Ngày Chúa Tái Lâm, bài 12
Mathiơ 12:30–32
“Ai không ở với Ta là chống lại Ta; ai không liên kết với Ta thì tan tác. Vì vậy, Ta nói với các ngươi: Mọi tội lỗi và lời phạm thượng đều được tha cho loài người; nhưng phạm thượng đến Thánh Linh sẽ chẳng được tha đâu. Ai nói nghịch với Con Người thì sẽ được tha; nhưng ai nói nghịch với Đức Thánh Linh thì dù đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.”
1Giăng 1:8–9 “Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình, và chân lý không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.”
Vậy, khi chúng ta xưng tội mình đã phạm thì tội ấy sẽ được tha và bôi xóa hết. Xưng tội nghĩa là xấu hổ, ăn năn, rồi từ bỏ điều mình đã phạm. Vậy, khi tới trước tòa án Đấng Christ, tội đó không bị nhắc tới nữa. Nhưng Đức Chúa Jesus nói rằng tội nói phạm đến Đức Thánh Linh thì dù ở đời nầy hay đời sau sẽ không được tha. Vậy, nếu có loại tội được tha ở đời sau thì đó là loại tội gì? Đang khi sống trên đời, nhiều tín hữu thường phạm một số tội thuộc về giáo lý và tái phạm nhiều lần do bị dạy sai hoặc do thiếu hiểu biết. Có phải vì họ chưa có ý thức gì về hậu quả của các lỗi ấy, nên Hội Thánh không tha thứ những lỗi bị xem là tà giáo ấy chăng? Nhưng biết đâu khi họ bị xét đoán ở tòa án Đấng Christ hay tòa án trắng lại được tha vì họ thật lòng tin Chúa!
Một thực tế rất rõ trong nếp sinh hoạt của Hội Thánh hiện nay là các thành viên của Hội Thánh phạm rất nhiều tội, nhưng các tội ấy không được giải quyết hoặc không bị xét xử. Bởi vì hầu hết sự phạm tội đó chỉ người phạm mới biết. Dù cho bạn bè có biết thì cũng giữ im lặng để tránh xung đột. Nếu có Hội Thánh nào thi hành tinh thần cộng đồng dân Chúa như thời sơ lập của Hội Thánh Tân Ước, thì mọi sự phạm tội đều bị xét xử và nếu ăn năn thì được tha; đó là một hình thức được tha trong đời nầy. Tín hữu thường phạm rất nhiều tội không đến nỗi chết, và các tội ấy không bị xét xử trong đời nầy nhưng sẽ bị xét xử ở đời sau trước toà án Đấng Christ; miễn là người phạm tội thật lòng tin Chúa và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài. (1Giăng 5:16–17) “Nếu ai thấy anh em mình phạm tội, mà tội ấy không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho người ấy, tức là cho những người mà tội không đến nỗi chết. Cũng có tội dẫn đến sự chết; tôi không bảo anh em phải cầu xin cho tội nầy. Mọi điều không công chính đều là tội, nhưng cũng có tội không đến nỗi chết.”
Tại sao người bị xét xử tội và ăn năn thì được tha? Ấy là vì tất cả tội lỗi mà chúng ta phạm dưới thời kỳ ân điển mà biết ăn năn thì được dòng huyết báu của Đức Chúa Jesus bôi xóa hết thảy; nghĩa là được tha ở đời nầy và đời sau sẽ không bị nhắc tới. Còn những ai tin Chúa thật lòng nhưng phạm tội rồi chết mà chưa bị khiển trách, tức là chưa ăn năn để được huyết Chúa bôi xóa thì sẽ bị tòa án Đấng Christ phán xét. Nếu sau khi bị phán xét và khiển trách mà được tha, thì chúng ta biết ấy là tội được tha ở đời sau. Có thể tóm tắt như sau, khi thời đại ân điển còn hiệu lực, những tội đã phạm mà ăn năn dưới dòng huyết hi sinh của Đức Chúa Jesus, thì các tội ấy sẽ được tha. Nhưng tội không được huyết Chúa bôi xóa trước khi chết thì sẽ bị tòa án Đấng Christ phán xét.
Đừng tưởng các sự hiểu sai hoặc suy diễn sai lời Kinh Thánh sẽ không bị hậu quả gì hết. Tại sao nhiều tín đồ hiểu sai, suy diễn và giải thích sai nhiều câu Kinh Thánh? Lý do đầu tiên là không thường xuyên cẩn thận đọc Kinh Thánh và suy gẫm. Hậu quả của thói xấu nầy là nhớ một cách lơ mơ câu nọ xọ câu kia. Thay vì chịu khó tra cứu kỹ thì tánh lười biếng khiến người ấy không giải quyết được vấn đề. Lâu dần, sự sai sót ấy trở thành thâm căn cố đế khó tẩy rửa khỏi tâm trí. Lý do thứ hai là không biết mình sai mà lại đầy tự ái khi được người khác chỉ cho thấy. Có thể ví những hệ quả vừa nói như người dùng cỏ khô, rơm rạ để xây dựng đời sống đức tin của mình; tức là sống đạo bằng các động lực xác thịt, thì những công trình ấy đều sẽ bị lửa tràn qua thiêu cháy hết sạch.
