Thế Nào Là Theo Chúa?

Tín Đồ Của Chúa, bài 07

Mác 10:17-31

Tâm lý của người ta khi tin một tôn giáo hay giữ đạo thì đều nhắm tới một hay nhiều mục đích nào đó. Được phước, lợi lộc hay được khỏe mạnh bình an là các mục tiêu người ta nhắm tới khi họ sẵn sàng chịu tốn kém để cúng thờ thần thánh; nếu biết sẽ không được gì hết thì chẳng ai cúng kiến hay thờ phụng gì cả.

Người thanh niên giàu có không biết áp dụng bí quyết nào để hưởng sự sống đời đời; vì anh ta đã giữ trọn mọi điều răn đạo đức từ lúc còn niên thiếu. Đức Chúa Jesus cho anh ta biết anh còn thiếu một điều: Đó là lòng nhân ái đối với đồng bào của anh đang bị thiếu thốn. Anh ta chỉ có thể đi theo làm môn đồ của Đức Chúa Jesus sau khi đã bán hết gia tài và phân phát cho người nghèo.

Thanh niên ấy buồn bã bỏ đi vì không có khả năng từ bỏ quá nhiều của cải mà mình đang có (17-22). Nhân cơ hội đó, Đức Chúa Jesus nói cho các môn đồ biết một sự thật não nề là: Người giàu muốn vào vương quốc thiên đàng thì khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim (24-25).

Phierơ, người môn đồ lớn tuổi nhất, hỏi rằng “chúng con đã từ bỏ tất cả mà theo thầy” thì ý của ông là họ sẽ được gì? (28).

Đức Chúa Jesus đáp: “Thật, Ta bảo các con, không một ai vì Ta và Tin Lành từ bỏ nhà cửa, anh em,chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà bây giờ, ngay trong đời nầy, lại không nhận gấp trăm lần hơn về nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con cái, đất ruộng, cùng với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau” (29-30).

Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Jesus giáng trần để bày tỏ sự thật về Đức Chúa Trời cho người ta biết và thấy (Hê-bơ-rơ 1:1-3).

Chúng ta tin Chúa hay theo đạo có lẽ là vì nhiều mục đích khác nhau. Người muốn được giải thoát khỏi tội lỗi, người muốn được biến đổi trở nên thánh khiết; người khác thì mong được bình an, lợi lộc của cải, hạnh phúc, các lợi thế trong xã hội, hoặc có người tìm kiếm danh vọng nào đó, vv.

Nhưng các ước muốn ấy không phù hợp với tinh tuý của Cơ-đốc-giáo; vì theo Chúa và từ bỏ mọi điều, thì ngoài Chúa ra, không nhằm lợi ích nào khác.

Một số người hăng hái nồng nhiệt với đạo để mong được Đức Chúa Trời ban cho ơn lành hay quà tặng nào đó, không phải là được chính Ngài.

Có nhiều người theo Chúa để mong được Ngài tẩy rửa cho thanh khiết và được đầy dẫy Đức Thánh Linh; muốn được Chúa sử dụng một cách mạnh mẽ và quyền năng để có thể hãnh diện nói: “Hãy xem nè, Chúa đã biến đổi và thực hiện điều nầy, điều nọ cho tôi!

Nếu ai trong chúng ta theo Chúa và từ bỏ những điều mình đang có để mong được Ngài ban phát ơn phước gì đó trả lại, thì sự từ bỏ của người đó không phải do Đức Thánh Linh thúc giục.

Được lên thiên đàng, được giải thoát khỏi tội lỗi, được Chúa đại dụng, vv., nếu đó là những ước muốn của chúng ta, thì sự từ bỏ những thứ mình có, chẳng phải là muốn được Chúa, mà chỉ muốn được ơn đặc biệt.

Khi chúng ta chạm phải các rào cản của những liên hệ ràng buộc tự nhiên, thì hầu hết chúng ta sẽ trốn tránh Đức Chúa Jesus.

Lạy Chúa, con muốn đáp tiếng kêu gọi của Ngài, nhưng con phải làm vừa ý chồng (vợ) con, đứa con yêu quý của con cần thứ nầy, món nọ, con có chương trình cho con cái của con, bổn phận của con đối với gia đình, họ hàng; vì vậy con không thể tiến xa hơn nữa Chúa ơi!

Đức Chúa Jesus bày tỏ ý kiến của Ngài về việc đó rằng: “Ai yêu cha hoặc mẹ hơn Ta thì không xứng đáng với Ta; ai yêu con trai hoặc con gái hơn Ta cũng không xứng đáng với Ta. Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta thì chẳng xứng đáng với Ta. Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai vì Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được” (Mathiơ 10:37-39).

Thế thì, thái độ của ta đối với rào cản của tình cảm tự nhiên như thế nào, đó là thước đo lòng ta đối với Chúa.

Chúng ta hãy xem xét Đức Chúa Jesus hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Cha như thế nào, khi Ngài sống trên đất. Ngài phán: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, con không thể tự mình làm điều gì, nhưng chỉ làm điều con thấy Cha làm; vì bất cứ điều gì Cha làm, Con cũng làm như vậy” (Giăng 5:19).

Chẳng những Ngài hành động theo ý của Đức Chúa Cha mà còn làm đúng theo cách Cha làm. Lúc Satan đến cám dỗ Đức Chúa Jesus vì hắn biết Con Người Jesus đang đói bụng, tức là Ngài phải đối diện với nan đề ăn uống của thân thể loài người. Satan dụ dỗ Đức Chúa Jesus dùng quyền phép của Đức Chúa Trời hoá đá thành bánh để ăn (Luca 4:3), tức là hành động theo ý riêng.

