Luật của Thánh Linh Sự Sống

Đời Sống trong Thánh Linh, bài 06

Rôma 8:1–4

Vậy bây giờ, những ai ở trong Đấng Christ Jêsus sẽ không bị kết tội nữa; vì luật của Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ Jêsus đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết. Vì điều gì luật pháp không thể làm được do xác thịt làm cho suy yếu thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã sai chính Con Ngài mang lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi để giải quyết tội lỗi; Ngài đã kết án tội lỗi trong xác thịt, để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh.

Khi đọc Kinh Thánh thư tín Rôma từ đoạn 5 tới 7, người đọc sẽ thấy sứ đồ Phaolô nêu lên sự tương phản giữa luật pháp Môise với ân điển. Nhưng, mối xung đột thật sự không phải là giữa luật pháp với ân sủng, mà là giữa Luật pháp với tội lỗi. Ông nói rõ rằng không phải Luật pháp xấu hoặc sai trật; mà nó là thánh, công chính, và tốt đẹp (Rôma 7:12). Cũng không phải Luật pháp đem tới sự chết, mà tội lỗi là thủ phạm (Rôma 7:10–11) “Còn tôi thì chết; lẽ ra điều răn đem sự sống đến cho tôi lại đưa tôi đến sự chết. Vì tội lỗi nắm lấy cơ hội, dùng điều răn lừa dối tôi và nhân đó giết chết tôi.” Lý do là vì “tội lỗi nắm lấy cơ hội trong điều răn khơi dậy trong tôi đủ mọi thứ tham dục” (Rôma 7:8). Nan đề không phải là Luật pháp, nhưng là tánh yếu đuối của xác thịt loài người trong mỗi cá nhân (Rôma 8:3a) “Vì điều gì luật pháp không thể làm được do xác thịt làm cho suy yếu.” Công dụng của Luật pháp có thể ví như một tấm gương giúp người ta thấy nhược điểm của họ nhưng không thể sửa đổi lỗi lầm của ai được.

Đức Chúa Jesus xuống đời làm Đấng Christ, tức là Chúa Cứu Thế, giải thoát người tin ra khỏi cái ách Luật pháp. Ngài giúp chúng ta có thể thờ kính Đức Chúa Trời bằng phương cách mới qua Đức Thánh Linh. Tức là một cách tốt hơn nhiều so với việc phải tuân theo các luật lệ đã được chép trong Luật pháp (Rôma 7:6) “Nhưng bây giờ chúng ta đã được thoát khỏi luật pháp, đã chết đối với điều đã giam cầm chúng ta, để chúng ta phục vụ theo cách mới của Thánh Linh, chứ không theo cách cũ của văn tự nữa.” Sau đó, sứ đồ Phaolô nói về một luật mới gọi là “luật của Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ Jesus” (8:2a). Luật nầy giúp cho tín hữu được tự do khỏi luật cũ của tội lỗi và sự chết. Bất cứ ai áp dụng luật Môise, tức là đời sống được chỉ đạo bởi một thứ luật không thể giúp người ta được kể là công chính theo sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời; đều bị thất bại; bởi vì luật ấy chỉ kết án tội lỗi trong con người và đem đến sự trừng phạt, tức là sự chết vĩnh viễn.

Nhưng Đức Thánh Linh thì đem sự sống đến. Không phải sứ đồ Phaolô đặt Đức Thánh Linh ngang hàng với luật Môise. Kinh Thánh không thiết lập một danh mục các luật lệ mới để thay thế danh mục cũ của luật Môise, là luật đưa ra các điều cấm: “chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ.” Những điều cấm đoán nầy không có giá trị gì hết vì đó là sự dạy dỗ của loài người mà thế gian gọi là tôn giáo. Sự áp dụng Luật pháp Môise ấy không giúp ích gì được cho chúng ta (Côlôse 2:20–23) “Nếu anh em đã chết với Đấng Christ, thoát khỏi các thần linh của thế gian, thì tại sao anh em lại vẫn sống như mình còn thuộc về thế gian? Tại sao vẫn thuận phục những luật lệ: ‘Chớ lấy, chớ nếm, chớ sờ’ khi mà tất cả những thứ ấy đều hư hoại nếu đã dùng đến? Chúng chỉ là những luật lệ và giáo huấn của loài người. Thật những điều ấy, bề ngoài có vẻ khôn ngoan vì thờ lạy theo ý mình, cùng với sự hạ mình và khắc khổ thân thể, nhưng chẳng có giá trị gì trong việc chế ngự dục vọng của xác thịt.” Nếu mọi điều ta có là một danh mục của những việc không được phép làm, thì chúng ta sẽ thực hiện những việc không có trong danh mục đó và phạm tội y như người thế gian khác, mà lòng không bị chút cáo trách hay áy náy gì hết, bởi vì các việc đó không nằm trong danh mục bị cấm.