Những người giảng và dạy Lời Chúa sẽ bị quy trách nhiệm trước tòa án Đấng Christ về những gì mình đã dạy (Giacơ 3:1) “Thưa anh em của tôi, trong anh em không nên có nhiều người tự lập làm thầy, vì anh em biết rằng hễ là thầy, chúng ta sẽ phải chịu phán xét nghiêm khắc hơn.” Vì vậy, mọi sự giảng dạy Lời Chúa phải được Kinh Thánh hậu thuẫn rõ ràng. Chúng ta nên hoàn toàn tránh bảo vệ giáo lý hay niềm tin của giáo hội hay hệ phái mà mình không biết rõ. Nhiều người chỉ lặp lại lời dạy sai trật của những hệ phái chống ân tứ và quyền phép Đức Thánh Linh mà tưởng rằng làm như vậy là trung thành với đạo. Anh chị em nên biết rằng: Bất cứ lý luận dạy đạo nào không có Kinh Thánh hậu thuẫn, hoặc các lý thuyết chỉ dựa trên một câu Kinh Thánh mà trái ngược với nhiều câu khác, hoặc bối cảnh của câu Kinh Thánh ấy không ủng hộ ý nghĩa mà người dạy muốn nói, cũng không ủng hộ lý thuyết đó, thì ấy là lập luận sai trật.
Sứ đồ Mathiơ ghi chép lại lời dạy của Đức Chúa Jesus về cách đối xử của người Chủ đối với viên quản lý khôn ngoan trung tín và người đầy tớ gian ác lười biếng (Mathiơ 24:45–51) “Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, được chủ giao quản lý nhà mình để cấp phát thức ăn đúng giờ? Phước cho đầy tớ ấy, khi chủ đến thấy làm như vậy! Thật, Ta bảo các con, chủ sẽ giao cho đầy tớ ấy quản lý toàn bộ tài sản của mình. Nhưng nếu là đầy tớ gian ác, nó thầm nghĩ rằng: ‘Chủ ta chưa về ngay đâu;’ rồi bắt đầu đánh đập các bạn cùng làm đầy tớ như mình, và ăn uống với phường say rượu. Chủ sẽ đến trong ngày nó không ngờ, trong giờ nó không biết, trừng phạt nó nặng nề, và cho nó chịu chung số phận với những kẻ đạo đức giả ở nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”
Ẩn dụ nầy áp dụng cho tất cả mục sư và người chăn bầy hay người dạy đạo cho tín hữu, căn cứ vào câu “Cấp phát thức ăn đúng giờ.” Ít người quan tâm tới ẩn dụ nầy vì nghĩ rằng nó chỉ áp dụng vào thời xưa trong chế độ nô lệ. Nhưng ý nghĩa của câu trên là phải biết giải nghĩa Kinh Thánh, giảng dạy giáo lý đúng trình độ và mức trưởng thành tâm linh của tín hữu. Ý nghĩa nầy bao gồm cả việc phải trang bị đầy đủ sự hiểu biết căn bản về Kinh Thánh, ơn cứu rỗi, vấn đề tái sanh, thánh hóa, đời sống tâm linh, và mọi bổn phận của con dân Chúa cho tất cả tín hữu trong Hội Thánh.
Những người chăn bầy kiểu tắc trách, không chịu học hiểu Kinh Thánh, không biết cách trang bị những điều cần thiết cho đời sống tín đồ thì sẽ bị trừng phạt (Mathiơ 24:51) “Trừng phạt nó nặng nề, và cho nó chịu chung số phận với những kẻ đạo đức giả ở nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” Theo ý nghĩa nầy thì tội của những người ấy sẽ không được tha ở đời sau. (Thi Thiên 112:1) cho biết “… Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, Hết lòng yêu thích điều răn của Ngài!” Nhưng kẻ ác thì “nghiến răng và bị diệt mất” (Thi Thiên 112:10). Chúng ta phải hết sức cẩn trọng về đời sống đức tin của mình, vì có một số người có thể được tôn trọng ở Hội Thánh, nhưng bị Chúa từ chối không cho vào nơi yên nghỉ của Ngài:
(Mathiơ 7:21–23) “Không phải bất cứ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, đều được vào vương quốc thiên đàng đâu; nhưng chỉ người nào làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Vào Ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa! Chúng con đã chẳng từng nhân danh Chúa nói tiên tri, nhân danh Chúa đuổi quỷ, nhân danh Chúa thực hiện nhiều phép lạ đó sao?‘ Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng với họ rằng: ‘Hỡi những kẻ làm ác, hãy lui ra khỏi Ta, Ta chẳng hề biết các ngươi bao giờ!’”
Mỗi người chúng ta phải tự xem xét để không trở thành cây sinh ra trái độc, bởi vì người chung quanh sẽ quan sát cách sống của chúng ta (Mathiơ 7:16–17) “Các con nhận biết họ nhờ bông trái của họ. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi tật lê bao giờ? Vậy, nếu cây lành thì sinh trái lành; còn cây độc thì sinh trái độc.”
Về phương diện nầy thì những tín hữu vẫn còn nặng tánh xác thịt rất khó thay đổi. Bởi vì tánh xác thịt đầy tự ái ngăn trở không cho những người ấy tự xét lòng và cách hành xử của họ đối với người chung quanh. Dù cho có xưng nhận mình là tín đồ của Đấng Christ cũng không giúp người ấy bước đi trên con đường thánh hóa. Nếu những ai không chịu ăn năn tội lỗi, dù được chấn chỉnh, mà cứ tiếp tục bướng bỉnh, tánh tình ô uế và ngu dại, thì người ấy chắc chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm được sinh lại. Và các dấu hiệu đó cho thấy người ấy thậm chí chưa nhận ơn cứu rỗi.
Mặc dù tội được tha ở đời sau cũng là một niềm hạnh phúc, nhưng hãy cố gắng sống đời sống đức tin của mình như thế nào để mọi tội đều được tha trước khi gặp mặt Chúa. Vì ai được như vậy sẽ được thưởng khi đứng trước tòa án Đấng Christ.
NgayChuaTaiLam12.docx
MS CTB