Chúa Nhật, May 6, 2012 – Cầu Nguyện Là Gì? (Các Vấn Đề Tâm Linh 25)

Chúa Nhật, May 6, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 25


Cầu Nguyện Là Gì?

Thi Thiên 91:1–16

Có lẽ nguyên nhân tình trạng yếu kém trong lãnh vực cầu nguyện của Hội Thánh chung là do chưa hiểu biết tới nơi tới chốn về thực chất của sinh hoạt cầu nguyện. Người ta thích đến tham dự các buổi giảng dạy, thuyết trình, và nhất là ca nhạc giải trí, hơn là dự các buổi họp mặt cầu nguyện tập thể của Hội Thánh tổ chức. Có lẽ điều kiện thiết yếu đem người ta tới tham dự một buổi họp mặt là để nhận được lợi ích chi đó cho bản thân hay gia đình mình. Trong khi đó các buổi cầu nguyện của Hội Thánh hiện nay chưa chứng tỏ được cho nhiều người tham dự thấy lợi ích thiết thực mà họ mong mỏi. Vì vậy, các bữa học Kinh Thánh đã vắng, các buổi cầu nguyện lại càng vắng hơn. Tình trạng ấy vẫn tiếp diễn mà chưa có dấu hiệu gì sẽ thay đổi, nếu tín hữu vẫn tiếp tục chưa hiểu tường tận vấn đề cầu nguyện.

Theo MS người Nigeria, Mosy Magduba, một người có kinh nghiệm và hiểu biết rất sâu sắc về cầu nguyện, đã giải thích rằng: Cầu nguyện là hành động trò chuyện với Đức Chúa Trời Toàn Năng, là sự nối kết giữa cõi thiên nhiên với cõi siêu nhiên. Nó giúp cho con người có cơ hội nói với Đức Chúa Trời, là Thần; nó giúp cho con người yếu đuối nắm được Đấng có quyền lực mạnh nhất đang hiện hữu trong vũ trụ và thiết lập một kênh dẫn, mà qua đó ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời siêu nhiên có thể chảy vào con người trong cõi tự nhiên. Nó cũng là phương tiện cho chúng ta bước ra trước toà thiên đàng để khẩn khoản cho số phận của nhiều người, thành phố và dân tộc, thậm chí cho cả thế giới nữa. Nó cũng là sàn đấu để chúng ta đứng lên tiến hành cuộc chiến tranh trong cõi linh chống lại thế giới tối tăm, mà lúc nào cũng thắng trận.

Cầu nguyện là sự hít thở tâm linh của mọi Cơ-đốc-nhân năng động. Nếu ai yếu kém trong sự cầu nguyện thì không thể mạnh mẽ để bước đi với Chúa. Một tín hữu cầu nguyện là một tín hữu mạnh mẽ. Một tín hữu thiếu cầu nguyện thì trở thành tín hữu có tâm linh bạc nhược. Cầu nguyện là sự tập luyện thuộc linh phải có để khởi động, duy trì và kết thúc mọi việc chúng ta làm. Nó có quyền lực để thiết lập bầu không khí thuộc linh thích hợp cho mọi loại dấu kỳ và phép lạ diễn ra. Nó tẩy sạch môi trường thuộc linh và làm cho các thế lực gian ác khó nổi lên chung quanh chúng ta. Cầu nguyện khai phóng cho các thiên sứ lên đường thực hiện các công tác được giao vì chúng ta. Nó cũng thu hút sự xức dầu và những ân huệ khác thường từ Chúa ban cho người cầu nguyện.

