Đại Lễ Chuộc Tội

levi6 twin-goats

Lê-vi-ký, bài 09

Lê-vi-ký 16:1–34

Theo trình tự của các sự việc, đáng lẽ phần nầy phải đặt ngay sau phần ký thuật cái chết của Na-đáp và A-bi -hu, hai con trai lớn của A-rôn, ở đoạn 10. Nhưng nó được đặt ở đây để phù hợp với phần kết của các luật về thanh tẩy ở các đoạn vừa rồi (1).

Đức Giê-hô-va bảo Môi-se hãy cho A-rôn biết rằng: “Không phải lúc nào cũng có thể vào Nơi Chí Thánh ở phía trong bức màn,” ai bất tuân sẽ bị chết, vì Đức Giê-hô-va sẽ “hiện ra trong đám mây trên nắp thi ân” (2). Mỗi năm A-rôn chỉ được vào nơi đó một lần (29, 34) theo cách thức được chỉ định (3–10).

Những lời chỉ dẫn ấy thật là cần thiết; vì mặc dù gia đình A-rôn và toàn dân Israel đã từng chứng kiến vinh quang đáng kinh hãi trong sự hiện đến của Đức Chúa Trời trên núi Sinaii, đã biết Ngài sẽ đến trên nắp thi ân, giữa hai chê-ru-bim (Xuất Ai-cập 25:22), nhưng Na-đáp và A-bi-hu vẫn cẩu thả nên chết vì lửa thần.

Đám mây trên nắp thi ân” không phải là khói của bột hương thơm bao phủ nắp thi ân do A-rôn bỏ trên than đỏ hực trong lư hương (13), nhưng là đám mây tỏa vinh quang của Đức Giêhôva khi Ngài hiển lộ.

Chúa thánh khiết sẽ không chấp nhận người tội lỗi ô uế nào trước sự hiện diện của Ngài mà không có huyết chuộc tội che chở. Vì thế, thầy tế lễ thượng phẩm phải làm mọi việc đúng theo những gì Ngài dặn dò thì mới khỏi chết (3–4).

Trước hết, A-rôn phải dâng lên một tế lễ chuộc tội bằng một con bò tơ, sau đó là một con chiên làm tế lễ thiêu. A-rôn phải tắm cả thân thể mình bằng nước trước khi mặc toàn thể lễ phục của thầy tế lễ thượng phẩm.

Là người, nên A-rôn cũng phạm tội như mọi người khác; mà hễ còn phạm tội thì vẫn còn cần tế lễ chuộc tội.

A-rôn sẽ nhận từ hội chúng Israel hai con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội và một con chiên đực dùng làm tế lễ thiêu” (5).

Để bắt đầu cử hành đại lễ chuộc tội, A-rôn phải dâng con bò đực tơ để làm tế lễ chuộc tội cho chính ông và cử hành lễ chuộc tội cho ông và cả nhà ông (6).

Ngay sau đó, A-rôn đem hai con dê đực đến trước mặt Chúa tại cửa Lều Hội Kiến để ông sẽ bắt thăm chọn một con cho Đức Giê-hô-va, con kia dành cho Azazel (7–8).

Cách bắt thăm lúc ấy được thực hiện bằng hai miếng gỗ mun nhỏ đặt trong một cái bình gốm có nắp; một mảnh có khắc chữ ‘cho Đức Giêhôva,’ mảnh kia khắc chữ ‘cho Azazel’ (אזאזל).

Sau khi xóc bình, A-rôn đưa hai tay vào bình, mỗi tay nắm một mảnh gỗ. Mảnh thăm bên tay phải sẽ đặt trên đầu con dê đứng bên phải của ông, tay trái đặt miếng thăm trên đầu con dê bên trái; chữ trên thăm sẽ định con dê thuộc về ai.

Azazel là một trong 20 vị lãnh đạo 200 thiên sứ đẳng cấp ‘teraphyim’ được phái xuống trần gian làm các ‘thiên sứ canh giữ,’ hay các ‘đấng canh giữ,’ sau khi tổ tiên loài người phạm tội bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen và sinh sôi nảy nở đông đảo.

