Sinh Lại Bởi Nước và Thánh Linh

Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 04

Rôma 6:3–11

Bài học kỳ trước đã nói qua về lời Đức Chúa Jesus cho biết “Thật, Ta bảo thật ngươi. Nếu một người không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh ra thì không thể vào Vương quốc Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5). Rồi chúng ta cũng hiểu là nước thuộc về đất, Thánh Linh thì thuộc về trời. Nhưng hai điều ấy thật là khó hiểu đối với ông Nicodemus, và cũng khó hiểu cho chúng ta ngày nay nữa. Hãy xem xét Lời Đức Chúa Jesus phán về sự sinh lại trong câu Kinh Thánh trên: “Nếu không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh ra …” Người ta có thể hiểu cách khác về sự sinh lại là lấy người cũ làm lại thành người mới; nhưng cái gì được “sinh ra” phải là một sản phẩm mới. Vậy, theo lời bày tỏ của Đức Chúa Jesus thì người được sinh lại là một người mới được sinh ra phải khác hẳn người cũ.

Trong kỳ trước, chúng ta nhắc lại những nghi lễ tẩy sạch của Luật Pháp Đức Chúa Trời truyền cho dân Do-thái là phải dùng nước. Việc các thầy tế lễ phải thực hiện nghi thức tẩy rửa bằng nước trước khi bước vào gian thánh của Đền Thờ Tạm vào thời di hành trong hoang mạc, hay Đền Thờ vua Solomon xây dựng sau nầy, đều là các quy định mà Đức Chúa Trời truyền cho dân Israel phải thực hiện. Do-thái-giáo có nghi thức trầm mình “tvilah,” trong dòng nước chảy, gọi là “mikva,” để tẩy rửa cho tinh sạch cả bề ngoài lẫn bề trong, trước khi được bước vô hành lang đền thờ tạm hay đền thờ ở Jerusalem. Nghi thức ấy là tiền thân của phép báp têm Cơ-đốc-giáo hiện nay. Đó là lý do ông Giăng Baptist phải làm phép báp têm cho mọi người ở sông Jordan, một dòng nước chảy.

Đức Chúa Trời phán với dân Israel rằng Ngài sẽ rưới nước trên họ để tẩy rửa họ Êxêchiên 36:25Ta sẽ rưới nước trong trên các ngươi và các ngươi sẽ trở nên sạch; Ta sẽ tẩy sạch hết mọi sự ô uế và mọi thần tượng của các ngươi.” Nước là biểu tượng được Chúa dùng để thực hiện sự tẩy uế và tẩy sạch các thần tượng khỏi lòng người – Trước khi Đức Thánh Linh giáng xuống ban lửa và tiếng nói lạ lùng cho khoảng 120 môn đồ có mặt suốt mười ngày cầu nguyện trên một phòng cao ở Jerusalem, thì Đức Chúa Jesus cho biết biến cố đó là sự báp têm bằng Đức Thánh Linh (Công vụ 1:5) hoặc “mặc lấy quyền năng từ trên cao” (Luca 24:48–49). Nhưng con cái Chúa cần phải hiểu là phép báp têm nước từ ngày Đức Thánh Linh giáng lâm cho tới ngày nay khác với ý nghĩa của báp têm mà Giăng Baptist và các môn đồ của Đức Chúa Jesus thực hiện trước khi Ngài chịu chết.

Nghi thức tẩy rửa ‘tvilah‘ tại một nơi ‘mikva‘ mà Giăng Baptist thi hành ở sông Jordan đã diễn ra trước khi Đức Chúa Jesus chịu chết rồi sống lại. Cho nên, sứ đồ Phaolô giải nghĩa phép báp têm bằng nước là: “Vậy, bởi báp-têm, chúng ta đã được chôn vào trong sự chết với Ngài, để rồi như Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được sống lại từ cõi chết thể nào thì chúng ta cũng được sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta đã được hiệp nhất với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được hiệp nhất với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài” (Rôma 6:4–5). Hôm nay chúng ta suy gẫm về vấn đề nầy để hiểu rõ thêm ý nghĩa và sự ứng dụng của biến cố được sinh ra thành người mới bởi nước và Thánh Linh.

Theo ý nghĩa của lời giáo huấn nầy, nước là phương tiện tượng trưng cho sự chôn sau khi chết, còn quyền năng của Đức Thánh Linh khiến cho người chịu báp têm được hợp nhất với Đức Chúa Jesus trong sự chết của Ngài rồi được hợp nhất với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài; vì thế, nước của phép báp têm và quyền năng Đức Thánh Linh sinh ra người mới trong tín hữu. Sự tái sinh, hoặc được sinh lại thành người mới mang một ý nghĩa kỳ diệu đối với lòng của người tin sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus và tiếp nhận ơn tha tội của Đức Chúa Trời. Nhiều con cái Chúa đã nhận báp têm nước nhưng chưa bao giờ được học hiểu phương diện kỳ diệu của nghi lễ báp têm. Người nào thật sự hiểu và khát khao trải qua kinh nghiệm được Đức Thánh Linh biến hóa đổi mới con người bề trong thì dễ được báp têm Thánh Linh hơn người không biết.