Khi điểm qua các chuyện tích Kinh Thánh, chúng ta khám phá thấy qua sự cầu nguyện, các bậc tiền bối đã bước đi vẹn lành với Chúa và duy trì được tình bạn hữu với Ngài. Hênóc sống đời trò chuyện với Đức Chúa Trời và được Ngài đem về thiên đàng mà không thấy sự chết (Sáng Thế 5:21–24); Ápraham thường xuyên trò chuyện và thờ phượng Đức Chúa Trời nên được đủ thứ may mắn (Sáng Thế 13:4, 14–18; 14:11–16; 15:1–6); Giacốp tay trắng chạy trốn phải cầu nguyện, và từ nơi lưu lạc trở về quê hương với tài sản kếch xù; Nhờ cầu nguyện và giữ không phạm tội với Chúa, Giôsép được Chúa ban ơn và khả năng giải mộng, từ người tù bỗng thành tể tướng, cứu sống cả nước Ai-cập và duy trì sự sống cho cả nhà cha và anh em mình (Sáng Thế 41:10–16, 37–41; 50:20); Môise nhờ chuyện trò thân mật với Đức Chúa Trời (Dân số 12:6–8), đã lãnh đạo gần hai triệu dân Israel trọn 40 năm trong hoang mạc (Phục Truyền 29:5); Giôsuê được nói chuyện với Chúa, lãnh đạo dân Israel chiếm thành Giêricô không tốn một mũi tên hay giọt máu (Giôsuê 5:13 – 6:5).

Ghêđêôn trò chuyện với Chúa để nhận chỉ dẫn và chỉ thị, với 300 quân ông đã đánh bại đạo quân địch đông hàng chục vạn người (Quan Xét 7:12, 19–22). Đavít bách chiến bách thắng vì là một chiến sĩ cầu nguyện đẹp lòng Chúa. Tiên tri Ê-li cầu nguyện cho đừng mưa, rồi xin mưa lại (Giacơ 5:17–18), và cầu nguyện thì lửa thần giáng xuống (1Các Vua 18:36–38). Cầu nguyện làm thay đổi cả tình trạng tuyệt vọng: (2Sử Ký 20:1–19) Vua Giôsaphát và cả xứ Giuđa run sợ vì nhiều kẻ thù hợp lực tiến đánh đất nước họ. Lòng kiêng ăn cầu nguyện kêu xin Đức Chúa Trời cứu giúp của vua Giôsaphát đã được nhậm lời. Vào thời bị lưu đày, Đaniên trung thành với Chúa nên được ban sự khôn ngoan, được những vua của các triều đại Babylôn, Mêđi và Batư trọng đãi và tin dùng. Vì lòng rất trung tín trong sự cầu nguyện, bị ganh ghét, bị tố cáo là vi phạm chiếu chỉ của vua, rồi bị ném xuống hang sư tử đói, nhưng ông được Chúa gìn giữ bình yên (Đaniên 6:10, 16–23).

Ngoài lời cầu nguyện, cầu thay, xưng tội của Đaniên làm dấy động một cuộc chiến tranh dữ dội trong linh giới, sự cầu nguyện của ông cũng đã mở đường cho dân tộc của mình bắt đầu thoát cảnh bị lưu đày ở xứ người, được hoàng đế Siru cho phép hồi hương dưới sự lãnh đạo của thầy tế lễ Exơra (Exơra 1:1–4). Đến năm thứ 20 đời vua Artaxerxes của xứ Batư cổ đại, lời cầu nguyện và cầu thay xưng tội vì dân tộc Israel của Nêhêmi, quan tửu chánh, khiến cho Nêhêmi được vua cho phép về xây dựng lại thành Giêrusalem bị đốt phá hoang tàn (Nêhêmi 1:1–11). Trong lúc những kẻ thù nghịch giận dữ vì có người tìm cách tìm kiếm sự hưng vượng của con dân Đức Chúa Trời, Nêhêmi dùng sự cầu nguyện phá hỏng mọi âm mưu của các cừu địch (Nêhêmi 5:9).