Sách Sáng-thế-ký gọi họ là “các con trai của Đức Chúa Trời” (Sáng-thế 6:2), theo tiếng Hebrew là “B’nai Ha Elohim” hoặc “Ben Elohiym.” Các sách cổ “Enoch,” “Jubilees” và “Jasher” đều ghi lại các chi tiết nầy.

Các trường Kinh thánh của các giáo phái truyền thống giải nghĩa ‘B’nai Ha Elohim’ hay ‘Ben Elohiym’ là dòng dõi của Sết, người con trai do Ê-va sinh ra A-đam sau khi Abel bị Ca-in giết; còn “con gái loài người” là dòng dõi Ca-in; nhưng chữ Hebrew thì con gái loài người là ‘bemoth Adam’ (Adam = người), không phải ‘bemoth Cain.

Hai mươi thiên sứ trưởng của nhóm hai trăm teraphyim có tên là: Samlazaz, Azazel, Araklba, Rameel, Kokablel, Tamlel, Ramlel, Danel, Ezeqeel, Baraqijal, Asael, Armaros, Batarel, Ananel, Zaqiel, Samsapeel, Satarel, Turel, Jomjael, và Sariel (Enoch 6:8).

Đức Chúa Trời sai họ xuống trần gian để dạy loài người những kiến thức cần thiết về canh nông, chăn nuôi, luyện kim, tạo ra chữ viết, chế tạo dụng cụ, nghệ thuật âm nhạc và nhạc cụ.

Vì họ được mang thể xác giống như người ta, nên yêu thương những nữ nhân xinh đẹp trong loài người, cưới họ làm vợ (Enoch 6:1–7), bỏ chỗ cao qúy của họ ở thiên đàng để ở lại trần gian (2Phierơ 2:4; Giu-đe 6).

Còn con gái loài người thì yêu mê mệt các thiên sứ quá đẹp nầy, nên cũng rù quến và ăn nằm với họ. Vì thế, họ sinh ra con cái là những người khổng lồ thời đó, tiếng Hebrew gọi là “người Nephilim” (Sáng-thế 6:4).

Mặc dù Samlazaz là vị đứng đầu hai trăm thiên sứ teraphyim bị sa ngã, nhưng Azazel là thủ phạm dạy cho loài người vô số điều ác.

Trong sách Enoch, một quyển sách cổ tìm thấy tại hang động Qumran ở ghềnh đá phía tây Biển Chết, thì viết rằng thiên sứ sa ngã Azazel là thủ phạm đã dạy cho loài người nghệ thuật chiến tranh, cách chế tạo gươm, dao, thuẫn, giáp, vv…; vị ấy cũng dạy cho đàn bà thuật mê hoặc đàn ông bằng nữ trang, nhuộm tóc, thoa mặt, và kẻ lông mày, cũng dạy cho họ bí quyết diễn trò ma thuật, dẫn họ vào đủ thứ ác uế.

Cuối cùng Đức Chúa Trời phải sai thiên sứ trưởng Raphael trói hắn lại và xiềng trong kẽ đá ở Beth Hadudo hoàn toàn tối tăm, chờ đến ngày phán xét sau cùng sẽ bị ném xuống hồ lửa vĩnh viễn.

Số phận của Azazel đã được công bố khi Đức Chúa Trời phán: “Vào ngày phán xét lớn, hắn sẽ bị ném vào trong lửa. […] Cả trái đất bị hư hoại vì những việc do Azazel dạy: Mọi tội lỗi đều từ hắn ra” (Enoch 2:8).

Con dê dành cho Azazel thì không phải là tế lễ cho Azazel. Vì dù Azazel vốn là thần linh nhưng không có uy quyền gì hết. Qua sự tiết lộ của sách Enoch, chúng ta hiểu rằng tất cả những sự gian ác, vi phạm và tội lỗi của dân Israel, được chất trên đầu con thú để nó đem trả lại cho Azazel, thủ phạm của mọi tội lỗi uế tạp trong loài người.

Việc đuổi con dê về cho Azazel trong hoang mạc là hành động biểu tượng quy trách nhiệm cho Azazel, tạm thời cất những sự gian ác, vi phạm và tội lỗi của Israel trong một năm.