Chẳng những chúng ta phải bằng lòng cho Đức Thánh Linh diệt trừ những dục vọng trần tục trong lòng mình, lột bỏ con người cũ (Côlôse 3:5–9) “Vậy hãy giết chết những dục vọng trần tục như gian dâm, bất khiết, tình dục dâm đãng, ước muốn xấu xa và tham lam; vì tham lam là một hình thức thờ hình tượng; bởi những điều nầy, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên những con không vâng phục. Lúc trước, anh em đã từng sống trong những điều nầy và cư xử như vậy. Nhưng bây giờ, hãy từ bỏ tất cả những điều ấy, tức là thịnh nộ, buồn giận, độc ác, phạm thượng, và lời nói tục tĩu từ miệng anh em. Chớ nói dối nhau vì đã lột bỏ người cũ cùng các công việc của nó,” mà còn phải tìm kiếm những điều thuộc về cõi thiên đàng (Côlôse 3:1) “Vậy nếu anh em đã được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm kiếm những điều ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên phải Đức Chúa Trời.” Để làm được điều đó, hãy thực hành lời khuyên của Phaolô: “Hãy chú tâm về những điều ở trên trời, đừng chú tâm tới những điều dưới đất, vì anh em đã chết, sự sống của mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời” (Côlôse 3:2–3).

Lời khuyên nầy chỉ là nhắc lại những điều Phaolô dạy dỗ trong thư nói về việc chúng ta được hợp nhất với Đấng Christ trong sự chết của Ngài qua phép báp têm, rồi cũng được đồng sống lại với Ngài Rôma 6:3–5Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đều đã chịu báp-têm trong Đấng Christ Jêsus, tức là chịu báp-têm trong sự chết của Ngài sao? Vậy, bởi báp-têm, chúng ta đã được chôn vào trong sự chết với Ngài, để rồi như Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được sống lại từ cõi chết thể nào thì chúng ta cũng được sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta đã được hiệp nhất với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được hiệp nhất với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài.

Sứ đồ Phaolô chỉ dẫn cho ta biết cách thức nào để thực hiện quyết tâm ấy (Côlôse 3:12–17) “Anh em là những người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu. Vậy, hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục. Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết những điều nầy, phải mặc lấy tình yêu thương, vì là dây liên kết của sự toàn hảo. Hãy để sự bình an của Đấng Christ ngự trị lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến trong một thân thể, và hãy tỏ lòng biết ơn. Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn. Bất cứ điều gì anh em nói hay làm, hãy thực hiện mọi sự trong danh Chúa là Đức Chúa Jêsus, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.

Khi Đức Thánh Linh giải thoát chúng ta khỏi cái ách của Luật pháp, Ngài không bắt chúng ta làm nô lệ cho Ngài. Ngài chỉ ban cho chúng ta cơ hội phục vụ Đức Chúa Trời theo sự chọn lựa của mình. Vậy thì, nếu “Luật của Thánh Linh Sự Sống” không phải là một bộ luật có văn bản kiểu như Luật Môise, thì luật ấy là gì? Khi viết ra điều nầy, Phaolô có ý nói về một nguyên tắc hướng dẫn và chỉ đạo các hành động của chúng ta. Nguyên tắc ấy là nhường cho Đức Thánh Linh quyền điều khiển đời sống của chúng ta theo các phương châm tốt lành: “Mặc lấy lòng thương xót, mềm mại, nhân từ, khiêm nhường, nhịn nhục, nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự là mặc lấy tình yêu thương, để sự bình an của Đấng Christ ngự trị lòng chúng ta; cũng hãy để cho Lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng mình. Và thực hiện mọi sự trong Danh Đức Chúa Jesus.

