Đá Sỏi và Bụi Gai

Hướng Đi Mới, bài 07

Mathiơ 13:20–22

Hạt giống rơi trên đất đá là người khi nghe đạo thì liền vui mừng tiếp nhận; nhưng đạo không đâm rễ trong lòng, chỉ tồn tại nhất thời, nên khi vì đạo mà gặp hoạn nạn, hay bắt bớ, thì người ấy liền vấp ngã. Hạt giống rơi giữa bụi gai là người nghe đạo, nhưng sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang làm cho đạo bị nghẹt ngòi nên không kết quả.

Nếu so sánh mức tăng trưởng của Hội Thánh Chúa tại Phi châu hoặc Mỹ châu Latin, thì các Hội Thánh người Việt trong nước lẫn hải ngoại đều thua kém rất xa. Tuy nhiên, sự truyền giáo cho các sắc tộc thiểu số ở vùng núi Miền Bắc và Tây Nguyên Việt Nam lại thành công nhiều hơn so với người Kinh. Nếu chỉ so sánh giữa người Kinh và các sắc tộc thiểu số ở Miền Bắc mang nặng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, với các sắc tộc thiểu số có tục lệ bái vật giáo, thì số người tin Chúa thuộc nhóm sau lúc nào cũng đông hơn nhóm đã chịu ảnh hưởng của tam giáo đồng nguyên từ bên Tàu truyền sang. Tại sao sự khác biệt sâu sắc đến vậy? Phân tích kỹ thì lòng người chịu ảnh hưởng của đạo Phật giống như đất có nhiều sỏi đá và bụi gai hơn lòng của dân không có đạo.

Sỏi đá hay các bụi gai là hình bóng về những điều cản trở sự nẩy mầm của hột giống Vương Quốc thiên đàng trong lòng người ta. Mảnh đất nào có lẫn nhiều sỏi đá hay bụi gai mọc đầy là lòng của những người chưa sẵn sàng tiếp nhận hột giống Tin Mừng của Chúa gieo ra. Những sự cản trở ấy là gì và như thế nào? Điều đầu tiên là những người theo đạo Phật, hay nghĩ rằng họ có đạo Phật, thì tin ấy là một tôn giáo đúng đắn, có giá trị và tốt lành; do đó, họ khước từ mọi tôn giáo khác với niềm tin của họ. Đây là tâm lý bình thường của các tín đồ Phật giáo hay người tưởng họ thuộc đạo Phật. Người ta không muốn từ bỏ tôn giáo của dòng họ gia đình, vì họ sợ bị phê phán là phản bội truyền thống tổ tiên; mặc dù tuyệt đại đa số không biết niềm tin của họ đúng hay sai.

Sỏi đá hay các bụi gai cũng là hình bóng về những niềm ác cảm do hiểu sai hoặc tiêm nhiễm những lời đồn đại vu khống đầy ác ý về đạo của Chúa, trong lòng người ở các xã hội, mà sự thực hành niềm tin khác với Cơ đốc giáo chiếm ưu thế. Sự hiểu lầm thường xảy ra rất rõ ràng trong xã hội thờ cúng tổ tiên của người Á Đông. Cũng do cách cư xử không tế nhị của tín hữu Tin Lành đã gây ra nhiều sự hiểu lầm trở thành những cục đá không đáng có trong lòng người Việt. Người chưa tin Chúa vẫn thường quan sát tín hữu của Hội Thánh. Những hành vi và cách cư xử xấu xa, nơi tín hữu mà họ quan sát thấy, có thể trở thành nhiều thứ trở ngại khó giải thích (Rôma 2:3-7) “Hỡi người kia, khi bạn lên án người khác làm những việc như vậy mà chính bạn cũng làm, thì bạn tưởng rằng mình sẽ thoát được sự phán xét của Đức Chúa Trời sao? Hay là bạn coi thường sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục và khoan dung của Ngài? Bạn không nhận biết rằng lòng nhân từ của Đức Chúa Trời là để đem bạn đến sự ăn năn sao? Nhưng tấm lòng cứng cỏi, không ăn năn của bạn đang tích lũy cho mình sự giận dữ trong ngày thịnh nộ, là khi sự phán xét công bằng của Đức Chúa Trời được bày tỏ, vì Ngài sẽ báo ứng cho mỗi người tùy theo công việc họ làm. Ai kiên tâm làm lành, tìm kiếm vinh quang, tôn trọng và bất tử thì Ngài ban cho sự sống đời đời.” Sự hiểu lầm luôn luôn có, nhưng chỉ có đời sống ngay thẳng và đạo đức mới dẹp tan được sự hiểu lầm.

Ai muốn truyền rao ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho người thân thiết hay quen biết chưa tin Chúa đều phải học biết cách dẹp bỏ những thứ trở ngại trong lòng người một cách hiệu quả bởi sự hiểu biết, khéo léo và ôn hòa. Lẽ dĩ nhiên là mỗi người phải được đào tạo biết cách giải thích, giải tỏa những thắc mắc hợp lý của người chưa tin Chúa, hoặc đánh tan những ác cảm vô lý của họ. Sự hăng hái mà không được huấn luyện, cũng không có sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong lòng, thì chỉ làm cho tình trạng trầm trọng thêm. Vì vậy, nhiệm vụ của Hội Thánh là huấn luyện, chỉ dẫn và đào tạo cho tất cả con cái Chúa có khả năng chứng đạo và giải thích niềm tin của họ cách thông suốt cho người khác nghe. Được huấn luyện nghĩa là phải thực tập rành rẽ trước khi thực hiện.

