Cách Sống Yêu Thương

Những Điều Cần Biết, bài 14

Mác 12:28–34

Những lời dạy của Đức Chúa Jesus cho loài người về luật pháp hoặc những điều kiện đòi hỏi của thiên đàng luôn luôn đúng và chính xác, vì Ngài là tư tưởng của Đức Chúa Trời đến thế gian để bày tỏ cho nhân loại biết về Đức Chúa Trời.

Người ta có khuynh hướng tin rằng những điều họ nghe dạy từ tôn giáo của họ thì không bao giờ sai, nhất là những người chú trọng về giáo luật; vì thế, ông thầy thông giáo của Do-thái-giáo muốn thử sự hiểu biết của Đức Chúa Jesus về mười điều răn.

Ông ta không ngờ câu trả lời của Đức Chúa Jesus chẳng những hoàn toàn đúng mà còn đề cao giá trị vĩnh cửu của lòng kính mến Đấng Tối Cao và tình yêu vị tha, là phương diện đầy thiếu sót của lớp người thông thạo giáo luật Do-thái-giáo; họ chưa hiểu cách sống phù hợp với thiên đàng.

Không ai có thể đạt tới thiên mệnh của mình nếu không biết gì về những nguyên tắc đem tới sự sống của thiên đàng. Bất cứ người nào muốn thật sự xây dựng tương lai thiên mệnh của mình thì phải học và hiểu biết về cách sống yêu thương mà Chúa đã dạy và đã thực hiện.

Trong câu trả lời của Đức Chúa Jesus có chứa đựng ba lãnh vực yêu thương. Trước hết là kính mến Đức Chúa Trời. Sự kính mến Đức Chúa Trời đòi hỏi một tình yêu thương vượt hơn mức bình thường, bởi vì Ngài là Đấng người ta không thấy bằng mắt được.

Hơn nữa, người ta thường sợ hãi Chúa thay vì yêu mến Chúa. Có thể trong cách hành xử bề ngoài, không ai tỏ ra mình có ý coi thường hay bất mãn Đức Chúa Trời cả; nhưng thẳm sâu trong lòng, hoặc trong chỗ riêng tư, có người trách móc và quy trách nhiệm cho Chúa về những điều bất hạnh trên thế giới làm họ tức giận.

Cũng có thể nhiều tín hữu không dám trách móc Chúa, nhưng vẫn thường bị vấn vương thắc mắc rằng, tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép quá nhiều chuyện đau lòng xảy ra trên thế giới như vậy? Tại sao Ngài không can thiệp hay bênh vực các nạn nhân bị lũ gian ác hãm hại?

Nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ thì sẽ thấy tình yêu thương bao la của Đức Chúa Trời, Đấng có toàn quyền bắt buộc mọi tạo vật trong cõi thiên nhiên hay linh giới phải vâng theo ý muốn tốt lành của Ngài cho thế gian, nhưng Ngài bày tỏ tình yêu bằng cách cho phép loài người có quyền chấp nhận hay từ khước tình yêu ấy. Vì bản chất của tình yêu là không có sự ép buộc.

Chính vì loài người có thể chọn lựa sự chấp nhận hay từ khước, nên có rất nhiều kẻ chọn làm điều ác và hãm hại người hiền lương. Thảm cảnh xảy ra khi người ta chọn cái ác thay vì tình yêu thương.

Nếu tín hữu hiểu mỹ đức yêu thương của Đức Chúa Trời, thì sẽ không nghi ngờ gì về động lực thúc đẩy Ngài thực hiện chương trình chi đó trên đời sống họ.

Việc thường xảy ra nhất là sau một thời gian hoạn nạn khổ đau, những người yêu mến Chúa mới nhận ra đó là chương trình Đức Chúa Trời đã đưa họ vào vì ích lợi của họ trong tương lai, mà sau nầy họ mới biết; lời Kinh thánh trình bày rất chính xác:

“…Đức Chúa Trời là tình yêu thương …. 10 Tình yêu thương ở trong điều nầy:….Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con Ngài làm tế lễ chuộc tội chúng ta” (1Giăng 4:8, 10).

Đối với một tình yêu thương vĩ đại như thế, rồi vì ích lợi của ta, Ngài rèn luyện các đức tính của ta bằng vài hoạn nạn tạm thời, thì Đức Chúa Trời đáng được biết ơn và kính mến biết bao.

Lãnh vực yêu thương quan trọng thứ nhì là yêu người lân cận. Người lân cận không có nghĩa chỉ là những người láng giềng, hàng xóm, mà là mọi người mình gặp, quen hay không quen.

Bày tỏ tình yêu thương, lòng sẵn sàng giúp đỡ, nhường cho chiếc xe bên cạnh đang cần đổi lane hoặc đã chờ quá lâu ở đường nhánh, đó là những người lân cận của chúng ta.

Đức Chúa Jesus đã thuật câu chuyện người Samari nhân lành để định nghĩa chữ ‘người lân cận’ (Luca 10:25–37). Nạn nhân bị cướp là một người hoàn toàn xa lạ đối với người Samari. Nhưng người Samari nhân lành sẵn lòng cứu giúp và cưu mang nạn nhân, chỉ vì ông xem tất cả đồng loại là người lân cận của ông.

Vậy thì, yêu thương người lân cận đòi hỏi chúng ta phải có lòng tử tế, nhẫn nại và hiểu biết. Nếu mọi người đều biết yêu thương người khác, thì sẽ ít có trường hợp hung bạo gây ra thảm cảnh.