Sứ đồ Phierơ dùng chuyện tích gia đình ông Nô-ê được cứu khỏi trận đại hồng thủy làm ví dụ về ý nghĩa của phép báp têm bằng nước 1Phierơ 3:20–21 những kẻ thuở trước không vâng phục Đức Chúa Trời, khi Ngài nhẫn nhục chờ đợi trong thời Nô-ê, suốt thời gian chiếc tàu được đóng. Trong tàu chỉ một số ít, tổng số là tám người, được cứu khỏi nước. Báp-têm ngày nay là biểu tượng của điều đó để cứu anh em; báp-têm không phải là sự cất bỏ ô uế khỏi thân thể, mà là lời nguyện ước với Đức Chúa Trời từ một lương tâm trong sáng, qua sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ.” Tuy rằng đây là những điều rất căn bản trong niềm tin của tín hữu Cơ-đốc-giáo, nhưng số tín hữu có sự hiểu biết nầy hay có khả năng giải thích ý nghĩa sâu nhiệm của phép báp têm thì không nhiều. Lý do thì rõ ràng là vì chưa nghe dạy, cũng không chịu suy gẫm Kinh Thánh về niềm tin của mình.

Vậy, sau khi được giải thích và hiểu biết rõ ràng rồi thì chúng ta phải làm gì? Trước hết, mỗi người phải tự xét xem mình đã được Đức Thánh Linh sinh ra con người mới bên trong hay chưa? Mỗi người phải thành thật với chính lòng mình thì mới nhận ra những gì chưa được biến đổi. Bởi vì người ta có khuynh hướng tự biện hộ hoặc chỉ chú tâm tới các điểm tốt nào đó, nên không thấy con người cũ hoặc bản tính cũ tiếp tục hoành hành. Sự trung thành với đạo, trung tín với Hội Thánh không thể thay thế cho sự đổi mới của tâm tánh. Đừng lầm lẫn hai phương diện đó với nhau. Cách tự xem xét tốt nhất là nhận ra phản ứng của lòng mình khi đứng trước sự cám dỗ muốn được người khác hoan hô khen ngợi, hoặc tức giận khi lỗi lầm của mình bị ai đó phê bình.

Châm Ngôn 27:2 đưa ra lời khuyên rất chí lý “Hãy để người khác khen con, miệng con đừng làm như thế; hãy để người ngoài khen con, môi con đừng tự khen mình.” Người được Đức Thánh Linh đổi mới là người chiến thắng sự cám dỗ của lòng tự ái rất dễ dàng. Còn ai khoe khoang về tương lai mình chưa biết là người dại dột: (Gia cơ 4:15–16) “Đúng ra anh em phải nói: Nếu Chúa muốn và chúng ta còn sống thì sẽ làm việc nọ việc kia. Nhưng anh em lại kiêu căng tự phụ! Mọi thứ kiêu căng như thế đều là xấu.” Đây chỉ là vài ví dụ của tánh xác thịt ấu trĩ bên trong tâm linh chúng ta. Nếu ai khát khao được nước và Đức Thánh Linh sinh ra con người mới bên trong mình thì phải hạ mình xuống trước mặt Chúa để được Ngài thương xót. Hãy biết rằng những sự yếu đuối trong tấm lòng xác thịt liên quan tới nhiều phương diện lắm; nhưng lòng đổi mới sẽ được mạnh mẽ.

Rôma 6:5-6 hứa rằng “Vì nếu chúng ta đã được hiệp nhất với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được hiệp nhất với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài. Chúng ta biết rằng con người cũ của chúng ta đã cùng bị đóng đinh vào thập tự giá với Ngài, để con người tội lỗi bị tiêu diệt, và chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa.” Con cái Chúa phải biết áp dụng lợi thế và ơn phước đặc biệt Chúa ban cho người được Ngài sinh ra lần thứ hai. Mọi điều nầy chắc chắn phải xảy ra khi mình thật lòng tin Đức Chúa Jesus và quyết chí muốn được đổi mới. Sự theo đạo qua loa không giúp ích được gì hết. Hãy để cho quyền năng của Đức Thánh Linh dùng nước sống của Chúa sinh ra con người mới trong lòng chúng ta.

HieuBietCacDieuCanBan04.docx

Rev. Dr. CTB