Nhưng Đức Chúa Jesus luôn luôn trao phó mọi sự suy nghĩ của Ngài cho Đức Chúa Cha: “Có lời chép: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời” (Mathiơ 4:4).

Kể cả trong sự phán xét, Đức Chúa Jesus cũng làm theo những gì Ngài nghe: “Ta không thể tự mình làm điều gì; Ta phán xét theo điều Ta nghe, và sự phán xét của Ta là công minh, vì Ta không tìm ý riêng mình, nhưng tìm ý của Đấng đã sai Ta” (Giăng 5:30).

Để có thể hiểu sự phán xét của Đức Chúa Jesus phản ảnh ý muốn của Đức Chúa Cha như thế nào, chúng ta hãy xem thái độ của Ngài đối với những người đàn bà có đời sống bê bối bị xã hội lên án, hoặc người bị bắt quả tang đang phạm tội.

Chuyện đầu tiên là người đàn bà tội lỗi đến đứng khóc nơi chân Chúa (Luca 7:36-50). Bà lấy bộ tóc dài của mình, tức là vinh quang của người đàn bà, mà lau hai bàn chân của Ngài, hôn chân Ngài và xức dầu thơm cho (Luca 7:38).

Câu ấy mô tả ngắn gọn hành động của người đàn bà bị người ta khinh rẻ vì có đời sống tội lỗi, nhưng bà nầy diễn đạt lòng tan nát vì ăn năn tội lỗi của bà trước Đấng Thánh; bà hi vọng vì có lẽ từng nghe Ngài rao giảng về sự thương xót.

Có lẽ người đàn bà ấy không cố ý để nước mắt mình thấm ướt bàn chân của Đức Chúa Jesus mà chỉ là vô tình. Đức Chúa Jesus nói với bà: “Tội lỗi con đã được tha. …Đức tin của con đã cứu con; hãy đi bình an” (Luca 7:48, 50).

Đức Chúa Jesus đã nói ra lời của Cha trên trời đối với lòng ăn năn đau đớn của người đàn bà thấy rõ tội lỗi của mình trước Đấng Thánh. Bà cố ý phạm tội, hay xã hội đẩy bà làm gái giang hồ? Bây giờ không ai biết; nhưng Đức Chúa Trời thì thấy rõ lòng bà được thúc đẩy bởi động lực ăn năn đau đớn cho thân phận tuyệt vọng của mình;

Vì vậy Đức Chúa Jesus nói: “… tội lỗi của người đàn bà nầy nhiều lắm, nhưng đã được tha hết” (47). Trước đó thì người chủ nhà phán xét và rất khinh bỉ phụ nữ đầy tội lỗi ấy, nhưng Đức Chúa Jesus không phán xét theo lẽ thường của người đời, Ngài phán xét theo ý của Đức Chúa Cha.

Một dịp khác, người ta dẫn đến cho Đức Chúa Jesus một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, để thử xem Ngài sẽ đối xử như thế nào (Giăng 8:2-11). Theo luật thì người nầy phải bị xử tử bằng hình thức ném đá.

Sau khi nghe Chúa nói: “Ai trong các ngươi là người không có tội, hãy lấy đá ném vào chị ấy trước đi” (7), thì những người chung quanh lần lượt đi ra hết chẳng còn ai ở đó.

Đức Chúa Jesus ngước lên hỏi: “Nầy chị kia, họ đâu cả rồi, không ai kết án chị sao? ……. Ta cũng không kết án chị đâu; hãy đi, đừng phạm tội nữa” (10-11).

Trong chuyện nầy, không phải Đức Chúa Jesus xem tội ngoại tình là nhẹ, không đáng bị hình phạt; nhưng Ngài làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha là tha thứ cho lòng ăn năn lầm lỗi của người đàn bà lòng đang chết điếng vì thấy cái chết của án tử hình đang đến trước mặt, không có hi vọng gì được sống.

Đức Chúa Jesus đã tiết lộ với ông Ni-cô-đem: “Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu” (Giăng 3:17); vì thế, Ngài luôn vâng phục ý định của Đức Chúa Cha là rao truyền tin mừng về ân sủng thiên đàng cho người trần gian.

Học tập gương của Đức Chúa Jesus, anh chị em hãy từ bỏ bản tính ương ngạnh của loài người, mà xem xét động lực nào thúc đẩy mình theo đạo; động lực nào điều khiển quyết định về cuộc sống đạo của mình. Tại sao chúng ta theo Chúa? Theo Chúa để được ơn phước hay để nối lại mối tương giao thân mật với Cha trên trời, mà tổ phụ loài người đã cắt đứt?

Đức Chúa Jesus đã đến thế gian để bày tỏ cho loài người biết Đức Chúa Trời ra sao, như thế nào. Sau khi đã hiểu biết về Chúa, đức nhân từ và tình yêu của Ngài, cũng như Tin Mừng mà Ngài ban xuống thế gian qua Đức Chúa Jesus, người thật lòng tin và yêu mến Chúa sẽ không còn theo Chúa kiểu bon chen tìm kiếm ơn phước và lợi lộc vật chất, hay xin xỏ các ân tứ đặc biệt, mà sẽ bắt chước nói như David:

Khi Chúa phán: ‘Các con hãy tìm kiếm mặt Ta’ thì lòng con thưa với Chúa rằng: ‘Đức Giê-hô-va ôi, con sẽ tìm kiếm mặt Ngài” (Thi-thiên 27:8).

TinDoCuaChua07.docx

Rev. Dr. CTB