Hướng Đi Mới, bài 19
Giăng 12:24–26
“Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu hột lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hột thôi; nhưng nếu chết đi, nó được kết quả nhiều. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét mạng sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Nếu ai phục vụ Ta thì phải theo Ta; và Ta ở đâu, người phục vụ Ta cũng sẽ ở đó. Nếu ai phục vụ Ta thì Cha Ta sẽ tôn quý người.”
Những câu trong phần Kinh Thánh vừa đọc là lời Đức Chúa Jesus phán dạy một số người Hy-lạp, theo Do-thái-giáo, từ xa tới muốn tìm gặp Ngài (Giăng 12:20–21) “Lúc ấy, trong số những người đi lên thờ phượng vào dịp lễ có vài người Hi Lạp. Những người nầy đến với Philip, người ở thành Bethsaida thuộc miền Galilee, và nói rằng: ‘Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Đức Chúa Jesus.‘ Philíp đi nói với Andre; rồi Andre cùng Philip đến thưa với Đức Chúa Jesus.” Nhiều người không hiểu ý của Đức Chúa Jesus muốn nói gì ở câu 24 “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu hột lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hột thôi; nhưng nếu chết đi, nó được kết quả nhiều.”
Một số người nghĩ rằng có lẽ Ngài nói về sự hi sinh buông bỏ tất cả đời sống bình thường để làm những người phục vụ Ngài trọn đời, như các nữ tu hay linh mục Công giáo La-mã. Người khác đọc tới câu 25 “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét mạng sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời;” thì cho rằng chết là hi sinh mạng sống, sẵn sàng tử vì đạo, để qua gương đó nhiều người sẽ tin nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Chắc chắn một số người sẽ rất sợ hãi khi nghĩ tới chuyện phải bỏ mạng cho niềm tin của mình. Có phải Chúa nói ai muốn thực hiện sự truyền giáo thì phải hi sinh mạng sống của họ, mới thành công, hay không?
Sứ đồ Phaolô mô tả bí quyết để chúng ta có một đời sống mới là phải hợp nhất với Đấng Christ trong sự chết và sự sống lại của Ngài (Rôma 6:3–5) “Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đều đã chịu báp-têm trong Đấng Christ Jesus, tức là chịu báp-têm trong sự chết của Ngài sao? Vậy, bởi báp-têm, chúng ta đã được chôn vào trong sự chết với Ngài, để rồi như Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được sống lại từ cõi chết thể nào thì chúng ta cũng được sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta đã được hiệp nhất với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được hiệp nhất với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài.”
Ông cũng nói rằng muốn sống lại thì phải chịu chết trước đã (1Côrinhtô 15:36) “Người khờ dại kia ơi! Vật gì anh gieo, nếu trước hết không chết đi, thì không sống lại được.” Những câu Kinh Thánh trên đều dạy rằng, tín đồ nào muốn được tái sinh trong Đức Chúa Jesus thì phải chịu cho cái tôi và những điều mình ưa thích theo ý riêng phải bị chết, không còn cai trị mình nữa. Khi Phaolô viết các thư cho các Hội Thánh ở vùng Tiểu Á và Hy Lạp, cho tới thời ông bị tử hình, thì sứ đồ Giăng chưa viết sách Phúc Âm Giăng chúng ta đang có ngày nay; nhưng mọi điều Phaolô dạy về việc phải giết chết bản ngã và mọi điều xác thịt ham muốn thì hoàn toàn phù hợp với lời giảng chỗ nầy của Đức Chúa Jesus mà ông Giăng ghi lại.
Tất cả chúng ta đều biết sự phục vụ Chúa đem lại nhiều kết quả thực tiễn nhất là truyền giáo. Mỗi tín đồ của Đức Chúa Jesus luôn luôn được xem như một hột lúa mì. Mà Chúa vẫn muốn thấy mỗi hột lúa sinh sôi kết quả thành nhiều hột lúa mì khác giống như hột lúa được gieo trên đất tốt. Sinh sôi nhiều là bao nhiêu? Ngài đưa ra ba con số lý tưởng, một trăm, sáu chục, và ba chục (Mathiơ 13:23) “Còn hột giống gieo trên đất tốt là người nghe, hiểu đạo và có kết quả: một thành một trăm, một thành sáu chục, một thành ba chục.” Mặc dù số tín hữu có đời sống đạo hoặc công tác phục vụ đạt được kết quả như Chúa mong muốn thì không nhiều; nhưng ai muốn được Chúa khen ngợi thì phải cố gắng dẫn dắt được ít nhất vài người đến với Ngài. Chúng ta đều thấy vấn đề rất đáng buồn ở mọi Hội Thánh người Việt là đại đa số tín đồ suốt đời đi nhà thờ nhưng không thuyết phục được một ai đến với Chúa hết.
Theo lời Chúa thì lý do là “hột lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hột thôi” (24b). Nếu quý con cái Chúa trong Hội Thánh thật lòng tin Đức Chúa Jesus và quyết tâm theo Ngài để được cứu thì phải suy gẫm thực trạng không kết quả của mình. Tại sao mình vẫn cứ là một hột chứ không sinh sản được hột nào khác? Lý do là mình không chịu rơi xuống đất để con người cũ của mình phải chết, rồi được Đức Thánh Linh sinh ra thành người mới sẵn lòng phục vụ Chúa để đem nhiều kết quả cho Vương quốc Ngài. Lẽ thật nầy cũng nhắc chúng ta rằng dù cho chúng ta hăng hái phục vụ trong Hội Thánh, mà nếu không có một chút kết quả gì cả, thì nguyên nhân là vì chưa chịu chết cái bản ngã bên trong mình, nên không có chút ảnh hưởng thuộc linh nào hết.
