Làm Sao Để Được Kết Quả?

Hướng Đi Mới, bài 25

Giăng 15:16

Không phải các con đã chọn Ta, nhưng Ta đã chọn và bổ nhiệm các con, để các con đi, được kết quả, và quả của các con cứ còn mãi; để bất cứ điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Cha thì Ngài ban cho các con.

Tất cả những ai thật lòng tin, thờ kính, và yêu mến Đức Chúa Jesus đều là người được Ngài chọn và bổ nhiệm để sống đạo có kết quả và các thành quả ấy tiếp tục sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất ít được để ý tới, dù rất nhiều tín hữu biết câu Kinh Thánh nầy. Có lẽ lời phán của Đức Chúa Jesus trong đêm Ngài từ biệt các môn đồ trước khi chịu thương khó, thường bị xem là chỉ áp dụng cho các sứ đồ thời đó mà thôi. Nhưng nếu chúng ta áp dụng lời phán của Đức Chúa Jesus về Ngài là cây nho thật, Đức Chúa Trời là Đấng trồng nho, mọi người tin Ngài đều là nhánh nho (Giăng 15:1-2) “Ta là cây nho thật, Cha Ta là người trồng nho. Bất cứ cành nào trong Ta không kết quả thì Ngài chặt đi, còn những cành nào kết quả thì Ngài tỉa sửa để được nhiều quả hơn,” thì cũng phải áp dụng mọi câu còn lại trong Giăng 15:2–16 cho mình; vì mỗi tín hữu đều là một cành nho. Nếu ai tránh né áp dụng câu 16 Không phải các con đã chọn Ta, nhưng Ta đã chọn và bổ nhiệm các con, để các con đi, được kết quả, và quả của các con cứ còn mãi; để bất cứ điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Cha thì Ngài ban cho các con,” thì người ấy không thuộc về Chúa.

Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng khi chúng ta nghĩ tới mối liên hệ dính liền bền chặt với Chúa, giống như nhánh nho phải dính liền và nhận nhựa sống từ thân cây nho truyền sang. Bất cứ nhánh nho nào không dính vào thân nho đều bị ném ra ngoài, bị héo và bị đốt bỏ; cho nên, ơn cứu rỗi chỉ dành cho tín đồ nào có mối tương giao với Chúa. Sự thật nầy khiến chúng ta phải rất cẩn thận giữ gìn đời sống đạo của mình sao cho có kết quả và được Chúa khen ngợi. – Làm cách nào để giữ gìn đời sống đạo có kết quả? – Câu hỏi nầy dẫn chúng ta trở lại ý nghĩa căn bản của mối liên hệ vững bền giữa các con cái Chúa với chính Ngài qua lời Ngài dạy về các cành nho với thân nho dính liền với nhau. Mà bí quyết để tạo lập và gìn giữ mối liên hệ vững chắc là tình yêu đối với Chúa.

Sở dĩ có nhiều người gặp khó khăn trong vấn đề nầy là vì họ xem tình yêu đối với Chúa là thứ gánh nặng khó mang; bởi vì sự yêu mến ấy bị xem như một thứ bổn phận chứ không tự nảy sinh như sức quyến rũ khó cưỡng lại giữa hai phái nam với nữ. Đồng thời mắt loài người chưa bao giờ thấy được Chúa; cho nên rất khó thiết lập tình yêu mến với Đấng không có hình ảnh tượng trưng để lập mối liên hệ tương giao thân ái không thể tách rời. – Tất cả những lý do vừa nêu đều thuộc về các điều kiện đòi hỏi của tình yêu do cảm xúc trong hồn. Trong khi đó, tình yêu đối với Chúa thuộc lãnh vực tâm linh. Hãy xem lại lời Đức Chúa Jesus tâm sự (Giăng 15:9–10) “Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các con thể ấy. Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ta. Nếu các con vâng giữ các điều răn của Ta thì sẽ ở trong tình yêu thương của Ta, cũng như Ta đã vâng giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong tình yêu thương của Ngài.