Thời Tân Ước thì Đức Chúa Giêxu đã nêu gương cầu nguyện trọn đêm trước khi lập quyết định chọn lựa 12 sứ đồ, là những người sau nầy làm biến đổi cả thế giới (Luca 6:12–13). Vâng lời dặn dò của Đức Chúa Giêxu trước lúc thăng thiên, 120 môn đồ kiên nhẫn cầu nguyện với nhau trong 10 ngày, kết quả là Đức Thánh Linh giáng lâm, khai sinh Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu Christ và trong dịp đó có 3000 người gia nhập Hội Thánh (Công vụ 1:14–15; 2:1–4, 41). Với mối tương giao cầu nguyện gần gũi với Chúa và được ban cho quyền phép, các sứ đồ bị bắt giam, nhưng một thiên sứ đến mở cửa ngục cho họ ra tiếp tục rao giảng trong đền thờ (Công vụ 5:12–20). Khi vua Hêrốt giam giữ Phierơ định đem giết, các môn đồ cầu nguyện, một thiên sứ được sai đến giải cứu ông khỏi ngục (Công vụ 12:1–11). Phaolô và Sila cầu nguyện đang khi bị giam trong ngục tối thì có động đất và ơn cứu rỗi đã đến với gia đình người cai ngục (Công vụ 16:25–34).

Lịch sử con dân Chúa trên thế giới còn biết bao nhiêu gương mẫu về cầu nguyện đem đến sự thành công hoặc chiến thắng trong mặt trận thuộc linh. Mặc dù về định nghĩa tổng quát thì sự cầu nguyện là dâng những lời thỉnh cầu lên một quyền lực cao hơn để được ban cho điều mình mong đợi, nhưng đối với chúng ta là Cơ-đốc-nhân thì cầu nguyện là tương giao và hiệp thông giữa một người hay nhóm người với Đức Chúa Trời Toàn Năng; cầu nguyện là cầu xin và nhận lãnh, đưa ra thỉnh cầu và nhận được sự trả lời từ Chúa. Cầu nguyện là xây dựng mối tương giao hiệp thông với Đức Chúa Trời bằng cách dành rất nhiều thì giờ thân mật gần gũi với Ngài. Chúng ta không thể gọi Ngài bằng Cha nếu không có liên hệ tương giao gì với Ngài. Cầu nguyện là phương cách đáng tin cậy nhất để chữa lành mọi bệnh tật. Chúng ta cũng dùng hoạt động cầu nguyện để phá vỡ và làm tan biến tất cả những lời nguyền rủa chống nghịch chúng ta.

Cầu nguyện phải là một phần không thể thiếu trong đời sống một tín hữu thật của Chúa. Nó là phương tiện cần thiết cho mỗi con cái nào của Chúa muốn thành công trong các việc thiêng liêng. Cầu nguyện là chìa khoá mở được tất cả những cánh cửa bị đóng chặt. Nó cũng là bí quyết dẫn tới thành công, thành tựu, tạo bước chuyển biến đột phá, được xức dầu, trưởng thành thuộc linh và phấn hưng nữa. Cầu nguyện không phải là việc chỉ thực hiện khi bị đau ốm, hoặc bị tà ma tấn công quấy phá. Cầu nguyện là hoạt động cần thiết cho sự sinh tồn của chúng ta. Những thứ khí giáp và vũ khí dùng để tiến hành cuộc chiến chống lại các tà linh, tà thần, chỉ có thể lấy được bằng sự cầu nguyện. Chúng ta chỉ cầu nguyện cách hiệu quả và ưa thích cầu nguyện, nếu chúng ta biết và hiểu rõ ý nghĩa và sức mạnh của sự cầu nguyện.

Muốn làm bạn với Đức Chúa Trời, muốn được thân mật gần gũi với Ngài, muốn nhận được tất cả các ơn phước thiêng liêng trong linh giới, muốn được yên ổn khoẻ mạnh ở trần gian, muốn được về trời khi qua đời, vv, mà không tập luyện nếp sống cầu nguyện thì làm sao đạt được?

VanDeTamLinh25.docx

Rev. Dr. CTB