Tiền Bạc và Đức Thánh Linh

Đời Sống trong Thánh Linh, bài 11

1Timôthê 6:6–10

Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn. Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được; vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng. Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất. Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.

Ai đã đọc (Rôma 8:9b) đều biết rõ rằng người nào không có Thánh Linh của Đấng Christ trong lòng thì người ấy chẳng thuộc về Ngài “Ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” Nếu không thuộc về Đấng Christ thì chẳng có chút hy vọng gì được sống đời đời. Vì thế, việc phải có Thánh Linh của Đức Chúa Jesus ở với mình là điều kiện tiên quyết để được ở với Đức Chúa Trời trong Vương quốc Ngài. Kinh Thánh cũng cho ta biết Đức Thánh Linh hoàn toàn thánh khiết; Ngài không chấp nhận tội lỗi. Vậy, nếu chúng ta thường xuyên có lầm lỗi, thì làm thế nào được thánh thiện để tiếp đón Ngài? Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ huyết tha tội của Đức Chúa Jesus tuôn đổ vào lòng người thật sự tin và tiếp nhận Ngài, để tẩy sạch và ban cho người ấy có cơ hội tiếp đón Đức Thánh Linh và được làm con Đức Chúa Trời.

Điều đó không có nghĩa là sau khi Đức Thánh Linh ngự vào rồi, tín hữu cứ tiếp tục phạm lỗi lầm mà được bình an; chúng ta phải biết tự xét nhiều phương diện của lòng mình và các lãnh vực khác của đời sống để biết phải từ bỏ những gì thuộc bản tánh con người cũ và mặc lấy người mới (Êphêsô 4:22–24) “Vậy, anh em hãy lột bỏ người cũ thuộc về lối sống ngày trước, vốn bị hư hỏng bởi những ham muốn dối trá; nhờ Thánh Linh đổi mới tâm trí anh em, và mặc lấy người mới, là người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong chân lý công chính và thánh khiết;” nhờ đó Đức Thánh Linh sẽ tiếp tục ở trong chúng ta để đổi mới lòng ta ngày càng hơn. Có lẽ một số người không nghĩ tới hoặc không biết điều gì trong lòng mình sẽ làm cho Đức Thánh Linh buồn và điều gì Ngài ưa thích. Chúng ta sống trên thế gian có rất nhiều việc trong vô số lãnh vực của đời sống gây ảnh hưởng lên tâm tánh, phản ứng, cách hành xử, và sự chọn lựa của chúng ta; cho nên, bài học nầy sẽ xem xét các vấn đề nào thường dễ bị bỏ qua nhất.

Mỗi người đang sống hay đã sống trên đời đều lập quyết định cho đời mình dựa trên nhân sinh quan của mình, tức là cách con người có thể nhìn nhận cuộc đời, hay đạo làm người; cũng gọi là khái niệm xoay quanh cuộc sống của con người. Một số người có nhân sinh quan giống nhau, cũng có người dù sinh hoạt chung một Hội Thánh địa phương nhưng có nhân sinh quan khác hẳn nhau. Hầu hết quan điểm làm người của chúng ta bị ảnh hưởng bởi xã hội nơi mình sinh sống. Ai cũng có nhu cầu về tiền bạc để nuôi sống bản thân và gia đình. Có người chỉ cần đủ sống là hài lòng, kẻ khác thì thâu trữ càng nhiều càng tốt vì chưa bao giờ thấy đủ. Người thì rộng rãi, kẻ thì keo kiệt, người tiết kiệm, người phung phí, kẻ khác nữa thì cả cuộc đời họ chỉ nhắm tới tiền bạc.

Nhân sinh quan, do đó, tạo nên bản tánh và cách hành xử của mỗi người. Người kính sợ Chúa nhìn của cải vật chất và tiền bạc khác hẳn người chỉ biết lơ mơ về Đức Chúa Trời; họ không xem việc có nhiều của cải là quan trọng, mà xem sự thỏa lòng trong Chúa quan trọng hơn (1Timôthê 6:6-8) “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn. Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được; vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng.” Còn người ham sự giàu có thì dễ bị cám dỗ phạm tội liên quan tới sự tham tiền (1Timôthê 6:9-10) “Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất. Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.” Chúng ta cần nhắc lại rằng không phải có nhiều tiền là xấu, nhưng tánh tham lam tiền bạc mới hại cho linh hồn mình. (6:10a) nói “lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác.” Tham lam là một hình thức tôn thờ của cải vật chất (Côlôse 3:5b) “… Vì tham lam là một hình thức thờ hình tượng.” Có người muốn tỏ ra mình giàu sang nên để lại nhiều tiền cho sự phục vụ ở nhà hàng sang trọng nhưng vui sướng khi ép được giá của người bán rong.

