Ngày Hiền Mẫu
1 Samuel 1:1–11, 19–28
Kể chuyện về một người mẹ thành tín thì rất thích hợp cho hôm nay, ngày dành riêng đề cao các bậc hiền mẫu. Một trong các chuyện tích về những người mẹ được chép vào Kinh-thánh, thì chuyện bà Hannah, mẹ của vị thẩm phán tiên tri Samuel là khá nổi bật.
Theo phong tục người vùng Trung Đông, thì đàn bà hiếm muộn, không con, là một nỗi xấu hổ, nhục nhã. Người vùng ấy cho rằng những người đàn bà không con là do bị Trời nguyền rủa và trừng phạt.
Chuyện xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ mười một trước kỷ nguyên Đức Chúa Jesus giáng sinh. Bà Hannah là vợ chính của Elcana; tuy bà bị hiếm muộn nhưng được chồng yêu thương hơn bà vợ thứ nhì là người sinh được nhiều con cho chồng. Vì lý do đó, bà bị địch thủ ganh tị, khiêu khích trêu chọc mỗi khi lên Đền-thờ tại Jerusalem để thờ phượng và dâng tế lễ hàng năm (1–8).
Bà chỉ biết dâng trình nỗi sầu khổ của mình xin Thiên Chúa đoái thương, Đấng có quyền ban cho bà một đứa con trai. Bà lầm thầm hứa nguyện sẽ hiến đứa con ấy cho Đền-thờ, để nó sẽ phục vụ Chúa trọn đời (9–11). Sau khi bà được thầy tế lễ Hê-li chúc phước vì ông thấu hiểu nỗi sầu khổ của bà, thì bà hết buồn.
Một thời gian sau, bà sinh được một con trai như lòng ao ước, nên bà đặt tên là Samuel, nghĩa là Đức Chúa Trời nhậm lời. Đến khi thôi bú, Samuel được mẹ dẫn lên Đền-thờ giao cho thầy tế lễ như lời bà hứa nguyện, dù đó là con trai một của bà (26–28; 2:11).
Mỗi năm, vợ chồng bà lên Jerusalem thờ phượng và thăm con; thầy tế lễ Hê-li lại cầu xin Chúa ban cho bà thêm con khác để thay thế đứa con mà bà đã hiến dâng cho Ngài. Đức Chúa Trời nhậm lời nên bà sinh thêm được ba trai, hai gái (2:18–21). Lòng thành tín của bà được Chúa ban ơn dư dật.
Hiếm có người mẹ nào như bà Hannah. Mặc dù chắc chắn có nhiều người đàn bà khác tin và kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng người có lòng thành tín biết giữ lời hứa như bà Hannah thì không nhiều.
Tuy thời gian Hannah ở gần và dạy dỗ Samuel thì không lâu, mỗi năm lại chỉ gặp con trai mình có vài ngày, nhưng qua tính cách của Samuel từ nhỏ đến khi lớn khôn, người ta có thể thấy được ảnh hưởng của người mẹ trên ông là như thế nào: “Cậu bé Samuel càng lớn lên càng được đẹp lòng Đức Giê-hô-va và mọi người” (2:26).
Có lẽ có người nghĩ rằng vì Samuel lớn lên trong một môi trường trang nghiêm đạo đức của đền thờ thì tánh tình đàng hoàng là phải! Ai nghĩ vậy là lầm to! Bởi vì từ thời còn bé đến khi khôn lớn Samuel phải sống bên cạnh hai ông con quái quỷ Hóp-ni và Phi-nê-a vô cùng gian ác của thầy tế lễ Hê-li (2:17, 22).
Dù Samuel lớn lên trong một khung cảnh có các hành động bỉ ổi của hai người con thầy tế lễ Hê-li và những người đầy tớ của họ, cậu trai trẻ Samuel vẫn không bị ảnh hưởng thói xấu của họ chút nào. Có lẽ mỗi lần mẹ đến thăm thì Samuel có dịp thủ thỉ với mẹ những gì cậu thấy và biết; Hannah thì có dịp khuyên nhủ dạy dỗ con mình.
Trong thời gian đó Samuel phụ giúp các việc lặt vặt ở Đền-thờ dưới sự hướng dẫn của thầy tế lễ Hê-li. Cậu được xếp nằm ngủ gần nơi đặt Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời. “Vào thời ấy, lời của Đức Giê-hô-va rất hiếm và các sự hiện thấy ít khi xảy ra” (3:1).
Bỗng một đêm, Samuel được Chúa đến đứng cạnh giường, gọi và cho biết trước cách Ngài sẽ làm để trừng phạt gia đình Hê-li (3:2–14). Đến sáng, Samuel sợ, không dám thuật lại cho thầy những lời Chúa cho cậu biết, nhưng vì Hê-li hỏi nên cậu kể hết không giấu chút gì (18).
Tính cách của Samuel là điều kiện ông được Chúa ở cùng. Phản ứng của các đứa trẻ bị nghe gọi giữa đêm nhiều lần, chạy đến, lại bị bảo là: “Ta không gọi, hãy ngủ lại đi” thì sẽ bối rối và tức tối tới mức nào! Nhưng ảnh hưởng của mẹ Hannah khiến Samuel trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn biết vâng lời người lớn.
