Bí Quyết Thành Công

Hướng Đi Mới, bài 05

Công vụ 14:1–3

Tại Icôni, Phaolô và Barnabas cùng vào nhà hội Do Thái và giảng luận, khiến rất nhiều người Do Thái và người Hi Lạp tin Chúa. Nhưng các người Do Thái không tin thì xúi giục, đầu độc tâm trí những người ngoại có ác cảm với anh em. Dù vậy, hai sứ đồ ở lại đó một thời gian dài, giảng luận về Chúa một cách mạnh dạn; Chúa dùng tay họ làm các dấu lạ và phép mầu để thực chứng cho đạo ân điển của Ngài.

Vấn đề giữ gìn để đừng tạo mối ác cảm chỉ là một khía cạnh của tiến trình giao tiếp; khía cạnh kế tiếp là phải có các ưu điểm để người ta thích tiếp xúc với mình. Vì vậy, để giúp cho sự tiếp xúc trò chuyện với người là đối tượng mà mình muốn dẫn dắt đến với Chúa không bị trở ngại, thì phải biết rõ mình có các khả năng nào giỏi để vận dụng. Ví dụ: Thân thiện, dễ làm quen, khả ái, ăn nói lưu loát, thành thật, có danh tiếng tốt, có ân tứ đặc biệt, quen biết rộng, nắm vững chân lý, và biết rõ những điều sẽ trình bày. – Không phải ai cũng có đủ các ưu điểm trên, nhưng có nhiều chừng nào tốt chừng đó. Nếu không có thì suy xét, tập luyện để tạo ra ưu điểm. Cũng có thể tận dụng các lợi thế từ tình quen biết, tạo mối liên hệ thân mật, thì việc truyền giáo dễ đạt kết quả hơn.

Sứ đồ Phaolô và Barnabas tận dụng các khả năng Chúa ban cho để giảng dạy, “làm các dấu lạ và phép mầu để thực chứng cho đạo ân điển” (c.3b). Nếu chúng ta giữ nếp sống tương giao gần gũi với Chúa thì sẽ được Đức Thánh Linh ban các khả năng đặc biệt hữu dụng cho công tác truyền giáo. Ví dụ chữa bệnh, đuổi quỷ, lời tri thức việc tương lai, lời khôn ngoan khuyên nhủ người ngã lòng, khả năng hàn gắn các sự đổ vỡ, và có khi được Chúa dùng trong phép lạ của Ngài, vv. Nhưng vì chẳng ai có nhiều thì giờ, cũng không ai có đủ sức theo đuổi và chứng đạo cho nhiều người cùng một lúc, nên chúng ta phải biết nhận xét để phân loại các thân hữu của mình theo phương châm: Dễ làm trước, khó làm sau. Người dễ là đối tượng mục tiêu; khó là đối tượng tiềm năng.

Theo kinh nghiệm của những người đã đi trước thì trong số bà con, bạn bè thuộc loại chú trọng và thích nghe các vấn đề tâm linh, đạo đức, thời cuộc, cộng với người đang gặp khủng hoảng trong đời hoặc đang tìm kiếm chân lý, thì tỉ lệ từ 10% tới 20% số người mình quen biết. Ai chịu khó tiếp xúc và trò chuyện với bạn bè thân quen sẽ nhận ra người nào là mục tiêu mà mình cần phải chứng đạo cho. Vì vậy, những người nằm trong số 10% tới 20% gọi là đối tượng mục tiêu. Nghĩa là mình phải dành mọi nỗ lực để chứng đạo cho nhóm người nầy. Họ thuộc hạng số 5 và số 4 trong năm loại người mình nhận xét; tức là những người đang gặp khủng hoảng trong đời, hoặc tìm kiếm sự giải thoát cho tâm linh, và những người thích nghe giới thiệu hay giải nghĩa về đạo cứu rỗi.

Những người chịu nghe nói về đạo Chúa cũng khoảng 20%. Tuy nhiên, không có mấy hy vọng những người đó sẽ sớm tin Chúa. Vì thế, sẽ gọi họ là các đối tượng tiềm năng. Số người quen biết còn lại thì cứ giữ tình quen biết và âm thầm cầu thay cho họ. Những điều chúng ta cần phải biết rõ trước khi bắt đầu làm chứng đạo cho các đối tượng mục tiêu của mình là: Phải biết suy tính trước các cơ hội và cũng tính trước các nguy cơ. Chúng ta phải luôn luôn chờ có cơ hội tốt để đề cập tới nhu cầu được cứu rỗi của tâm linh con người. Trong hầu hết các trường hợp, người chứng đạo phải chộp cơ hội để trình bày phúc âm; nghĩa là phải biết tận dụng các tình cảnh thuận lợi có thể nói về Chúa một cách tự nhiên, không cần phải rào đón. Không chuẩn bị sẽ không làm được.

