Lễ Giáng Sinh
Luca 2:8-14
Hỏi: Tại sao Hội thánh kỷ niệm lễ Giáng Sinh linh đình và trọng thể hơn các lễ khác trong năm?
Đáp: Gần năm mươi năm trước, phi hành gia Mỹ Amstrong bước đi trên mặt trăng khiến cả thế giới chấn động, vì là một biến cố chưa từng có trong lịch sử. Hơn 2000 năm trước, Đấng Chúa Tể vũ trụ giáng sinh và sống trên mặt địa cầu hơn 33 năm; sự kiện vinh dự đó chẳng đáng cho thế gian kỷ niệm trọng thể và linh đình hơn sao? Vì thế gian chỉ được vinh dự ấy một lần thôi.
Hỏi: Thời nay người ta cho rằng mọi chuyện cổ tích truyền khẩu về những sự kiện tôn giáo hàng ngàn năm trước đều là huyền thoại, không có thật. Vậy, mục sư lấy gì để chứng minh chuyện Đức Chúa Jesus giáng sinh đã thật xảy ra, không phải là huyền thoại?
Đáp: Những chuyện tích về sinh nhật của những vị mà người đời suy tôn là đấng cứu nhân độ thế, giáo chủ tôn giáo, vv., có nhiều chi tiết mâu thuẫn, hoang đường; chuyện tích Đức Chúa Jesus vào đời thì khác xa. Ngài được sinh ra giống như mọi bé sơ sinh yếu ớt khác của nhân loại, rất thực tế và gần gũi với người bình thường. Điểm thứ nhất rất thật là Đức Chúa Jesus giáng sinh ở một nơi rất khiêm nhường trong hoàn cảnh khó khăn, không phải chốn hoàng cung cao sang mỹ miều.
Tính hoang đường của các chuyện cổ tích là thần thánh sinh ra thì có hào quang, đã bị sự thật thứ nhì đánh tan, vì Thần nhân Jesus không đem theo hào quang gì cả. Rồi chuyện các mục tử giữa đêm khuya vội vàng tìm thăm Chúa Cứu Thế càng cho thấy việc thiên sứ hiện ra báo tin mừng cho họ là có thật. Bởi vì họ chẳng khi nào bỏ nhiệm vụ đi xem một bé sơ sinh bình thường xa lạ.
Sự thật thứ ba là các nhà thông thái bên Đông phương thấy vì sao lạ biết có vị đế vương lừng lẫy ra đời nên tìm đến thăm và tặng quà quý. Việc họ vào kinh đô Jerusalem để hỏi thăm khiến vua Herod lo sợ truyền lệnh giết tất cả bé trai từ hai tuổi trở xuống ở Bethlehem là một chuyện đã thật xảy ra, xác nhận biến cố Đức Chúa Jesus giáng sinh là có thật. Cuối cùng, Tây lịch mà hiện nay cả thế giới sử dụng lấy năm Chúa giáng sinh làm mốc thời gian chia đôi dòng lịch sử, gọi là trước và sau công nguyên, dù tính sai hết ba năm, là một bằng chứng nữa.
Hỏi: Nếu nói Đức Chúa Jesus là Đấng xuống từ trời, thì Ngài là Đấng nào ở trên trời?
Đáp: Lời giải đáp phải căn cứ vào sự tiết lộ của Đấng đến từ trời; bởi vì lời nói của ai chưa từng ở trên trời, chưa thấy cõi trời đều không có gì đáng tin. Đức Chúa Jesus cho biết Ngài chính là Đấng Hằng Hữu, tức là Thiên Chúa, (Giăng 8:28) “Khi các ngươi treo Con Người lên, lúc ấy các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đấng Hằng Hữu.” Chúa Hằng Hữu là danh hiệu riêng của Đức Chúa Trời.
Hỏi: Lấy bằng cớ nào để chứng minh Đức Chúa Jesus thật là Chúa Hằng Hữu từ trời xuống trần gian làm người, chứ không phải là một anh chàng khoác lác?
