Giáng Sinh 2024b
Luca 1:1–4
“Thưa ngài Theophilus khả kính, có nhiều người đã cố gắng biên soạn một bản tường thuật về những việc đã được thực hiện giữa chúng ta, đúng như những người đã từng chứng kiến và phục vụ đạo Chúa từ ban đầu truyền lại cho chúng ta. Vì thế, sau khi cẩn thận tra cứu mọi việc từ đầu, tôi thiết tưởng cũng nên theo thứ tự mà viết cho ngài để ngài biết những điều mình đã học là chắc chắn.”
Có một người nói rằng ông đã tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa sau một thời gian quan sát cách sống đạo của người tín hữu hàng xóm và đọc bốn sách Phúc Âm trong Kinh Thánh Tân Ước. Tín đồ Tin Lành hàng xóm ấy đã trình bày phúc âm cứu rỗi một cách thực tiễn qua cuộc sống đạo hàng ngày đầy sự thánh thiện và vui vẻ. Vị tân tín hữu ấy cho rằng cách sống đạo của người tín đồ Đức Chúa Jesus là phúc âm thứ năm có sức thuyết phục ông tin Đức Chúa Trời biến đổi được lòng người. – Một nhạc trưởng nói rằng nếu các ca sĩ biểu lộ được lòng tin thành thật của mình qua sự trình bày bài hát về lòng tin vào tình yêu của Đức Chúa Trời qua sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus Christ, thì thân hữu sẽ thực sự rung động qua bài hát và dễ tiếp nhận Tin Mừng cứu rỗi của Chúa.
Những sách kinh và truyền thuyết về các giáo chủ tôn giáo trần gian đều xuất hiện rất trễ sau khi họ đã qua đời. Nhưng các vị ghi chép phúc âm về Đức Chúa Jesus là những người biết rõ các sự kiện của đời sống Ngài trên thế gian. Mathiơ, Mác, và Giăng là những người đi theo Chúa và chứng kiến hầu hết các biến cố trong thánh vụ Ngài. Còn người viết sách phúc âm Luca không có mặt ở xứ Do thái vào thời Đức Chúa Jesus đi hành đạo; vì lúc ấy ông còn nhỏ lắm và sống ở xứ Hy-lạp. Ông tin Chúa qua sứ đồ Phaolô và gia nhập đoàn truyền giáo của Phaolô trong vai trò một bác sĩ sau khi Đức Chúa Jesus đã về trời nhiều năm. Việc ông quyết định viết phúc âm của Ngài chứng tỏ ông tin những chi tiết trong thánh vụ cùng lời dạy dỗ của Ngài từ tài liệu thu thập được.
Ông đã dành nhiều công sức hỏi thăm tìm tòi, phỏng vấn người trong cuộc. Cho nên, trong bốn sách Phúc Âm thì sách Luca là đầy đủ và có thứ tự lớp lang hơn hết. Có lẽ ông đọc những tài liệu người khác đã viết. Luca 1:1b “Có nhiều người đã cố gắng biên soạn một bản tường thuật về những việc đã được thực hiện giữa chúng ta.” Cho đến nay, không ai biết có bao nhiêu người quen biết Đức Chúa Jesus đã cố gắng biên soạn lịch sử của Ngài và thánh vụ Ngài trên đất. Chỉ biết rằng Luca đọc những điều họ viết về Đức Chúa Jesus, và ông tin những điều họ ghi lại các lời dạy dỗ của Chúa là thật. Luca cũng biết rất rõ những lời tiên tri trong Cựu ước. Ông quen biết những nhân chứng và nghe họ thuật lại các kỷ niệm với Chúa (Luca 1:2) “Đúng như những người đã từng chứng kiến và phục vụ đạo Chúa từ ban đầu truyền lại cho chúng ta;” vì ông ghi nhiều chi tiết liên quan đến chuyện tích giáng sinh mà chỉ bà Mari, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus, mới biết rõ mà thôi.
Luca là một người rất thông minh, học giỏi và đạt chức vụ bác sĩ. Các học giả Kinh-thánh nói rằng ngôn ngữ Hy lạp mà Luca dùng để viết phúc âm là lối hành văn Hy lạp xuất sắc nhất trong Tân Ước. Ông không dễ tin những gì người khác nói, nhưng ông sưu tầm, điều tra để biết cách chính xác (Luca 1:3) “Vì thế, sau khi cẩn thận tra cứu mọi việc từ đầu, tôi thiết tưởng cũng nên theo thứ tự mà viết cho ngài.” Rồi đến quyết định cuối cùng là bắt đầu công trình viết Phúc Âm về Đức Chúa Jesus theo đúng trình tự của các sự việc. Để làm được điều đó, người viết phải tin chắc vào đề tài mình viết, ở đây đề tài ấy là Đức Chúa Jesus Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống. Bây giờ ông truyền đạt lòng tin đó cho Theophilus, có lẽ là một quan chức cao cấp của giới cầm quyền La Mã, để đến phiên người nầy cũng vững vàng trong niềm tin (Luca 1:4) “Để ngài biết những điều mình đã học là chắc chắn.”