Hãy nói về những người lân cận gần gũi nhất là anh chị em tín hữu với nhau trong Hội-thánh địa phương. Trong cuộc trò chuyện từ giã vào đêm Đức Chúa Jesus chịu bị bắt, bị xử án rồi hành hình, Ngài truyền cho các môn đồ một điều răn về yêu thương:

Ta ban cho các con một điều răn mới ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta” (Giăng 13:34–35).

Lời dặn dò nầy nói về tính chất đặc biệt mà ai muốn làm môn đồ thật của Đức Chúa Jesus thì phải quyết tâm rèn luyện trang bị tâm tính mình thứ tình yêu thương chân thành đối với anh chị em trong Chúa.

Tình yêu nầy khác hẳn lòng tự ái về đạo giáo. Người ta sẵn sàng sửng cồ và bạo động khi tôn giáo họ bị xúc phạm, nhưng rất hờ hững với đồng đạo bị hoạn nạn. Bởi vì sự cuồng nhiệt đạo giáo thường bắt nguồn từ tính tự tôn, tự ái về tôn giáo.

Nhưng tình yêu thương mà con dân Chúa phải dùng để đối xử với nhau là tình yêu hi sinh vì lợi ích và số phận vĩnh cửu của anh chị em mình trong Chúa, đồng thời cũng là tình yêu không vị lợi đối với người đang bị ma quỷ lừa gạt đi vào các lối hư vong. Chúng ta chỉ có thể yêu thương người khác khi đã có một tâm linh thật lòng yêu mến kính sợ Đức Chúa Trời.

Phương châm giúp cho người Mỹ xây dựng nước Hoa Kỳ hùng cường và được Chúa ban phước là áp dụng điều răn yêu thương của Chúa giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ người khác. Nước Mỹ luôn đi đầu trong việc đóng góp nhân đạo viện trợ cho các nước nghèo.

Những người xuất thân từ các xã hội nghèo đói, dối trá, tham lam không biết các nguyên tắc yêu thương Cơ-đốc, họ nhận thấy có thể lợi dụng lòng tốt của các Cơ-đốc-nhân Mỹ dễ quá, nên cho rằng người Mỹ quá khờ khạo!

Lãnh vực yêu thương thứ ba là yêu chính mình sao cho phù hợp với tiêu chuẩn và nguyên tắc thiên đàng. Chắc có người thầm nghĩ rằng nói về sự yêu thương chính mình là quá thừa thãi, vì chẳng người nào không yêu bản thân của họ.

Định nghĩa về sự yêu thương chính mình không đồng nghĩa với sự ích kỷ hay tự ái. Ý nghĩa thật của lòng yêu thương chính mình theo nguyên tắc thiên đàng là cư xử để mình không bị khinh bỉ và Đức Chúa Trời không bị xúc phạm.

Vì người vô liêm sỉ hay kẻ quá kiêu căng làm cho chính họ bị người khác khinh bỉ. Người có tính vô liêm sỉ không biết đó là nhục nhã. Người như thế cũng không thấy có gì sai khi phơi bày tính tham lam, ích kỷ.

Lòng yêu thương chính mình chân thật chỉ có trong người biết yêu kính Chúa và yêu thương người quanh mình. Người có ý thức về tính tự trọng sẽ tự chế, có liêm sỉ, hoà nhã, nhường nhịn, khiêm tốn, tử tế, vv. Người như thế đều được mọi người chung quanh tôn trọng và kính nể.

Trong lãnh vực tâm linh, một số điều tuy không được xếp chung cùng hạng loại, nhưng có tỉ lệ thuận với nhau.

Mức tự trọng và khiêm nhường trong tín hữu tỉ lệ thuận với mức độ hiện diện và ơn lành của Đức Chúa Trời ở trong người đó; vì càng có sự hiện diện của Chúa trong lòng nhiều chừng nào, thì càng khiêm nhường và cẩn trọng hơn nữa để không làm bất cứ điều gì khiến Chúa bị nói phạm. Điều nầy không có nghĩa chúng ta phải hạ mình tới mức xem mình không ra gì.

Tại điểm nầy, chúng ta mới biết rõ rằng Đức Thánh Linh chẳng thể cư ngụ trong lòng những người vô liêm sỉ, hèn mạt và đầy tính ích kỷ.

Một thực tế nữa giúp con cái thật của Chúa nhận diện được những tín hữu giả hiệu: Người nào chưa nhận được tình yêu của Đức Chúa Jesus vào lòng, thì chẳng thể nào có tình yêu thiên đàng để yêu thương người lân cận như chính họ. Vì người ta không thể ban tặng cho người khác điều mà mình không có.

Nói tóm lại, ba lãnh vực yêu thương mà con cái Chúa phải thực hiện sẽ định hình cách sống yêu thương của chúng ta. Mà sự yêu mến kính sợ Đức Chúa Trời đứng hàng đầu. Bởi vì lòng yêu mến và kính sợ Chúa trong một người sẽ hun đúc tâm tính người đó biết yêu thương người khác cách chân thành.

Lòng kính mến Chúa cũng giúp tín hữu biết yêu thương chính mình qua lòng tự trọng, rộng rãi, tử tế, hiền lành, và nhân đạo. Qua việc thể hiện các đức tính ấy, người thế gian sẽ nhận ra các đặc trưng của con cái Đức Chúa Trời. Vì thế, hãy tập tành cách sống yêu thương.

NhungDieuCanBiet14.docx
Rev. Dr. CTB