Tri Thức Dẫn Tới Thành Công

Thử Nghiệm Đức Tin, bài 10

2Côrinhtô 4:1–7

Bước sang năm mới, những ai muốn thăng tiến đều nhắm các mục tiêu mới, bỏ bớt những gánh nặng cũ không đem lại ích lợi gì. Con cái thật của Chúa cũng vậy; những ai thật lòng tin và muốn làm vui lòng Chúa đều xem xét lại những gì mình chưa làm được, mục tiêu nào vẫn còn dang dở hoặc thiếu sót, mình sẽ làm gì trong năm mới? vv.

Các Hội thánh yêu mến Chúa và tìm kiếm ý muốn của Ngài cho Hội thánh nhà và cho mọi thành viên thì luôn luôn xem xét thành tích hoạt động truyền giáo đã đạt được những gì và đời sống đức tin của con cái Chúa ra sao.

Khi nhắc tới các mục tiêu nầy, chúng ta cần nhớ rõ rằng chúng ta đang sống giữa hai thế giới, vừa vật chất ở cõi trần, vừa linh giới thuộc cõi vô hình. Tức là cõi thấy được với cõi không thấy được bằng mắt. Hiểu được điều đó, chúng ta cần nhớ một thực tế khắc nghiệt:

Truyền giáo là chiến tranh giành giật các linh hồn của những người đang bị hư mất ra khỏi tay kẻ thù trong thế giới tối tăm.

Sở dĩ công tác truyền giáo của chúng ta bị yếu kém và thất bại là vì chỉ nhắm vào những thứ thấy được, không thấy những âm mưu và hành động của kẻ thù vẫn đang tích cực ngăn trở người chưa tin đến với Chúa, là những việc không thể thấy bằng mắt thể chất; cho nên, hầu hết các sinh hoạt truyền giáo đều thực hiện bằng tâm lý chủ quan mà không biết đang có gì đang diễn ra chống lại những việc mình tưởng sẽ đem đến kết quả mong muốn.

Tình trạng nầy giống như một số doanh gia bỏ vốn đầu tư vào một thị trường mà họ chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ mở doanh nghiệp đầu tư kiểu đoán mò, hi vọng một cách mù mờ.

Trên thương trường, không phải chỉ cần có tiền, không cần các kiến thức căn bản về thương mại mà sẽ thành công. Vô số nhà hàng ăn uống của dân Việt đã dẹp tiệm nhanh chóng cũng vì thiếu tri thức về cách nghiên cứu thị trường.

Tại sao chúng ta cần phải biết? Chưa nói gì tới các thủ đoạn phá quấy của ma quỷ, chỉ vì sự thiếu hiểu biết các nguyên tắc căn bản, mà hầu hết công tác truyền giáo của các Hội thánh bị thất bại thảm hại.

Ví dụ như không có kế hoạch trang bị cho mọi tín hữu biết cách trình bày tin mừng một cách ngắn gọn mà đầy đủ, tránh hiềm khích mà có sức thuyết phục.

Hơn nữa, nhiều nơi chưa bao giờ huấn luyện cho các thành viên cách phân loại để chứng đạo cho các loại đối tượng nào, tâm lý họ ra sao, vv; vì thế, làm rất nhiều mà kết quả chẳng bao nhiêu hoặc không có kết quả gì hết.

Cho nên, chúng ta sẽ cùng nhau trang bị tri thức về những điều cần phải biết trong công tác truyền giáo. Vì tri thức là yếu tố quyết định sự thành công trong công tác Chúa giao cho Hội thánh phải làm. Tri thức giống như con mắt giúp cho ta thấy đường, thiếu tri thức thì mù loà.

Sứ đồ Phao lô khẳng định rằng thần của đời nầy, tức là các tà thần, tà linh đang hoành hành trên thế gian, là thủ phạm ngăn trở, che mắt, làm mù loà tâm trí của người chưa được cứu, không cho họ thấy “ánh sáng Tin Lành vinh quang của Đấng Christ, là hình ảnh của Đức Chúa Trời” (4).

