Sinh Tế Giao Ước

Khởi Đầu Mới, 14

Sáng Thế 15:7–10, 17–18

Đức Giê-hô-va cũng phán với Abram: Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng đã đem con ra khỏi Ur thuộc Canh-đê, để ban cho con đất nầy làm sản nghiệp. Nhưng Abram thưa: Lạy Chúa là Đức Giê-hô-va, làm sao con biết rằng mình sẽ được thừa hưởng đất nầy?Ngài đáp: Con hãy đem cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con chiên đực ba tuổi, một con chim ngói và một con bồ câu con. Abram dâng lên Ngài tất cả những lễ vật trên, xẻ chúng làm đôi và để mỗi bên một nửa đối nhau, nhưng không xẻ đôi các loài chim. …… Khi mặt trời lặn và bóng tối bao trùm, kìa, có một lò lửa đang bốc khói, và một ngọn đuốc cháy rực đi ngang qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi.

18 Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước với Abram rằng: “Ta ban cho dòng dõi con đất nầy, từ sông Ai Cập cho đến sông lớn kia, tức sông Euphrates.”

Từ ngàn xưa, Đức Chúa Trời đã thiết lập một giao ước đặc biệt với ông Abram; để qua ông, một dân tộc được tuyển chọn làm bối cảnh cho Chúa Cứu Thế giáng sinh. Khi suy xét và phân tích những chi tiết trong câu chuyện giao ước trên, người đọc Kinh Thánh mới hiểu được phần nào tấm lòng của Vị Cha trên trời đối với loài người chúng ta. Môise là một người Israel trong chi tộc Lêvi. Tổ Lêvi là cháu cố của Abraham. Khi Lêvi nghe truyền khẩu chuyện đời của cố tổ Abraham, thì mấy trăm năm đã trôi qua; rồi tới thời Môise viết lại câu chuyện giao ước có ba con thú, mỗi con ba tuổi, và hai con chim phải bị giết để làm lễ vật (Sáng Thế 15:9–10); thì thời gian dài đằng đẵng bốn trăm năm mà dân Israel phải chịu kiếp nô lệ tại Ai-cập đã đến kỳ kết thúc (Sáng thế 15:13–14) “Đức Giê-hô-va phán với Abram: Con phải biết chắc rằng dòng dõi con sẽ làm kiều dân nơi đất khách, phải phục dịch cho dân bản xứ, và bị chúng áp bức trong bốn trăm năm. Nhưng Ta sẽ phán xét dân tộc đã bắt dòng dõi con phục dịch, và sau đó họ sẽ ra khỏi đất đó với rất nhiều của cải.

Các loại gia súc được xem là trưởng thành khi chúng đủ ba tuổi. Chúng được dùng làm lễ vật trong nghi thức thực hiện các giao ước có lời hứa long trọng. Mấy con thú dùng làm lễ vật phải đủ ba tuổi để chứng tỏ rằng giao ước là chín chắn, không thể bị hủy bỏ bởi bất cứ bên nào. Khi Đức Chúa Trời lập giao ước với Abram, Ngài áp dụng phong tục của người vùng Trung Đông lúc họ cùng lập giao ước: Bên nào vi phạm, bên đó phải bị phân thây như các con thú đã bị xẻ đôi sắp hai bên đối xứng nhau. Vậy, hai phía giao ước cùng thề nguyện và bước đi qua giữa hai phần của xác các con thú (Jeremiah 34:18–19) “Những kẻ đã vi phạm giao ước Ta, không tuân giữ các điều khoản trong giao ước đã lập trước mặt Ta, thì Ta sẽ làm cho chúng như con bò tơ mà chúng mổ làm đôi và đi qua giữa hai phần. Thật, các thủ lĩnh Judah và Jerusalem, các hoạn quan, các thầy tế lễ, và toàn dân trong xứ đã đi qua giữa hai phần con bò tơ.” Trong bản tường thuật của Môise về sự kiện Đức Chúa Trời lập giao ước sẽ ban xứ Canaan cho dòng dõi của Abram làm sản nghiệp, có mấy điểm vô cùng đặc biệt:

Các con thú được giết vào ban ngày, nhưng nghi thức thực hiện giao ước xảy ra vào ban đêm (Sáng Thế 15:17) “Khi mặt trời lặn và bóng tối bao trùm, kìa, có một lò lửa đang bốc khói, và một ngọn đuốc cháy rực đi ngang qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi.” Vào thời điểm đó, ông Abram chưa được gặp Chúa mặt đối mặt. Ngài xuất hiện là một ngọn đuốc cháy rực đi ngang qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Điều thứ hai, mặc dù Abram là một phía của giao ước, ông không phải đi ngang qua giữa các con vật bị xẻ đôi, chỉ có Đức Chúa Trời đi một mình. Nghĩa là bất cứ phía nào vi phạm giao ước, một mình Đức Chúa Trời phải chịu hình phạt. Ngài biết trước dòng dõi của Abram về sau sẽ không giữ trọn lời hứa giao ước. Bên chịu trách nhiệm mặc dù là dân Israel, nhưng vì ông Abram đã không cùng đi với Đức Chúa Trời qua giữa hai phần của xác các con thú, nên chỉ một mình Ngài đi để Ngài sẽ nhận lãnh hình phạt.

