Lý Do Chúa Giáng Thế

Giáng Sinh 2024d

Giăng 18:37b

Đây là lý do tại sao Ta đã sinh ra, tại sao Ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho chân lý. Bất cứ ai thuộc về chân lý đều nghe tiếng Ta.

Mỗi cuối năm khi mùa giáng sinh đến, mọi con dân Chúa đều được nhắc nhở rằng mục đích Đấng Christ đến thế gian là để cứu rỗi nhân loại (1Timôthê 1:15) “Đây là lời chắc chắn và hoàn toàn đáng tiếp nhận: Đấng Christ Jêsus đã đến trong thế gian để cứu vớt tội nhân.” (Luca 19:10) “Con Người đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất.” Thật ra mục đích Chúa giáng sinh không đơn giản như chúng ta thường quan niệm. Chúng ta thường yên tâm khi đọc lời Đức Chúa Jesus: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy sẽ không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Mặc dù mọi câu trên đều đúng, nhưng để bày tỏ tình yêu thương vô cùng bao la không bờ bến của Đức Chúa Trời đối với trần gian, Ngài phải thực hiện một việc mà mọi tạo vật của cả vũ trụ đều phải sững sờ kinh ngạc.

Người đời rất sợ Ông Trời. Nhưng Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã giáng sinh xuống thế gian để bày tỏ cho loài người thấy và biết sự thật về một Thiên Chúa khác hẳn quan niệm sai lầm của họ. Ngài đến để trình bày một Đấng Tạo Hoá toàn năng vì yêu thương họ nên đã sẵn sàng vào đời mang thân thể xác thịt yếu đuối và giới hạn của loài người. Ngài là Emmanuel: ‘Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.‘ Ngài đến để hoàn thành công tác tẩy sạch tội lỗi bằng cách gánh trên mình tất cả tội lỗi bỉ ổi nhất của nhân loại, nhận lấy án chết là hình phạt của tội lỗi ấy. Ngài đã chịu đổ huyết ra và dùng chính huyết thánh khiết, thanh sạch vô giá của mình để xoá sạch mọi tội lỗi của người nào tin và tiếp nhận phúc âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho. Nền tảng của sự tha tội cho tất cả chúng ta đặt trên sự chết hi sinh của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá.

Đức Chúa Trời đã phải chịu niềm đau xé lòng khi nhìn Con Một của Ngài chết cách nhục nhã dưới tay những con người đầy tội lỗi đáng kinh tởm. Sự hi sinh cao quý ấy có mục đích phán dạy loài người về tình yêu chân thật. – Đến thế gian để chịu chết chính là lý do mà Đức Chúa Jesus Christ đã giáng sinh. Ngài đã được tôn cao làm Chúa Cứu Thế qua sự chết của Ngài. Nền tảng duy nhất mà trên đó Đức Chúa Trời có thể tha thứ tội lỗi và phục hồi mọi người tin được trở vào ân huệ của Ngài là thập tự giá Đấng Christ. Qua sự chết trên thập tự giá đó, Đức Chúa Jesus đã chiến thắng kẻ thù của nhân loại là Satan, truất bỏ các chủ quyền và thế lực của thế giới tối tăm, giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết (Côlôse 2:14–15) “Ngài đã hủy bỏ giấy nợ chống lại chúng ta với những luật lệ ràng buộc chúng ta. Ngài loại bỏ bằng cách đóng đinh nó vào thập tự giá. Ngài đã phế bỏ các quyền thống trị, các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng, và bêu chúng ra giữa thiên hạ.

Bây giờ, hãy trở lại nền tảng căn bản của phúc âm: Kinh-thánh cho biết bản tính của Đức Chúa Trời là yêu thương; chính Ngài là tình yêu. Ngài muốn bày tỏ tình thân mật âu yếm với loài người là tạo vật cao quý mà Ngài đã dựng nên. Ngài cũng mong mỏi các đối tượng yêu thương ấy đáp trả bằng tình yêu chân thành đối với Ngài. Vì Chúa không chỉ tạo nên chúng ta có thể xác và khả năng suy nghĩ, Ngài còn đặt một thể vô hình, gọi là tâm linh, vào trong con người để người trở nên một loài sinh linh, tức là loài có khả năng liên lạc với cõi thần linh và có một thân vị riêng biệt độc lập; mỗi thân vị ấy đều có ý chí tự do để lựa chọn. Nhưng từ ngày phạm tội thì loài người không còn khả năng liên lạc với cõi thần linh như trước nữa, vì tội lỗi đã cắt đứt khả năng ấy. Nhiều thế hệ qua đi và thế gian chỉ còn vài ý niệm mơ hồ về Đấng Tạo Hóa vô hình.