Khi Đức Chúa Jesus sai các môn đồ đi thông báo cho người Do-thái rằng Vương Quốc thiên đàng đã đến gần (Mathiơ 10:7) “Khi đi đường, hãy rao giảng rằng: Vương quốc thiên đàng đã đến gần,” và dặn họ phải vừa khôn khéo như con rắn mà phải vừa giản dị như chim bồ câu (Mathiơ 10:16) “Nầy, Ta sai các con đi như chiên giữa bầy muông sói. Vậy hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu.” Bất cứ tâm lý chủ quan nào cũng bị phạm sai lầm; vì vậy, người truyền giáo phải hiểu biết tâm lý và cách suy nghĩ của đối tượng mà mình muốn đem về cho Chúa. Người ta luôn luôn chăm chú tìm kiếm và tiếp nhận điều gì mà họ thấy là nhu cầu thiết yếu của họ. Người chưa tin Chúa sẽ không quan tâm bao nhiêu về sự trừng phạt mà họ không chắc sẽ bị; nhưng họ lo ngại về một tương lai đầy bất trắc. Cho nên, giới thiệu ơn cứu rỗi một cách cạn cợt, không phải là một nhu cầu trọng đại, thì sẽ thất bại; bởi vì sự sống vĩnh cửu là một vấn đề vô cùng quan trọng.

Người truyền giáo phải biết rõ và tin chắc sự sống đời đời mà mọi con cái Chúa đã nhận được khi tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời; từ sự hiểu biết đó, chúng ta sẽ giải thích niềm tin theo sự hiểu biết đúng mà mình đã được trang bị. Mục đích của sự giải thích nầy là giúp thân hữu không còn lo lắng cho tương lai bi thảm ở đời sau. – Đến đây có lẽ một số người thắc mắc làm sao giúp nổi cho thân hữu tin có đời sau. Việc ấy liên quan tới lãnh vực thần học, không thuộc phạm vi bài học nầy; và mọi người đều sẽ được trang bị kỹ càng để dễ nhớ và trình bày. – Nhiều khi thứ đá sỏi trong lòng một số người là tâm lý muốn theo một tôn giáo để hãnh diện về hình thức lễ nghi, không phải là tìm kiếm ơn cứu rỗi; cho nên, đó là thành phần khi gặp thử thách sẽ dễ dàng bội đạo.

Tuy nhiên, sự cản trở lớn nhất trong lòng người là không muốn biết số phận đời đời của người ngoài Chúa, như tổng đốc Felix ngày xưa (Công vụ 24:24–25) “Mấy ngày sau, Felix với vợ mình là Drusilla, người Do Thái, đến và sai gọi Phaolô để nghe ông nói về đức tin trong Đấng Christ Jêsus. Nhưng khi Phaolô nói về sự công chính, sự tiết độ và sự phán xét tương lai, thì Felix run sợ và nói: ‘Bây giờ anh hãy lui ra; khi nào có dịp tiện ta sẽ gọi lại!’” Đức Chúa Jesus ví những sự lo lắng về đời nầy như những bụi gai làm cho hột giống đạo bị nghẹt ngòi (Mathiơ 13:22) “Hạt giống rơi giữa bụi gai là người nghe đạo, nhưng sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang làm cho đạo bị nghẹt ngòi nên không kết quả.” Vì vậy, nếu thân hữu chịu nghe mà có tánh ham muốn của cải vật chất, hoặc danh vọng, quyền thế ở đời, thì người truyền giáo phải giúp nhổ các bụi gai ấy trước đã. Nhổ bằng cách nào? Con cái Chúa phải biết cách phân tích tính cách mong manh của kiếp người. Hãy tìm đọc và ghi nhớ những chuyện thật của những người danh tiếng và rất giàu sang trên thế giới đã tự sát hay chết vì lạm dụng ma túy để lấp đầy khoảng trống cô đơn của họ. Những chuyện ấy thì rất nhiều, không sợ khó kiếm.

Một sự hiểu biết cần phải trang bị và dùng làm dụng cụ hay vũ khí trong mặt trận truyền giáo là biết rõ và có khả năng trình bày chân lý Đức Chúa Trời là Đấng nắm giữ tương lai linh hồn của mọi người (Thi Thiên 139:16) Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của con; số các ngày định cho con, đã biên vào sổ Chúa khi chưa có một ngày nào trong các ngày ấy. (Êsai 46:9–10) “Hãy nhớ lại những việc trước đây, từ thời xa xưa; vì Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác; Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như Ta. Từ ban đầu, Ta đã báo trước việc cuối cùng, và đã nói từ thuở xưa những việc chưa thực hiện. Ta đã phán: Kế hoạch của Ta sẽ thành tựu, và Ta sẽ thực hiện mọi điều Ta muốn.” Ngài là Đấng ban cho và cất đi (Gióp 1:21) “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, tôi cũng sẽ trần truồng trở về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng chúc tụng danh Đức Giê-hô-va!” Những sự trình bày vắn tắt trên nhằm giúp cho con cái Chúa có các khái niệm căn bản về việc dọn dẹp bớt đá sỏi và nhổ hết các bụi gai trong lòng thân hữu trước khi gieo hột giống Tin Lành. Người muốn chứng đạo cho thân hữu của mình phải thấm nhuần các sự thật nầy để trình bày rõ ràng cho họ hiểu.

Rồi quý anh chị em sẽ được trang bị cách trình bày ơn cứu rỗi của Chúa cách vắn tắt mà đầy đủ. Đó chính là mục đích của công tác truyền giáo. Hãy cộng tác với nhau để hầu việc Chúa.

HuongDiMoi07.docx

MS CTB