Để Nhận Phước Lành

Tìm Biết Ý Chúa, bài 09

Phục Truyền 28:1–14

Từ cuối năm ngoái Đức Chúa Trời đã ban nhiều lời tiên tri về ơn phước cho Hội-thánh Ngài. Chúa hứa rằng Ngài sẽ ban cho Hoa-kỳ được thịnh vượng hơn ba mươi năm, Hội-thánh thật của Chúa sẽ nhận được nhiều phước hạnh vô cùng kỳ diệu;

Bắt đầu từ bây giờ, Hội-thánh nào đã sẵn sàng tiếp đón vinh quang Ngài, thì tới năm 2020 sẽ giống như cái máy hoạt động hết công suất, nhưng ơn lành thì hiện đang tới. Vậy, Hội-thánh chúng ta phải làm những gì để được tham dự vào các phước hạnh lớn đó?

Chúng ta nên biết rằng khi Hội-thánh được phước thì mỗi thành viên của Hội-thánh cũng được phước dư dật nếu biết bí quyết để tiếp nhận.

Phước lành ban cho Hội-thánh và thành viên của Hội-thánh liên hệ chặt chẽ với nhau. Hội-thánh sung túc khi tín hữu được phước; còn khi phước tuôn trên Hội-thánh thì mọi thành viên, là tín hữu thật, đều được hưởng theo.

Các biến cố đã tiên báo đều diễn ra minh chứng cho lời hứa ấy là thật, không phải lời dối trá. Ơn phước sẽ đến sau các biến cố ấy; nhưng để nhận lãnh, chúng ta phải hiểu hai phương diện của các phước lành:

Có những phước lành từ trời như mưa rào tuôn xuống vùng đất khô hạn; hễ là tín hữu thật thì được nhận lãnh, không cần phải làm gì hết.

Nhưng lại có những phước lành được dành sẵn đang chờ người tới nhận; điều chúng ta phải làm là nắm lấy nó về cho mình để sở hữu nó. Nghĩa là các phước lành ấy đòi hỏi mình phải có đủ điều kiện để lãnh, chứ nó không đương nhiên tới:

Nếu anh em thật lòng lắng nghe tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài …thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ làm cho anh em trổi vượt mọi dân tộc trên đất nầy. Mọi phước lành sau đây sẽ giáng trên anh em nếu anh em lắng nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em” (Phục-truyền 28:1– 2).

Sứ đồ Phao-lô tóm tắt những quyền lợi đương nhiên của người ở trong Đức Chúa Jesus, tức là người nào đã tiếp nhận Ngài và được ở trong Ngài, thì được nhận mọi phước hạnh thuộc linh trong linh giới gồm có:

Được làm con nuôi, được cứu chuộc, được tha tội, biết sự mầu nhiệm của ý muốn Chúa, được chọn làm người thừa hưởng cơ nghiệp, được đóng ấn bằng Đức Thánh Linh, và được thánh hoá (Ê phê sô 1:3–13). Ngoài ra còn có thêm nhiều ơn phước khác dành cho mọi con cái Chúa.

Còn các ơn phước sẽ tuôn đổ như mưa rào trong lời tiên tri hiện nay là những phước hạnh ban cho nước Mỹ được kinh tế tài chính thịnh vượng, các thế lực gian xảo, giới phóng túng vô đạo đức và chủ nghĩa vô thần sẽ bị thất bại thảm hại, các giá trị đạo đức xã hội ở Hoa-kỳ sẽ phục hồi, và Hội-thánh của Chúa sẽ phục hưng, tăng trưởng mạnh mẽ.

Đương nhiên là phước sẽ không tuôn trên người không tin Chúa hoặc người chỉ sống theo tâm tính do ma quỷ điều khiển.

Riêng chúng ta hãy cùng nhau học biết về các điều kiện Chúa đã đặt ra mà chúng ta phải đáp ứng để nhận được các ơn phước cho cá nhân.

