Quyền Lợi của Tín Hữu

Tìm Biết Ý Chúa, bài 11

Ê-phê-sô 2:11–22

Khi trở thành con cái Chúa, chúng ta được hưởng vô số quyền lợi vô cùng lớn, mà vì đại đa số tín hữu không biết rõ, nên không sử dụng các quyền lợi ấy, không khai thác được kho tàng ơn phước vật chất dành sẵn cho mình và cũng không phát huy được tiềm năng lớn lao của đời Cơ-đốc-nhân.

Phần lớn nguyên nhân của sự không biết là do không chịu đọc, không nghiên cứu, học hỏi hay suy gẫm Lời Chúa.

Hầu hết tín hữu có quan niệm rằng các ơn phước trong Kinh-thánh liên quan tới lợi ích tâm linh hơn là vật chất; bởi vì một số tín hữu, giống như nhiều người khác, theo đạo hoặc tin Chúa với mục đích linh hồn mình được cứu rỗi sau khi qua đời, ở thế giới bên kia.

Tín đồ của một số đạo khác thì quan niệm ngược lại, họ cúng bái, đút lót tiền bạc, xôi thịt và hoa quả cho các thứ thần của họ để mong được phước, tài lộc và sức khoẻ trong đời nầy.

Vào thời Cựu-ước, dân tộc Israel tin cậy Đức Chúa Trời và vui hưởng mọi ơn phước thể chất và tinh thần, vì Chúa thực hiện lời hứa của Ngài đối với các tổ phụ của họ, là Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp.

Nhưng hầu như lời hứa nào của Chúa cũng có điều kiện kèm theo. Vì thế, dù lịch sử của Israel đầy dẫy ơn phước nhưng cũng không ít tai hoạ giáng trên họ. Là dòng dõi của Áp-ra-ham về phần xác, dân Isarel đương nhiên được hưởng giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với các tổ phụ họ và chính họ. Nhưng mỗi khi họ phạm tội, phản bội giao ước, thì phải chịu mọi tai hoạ đã được phán trước cho họ rồi (Phục-truyền 28:58–62).

Nhiều tín hữu thời nay tưởng rằng những gì Kinh-thánh đề cập về Israel ngày xưa thì không liên hệ gì tới mình ngày nay; cho nên, họ không dám tin các lời hứa dành cho dân tộc Israel ngày xưa là cũng dành cho chúng ta bây giờ.

Để giúp chúng ta có thể tin và không bị lỡ những ơn phước dành sẵn cho con cái Chúa ngày nay, chúng ta hãy cùng nhau học hiểu ý nghĩa thâm sâu của công tác cứu độ và cứu chuộc, của Đức Chúa Jesus dành cho mọi người tin, liên hệ thế nào với giao ước của Đức Chúa Trời hứa với các tổ phụ của Israel ngày xưa.

Đối với luật Môi-se của Do-thái-giáo, thì tất cả dân ngoại bị gọi là “kẻ không cắt bì”(11), bị xem là không có quyền công dân Israel, xa lạ đối với giao ước của lời hứa, không có hi vọng vào tương lai, không được ở trong chương trình của Đức Chúa Trời (12).

Lý do các dân ngoại, như chúng ta, không được hưởng những ơn phước theo lời hứa của Chúa đối với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, bởi vì không nằm trong giao ước.

Thời xưa, những người muốn theo Do-thái-giáo đều phải thực hiện mọi lễ nghi theo các đòi hỏi của luật pháp Môi-se để được ở trong giao ước. Mà đối với nam giới thì lễ cắt bì là quan trọng nhất.

Có một bức tường ngăn cách giữa dân tộc có lời hứa của giao ước với thế giới của những người không được ở trong giao ước. Bức tường ấy gây nên sự thù nghịch giữa dân Israel với tất cả các dân tộc ngoại bang.

Thế nhưng, dù được ở trong giao ước với Đức Chúa Trời, người Israel vẫn không thể làm hài lòng Ngài qua các lễ nghi và sự tuân giữ luật pháp của họ; bởi vì “không một ai nhờ luật pháp mà được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời cả” (Galati 3:11). Còn chúng ta, những người ngoại bang đối với giao ước cũ, thì cũng không có cách nào để được dự phần ơn phước của những lời hứa trong giao ước đó.

Đức Chúa Trời biết rõ tình trạng tuyệt vọng của vô số người trên thế gian; cho nên, qua sự chết của Đức Chúa Jesus Christ, chẳng những để thực hiện chương trình cứu độ của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, Ngài còn dùng huyết báu của Ngài chuộc chúng ta về cho Đức Chúa Trời, để mọi người tin đều được bước vào giao ước.

Sứ đồ Phao-lô giải thích rõ chân lý nầy như sau: “Trong Đấng Christ Jesus, anh em là người trước kia xa cách, bây giờ đã được gần gũi nhờ huyết của Đấng Christ. Vì Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã kết hợp cả hai nhóm thành một, phá đổ bức tường ngăn cách vốn gây thù địch. Qua thân xác mình, Ngài đã huỷ bỏ luật pháp với các điều răn và quy tắc, để từ hai nhóm, Ngài tạo dựng thành một nhân loại mới trong chính Ngài, như vậy sự bình an được thực hiện” (13–15).