Ai có thể giúp chúng ta thể hiện các hành động theo nguyên tắc Luật của Thánh Linh Sự Sống nếu không phải là chính Đức Thánh Linh dùng quyền năng biến đổi của Ngài? (Rôma 8:13b) “Nhưng nếu anh em nhờ Thánh Linh làm cho chết công việc của thân thể thì anh em sẽ sống.” Ngoài Đức Thánh Linh, không ai có đủ sức sống một đời thánh thiện theo sự đòi hỏi của thiên đàng. Như trên đã nói, Luật pháp Môise không thể làm cho người ta sản sinh ra sự công chính, thì không phải do lỗi của luật ấy, mà do sự yếu đuối của lòng người. Và không ai có thể viện cớ yếu đuối để biện mình cho sự phạm lỗi của mình. Vì lý do đó, Đức Chúa Trời đã sai Đấng Christ đến thế gian gánh hết mọi tội lỗi của chúng ta. Thế nhưng, Đức Chúa Jesus đã thực hiện việc đó như thế nào?

Ngài đã làm một người y như mọi người khác trong nhân loại. Mặc dù Ngài có thần quyền để sống trong sạch nếu Ngài muốn; nhưng Đấng Christ đã không sử dụng thần quyền của Ngài chống trả sự cám dỗ. Ngài chịu bị cám dỗ trong vai trò con người giống như mọi người khác ở thế gian: “Dục vọng của xác thịt, ham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo về cuộc sống” (1Giăng 2:16); và Ngài đã chiến thắng vẻ vang. Cho nên, qua việc đó Ngài đã lên án tội lỗi trong xác thịt. Ngài đã chứng tỏ rằng khi chúng ta, là tín hữu, phạm tội, không phải ta bị buộc phải phạm tội, mà vì mình chiều theo ý muốn xác thịt, và không để ý đến sự giúp đỡ có sẵn qua Lời Chúa và Đức Thánh Linh. Bây giờ, nhờ bước đi theo Thánh Linh và Luật Sự Sống của Ngài, chúng ta cùng hưởng sự chiến thắng của Đức Chúa Jesus, và làm được các điều công chính theo như Luật pháp đòi hỏi (Rôma 8:4) “Để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh.

Làm thế nào để có thể làm theo Luật của Thánh Linh Sự Sống? Thư Galati khuyên nhủ rằng: “Hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thỏa mãn những dục vọng của xác thịt” (Galati 5:16). Biết điều đúng là một việc, nhưng có khả năng để làm theo điều đúng đó hay không lại là chuyện khác! Việc ấy đòi hỏi một não trạng muốn làm điều đúng và thánh thiện, tức là một ý chí điều khiển suy nghĩ, ý định, mục tiêu nhắm tới, và những khát vọng của chúng ta. Người sống bởi Thánh Linh và trong Thánh Linh nhìn vào mọi việc theo quan điểm của Đức Thánh Linh, Đấng nhắm tới mục tiêu làm vinh danh Đức Chúa Jesus. Vì vậy, Ngài sẽ hướng mục tiêu và nỗ lực của chúng ta nhắm tới mọi điều thuộc cõi trời, những việc thuộc về Đấng Christ (Côlôse 3:1–2) “Vậy nếu anh em đã được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm kiếm những điều ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên phải Đức Chúa Trời. Hãy chú tâm vào những điều ở trên trời, đừng chú tâm đến những điều ở dưới đất.”

Còn người sống theo xác thịt thì mọi tư tưởng và tâm tính đều thuộc về cõi trần gian, nhìn vào mọi việc theo quan điểm của sự ham muốn và sức thúc đẩy của xác thịt. Não trạng xác thịt dẫn tới sự chết (Rôma 8:6a) “Chú tâm vào xác thịt sinh ra sự chết.” Loại não trạng chưa chịu để cho Đức Thánh Linh biến đổi và cứ miệt mài làm theo sự ham muốn của xác thịt thì bị cách xa Đức Chúa Trời, không chịu phục tùng luật của Ngài. Ngược lại, người nào bước theo Luật của Thánh Linh Sự Sống thì được bình an trong tâm hồn và sức sống sung mãn trong tâm linh.

Mọi con cái thật của Chúa đều không thể nào sống theo xác thịt (Rôma 8:8) “Người nào sống theo xác thịt thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời;” mà sống theo Luật của Thánh Linh Sự Sống. Bởi vì Đức Thánh Linh ngự trong lòng và hướng dẫn chúng ta sống mỗi ngày theo thánh ý Ngài (Rôma 8:9–10) “Nhưng nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời thật sự ở trong anh em thì anh em không sống theo xác thịt, mà sống theo Thánh Linh; còn ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài. Vậy, nếu Đấng Christ ở trong anh em thì dù thân thể anh em chết vì tội lỗi, tâm linh anh em vẫn sống nhờ sự công chính.

DoiSongtrongThanhLinh06.docx

Rev. Dr. CTB