Lễ Vượt Qua đầu tiên của dân Israel được thiết lập và cử hành tại Ai-cập. Đêm cử hành lễ đó, máu của nhiều chiên con đã được bôi trên khung cửa của vô số nhà dân Israel, bằng chứng về sinh tế đã bị giết để cứu mạng và giải thoát một dân tộc ra khỏi kiếp nô lệ để được Đức Chúa Trời dẫn về vùng đất qiao ước mà Ngài đã hứa ban cho họ từ thời tổ phụ Abraham của họ. Lễ Vượt Qua là sự khởi đầu của sự hoàn thành lời hứa giao ước về cơ nghiệp sẽ được ban cho dòng dõi của Abram. Nhiều con thú vừa đủ một tuổi, tức là đủ tư cách của sinh tế có dòng máu vô tội, đã phải bị giết để có đủ máu bôi lên khung cửa ngoài của mấy trăm ngàn gia đình người Israel sẽ được giải thoát lên đường tiến về đất hứa. Sinh tế thế mạng theo luật của Chúa bắt đầu từ lễ Vượt Qua đầu tiên.

Mặc dù trên thực tế, hình thức bôi máu trên khung cửa nhà không còn áp dụng cho đại chúng ngày nay trong lễ Vượt Qua của người Do-thái, nhưng đối với chúng ta, những người đã được máu Đức Chúa Jesus, Chiên Con Lễ Vượt Qua, bôi trên cửa lòng mình, thì chúng ta phải chứng tỏ mình thật được máu ấy làm chứng qua cách sống làm sạch men cũ hiểm độc và gian ác (1Côrinhtô 5:7–8) “Hãy làm sạch men cũ đi, để anh em có thể trở thành một đống bột mới không men, như anh em thật sự là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ, Chiên Con lễ Vượt Qua của chúng ta đã được dâng làm sinh tế rồi. Vậy, chúng ta hãy kỷ niệm lễ Vượt Qua, chớ dùng men cũ, là men hiểm độc và gian ác, mà hãy dùng bánh không men của sự thành thật và chân lý.” Khung cửa ngoài tượng trưng cho lối vào căn nhà. Hành vi, cách sống của chúng ta ngày nay chính là khung cửa ấy. Hãy nhớ lại rằng, giống như Đức Chúa Trời đi một mình qua giữa hai phần của con thú bị xẻ đôi, Ngài tình nguyện nhận lãnh hình phạt để ban cơ nghiệp vĩnh cửu cho tuyển dân Ngài, thì Đức Chúa Jesus, Chiên Con sinh tế, đã tình nguyện chịu bị đóng đinh một mình.

Khác với dân Israel thường xuyên phản bội và bị trừng phạt, chúng ta ngày nay là con dân của Vương quốc thiên đàng. Chúng ta không cần sinh tế chuộc tội mỗi năm; vì Đức Chúa Jesus là Sinh Tế toàn hảo chịu chết chỉ một lần đủ cả cho đến đời đời (Hebrew 7:27b; 10:12) “… Ngài dâng chính mình Ngài làm sinh tế một lần đủ cả.Nhưng Đấng Christ đã vì tội lỗi dâng một sinh tế chuộc tội duy nhất và đời đời, rồi ngồi bên phải Đức Chúa Trời.” Nhưng sự hi sinh của Đức Chúa Jesus có tác động trên cửa lòng chúng ta hay không là tùy theo quan điểm, ý thích, cách sống của chúng ta có phản ảnh được sự công chính của máu Chiên Con Đức Chúa Trời đã hi sinh hay không. Đức Chúa Trời luôn luôn nhìn vào cõi lòng của chúng ta xem đã được máu công chính của Đức Chúa Jesus bôi xóa hay không. Thật khốn khổ cho người nào mà Ngài không thấy dấu máu ấy bôi trên cửa lòng. Đừng để cơm áo, gạo tiền ngăn trở đời sống thờ phượng của chúng ta.

Mỗi năm, các nhà thờ vẫn thường tổ chức “đêm thương khó.” Nhưng có bao nhiêu người thực sự tiếp nhận máu vô tội của Đức Chúa Jesus bôi trên cửa lòng mình? Tuần nầy, khi chúng ta nhắc nhở nhau về Đức Chúa Jesus, Chiên Con của Lễ Vượt Qua, đã bị dâng làm sinh tế rồi, hãy nhớ lại rằng Ngài đã bước đi cô đơn trên đường dẫn tới đồi Sọ. Tất cả các môn đồ Ngài đều chạy trốn hết. (Giăng 19:17–18a) “Đức Chúa Jêsus vác thập tự giá đi đến một nơi gọi là Đồi Sọ, tiếng Hêbơrơ gọi là Golgotha. Tại đó, họ đóng đinh Ngài.” Đức Chúa Jesus đã chịu bị đóng đinh chết trên thập tự giá, Ngài bị chôn trong mộ đá, vì tội lỗi của tất cả chúng ta; và Ngài đã sống lại để mọi người tin Ngài đều được xưng công nghĩa.

Mỗi người hãy sống cách nào để được Chúa đẹp lòng. Thời gian chúng ta sống trên đất không phải là vĩnh viễn. Mọi sự đều chóng qua. Hơn nữa hiện nay đang là thời đại cuối cùng; những diễn biến thời cuộc của thời tận thế xảy ra dồn dập và tới tấp. Đời sống bình an nhất không phải là được an toàn thân thể, mà là tâm linh luôn vững vàng trước mọi tai họa trong cuộc đời, vì biết chắc mình sẽ được đứng trước mặt Đức Chúa Trời (Hebrew 9:12) “Ngài đã bước vào nơi Chí Thánh một lần đủ cả, không dùng máu dê đực và bò con, nhưng dùng chính huyết mình để đem đến sự cứu chuộc đời đời cho chúng ta.” Thì giờ vẫn còn cho những ai chưa chịu ăn năn để được nhận vào Vương quốc Chúa. Hãy nắm lấy cơ hội trước khi nó vuột đi mất.

KhoiDauMoi14.docx

MS CTB