Điều khó khăn nhất cho mọi cuộc chứng đạo là bắt đầu thế nào và làm sao người nghe bị thu hút vào câu chuyện. Trong công tác chuẩn bị, ngoài các đề tài chính phải trình bày ơn cứu rỗi mà mình phải nắm vững, thì điều có lợi nhất là kể các câu chuyện đầy tính hấp dẫn nhằm thu hút hoàn toàn sự chú ý của người nghe. Vì vậy, phải chuẩn bị sẵn những câu chuyện hấp dẫn có thể tận dụng để chứng đạo; chuẩn bị sẵn sàng khi gặp cơ hội; không chờ cơ hội tới mới lúng túng tìm cách. Ví dụ trong cuộc trò chuyện, thân hữu có thể đề cập tới tình cảnh oan ức của ai đó, thì hãy nắm lấy cơ hội ấy mà kể chuyện oan khuất của Joseph ở Ai-cập để giải thích chương trình của Chúa dành cho người kính sợ Ngài. Tuy nhiên, sự giải thích sẽ rất hấp dẫn nếu kể thêm một hay vài câu chuyện có thật của con cái Chúa mà mình đã nghe để làm bằng cớ xác thực, thân hữu sẽ dễ tin hơn.

Đức Chúa Jesus luôn luôn dùng các ẩn dụ khi giảng dạy cho đám đông, tức là kể chuyện để giải thích điều Ngài muốn dạy (Mathiơ 13:31–35) “Ngài phán với họ một ẩn dụ khác: Vương quốc thiên đàng giống như một hạt cải người kia đem gieo ngoài đồng. Hạt ấy nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi mọc lên thì lại lớn nhất trong các loại rau, và trở thành cây đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành nó.Ngài phán với họ một ẩn dụ khác: Vương quốc thiên đàng giống như men mà người phụ nữ kia lấy ủ vào ba đấu bột cho đến chừng bột dậy cả lên.Đức Chúa Jêsus dùng ẩn dụ để truyền dạy mọi điều đó cho dân chúng, không một điều gì Ngài truyền dạy họ mà không dùng ẩn dụ. Như vậy, để ứng nghiệm lời tiên tri:Ta sẽ mở miệng để nói các ẩn dụ, Ta sẽ công bố những điều kín giấu từ buổi sáng tạo thế gian.

Những ẩn dụ Ngài kể đều ngắn và có mục đích giới thiệu và giải thích sự thật về Vương quốc thiên đàng cùng những điều Vương quốc ấy đòi hỏi nơi loài người là đối tượng yêu thương của Đức Chúa Trời. Vì vậy, những câu chuyện hấp dẫn mà chúng ta phải ghi nhớ rõ ràng cũng phải dẫn người nghe tới sự hiểu biết về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và quyền năng vô song của Ngài. Hãy nhớ rằng, những câu chuyện chúng ta phải thuộc lòng để kể có hai mục đích chính: Một là thu hút sự chú ý cao độ của người nghe; hai là vinh danh Đức Chúa Trời để giới thiệu Ngài bằng hình ảnh tốt đẹp nhất, chứ không khoe khoang về mình.

Sự chuẩn bị và luyện tập để kể các câu chuyện hấp dẫn là cách tính toán trước để nắm lấy các cơ hội khi chúng đến. Ngoài những câu chuyện thật của đời người hay chuyện tích hấp dẫn trong Kinh Thánh Cựu Ước mà mình sẽ kể, người chứng đạo cũng phải tính những câu hỏi gợi ý hoặc mở đường dẫn tới mục đích giới thiệu ơn cứu độ của Chúa. Biết suy tính trước là cách để nắm thế chủ động trong mục tiêu truyền giáo. – Tuy nhiên, cũng phải biết suy tính trước các nguy cơ mình sẽ phải đối phó khi có sự việc không thuận lợi xảy ra. Có thể người nghe sẽ cự cãi, đòi tranh luận hoặc bác bỏ điều mình nói, hay chất vấn về niềm tin mà họ chưa biết rõ. Trong những trường hợp như vậy, người chứng đạo phải có sự chuẩn bị trước để đối phó một cách thích hợp.

Trong hầu hết các trường hợp phải tránh các cuộc tranh luận giành phần thắng, vì người thua sẽ tự ái hay phẫn uất dẫn tới tình cảm lạnh nhạt. Nhịn không có nghĩa là thua mà để giữ tình thân ái; rồi khi có dịp sẽ giúp thân hữu mở mắt thấy cái sai của họ. Một loại nguy cơ thường xuyên xảy tới là ma quỷ sẽ dùng người khác quấy phá khiến tâm trí người nghe bị chi phối, phân tâm. Để giải quyết nan đề đó thì phải dùng uy quyền trói buộc của Chúa trong công tác chuẩn bị. Nếu thân hữu đã bị phân tâm thì hãy chờ dịp khác. Vì trong hầu hết các cuộc chứng đạo cho những tín đồ của các tôn giáo Á Đông, ma quỷ sẽ luôn luôn quấy phá để họ không thể nghe.

Nhưng chúng ta thì có uy quyền trong Danh Đức Chúa Jesus (Philip 2:8–11) “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để khi nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi đều phải xưng nhận Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha.” (Mác 16:17) “Những người tin sẽ được các dấu lạ nầy kèm theo: Họ sẽ nhân danh Ta đuổi quỷ.” Ai gần gũi với Chúa, người đó sẽ có uy quyền. Đời sống gần gũi với Chúa là cách tốt nhất để thành công.

HuongDiMoi05.docx

MS CTB