Làm sao để biết mình đã rơi xuống đất hay chưa? Đức Chúa Jesus phán: “Nếu ai phục vụ Ta thì phải theo Ta; và Ta ở đâu, người phục vụ Ta cũng ở đó” (26a). Chỉ cần áp dụng câu nầy vào đời sống tâm linh của mỗi người thì sẽ biết rõ mình có thực sự theo Chúa hay chưa. Bất cứ tâm lý ngần ngại hay tự biện hộ nào về tình trạng chưa tham dự công cuộc truyền giáo mà Chúa giao cho Hội Thánh Ngài, thì đó là dấu hiệu của người không sẵn lòng vâng phục Chúa. Bí quyết để kết quả và được Đức Chúa Cha tôn quý là phải theo Đức Chúa Jesus mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Có một điều hết sức quái dị, hoành hành trong Hội Thánh người Việt từ nhiều thế hệ, là câu trên bị cắt bỏ phần đầu, chỉ áp dụng phần cuối: “Nếu ai phục vụ Ta thì Cha Ta sẽ tôn quý người” (26b).
Theo bối cảnh văn mạch của phân đoạn Kinh Thánh nầy, Đức Chúa Jesus phân tích cho mấy người Hy-lạp tới tìm gặp Ngài rằng, nếu họ muốn trở thành những người phục vụ Nước Trời, thì trước hết họ phải chịu cho bản ngã của mình chết đi thì mới kết quả được. Và để có thể bị chết mà kết quả, thì những người ấy phải theo Đức Chúa Jesus ở bất cứ nơi nào Ngài muốn. Thế mà không hiểu sao, từ nhiều thế hệ trong Hội Thánh của Chúa giữa người Việt chỉ thuộc lòng câu khẳng định “Nếu ai phục vụ Ta thì Cha Ta sẽ tôn quý người” (26b). Rất nhiều người chỉ thuộc lòng những câu Kinh Thánh quan trọng, gọi là câu gốc, chứ không suy gẫm toàn thể bối cảnh của những câu quan trọng ấy. Có lẽ đó là nguyên nhân đã tạo ra các thế hệ tín đồ kiểng không dính líu gì với Chúa.
Có một câu hỏi do Đức Chúa Jesus đặt ra mà chúng ta phải suy gẫm: (Luca 6:46) “Sao các con gọi Ta: ‘Chúa, Chúa!’ mà không làm theo lời Ta phán?” Gọi Ngài là Chúa có nghĩa gì? Có phải là đời sống mình hoàn toàn thuộc về Ngài, mình không còn làm chủ đời mình nữa không? Nếu đúng như thế thì tại sao gọi Ngài là Chúa mà miệt mài trong sự không vâng lời? Có phải chúng ta không khi nào cầu hỏi: “Lạy Chúa! Chúa muốn con phải làm gì cho Ngài?” Có phải rằng thậm chí đã biết rõ ý muốn Ngài, nhưng chúng ta làm lơ và đi theo đường riêng mình không? Nếu mấy câu hỏi vừa nêu là đúng với tình trạng mình, thì mỗi Chúa Nhựt chúng ta tới nhà thờ để làm chi? Bởi vì tội không vâng lời Chúa bị xem là lỗi rất nặng (1Samuel 15:22–23a) “Đức Giê-hô-va có vui thích về tế lễ thiêu và các sinh tế, bằng sự vâng theo tiếng phán của Ngài chăng? Kìa, sự vâng lời tốt hơn sinh tế, sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực. Sự phản nghịch đáng tội như tà thuật, sự ương ngạnh đáng tội như thờ lạy hình tượng.” Bây giờ, chúng ta phải làm gì?
Muốn phục vụ Chúa thì phải theo Ngài trọn đường. Những ai có tinh thần phục vụ như thế sẽ được Đức Chúa Cha tôn quý. Tuy nhiên, chỉ những ai sẵn lòng cho mình chết đi để có thể kết quả cho Vương quốc Chúa, thì những người ấy mới có thể theo Chúa ở mọi nơi nào Ngài sai phái. Bởi vì Ngài sẽ luôn ở với những người mà Ngài sai đi. Phục vụ không phải là lời nói giả trá ngoài môi miệng mà là hành động thiết thực. Người hăng hái truyền giáo là người thật lòng phục vụ vì Vương quốc thiên đàng. Người sẵn lòng chết con người cũ mới có thể đi theo Chúa mà truyền giáo. Người ta có thể giấu giếm nhau chứ không thể giấu Chúa được; nhất là ở nơi có Đức Thánh Linh. Hơn nữa, chúng ta không cần đi đâu xa, chỉ cần vâng lời Chúa mà truyền giáo cho người quen biết.
Nếu ai gọi Ngài là Chúa thì phải vâng lời, vâng theo ý muốn và đường lối Ngài đã dạy. Mọi thành viên của Hội Thánh Khởi Đầu Mới hãy tỉnh thức trước lời nhắc nhở của Đức Thánh Linh. Chúng ta hãy xem lại lời ông Giăng Baptist cảnh cáo dân Judah ngày xưa, “Chiếc rìu đã để kề gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị đốn và ném vào lửa” (Mathiơ 3:10). Lời ấy cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay. Chúng ta không thể gọi Ngài là Chúa mà cứ theo đuổi đường lối và cách sống riêng của mình. Vì vậy, hãy tỉnh thức mà phục vụ Đấng sai phái chúng ta.
HuongDiMoi19.docx
MS CTB