnh tính cách và thuộc tính của Chúa trên thế gian. Mặc dù mọi tạo vật đều phản chiếu vinh quang của Chúa ở mức độ nào đó, người là loài duy nhất được tạo nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. (Sáng 2:18–22).

Bàn về nhiêm vụ đặt tên của Adam, nhà nghiên cứu Gleason Archer viết: “Phải mất vài năm, hay ít nhất, phải mất nhiều tháng để ông hoàn tất đặt tên toàn thể các loài chim, thú vật, và côn trùng ở đầy vườn Eden. Cuối cùng, sau khi nhiệm vụ ấy đã hoàn thành. Adam cảm biết mình cô đơn. Sáng 2:20 chép “nhưng phần Adam thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ thích hợp với mình.” Chúa thấy Adam đã được chuẩn bị cảm xúc về một người vợ. Vì vậy, Ngài khiến Adam mê man, lấy một cái xương gần trái tim của ông nhất, và từ cái xương ấy Ngài tạo ra người nữ đầu tiên. Rồi Ngài đem bà đến Adam với tất cả vẻ đẹp hoang sơ, tươi tắn. Adam vô cùng mừng rỡ.”

Bây giờ, khi người chủ trương trái đất trẻ cố gắng giải thích về ngày thứ bảy, anh ta lại phải đối diện với nan đề không vượt qua nổi về thời gian (Sáng 2:1–3). Thậm chí nếu một khoảng 24-giờ có thể được hiểu bằng cách kéo dài trí tưởng tượng cho bất cứ ngày nào của sáu ngày sáng tạo, thì cũng không áp dụng được cho ngày thứ bảy. Nếu áp dụng, thì Kinh Thánh phải tự mâu thuẫn để phù hợp với một định kiến sai trật. Tân Ước nói về sự yên nghỉ của Chúa tiếp diễn từ cuối buổi sáng tạo đi suốt Cựu và Tân Ước (Hebrews 4:1, 3). Cho nên, nếu ngày thứ bảy, ngày nghỉ của Chúa, là một thời kỳ lâu dài bao gồm cả nhiều ngàn năm như đã được Kinh Thánh minh chứng rõ ràng, thì sự nhất quán (của Kinh Thánh) đòi hỏi rằng phải xem sáu ngày đầu tiên giống như vậy–tức là, các thời đại hay các kỷ, nhưng không thể nào là các khoảng thời gian 24-giờ được.

Trong Thi Thiên 90:4, Môise viết, “Vì một ngàn năm dưới mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh ban đêm.” Những lời nầy không để một nét nghi ngờ lẫn lộn nào về thì giờ của Chúa với thời gian của người. Bất kỳ sự so sánh đơn giản nào cũng không sửa được sự khác biệt. Sứ đồ Phierơ viết, “Thưa anh em yêu dấu, đừng quên rằng, trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày” (2Phi3:8). Vậy, một ngày sáng tạo của Chúa dài bao lâu? Chúng ta không được cho biết. Nhưng chúng ta biết điều mà nó không phải! Chúng ta được biết rõ ràng rằng thì giờ của Chúa với thời gian của chúng ta không giống nhau. Cho nên, sự giải nghĩa ngày 24 giờ thì bị loại bỏ là dứt khoát không thể áp dụng được.

Chúng ta hãy tóm tắt vài điểm chính yếu:

  • Từ ngữ Hebrew ‘Yom’ có vài nghĩa trong đó có thể dùng chữ một thời kỳ rất lâu dài để giải thích chính xác từ ngữ “ngày” mà không cần bất kỳ sự cượng giải nào về độ tin cậy của Kinh Thánh.
  • Nếu mặt trời chờ tới ngày thứ tư mới xuất hiện, thì nó không thể dùng làm phương tiện đo lường độ dài thời gian của ba ngày trước đó.
  • Ngày sáng tạo thứ sáu có dầy đặc sự kiện nên không cách chi có thể nhét gọn vào 24 giờ.
  • Ngày thứ bảy tiếp tục kéo dài tới thời đại Hội Thánh.
  • Chúng ta được cho biết rõ, cả trong Cựu lẫn Tân Ước rằng, thì giờ của Chúa không thể lẫn lộn với thời gian của loài người.

Kết luận, khi có ai đó xưng là học giả Kinh Thánh đưa ra một lý thuyết sai trật, mà họ tuyên bố dựa trên sự “vô ngộ” của Kinh Thánh, thì sự khả tín của Kinh Thánh bị thiệt hại nặng.

HieuBietSuSangTao05.docx

Rev. Dr. CTB