Vậy thì quan điểm của chúng ta về đời sống ở trần gian nầy phải như thế nào? Liệu Đức Thánh Linh có hài lòng về tánh tình của tín hữu giàu tiền bạc mà keo kiệt với anh chị em nghèo khổ trong Chúa không? Lòng chúng ta đối với tiền bạc ra sao sẽ quyết định bước đường thánh hóa của mình sẽ được trơn tru hay cứ mãi trầy trật không tiến lên nổi. Đã có rất nhiều trường hợp vấp ngã cách đau đớn của một số người trong hàng giáo phẩm liên quan tới tiền bạc. Satan biết rõ hắn phải dùng mồi gì để nhử khiến tín đồ dễ phạm tội. Hắn thường xài loại mồi bảo đảm hiệu quả mạnh nhất là tiền bạc. Để thay đổi lòng mình đối với tiền bạc ra sao cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải quyết liệt đối phó với tính xấu đó, không để cho tiền bạc của cải làm chủ mình nữa.

Trong lãnh vực nhạy cảm nầy, một số con cái Chúa chưa thật sự hiểu biết quan điểm của thiên đàng về cách kiếm tiền hay làm ra tiền của mình. Những người phải bỏ công sức ra làm việc kiếm tiền nuôi thân một cách lương thiện thì không có gì phải băn khoăn hết. Những người ấy hãy cảm tạ Chúa đã cho mình có công ăn việc làm nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng cách làm ra tiền không lương thiện, hoặc ép giá công của người làm công cô thế để được lợi nhiều hơn, thì là mánh lới bị Đức Chúa Trời ghê tởm, vì Ngài xem đó là thủ đoạn gian ác

(Phục Truyền 24:14–15) “Không được ức hiếp người làm thuê nghèo khó và bần cùng, dù người đó là anh em mình hay là ngoại kiều tạm cư trong xứ và trong thành của anh em. Phải thanh toán tiền công cho người ấy mỗi ngày, trước khi mặt trời lặn, vì người ấy vốn nghèo khó chỉ còn biết trông chờ vào đó. Nếu không, người ấy sẽ kêu van Đức Giê-hô-va về anh em và anh em phải mắc tội.

(Giacơ 5:4) “Nầy, tiền công của những thợ gặt thuê trong ruộng anh em, mà anh em đã gian lận, đang kêu oan; và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai của Chúa toàn năng.

(Giêrêmi 22:13) Khốn thay cho kẻ cất nhà bằng sự bất chính, xây phòng bằng sự bất nghĩa; dùng người lân cận làm việc không công, chẳng trả thù lao cho họ.

(Malachi 3:5) “‘Ta sẽ đến gần các con để phán xét, và Ta sẽ vội vàng làm chứng chống lại những kẻ thực hành ma thuật, những kẻ tà dâm, những kẻ thề dối, những kẻ bóc lột tiền công của người làm thuê, những kẻ áp bức kẻ mồ côi và người góa bụa, những kẻ làm hại người khách lạ; vì chúng không kính sợ Ta. Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.

Vì vậy, phải rất cẩn thận xem xét kỹ lòng và cách hành xử của mình đối với những người làm công; đừng khoái trá khi ép được người cần kiếm sống phải chịu làm việc cho mình giá rẻ.

Con cái Chúa có quyền đầu tư tiền bạc sinh lời; như ẩn dụ Đức Chúa Jesus kể về người làm công lười biếng (Mathiơ 25:27) “Thế thì, lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho những người buôn bạc, để khi ta trở về sẽ nhận cả vốn lẫn lời chứ.

Nhưng vào thời nay người ta có thể kiếm lợi tức trên nhiều loại hàng không lương thiện. Ví dụ, một số quỹ đầu tư bỏ tiền vào việc buôn cần sa, một loại ma túy bị chính phủ liên bang cấm tiệt. Nếu con cái Chúa mua stock của quỹ đầu tư ấy để kiếm lời, hoặc stock của các tổ chức chuyên phá thai, vv. Liệu Đức Chúa Trời có hài lòng về sự sinh lợi của món tiền mình bỏ ra không? Hãy rất cẩn thận khi đứng trước ranh giới giữa thiện và ác. Bởi vì dù không trực tiếp tham dự hay làm những điều Chúa cấm, nhưng lợi tức mà món đầu tư đem lại thì bị Ngài ghê tởm; cho nên, khi bỏ vốn đầu tư, con cái Chúa phải nghiên cứu thật kỹ để khỏi vô tình nhúng tay vào tội ác.