Nhờ nghiên cứu Kinh-thánh, chúng ta nhận ra một khuôn mẫu do Đức Chúa Trời truyền để dân Israel làm theo thì được phước từ trời và phước cá nhân nữa.

Vì mọi chi tiết của lịch sử dân Israel từ khi ra khỏi Ai-cập, lòng vòng giữa hoang mạc, vào đất hứa, được hưởng phước lành hoặc bị quân thù áp bức, vv, đều là những hình ảnh tiêu biểu rất chính xác về thực trạng đời sống tâm linh của con cái Chúa ngày nay.

Vì thế, khi học các khuôn mẫu Chúa đòi hỏi họ phải làm theo, để được hưởng mọi thứ phước lành, cũng là điều kiện để ngày nay chúng ta được ban phước (Rôma 15:4).

Chúa hứa rằng nếu chịu nghe lời phán dạy của Ngài và làm theo mọi điều răn của Ngài thì nhiều phước lành sẽ giáng trên chúng ta (28:1–2).

Vậy, người Israel ngày xưa phải làm gì để được hưởng các phước lành chép ở Phục Truyền 28? Xem xét lời dặn dò của Môi-se cho dân Israel ở Phục Truyền 26 thì chúng ta có thể tìm ra vài nguyên tắc căn bản.

Trước hết, dân Israel phải vào vùng đất mà Chúa đã hứa ban cho họ làm sản nghiệp (26:1). Họ sẽ không nhận được phước lành nào nếu cứ đi lòng vòng bên ngoài xứ mà Chúa hứa ban. Không vào chiếm xứ thì sẽ chẳng làm chủ được miếng đất nào làm quê hương cả.

Ngày nay cũng vậy. Chúng ta phải nhận lãnh, sở hữu món quà vô cùng quý giá mà Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cho mọi con cái Ngài là Đức Thánh Linh.

Vô số người nói là họ muốn được đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhưng cũng chính những người ấy không muốn lìa bỏ những điều ngăn trở họ nhận lãnh Đức Thánh Linh, tức là tâm tính xác thịt kèn cựa, tranh cạnh, dễ bị đụng chạm, vv.

Vì lý do đó mà rất nhiều người chưa vâng lời khuyên dạy trong Kinh-thánh: “Hãy đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18b).

Ai muốn làm con cái thật của Đức Chúa Trời thì người đó phải quyết chí từ bỏ lòng tự ái của cái tôi trong tâm trí mình. Con người bề trong của chúng ta chỉ có thể chết khi nào ta thật sự giao nó cho Đức Thánh Linh giải quyết.

Hễ tính dễ kèn cựa vẫn còn mạnh, thì ta biết rõ con người cũ của mình chưa chết. Ta vẫn muốn lòng vòng ngoài hoang mạc, chưa sẵn lòng bước vào miền đất hứa để được yên nghỉ.

Cũng có người chỉ muốn sở hữu Đức Thánh Linh mà không muốn sống theo sự điều khiển, chỉ dẫn của Đức Thánh Linh.

Người Israel ngày xưa không những phải chiếm xứ, là đất hứa, mà còn phải sống trên đất ấy nữa. Họ phải lập nơi đó thành quê hương mình, khai khẩn, trồng trọt, chứ chẳng phải chiếm xứ rồi không làm gì cả.

Chúng ta ngày nay cũng vậy, sau khi nhận lãnh Đức Thánh Linh và muốn được nhiều phước lành từ Cha ban xuống thì phải sống cách nào để được Đức Thánh Linh đẹp lòng, tức là đời sống tâm linh tăng trưởng và có kết quả.

Khi đã vào sống trong đất hứa thì sẽ dẫn tới bước thứ nhì là: “Anh em phải lấy một phần thổ sản đầu mùa thu hoạch được từ miền đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em, bỏ vào một cái giỏ và đem đến địa điểm mà Đức Giê-hô-va sẽ chọn cho Danh Ngài ngự” (26:2).