Đức Chúa Trời không bỏ mặc những tạo vật mà Ngài yêu thương. Ngài đã dùng nhiều cách khác nhau để truyền đạt tình yêu của Ngài. (Hêbơrơ 1:2–3) “Trong những ngày cuối cùng nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên làm Đấng thừa kế muôn vật; cũng qua Con ấy, Ngài đã sáng tạo vũ trụ. Con là ánh sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời và là hình ảnh trung thực của bản thể Ngài. Con dùng lời quyền năng của Ngài mà nâng đỡ muôn vật. Sau khi tẩy sạch tội lỗi, Ngài ngồi bên phải Đấng Tôn Nghiêm ở trên trời.” Sự tha tội mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là một phép lạ thiêng liêng của ân điển. Thật vậy, Đức Chúa Trời phải trả một cái giá kinh khủng là Thập Tự Giá của Đức Chúa Jesus trước khi Ngài có thể tha thứ cho tội lỗi, mà vẫn luôn là Đức Chúa Trời thánh khiết.

Đức Chúa Jesus phán Ngài đến để làm chứng cho chân lý, nghĩa là Ngài giáng thế để trình bày sự thật về: Ân điển, sự công nghĩa, đức thánh khiết, sự khôn sáng vô cùng, chương trình cứu chuộc kỳ diệu, và tình yêu bao la không bờ bến của Đức Chúa Trời. Sự thật ấy là, mọi người trên trần gian đều có cơ hội tiếp nhận ân điển. Không phải vì Đức Chúa Cha quá yêu thương chúng ta mà Ngài sẵn lòng bỏ qua và tha thứ tội lỗi của chúng ta. Nhưng tình yêu thuơng của Ngài đã đem Ngài bước vào nhân gian để hi sinh chính sanh mạng cực kỳ vô giá của mình cứu vớt những tội nhân ô uế. Mục đích chương trình giáng thế làm người của Đức Chúa Jesus, Chúa chúng ta, dù có vẻ như mang ý nghĩa ảm đạm đau buồn theo cách nhìn của loài người, nhưng chiếu rạng vinh quang rực rỡ trong chương trình cực kỳ khôn sáng của Đức Chúa Trời.

Vì chương trình cứu rỗi ấy đem đến sự vui mừng hoan hỉ và tràn trề hi vọng cho trần gian đắm chìm trong bóng tối tuyệt vọng của tội lỗi. Khi thế lực tối tăm giết chết Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá, chúng tưởng rằng đã diệt được hậu họa, nhưng khi dòng huyết thánh vô tội đổ ra thì huyết tha tội ấy đã phá huỷ tất cả gông xiềng tù ngục của ma quỷ đã dùng để cầm buộc loài người. Thập tự giá của Đức Chúa Jesus đã tạo điều kiện cho tình yêu nhân từ tha thứ của Đức Chúa Trời được thực hiện. Sự chết chuộc tội ấy đã mở toang cổng thiên đàng cho nhân loại được phục hồi địa vị cao quý họ vốn có trong cõi linh, trở lại hoà thuận với Đấng dựng nên mình để được làm con dân thiên quốc. Kinh-thánh chép rằng cả thiên đàng mừng rỡ khi tội nhân biết ăn năn hối cải.

Mọi con dân Chúa cần phải hiểu biết cách tường tận và phải có khả năng trình bày lưu loát về ý nghĩa và mục đích chương trình giáng sinh của Đức Chúa Jesus. Nghĩa là chúng ta phải thật sự có kinh nghiệm bản thân về sự biến đổi từ tâm tánh của con người tội lỗi cũ sang ý thức cùng hành vi của con người đã được dựng nên mới bởi Chúa Thánh Linh qua quyền phép phúc âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Lúc ấy chúng ta mới có thể kể lại cách lưu loát những kinh nghiệm được biến đổi của mình trong Đức Chúa Jesus là thể nào. Cầu xin Chúa giúp đỡ chúng ta luôn mang trong tâm linh niềm vui của mùa Giáng Sinh. A-men.

GiangSinh2024d.docx

MS CTB