Bài 13: Chức Vụ Sứ Đồ của Phaolô

Chức Vụ Sứ Đồ của Phaolô

1Côrinhtô 9:1–27

Trong thánh vụ của Phaolô, không những ông bị tấn công từ bên ngoài mà còn bị quấy phá từ những người trong Hội Thánh, loại tín đồ đặt nghi vấn về chức vụ sứ đồ của ông.  Đây không phải là chuyện bất thường khi người hầu việc Chúa tận tuỵ và thành công lại bị một số tín đồ báo đáp bằng sự đối xử tệ bạc.  Trong đoạn nầy Phaolô khẳng định sứ mạng đã giao cho ông và tánh tình của một sứ đồ gương mẫu. “Tôi không được tự do sao?” (1) Hàm ý là “Bộ tôi không đồng sứ mạng, sự trao thác và quyền phép như các sứ đồ khác sao? Chẳng lẽ tôi không có phép đòi hỏi phải được tôn trọng và tùng phục giống như họ sao?” Đức Chúa Giêxu đã từng hiện ra với ông ban cho sự kêu gọi đặc biệt (Công vụ 9:3–17), và kết quả công việc của ông tại Côrinhtô đã chứng nhận ông là một sứ đồ thật được Chúa sai phái (2).

Cc. (3–6) trả lời cho những thắc mắc về thẩm quyền của chức vụ sứ đồ và bắt bẻ cách cư xử của Phaolô.  Ông chất vấn ngược những người nêu nghi vấn về chức vụ của ông để xác nhận là những gì các sứ đồ khác, Phierơ, và các người em của Đức Chúa Giêxu có quyền ăn, uống, cưới vợ, dẫn đi khắp nơi, thì ông và Banaba cũng có quyền làm như họ.  Ông cũng có quyền xin nhận sự trợ cấp của Hội Thánh, không cần làm việc kiếm sống cho bản thân và gia đình.  Nhưng chính đức hi sinh của Phaolô đã làm cho đạo đức trong sáng của ông nổi bật.  Ông nêu ra vài ví dụ để chứng minh cho quyền được hưởng sự đền đáp của người đã bỏ công lao làm việc, theo tập quán và lý lẽ thường tình của người ta (7).

Ông cũng đem luật Dothái ra (8–10) để chứng minh rằng tiền công của người làm việc không phải chỉ là lý do bình thường trong xã hội loài người, mà còn là luật Đức Chúa Trời đã bắt buộc; không phải chỉ bênh vực cho trâu bò bị bắt phải đạp lúa, nhưng để dạy cho loài người rằng phải trả công xứng đáng cho người phục vụ, người làm công phải được hưởng thành quả của sức lực họ đã bỏ ra phục vụ người khác (10).  Lẽ công bằng bình thường là một luận chứng khác Phaolô nêu ra để phản bác những người chỉ trích ông: “Nếu chúng tôi gieo của tâm linh cho anh em, việc thu gặt của vật chất từ anh em có gì là quá đáng?  Người khác còn có quyền ấy, huống chi chúng tôi?” (11–12a)  Những gì mà Phaolô và Banaba đã gieo cho người Côrinhtô là vô cùng quý báu so với sự cung cấp nhu cầu vật chất mà hai ông đáng phải nhận được.

Vì họ đã dạy cho tín hữu Côrinhtô sự sống vĩnh cửu, đã hết sức lao nhọc để số tín hữu nầy sở hữu được sự sống ấy; họ đã tự bỏ thân mình để phục vụ linh hồn tín hữu Côrinhtô; đã làm khí cụ chuyển các ơn phước thiêng liêng mà người Côrinhtô trước khi tin Chúa chẳng thể mơ tưởng đến được, chẳng lẽ họ không được đền bù các nhu cầu vật chất của cõi sống tạm nầy sao?  Ngày nay những ai nhận được các phúc lợi tâm linh do các đầy tớ Chúa dùng Lời Ngài chia sẻ, dạy dỗ, thì không nên keo kiệt trong việc chăm sóc đời sống vật chất của họ.  Nếu đã nhờ họ mà được tăng trưởng trong nếp sống tâm linh, mà lại keo kiệt đối với người được Chúa dùng nâng đỡ mình thì có công bằng không?  Tại sao lại bỏ bê chính người đã hi sinh mọi việc để dạy dỗ mình?

“Tuy nhiên chúng tôi không sử dụng quyền ấy.  Trái lại, chúng tôi chịu đựng tất cả để không gây trở ngại cho Tin Lành của Đấng Christ” (12b).  Phaolô và Banaba đã không quan tâm đòi hỏi quyền lợi của họ, mà chịu làm việc cực nhọc tự mưu sinh, hết lòng phục vụ, để các tân tín hữu ở Côrinhtô không hiểu lầm động lực hầu việc Chúa của họ.  Họ từ bỏ quyền lợi để chúng không trở thành vật cản trở sự thành công của Tin Lành. Nếu mọi đầy tớ Chúa đều có thể tự mưu sinh phục vụ anh chị em tín hữu chắc hẳn các Hội Thánh sẽ đỡ bị gánh nặng nuôi dưỡng các mục sư và gia đình. Nhưng nếu các mục sư phải lo tự mưu sinh thì sẽ không có thời gian để toàn tâm lo công việc Hội Thánh.  Vì thế các Hội Thánh địa phương phải chu cấp các nhu cầu vật chất cho người lãnh đạo thuộc linh của mình, để họ có thể toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa và Hội Thánh.