Sự dâng hiến nầy không phải là thuế một phần mười nộp vào kho như luật định. Nó là lễ vật tốt nhất của kết quả đầu tiên ở vùng đất mới mà ta chiếm được, rồi đem dâng vào nơi nào Đức Chúa Trời lựa chọn.

Có nghĩa là nếu được Chúa ban cho một điều gì đó sinh lợi tức, ngoài phần mười sẽ nộp vào quỹ Hội-thánh địa phương, chúng ta phải ở riêng với Chúa, lắng nghe tiếng Ngài, vâng lời, và dâng phần tốt nhất, từ kết quả của ơn phước, cho thánh vụ mà Chúa sẽ chỉ dẫn.

Bước thứ ba là phải công bố rằng mình đã vào trong xứ và đã chiếm hữu vùng đất hứa, “anh em sẽ đến gặp thầy tế lễ đương nhiệm và nói rằng: ‘Hôm nay tôi xin thưa với Giêhôva Đức Chúa Trời của chúng ta rằng tôi đã vào miền đất mà Đức Giêhôva đã thề với tổ phụ chúng ta là sẽ ban cho chúng ta” (26:3).

Lời tuyên bố nầy là xác nhận rằng ta đã vào chiếm, sở hữu và làm chủ đất hứa. Lễ vật đặc biệt ta dâng lên cho Chúa là một hành động tượng trưng về nhờ sự biết vâng lời, ta được Chúa ban cho quyền làm chủ vĩnh viễn một sản nghiệp.

Cho nên, sự vào chiếm hữu, làm chủ, định cư, và khai khẩn vùng đất hứa phải được duy trì mãi.

Có một số điều chúng ta nhận được từ lời hứa ban của Chúa, nhưng đối xử với nó như một cái nhà để cho thuê; ta không chịu ở trong nhà phước hạnh Chúa ban mà đem cho thuê, rồi thắc mắc tại sao phước cứ lánh xa?!

Có lẽ hiện nay mỗi anh chị em tín hữu đều có một ‘Miền Đất Hứa’ mà Đức Chúa Trời đã đặt trong tâm linh như một khải tượng. Có thể khải tượng đó là một ước mơ đã lâu ngày mà mình tin là do Chúa đặt vào lòng. Có thể là ta chưa biết nó ở đâu nhưng biết rõ nó là cái gì.

Hãy cầu xin Chúa chỉ dẫn cho mình biết nó ở đâu để tới mà chiếm hữu. Hoặc cầu xin Đức Thánh Linh nhắc mình nhớ lại miền đất hứa ấy là điều gì và đang ở đâu?

Sau khi đã được biết rõ rồi thì hãy vào chiếm ‘xứ,’ sở hữu nó, dâng hiến trái đầu mùa của nó cho Chúa, công bố nó, và sống trong nó. –Tất cả những điều vừa nói trên đều đòi hỏi sự vâng lời, là điều kiện để nhận ơn phước.

Trong mùa ơn phước dồi dào đang tràn tới, anh chị em đừng thoả mãn ngồi chờ ơn phước tự động đến. Mỗi người hãy tìm xem có bao nhiêu loại phước nào mình có thể được nhận lãnh mà chưa biết;

Vì các ơn phước dành riêng cho mỗi người là rất quan trọng, để sau khi nhận lãnh, mỗi người sẽ dùng các ơn phước đó đem hạnh phúc cho những người ở quanh mình và ích lợi cho sự phát triển của Vương-quốc Đức Chúa Trời.

Nếu anh chị em thật sự muốn ích lợi cho gia đình, xã hội và Hội thánh Chúa thì hãy vâng lời Chúa tỉnh thức hăng hái tìm kiếm, đừng thụ động nữa.

TimBietYChua09.docx
Rev. Dr. CTB