Đáp: Hãy xem Đức Chúa Jesus trả lời câu hỏi của Giăng Baptist đang ở trong tù sai môn đồ tới hỏi Ngài: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi đấng khác? Đức Chúa Jesus đáp: ‘Hãy về thuật lại cho Giăng những gì các ngươi nghe và thấy: Người mù được sáng, người què được đi, người phung hủi được sạch, người điếc được nghe, người chết được sống lại, và người nghèo được nghe Tin Lành.’ (Mathiơ 11:3-5). Người khoác lác không làm được một phép lạ nào hết; vô số người thời ấy chứng kiến muôn ngàn phép lạ Chúa đã thực hiện, đó là dấu hiệu của Người vốn là Đấng Hằng Hữu đầy quyền năng đến từ cõi trên mới thi thố được.
Hỏi: Tại sao Đấng Hằng Hữu xuống trần gian không lấy hình ảnh thần linh vinh quang cho người ta dễ tin, mà làm một người bình thường để bị chê bai nghi ngờ; Ngài làm như vậy nhằm mục đích gì?
Đáp: Nếu Chúa giữ địa vị Thần Tối Cao vinh quang ở trần gian, thì không thể chết thay cho ai được, vì người không thể giết được thần linh. Kinh thánh công bố sự thật đau đớn ở cõi trần là “mọi người đều phạm tội, hụt mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rôma 3:23). Tức là không ai trong nhân loại đủ tư cách vào thiên đàng hết. Tất cả đều sẽ bị hình phạt vì tội mình đã phạm. Đức Chúa Jesus cho biết sở dĩ Ngài phải giáng sinh là: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Nghĩa là Đấng Tạo Hoá phải làm một người thật, sống cuộc đời thánh khiết và không bị cám dỗ bởi tội lỗi, để Ngài đủ điều kiện chịu hình phạt án chết thay thế cho cả nhân loại cần được giải thoát.
Hỏi: Loài người trên địa cầu được sống tự do, không nô lệ ai; lý do nào mà họ cần được giải thoát?
Đáp: Mọi người đều làm nô lệ cho tội lỗi; Kinh thánh cho biết linh hồn phạm tội sẽ bị trừng phạt vĩnh viễn trong hoả ngục, như Kinh thánh chép “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết“ (Rôma 6:23). Cho nên mọi người đều cần phải được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự trừng phạt kinh khiếp ấy.
Hỏi: Nếu Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương có quyền tha tội, Ngài chỉ cần tha tội cho mọi người là đủ. Tại sao Ngài phải mang phận người làm chi cho khổ sở rồi mất công chịu cái chết đầy đau đớn?
Đáp: Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hoá, là Đấng hoàn toàn công chính, công nghĩa và công bằng. Ngài không đối xử hay đoán xét người lành với người ác giống nhau. Có thưởng thì phải có phạt. Cõi loài người chúng ta còn phải lập luật pháp để có sự công bằng cho mọi người, thì Đấng Tạo Hoá có luật pháp vô cùng công minh của Ngài. Mọi hành vi ác độc và tội lỗi đều phải bị hình phạt, cũng như mọi việc lành sẽ được thưởng vậy. Nhưng trong nhân loại chẳng ai vô tội hết, cho nên đều sẽ bị phạt tuỳ theo việc họ làm lúc còn sống ở trần gian. Đức Chúa Trời yêu thương không nỡ nhìn mọi người đều bị hư vong, nên Ngài vui lòng giáng trần làm người, sống bần hàn và vô tội, để chết thay thế cho ai bằng lòng tiếp nhận món quà yêu thương ấy.
Hỏi: Những người cố gắng tu thân tích đức, làm lành lánh dữ, có được thưởng hay không?
Đáp: Tu thân sửa mình là ý định rất tốt; nhưng tu có thành công để được thưởng hay không lại là chuyện khác. Xưa nay chưa ai thành công hết. Vì nếu có người tu tập thành công thì đã có thể chỉ dẫn nhiều người khác được thành công như mình. Thực tế khắc nghiệt về sự tu hành là phải tự mò mẫm tìm đường, mà đời sống ở trần gian thì quá ngắn ngủi, hàng tỉ người còn sống tìm không ra, lúc chết rồi làm sao tìm ra? Kinh thánh chép: “Chúa sẽ báo ứng cho mỗi người tuỳ theo công việc họ làm. Ai kiên tâm làm lành, tìm kiếm vinh quang, tôn trọng và bất tử thì Ngài ban cho sự sống đời đời. Còn ai ích kỷ, không vâng phục chân lý, mà vâng phục sự bất chính thì chuốc lấy sự giận dữ và cơn thịnh nộ. Hoạn nạn và khốn khổ sẽ giáng xuống cho mọi người làm ác” (Rôma 2:6-9).