Nhu cầu quan trọng nhất của con người là được hoà thuận lại với Đức Chúa Trời. Bởi vì mọi ơn phước thiên đàng chỉ ban cho những người đã được phục hoà với Đấng Tạo Hoá. Người thuộc về nhân loại cũ thì chưa có bình an.

Vì lý do ấy, nhiều người ở trong đạo mà như không, vì có cách sống thù nghịch với thập tự giá của Đấng Christ (Philip 3:18b). Cho nên, để có bình an vui hưởng các ơn lành của thiên đàng, tín hữu phải ở trong và duy trì địa vị được ở trong Đức Chúa Jesus.

Sở dĩ Đức Chúa Jesus có thể huỷ bỏ luật pháp với các điều răn và quy tắc, vì huyết thánh vô tội của Đấng dựng nên loài người đã hoàn toàn đáp ứng được mọi đòi hỏi khắt khe của luật pháp với các điều răn và luật lệ.

Cho nên, bất cứ ai đã tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời và hiệu quả cứu chuộc của huyết Đấng Christ, thì đều được đem vào trong giao ước phước hạnh Chúa đã hứa với Áp-ra-ham; bởi vì mọi người nào có đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời đều được trở thành con cháu của Áp-ra-ham. Sứ đồ Phao-lô cho biết:

Như Áp-ra-ham ‘tin Đức Chúa Trời và ông được kể là công chính.’ Vậy, anh em hãy nhận biết rằng những ai có đức tin là con cháu của Áp-ra-ham. Kinh thánh đã thấy trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công chính bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham Tin Lành nầy: ‘Mọi dân tộc sẽ nhờ con mà được phước.’ Vì thế, ai tin thì được hưởng phước với Áp-ra-ham là người có lòng tin” (Galati 3:6–9).

Hơn nữa, vì nhờ Đức Chúa Jesus mà chúng ta, những người tin, cùng với con cháu của Áp ra ham theo huyết thống đều có thể đến với Đức Chúa Cha trong một Thánh Linh. Như vậy, anh em không còn là người xa lạ hay là người tạm trú nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh đồ và là thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời; anh em được xây dựng trên nền của các sứ đồ và các nhà tiên tri, mà chính Đấng Christ Jesus là đá góc nhà. Trong Ngài, cả ngôi nhà được kết hợp với nhau và trở thành một đền thờ thánh trong Chúa. (Ê-phê-sô 2:18–21).

Cho nên, mọi phước hạnh tâm linh và vật chất, được hứa cho những người vâng lời Đức Chúa Trời, cũng áp dụng cho tín đồ của Đức Chúa Jesus ngày nay.

Nhưng dù anh chị em có hiểu được nguyên tắc nầy mà nếu không biết cách áp dụng cho chính mình, thì sự hiểu ấy cũng trở thành vô dụng.

Áp dụng điều gì và cách thức áp dụng như thế nào? Nhờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời và ân điển của Đức Chúa Jesus, chúng ta vốn đã bị chết vì những vi phạm và tội lỗi của mình, do cách sống theo thế gian, bị điều khiển bởi thần của đời nầy nên phạm đủ thứ tội để thoả mãn các dục vọng và đam mê của xác thịt theo bản chất tự nhiên, đáng bị Đức Chúa Trời trừng trị;

Nhưng bởi ơn cứu độ của Ngài qua sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus, chúng ta được đồng sống lại với Đấng Christ và đồng ngồi với Ngài trong linh giới (Ê-phê-sô 2:1–6).

Đã được ngồi với Chúa thì phải thay đổi cách nhận thức và quan điểm của mình, không thể tiếp tục giữ nguyên bản chất cũ. Tức là biết mình không thể sống như một cá nhân riêng lẻ, mà là thành viên trong chi thể của một thân thể. Mà mọi ước vọng và nỗ lực của chi thể là làm thế nào để thân thể được ích lợi.

Hễ còn sống trên thế gian thì vẫn còn có những cảm xúc riêng tư và tâm tính cũ của xác thịt; mặc dù vậy, khi chúng ta đã quyết tâm xem Hội-thánh của Chúa là thân thể của mình thì cái nhìn của chúng ta vào những sự việc trong Hội-thánh sẽ khác hẳn cái nhìn của người ngoài. Ta sẽ thấy rõ trong Hội-thánh chung thì ai là thành viên thật của chi thể và ai là tín hữu giả.

Biết chắc địa vị của mình rồi thì cũng hiểu sự mầu nhiệm của Đấng Christ; đó là, nhờ Tin Lành chúng ta được trở nên những người thừa kế, những chi thể của cùng một thân, là những người cùng chia sẻ lời hứa trong Đức Chúa Jesus Christ (Ê-phê-sô 3:6).

Đã được trở nên những người thừa kế cùng chia sẻ lời hứa trong Chúa, thì chúng ta bắt đầu hiểu rằng các ơn phước tâm linh và vật chất dành cho người Israel năm xưa cũng dành sẵn cho mình ngày nay có quyền hưởng.

Sự hiểu biết hoặc tri thức của con cái Chúa về linh giới, về địa vị và quyền lợi của mình thời bây giờ sẽ giúp chúng ta hiểu sâu thêm về những gì Đức Chúa Trời đã và đang dành sẵn cho con cái Ngài. Qua đó, chúng ta bắt đầu tiếp nhận và sử dụng những điều mình đáng được hưởng.

TimBietYChua11.docx
Rev. Dr. CTB