Phần chúng ta ngày nay thì tin những điều chép về Đức Chúa Jesus đến cỡ nào? Lòng tin của chúng ta dựa trên nền tảng nào? Có ai chịu dành nhiều thì giờ để nghiên cứu, tìm tòi xem sự đúng sai của vấn đề, hay chỉ nghe người khác nói lại rồi tin? Mỗi khi đạo của mình bị công kích, đả phá thì có bị chao đảo vì nghi ngờ không. Nếu có thì nghi ngờ điều gì về Chúa và ơn cứu rỗi của Ngài? Tất cả chúng ta trong Hội Thánh ngày nay chẳng ai đã từng thấy Đức Chúa Jesus, cũng chẳng gặp một nhân chứng sống nào. Chúng ta nghe Tin Mừng của Chúa và vui lòng tiếp nhận Ngài với niềm hi vọng được Ngài cứu vớt khỏi sự trừng phạt thảm khốc ở đời sau. Chúng ta chỉ biết về Chúa qua những gì Kinh Thánh ghi chép lại, vậy chúng ta đọc Kinh Thánh như thế nào? Có đọc với lòng tin chắc vào những gì Kinh Thánh dạy là từ Đức Chúa Trời đến không?
Có hai câu Kinh-Thánh nói về sự tin chắc: (1Giăng 5:13) “Tôi viết điều nầy cho anh em, là những người đã tin đến danh Con Đức Chúa Trời, để anh em biết mình có sự sống đời đời.” (2Timôthê 1:12) “Ta không hổ thẹn vì biết ta đã tin Đấng nào, và ta đoan chắc rằng Đấng ấy có quyền năng bảo vệ điều ta đã ủy thác cho đến Ngày ấy.” Cả hai câu đều có chữ BIẾT. Đức tin của chúng ta không thể đặt trên điều kiện ‘nếu như,’ ‘ví bằng,’ ‘phải chi,” vv… Bác sĩ Luca có thể viết được một công trình biên soạn phúc âm rất lớn. Ông làm được vì ông biết Đức Chúa Jesus mà ông tin là có thật, ơn cứu rỗi của Ngài là thật, ông biết điều ông tin là đúng, và ông muốn giúp người khác cũng biết như ông để có thể tin vào ơn cứu rỗi của Chúa vậy.
Bác sĩ Luca cũng là tác giả sách Công Vụ Các Sứ Đồ, trong đó ông tường thuật những lần người tin được báp têm bằng Đức Thánh Linh, nhiều lần dấu kỳ phép lạ xảy ra mà ông nghe kể lại lẫn những lần mà ông chứng kiến. Bây giờ, để tự xét lòng tin của chúng ta thật tới mức nào thì hãy trả lời một số câu hỏi: Trong cách hành động cư xử của mình có tỏ ra mình tin Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa Tối Cao không? Có thờ kính Đức Chúa Trời xứng đáng với sự oai nghi của Ngài như lòng mình tin không? Có chia sẻ đức tin mình cho người khác theo điều mình tin Đức Chúa Jesus không? Lời đáp cho các câu hỏi trên sẽ bộc lộ sự thật về đức tin trong lòng chúng ta. Vấn đề then chốt là mỗi người có dám thành thật hỏi mình những câu hỏi trên hay không mà thôi?
Có lẽ lý do của những người không đủ can đảm, hay không có quyết tâm chia sẻ tin mừng cho người khác, hoặc không sẵn sàng phục vụ Chúa là vì trong lòng họ tin chưa đủ, chưa được thuyết phục bởi phúc âm. Khi Giám mục Philip Brooks, tác giả bài thánh ca giáng sinh bất hủ “O Little Town of Bethlehem,” bị bệnh nặng gần chết, ông dặn đừng cho ai thăm viếng. Nhưng khi một người quen tên là Robert Ingersoll, một người nổi tiếng tuyên truyền chống đạo đến thì ông lập tức cho phép vào thăm. Robert nói “Tôi rất cảm kích vì ông không cho bạn thân quen nào đến thăm mà lại cho phép tôi vào vấn an ông.” Giám mục Brooks nói rằng “Ồ, vì tôi tin chắc rằng tôi sẽ gặp lại họ ở thế giới bên kia, nhưng đây có lẽ là lần chót tôi được gặp mặt ông.”
Luca nhận biết mình phải có nghĩa vụ truyền đạt tin mừng mình đã biết. Ông nói rằng: “Tôi thiết tưởng cũng nên theo thứ tự mà viết cho ngài” (Luca 1:3b). Nếu chúng ta tin chắc rằng ân điển cứu chuộc mà chúng ta đang có là chắc chắn và cực kỳ quý báu cho loài người, thì chúng ta phải có bổn phận truyền rao tin mừng ấy cách thứ tự rõ ràng cho người chưa biết. Cách sống thường nhật của mỗi người chúng ta là một phúc âm. Người chung quanh đã, đang, và sẽ tiếp tục quan sát chúng ta, những người tự xưng mình đã được cứu, có chân lý vĩnh cửu, vv… Nhưng liệu người đời có thấy được tin mừng qua đời sống của chúng ta chăng?
Cầu xin Chúa giúp mỗi chúng ta trong nếp sống đạo. Tin mừng về Đức Chúa Jesus Christ phải luôn luôn được bộc lộ qua đời sống thường ngày cho người quen cũng như người lạ. Amen.
Giáng Sinh 2024b.docx
MS CTB