Đức Chúa Trời không khen cách kinh doanh lươn lẹo mà loài người cho là khôn khéo. Ngược lại, người ta có thể bị trừng phạt về thái độ đối với của cải trần gian không phù hợp với tiêu chuẩn thiện lành mà con cái Chúa phải có. Trong lãnh vực nầy có cả thái độ mình đối xử với người giàu và người nghèo. Lãnh đạm với người nghèo nhưng xun xoe với người giàu là cách cư xử của người thiếu đạo đức; Kinh Thánh lên án thái độ thiên vị giàu nghèo đó:

(Giacơ 2:1–7) “Thưa anh em của tôi, anh em đã tin Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa vinh quang của chúng ta, thì đừng thiên vị ai cả. Giả sử có một người đeo nhẫn vàng, ăn mặc sang trọng vào nhà hội của anh em, và có một người nghèo, ăn mặc rách rưới, cũng vào nữa; anh em chú ý đến người ăn mặc sang trọng và nói: ‘Xin vui lòng ngồi chỗ nầy;’ còn với người nghèo thì nói: ‘Hãy đứng đó,’ hoặc, ‘Hãy ngồi dưới chân tôi đây.’ Như thế, có phải anh em đã phân biệt đối xử và lấy ý xấu mà xét đoán không? Thưa anh em yêu dấu của tôi, hãy nghe đây: Chẳng phải Đức Chúa Trời đã chọn lựa người nghèo ở thế gian nầy để làm cho họ giàu trong đức tin, và thừa kế vương quốc mà Ngài đã hứa cho những người yêu mến Ngài sao? Vậy mà anh em lại khinh dể người nghèo! Chẳng phải kẻ giàu đã ức hiếp anh em, kéo anh em đến trước tòa án sao? Chẳng phải họ là kẻ xúc phạm đến danh cao quý mà anh em đã kêu cầu sao?

Cho nên, chúng ta là con cái Chúa hãy tránh đừng vi phạm những nguyên tắc mà Chúa đã truyền cho con dân Ngài phải tuân theo. Nguyên tắc nầy chẳng phải chỉ áp dụng giữa con cái Chúa trong Hội Thánh, mà phải áp dụng ở mọi nơi, mọi lúc. Vì chúng ta đại diện cho ánh sáng thiên đàng soi sáng nơi mình sống.

Mặc dù ai đã đọc sách phúc âm của sứ đồ Mathiơ đều biết Đức Chúa Jesus dạy cách tích trữ của cải nơi an toàn nhất (Mathiơ 6:19–21) “Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.” Nhưng số người chịu làm theo thì không nhiều. Phước cho người nào chịu nghe Lời dạy của Chúa; bởi vì chưa cần đợi tới ngày lên thiên đàng mà phước lành về tài chánh đã được Chúa ban thưởng khi đang còn sống trên thế gian. Đúng như Đức Chúa Trời đã hứa

(Malachi 3:10) “Hãy đem tất cả phần mười vào kho để có lương thực trong nhà Ta. Và từ nay, hãy lấy điều nầy mà thử Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem Ta có mở các cửa sổ trên trời cho các con, và đổ phước xuống cho các con đến nỗi không chỗ chứa chăng!

Ngài ban phước vật chất cho bất cứ ai vâng lời Ngài. Trong khi những người vất vả lo thu giữ tiền bạc, đã không dám dâng hiến cách rời rộng cho công việc của Nhà Chúa mà còn tiếc của, không vâng theo lời khuyến cáo của Kinh Thánh, thì đến hồi kết thúc cuộc đời dù có ăn năn hối hận cũng đã quá muộn. Tiền bạc không cứu được linh hồn khỏi bị trừng phạt.

Thái độ của chúng ta đối với tiền bạc là yếu tố quyết định đời sống tâm linh mình sẽ mạnh mẽ hay bạc nhược trước mặt Chúa. Đức Chúa Jesus cảnh cáo những người làm tôi tớ cho hai chủ, tiền và Chúa (Mathiơ 6:24) “Không ai có thể làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa phục vụ tiền tài nữa.” Vì vậy, tất cả chúng ta hãy lập quyết định đặt Đức Chúa Trời lên ngôi vị cao nhất trong lòng chúng ta, thay vì ham muốn tiền bạc. Hãy nhường cho Đức Thánh Linh đuổi sạch sẽ mọi thứ uế linh tham lam tiền bạc của cải ra khỏi lòng chúng ta, để nếp sống tâm linh mình có thể nhanh chóng trưởng thành theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

DoiSongtrongThanhLinh11.docx

Rev. Dr. CTB