Samuel cũng là một người biết kính sợ Chúa và ngay thẳng nên chuyện tích ghi lại là: “Samuel khôn lớn, Đức Giê-hô-va ở với người: Ngài không để một lời nào của người ra vô ích” (3:19). Rồi Ngài tiếp tục hiện ra và mặc khải cho Samuel.
Trong đời sống của một người kính thờ Đức Chúa Trời, không hạnh phúc nào lớn hơn là được Đấng mình kính thờ hiện ra mặc khải lời Ngài. Trong số những người từng sống trên thế gian mà được hạnh phúc ấy thì chỉ có vài người mà thôi. Hạnh phúc vì biết chắc và thấy Đấng mình tin là Chúa có thật.
Chẳng những được Chúa hiện ra mặc khải, toàn thể Israel đều biết Samuel đã được Chúa lập làm nhà tiên tri, tức là sau nầy sẽ là thẩm phán lãnh đạo và phân xử họ, vì lúc ấy thể chế chính trị của Israel là một dân tộc chưa có vua như các dân tộc lân bang. Mặc dù người lãnh đạo cao nhất của Israel thời đó là thầy tế lễ Hê-li và hai con trai của ông, nhưng người ta nể trọng Samuel hơn, nên lời của Samuel đến với toàn thể Israel (4:1).
Rồi cuộc chiến tranh nổ ra giữa người Israel với quân đội Phillistines; trong lúc hai bên giao chiến, hai con trai của Hê-li là Hóp-ni và Phi-nê-a bị tử trận khi quân Israel bị thua. Rương Giao Ước bị quân Phillistines chiếm đoạt. Thầy tế lễ Hê-li đang ngồi trên ghế vì quá béo mập nên khi nghe tin bại trận và mất Rương Giao Ước, thì ông ngã xuống đất gãy cổ chết. Samuel thay thế ông làm thẩm phán trên Israel.
Với cương vị thẩm phán, Samuel đem được cả dân tộc trở về với Đức Chúa Trời (7:3–6). Khi nghe tin dân Israel tập họp tại Mizpah, quân Phillistines kéo tới đánh. Nhưng Samuel vì nhân dân kêu cầu cùng Đức Chúa Trời, thì Ngài làm sấm sét nổ vang trên đầu quân Phillistines khiến họ bị đánh bại. Trọn đời Samuel, nhờ sự trợ lực của Chúa, dân Phillistines bị khuất phục và trả lại mọi thành mà họ đã chiếm đóng.
Thời gian trôi qua, dân Israel đòi Samuel lập một ông vua cai trị họ, thay vì chế độ thẩm phán mà họ có lâu nay. Đức Chúa Trời nói cho Samuel biết rằng không phải họ khước từ ông mà là từ khước Ngài.
Trong dịp từ giã dân chúng sau khi đã lập một vua cho họ, Samuel nói rằng hôm đó đang là mùa khô, ông sẽ cầu nguyện xin Đức Chúa Trời làm sấm sét và mưa, để họ biết rằng từ chối Chúa mà xin một vua là tội rất lớn. Ngày hôm ấy, Chúa cho sấm sét và mưa, nên toàn dân Israel rất kính sợ Đức Chúa Trời và Samuel (12:16–18).
Tính cách của Samuel chẳng những đã làm cho toàn dân Israel phải kính trọng, mà tính cách ấy còn được sự yêu thương đặc biệt của Đức Chúa Trời từ khi ông còn thơ ấu. Ông là một trong hai người được Đức Chúa Trời tôn trọng hơn những thánh đồ khác của Ngài, vì lúc còn sống trên thế gian, Môi se và Samuel luôn thay mặt dân nài xin sự thương xót và tha thứ của Chúa và được Ngài nhậm lời. Samuel đã trở thành một tiên tri vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Israel.
Tất cả các ưu điểm của Samuel và mọi ơn phước ông nhận được sau nầy đều bắt đầu từ tư cách của người hiền mẫu Hannah. Bà là người biết kính sợ Đấng Tối Cao; bà là người thành tín giữ trọn lời hứa; bà biết yêu thương dạy dỗ con, và biết rằng giao phó con vào tay Đức Chúa Trời dạy dỗ thì hữu ích hơn sự dưỡng dục của người trần gian. Kết quả là người con của bà trở thành một nhân vật vĩ đại của lịch sử Israel và được hưởng mọi phước lành từ Đức Chúa Trời.
Nhân ngày hiền mẫu hôm nay, nhắc lại chuyện tích Hannah và Samuel để khuyến khích các bà mẹ về tâm hồn cao đẹp của một người mẹ biết kính sợ Đức Chúa Trời. Ngoại trừ các bà chằn hoàn toàn hư hỏng, thì chẳng người làm mẹ nào không muốn con mình trở nên người ích lợi cho xã hội.
Riêng các bà làm mẹ là con cái Chúa thì chẳng những phải mong ước cho con mình thành công trong đời sống, mà còn phải mong cho chúng được Chúa ban ơn và ban phước nữa.
Vì con cái thường phản ảnh tính cách của cha mẹ; cho nên, các bà mẹ cần phải noi gương các thánh nữ xưa để nuôi dạy con cái mình theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Hãy quyết tâm dạy bảo con cái để chúng có thể trở thành những Samuel, Sarah và Deborah cho Hội-thánh.
Mother’sDay17.docx
Rev. Dr. CTB