Hỏi: Người ta luôn tin rằng đức tin là bí quyết đạt được điều họ mong muốn. Miễn là có lòng tin chắc vào thần thánh họ tin là có thật, hoặc tin lý thuyết hay điều lành nào họ mong muốn và nghĩ là đúng, thì vị thần thánh đó có thật và đức tin sẽ khiến điều đó được thành. Mục sư trả lời ra sao?
Đáp: Có một khoảng cách rất bao la chen giữa sự thật với lòng tin vào những điều hay các vị thần không có thật. Nghĩa là vấn đề hoặc Đấng mình tin đó có thật hay không. Điều gì không có thật thì có tin cách mấy cũng vô ích, vì lòng tin không thể biến điều không có thành sự thật được. Ngược lại, điều chi có thật thì dù vô số người không tin cũng chẳng thể làm nó tan biến; ví dụ, có người không tin người Mỹ đã lên mặt trăng, thì sự không tin đó chẳng thể khiến việc ấy đã không xảy ra; hoặc vô số người trước đây không tin các lời tiên tri nói rằng nước Do-thái sẽ được phục hồi, thì sự không tin đó chẳng thể xoá bỏ sự kiện Israel đã tái lập quốc gia của họ. Vô số người vì tin chủ nghĩa cộng sản sẽ đem đến công bằng xã hội, đã vỡ mộng trước sự thật não nề. Tượng thần bằng đất nung dù được hàng triệu người thờ kính, nhưng bị đập vẫn bể, vì sự thật là nó không có quyền phép gì hết.
Hỏi: Có phải chỉ cần tin theo đạo, được giáo hội làm phép rửa tội thì sẽ lên thiên đàng không?
Đáp: Điều kiện để được vào thiên đàng do Đức Chúa Trời ấn định và ghi chép rõ trong Kinh thánh. Đức Chúa Jesus tiết lộ: “Thật, Ta nói thật với ngươi, nếu một người không được sinh lại thì không thể thấy Vương quốc Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3). Vậy, điều kiện để vào thiên đàng là phải được sinh lại. Nghi lễ rửa tội của giáo hội không làm được điều đó; bởi vì sự được sinh lại chỉ có thể xảy ra khi người ta ăn năn tội lỗi, tiếp nhận ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus đã thực hiện qua sự chết thay thế của Ngài trên thập tự giá để được tha tội trước đã, rồi sự tái sinh mới đến sau bởi quyền năng của Đức Thánh Linh tạo nên trong ta một tâm linh mới, vì vậy mới gọi là sự tái sinh. Giống như trẻ sơ sinh cần phải ăn sữa và thức ăn lỏng, dễ tiêu, về sau mới có khả năng ăn thức ăn đặc; thì người mới được tái sinh cũng phải học các giáo lý sơ đẳng, dễ hiểu trước khi có thể hiểu điều khó hơn. Tiến trình đó gọi là thánh hoá bề trong thì mới đủ điều kiện lên thiên đàng. Phép báp têm hay rửa tội chỉ là nghi thức bề ngoài. Nó chỉ có giá trị khi nó phản ảnh được sự biến đổi thật ở trong lòng.
Hỏi: Nếu hôm nay một số vị khách đang có mặt ở đây còn thắc mắc và muốn hỏi thêm nhiều điều về lễ giáng sinh, hoặc muốn biết làm sao để được cứu độ thì mục sư có thể giúp như thế nào?
Đáp: Những vị nào có thắc mắc cần hỏi thêm thì xin điền vào các phiếu in sẵn rồi đem bỏ vào hộp. Trong giờ ăn tiệc, chúng tôi sẽ gặp riêng các vị ấy để giải đáp những điều còn thắc mắc và chỉ dẫn tường tận. Cảm ơn quý khách đã kiên nhẫn lắng nghe cuộc đối thoại nầy.
Hội Thánh Khởi Đầu Mới, Houston, Texas