Vài khuynh hướng thần học hoặc là không hiểu, hoặc là tránh né sự thật từ sách Enoch, đã giải nghĩa ‘Azazel’ là ‘con dê tế thần’ (scapegoat), cố ý bỏ qua chi tiết khó hiểu nầy để khỏi trả lời các thắc mắc của người đọc Kinh-thánh;

{họ dịch: “to send the goat to the scapegoat in the wilderness” (10), và “and he who taketh away the goat to the scapegoat” (26)}.

Vậy, A-rôn làm theo như lời Đức Giê-hô-va đã chỉ dạy (9–19). Ông giết con bò tơ và dâng nó làm tế lễ chuộc tội cho ông và nhà ông. Ông lấy than đỏ hực trên bàn thờ bỏ đầy lư hương và bốc hai nắm bột hương thơm, rồi đem vào bên trong bức màn, bỏ hương thơm vào lửa để khói hương bốc lên bao phủ nắp thi ân trên Rương Giao Ước, để ông khỏi bị chết (11–13). Lúc đó ông mới lấy một ít máu bò rảy bảy lần về phía đông của nắp thi ân, tức là phía bức màn (14).

A-rôn lại ra khỏi Lều Hội Kiến, ông giết con dê đực làm tế lễ chuộc tội cho dân chúng rồi đem máu vào bên trong bức màn; ông cũng dùng máu ấy rảy về phía đông của nắp thi ân như lần trước vậy (15).

Như thế, “A-rôn làm lễ chuộc tội cho Nơi Chí Thánh vì sự bất khiết của dân Israel, sự vi phạm và tội lỗi của họ. Người cũng làm như thế với phần còn lại của Lều Hội Kiến đang ở với họ, giữa sự bất khiết của họ” (16). Chúa dặn là không ai được ở trong Lều Hội Kiến cho đến khi ông trở ra (17).

Sau khi ra, A-rôn làm lễ chuộc tội cho bàn thờ tế lễ thiêu. Ông lấy một ít máu bò đực tơ, máu dê đực bôi lên các sừng bàn thờ, ông dùng ngón tay rảy máu bảy lần trên bàn thờ để thanh tẩy và thánh hóa bàn thờ khỏi những sự bất khiết của dân Israel (18–19).

Sau khi đã làm lễ chuộc tội cho Nơi Chí Thánh, Lều Hội Kiến và bàn thờ, A-rôn mới dẫn con dê đực còn sống đến. Ông đặt hai tay trên đầu con dê, xưng tất cả mọi điều gian ác của dân Israel, mọi vi phạm và tội lỗi của họ, và chất tất cả những điều gian ác, vi phạmtội lỗi ấy lên đầu con thú; một người được giao nhiệm vụ dẫn con dê dành cho Azazel vào hoang mạc và thả đi.

Con dê đó sẽ mang trên mình tất cả tội ác của dân Israel và được thả vào nơi vắng vẻ trong hoang mạc” (20–22).

A-rôn phải trở vào Lều Hội Kiến, cổi lễ phục và để ở đó, ông phải tắm rửa tại một nơi thánh, mặc lễ phục lại và đi ra dâng hai tế lễ thiêu, đốt mỡ sinh tế chuộc tội trên bàn thờ (23–25).

Người dẫn con dê cho Azazel phải giặt áo xống, tắm rửa rồi mới được vào trại (26).

Còn xác của con bò và con dê làm lễ chuộc tội phải đem ra thiêu hết bên ngoài trại quân. Người đứng đốt xong phải giặt áo xống, tắm rửa rồi mới được vào trại (27–28).

Ngày đại lễ chuộc tội được định vĩnh viễn là mồng mười tháng bảy hàng năm. Mọi người Israel phải kiêng ăn và tĩnh tâm. Mỗi năm một lần, Israel phải nhớ thực hiện lễ nầy.

Vì trong ngày đó lễ chuộc tội sẽ được cử hành để họ được tinh sạch và mọi tội lỗi sẽ được thanh tẩy trước mặt Đức Giê-hô-va.

A-rôn đã thực hiện đúng như lời Đức Giê hô-va truyền phán qua Môi-se (29–34).

Leviky09.docx
Rev. Dr. CTB