Phaolô nêu thêm lý cớ nữa về quyền lợi của người phục vụ tại đền thờ và bàn thờ.  Nếu các thầy tế lễ ngày xưa phục vụ trong đền thờ và bàn thờ được ăn vật thực tại đó, thì ngày nay chẳng lẽ những người hầu việc Đấng Christ không được nuôi bởi thánh vụ họ sao?  Những người được ích lợi bởi Tin Mừng của ơn cứu độ thì có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng những người đã rao giảng Tin Mừng ấy cho mình (14). Tuy nhiên, Phaolô đã không sử dụng hoặc đòi quyền ấy cho ông; tự làm việc để nuôi bản thân và chi phí cho sự hầu việc Chúa là niềm hãnh diện mà Phaolô không bao giờ muốn từ bỏ.  Ông đã không để cho Hội Thánh bị tốn kém nhu cầu ăn uống của ông cũng như không cưới một bà vợ làm gánh nặng cho Hội Thánh.  Lợi thế không lãnh lương của Phaolô để không cản trở sự phát triển của nước Chúa là vinh quang mà ông không muốn mất (15).

Dù vậy, công tác rao truyền phúc âm đã được Chúa giao cho Phaolô, là công việc mà sứ đồ Phaolô buộc phải làm, vừa là nhu cầu, bởi vì nếu không làm thì trở thành người bất trung đối với sự tin cậy của Chúa.  Nó không còn là vấn đề tự do lựa chọn, vì ai đã được giao cho chức vụ rao giảng phúc âm mà không chịu làm thì sẽ bị khốn đốn trăm bề, vì muốn hay không thì công tác đã giao rồi (16–17).  Vị sứ đồ tóm tắt các lý luận của mình bằng cách phô bày cho người đọc thấy giá trị lớn lao của phần thưởng mà ông sẽ lãnh được khi từ chối nhận thù lao, “không đòi hưởng trọn quyền lợi của người truyền giảng Tin Lành” (18): Đó là lòng tôn kính Đấng Christ và nhiều linh hồn được cứu.  Đây là gương cho những người hầu việc Chúa noi theo, vì phần thưởng về người được cứu có giá trị vĩ đại hơn nhiều, so với việc nếu lãnh thù lao mà làm cản trở công việc Chúa.

Phaolô giải thích thêm lý do ông không sử dụng quyền tự do của ông là để ích lợi cho nhiều người khác. Dù có quyền công dân Lamã nhưng ông sẵn lòng thuận phục trong nhiều hoàn cảnh như thể ông chẳng có đặc quyền gì hết.  Ông đưa ra những ví dụ cụ thể mà ông đã chịu làm nô lệ mọi người: Đối với người theo luật Dothái (20) [Công vụ 16:3], thì ông cư xử như người bị buộc bởi luật Dothái; đối với dân ngoại bang không theo luật Dothái thì ông không dùng luật Dothái (21).  Đối với người yếu đuối, ông không khinh rẻ coi thường, mà trở nên một người giống như họ, vì họ mà bỏ sự tự do của mình (22), “để có thể cứu một số người, bất luận cách nào.”  Ông làm mọi việc để tôn vinh Đấng Christ, là Tin Mừng được sắp đặt để cứu nhiều linh hồn, để ông và nhiều linh hồn ấy cùng nhau dự phần trong Tin Mừng của Đức Chúa Trời (23).

Phaolô lấy hình ảnh cuộc thi đấu ở trường đua hay đấu trường đem so với linh trình của đời tín hữu. Trong mọi cuộc thi đấu ở đời, chỉ một người thắng giải; nhưng các cuộc đua của Cơ-đốc nhân thì mọi người đều có thể được ban giải thưởng.  Vì vậy, người chạy chỉ cần kiên nhẫn chạy đến đích (24). Người Hylạp thắng giải ở đấu trường chỉ nhận được một vòng lá nguyệt quế chóng tàn; còn tín hữu nào không ngã dọc đường sẽ nhận được mão miện vinh quang mãi mãi (25). Chỉ vì danh vọng hão mà người ta phải kiêng cữ mọi thứ để thắng giải; chẳng lẽ chúng ta không thể bỏ bớt chút tự do, sống có kỷ luật, nhắm mục đích mà chạy để đạt cho được giải thưởng đặt sẵn hay sao? (26)  Sự chạy của chúng ta phải có chuẩn đích, không phải là lang thang vô định; mỗi lằn chạy đều có ranh giới định sẵn, ai cứ chạy trong lằn và giữ vững đến đích, thì sẽ nhận được mão triều thiên vinh hiển không bao giờ tàn héo.

Một người giảng Tin Mừng lâu năm, nếu không cẩn thận rèn luyện chính mình vẫn có thể bị loại ra ngoài.  Phaolô biết rõ mối hiểm nguy của sự chiều theo các ước muốn của xác thịt.  Từng dạy dỗ, chỉ dẫn người khác về các vấn đề tin kính, không phải là cái vé chắc chắn về thiên đàng.  Để đề phòng nguy cơ bị loại trừ, Phaolô phải chịu đựng khép thân thể ông vào kỷ luật.  Việc nầy chỉ có thể thực hiện được bằng một niềm kính sợ thánh khiết đối với Chúa. Một sứ đồ đầy ơn mà còn phải như thế, những tín hữu bình thường hoặc yếu đuối như chúng ta cần phải cẩn thận như thế nào!  Hãy có một niềm kính sợ thánh, đừng dựa vào lòng tự tin cho rằng mình có thể thắng hơn những ham muốn của xác thịt.  Hãy bắt chước Phaolô bắt xác thịt mình phải phục tùng (27).

1Corinhto14.docx

Rev. Dr. CTB