Điều đầu tiên là Chúa đã yêu thương chúng ta trước (1Giăng 4:19) “Chúng ta yêu thương vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” Chúa yêu thương vì Ngài là Đấng Yêu Thương (1Giăng 4:8, 16) “… Đức Chúa Trời là tình yêu thương. 16 Đức Chúa Trời là tình yêu thương.” Chúa bảo “Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ta” (9b). Chúng ta đã chẳng có công trạng gì để được ở trong tình yêu thương của Chúa. – Nhưng bây giờ, sau khi đã được Ngài yêu thương và chết thay rồi, thì để được tiếp tục ở trong tình yêu thương của Ngài, chúng ta phải vâng giữ các điều răn của Ngài. – Đây chính là chỗ dễ hiểu lầm nhất trong đời sống đạo của rất nhiều con cái Chúa. Hãy để ý câu 10bcũng như Ta đã vâng giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong tình yêu thương của Ngài.” Có phải là Mười Điều Răn hay không? Chắc chắn là không bởi vì câu 12 nói: “Đây là điều răn của Ta: Các con hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các con.” Vì Ngài yêu thương nên cứ ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Cha.

Bây giờ, khi chúng ta đã hiểu điều răn là tình yêu thương, thì đó không phải là một gánh nặng ràng buộc. Bởi vì tình yêu thương của Chúa là tình yêu bất vụ lợi, tức là đức nhân ái chỉ Đức Chúa Trời mới có, và chỉ một mình Ngài có thể ban cho chúng ta. Sứ đồ Phaolô mô tả tình yêu ấy trong (1Côrinhtô 13:4–7) “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự.” Tình yêu nầy trong tiếng Hy-lạp gọi là Agape. Có bốn loại yêu thương: Philia, là yêu thương giữa bạn hữu; Eros, tình yêu trai gái; Storge, tình yêu trong liên hệ gia đình; Agape, đức nhân ái là tình yêu không điều kiện. Vậy, điều răn của Đức Chúa Jesus truyền cho các môn đồ Ngài phải giữ, kể cả chúng ta, là lòng nhân ái đối với mọi người chung quanh. Hiểu được điều nầy, chúng ta mới cảm nhận được tình yêu thương của Chúa đối với mình là như thế nào.

Khi chúng ta thật lòng tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa rồi được tái sinh và thánh hóa, dù không thấy Ngài, nhưng lúc ấy người được thánh hóa biết Ngài có thật và hết lòng biết ơn Ngài. Từ lòng biết ơn đó, chúng ta tương giao với Ngài trong tâm linh. Tình yêu agape xuất phát qua mối liên hệ thần thánh ấy. Tình yêu đối với Chúa ngày càng thắm thiết trong lòng những người thật lòng tin và tạo lập mối tương giao thân mật với Ngài. Bí quyết của một đời sống có kết quả cho Chúa nằm ở chỗ đó. – Có thể đa số người tin Chúa để theo đạo là những người sợ bị ném xuống hỏa ngục; vì vậy, những tín hữu ấy chưa biết cách để lập mối tương giao với Ngài. Đối với mọi mối liên hệ xuất phát từ bổn phận chứ không phải do tình yêu mến, thì không thể có tình yêu thương chân thành.

Nếu chúng ta biết mình đã nhận được ơn cứu rỗi từ Chúa, thi hãy hiểu rằng ấy là Ngài đã chọn và lập chúng ta làm thành viên trong gia đình Ngài để cách sống đạo của mình gây ảnh hưởng trên những người chung quanh, như lời Ngài dạy về muối và ánh sáng. Mọi kết quả cho nhà Chúa trong đời sống của chúng ta chỉ xảy ra khi chúng ta phục vụ Ngài với lòng kính mến qua mối tương giao với Ngài. Cho nên, để có thể kết quả và các kết quả ấy tiếp tục sinh ra trong lòng những người tiếp nhận Chúa về sau, thì hãy thiết lập và giữ gìn mối tương giao thân mật với Chúa. Sự kết quả mà Chúa nói ở đây nghĩa là trái có hột sẽ sinh ra nhiều cây có trái khác; tức là sự sinh sôi nảy nở qua nhiều thế hệ, và đạo Chúa cứ lan rộng và tồn tại tới ngày Chúa trở lại tiếp rước mọi con dân Ngài.

Vì Chúa muốn chúng ta phải có kết quả, trước hết là tâm linh được đổi mới phản ảnh qua cách sống bên ngoài, kế đến là phải dùng đời sống đã đổi mới của mình tạo ảnh hưởng trên người chưa tin Chúa ở quanh chúng ta. Rồi dần dần nói cho họ biết ơn cứu rỗi và dắt họ đến với Chúa. Nhiệm vụ và bổn phận của chúng ta là mở rộng Vương Quốc Đức Chúa Trời. Hãy tự xét mình. Nếu chưa làm được gì cho Chúa thì hãy bắt đầu làm đi. Chúa sẽ ban phước cho những người có kết quả.

HuongDiMoi25.docx

MS CTB