Như vậy, chúng phải dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hành động. Một trong các thủ đoạn đó là tạo ác cảm. Người ta có thể sẵn sàng nghe, nhưng nếu cách ăn nói, hoặc cách phục sức, hay thái độ cư xử của tín hữu giúp cho ma quỷ xúi người ta ghét, thì mọi lời nói khác gì nước đổ lá môn.

Ma quỷ chưa cần bịt tai người nghe, thì họ đã không để cho một lời nào vào tâm trí họ. Người đi chứng đạo thay vì giải thoát người chưa tin, lại trở thành công cụ bị ma quỷ dùng khiến người ta ghét đạo Chúa.

Một nhược điểm tai hại nữa là nói quá nhiều nhưng phát biểu lủng củng, rất chủ quan, không tập luyện cách nói thế nào cho người nghe dễ hiểu điều mình nói.

Vậy thì, điều trước tiên là không tạo cớ cho người ta ghét mình, từ cách nói, cách ăn mặc, cư xử thế nào tạo được cảm tình đối với người nghe.

Mỗi người phải nhận biết mình có các ưu điểm nào để tận dụng chúng. Tính thân thiện, dễ làm quen, vui vẻ, và thành thật là các đức tính ai cũng quý mến và thích gần gũi.

Thái độ kiêu kỳ, lãnh đạm, thiếu cởi mở vì có nhiều điều giấu giếm, là các nhân tố dẫn tới chứng đạo thất bại; người chứng đạo phải biết rõ điều mình nói, biết giải đáp các câu hỏi về niềm tin.

Người nào muốn được Chúa dùng thì phải tập tánh chịu sửa sai. Bởi vì thái độ tự ái, chậm sửa sai sẽ phạm những lầm lỗi vô cùng tai hại cho chính mình và công cuộc truyền giáo của Hội thánh.

Nói tóm lại là mỗi người phải tự trang bị tri thức đầu tiên là tự xem xét, tránh không để người ta ghét mình, biết tận dụng ưu điểm và bỏ các nhược điểm.

Điều thứ nhì về tri thức chứng đạo truyền giáo là biết tính toán trước các cơ hội, chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng khả năng khi cơ hội đến. Trong mọi việc, người có chuẩn bị sẵn sàng không bị lỡ cơ hội so với người lúng túng vì không chuẩn bị.

Ai cũng thích nghe các chuyện hấp dẫn có thật. Người chứng đạo phải nắm vững nhiều câu chuyện có thật thu hút sự chú ý của người nghe; nhất là các chuyện tích Kinh thánh Cựu ước và Tân ước.

Nguyên tắc kể chuyện là phải chính xác, bố cục hợp lý rõ ràng, không mơ hồ, không chen các chi tiết bịa đặt, vì người nghe sẽ nhớ rõ tình tiết; người nào kể một câu chuyện nhiều lần mà lần sau trật với lần trước, thì xác xuất được người ta tin lời mình rất thấp hoặc không tin chút gì.

Cơ hội kể chuyện chắc chắn sẽ đến khi trò chuyện với thân hữu mà họ đưa ra vài thắc mắc nào đó về các sự kiện thời sự hay câu hỏi về đạo. Người có sẵn những câu chuyện hấp dẫn và hợp thời sẽ có nhiều cơ may dẫn bạn đến với Chúa.

Ngoài ra, còn phải tính trước các nguy cơ bị người ta cự cãi, phản đối, tranh luận, hoặc tỏ thái độ thù nghịch hay hờ hững, thì biết rằng đừng mất thì giờ với người mà mình chẳng mấy hi vọng thành công. Tranh luận, cãi cọ về niềm tin tôn giáo là sa vào bước thất bại.

Hơn nữa, phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với những người bị ma quỷ dùng để phá đám. Có khi chính những người đáng lẽ phải hỗ trợ bạn lại là công cụ bị ma quỷ dùng để làm cho người nghe bị phân tâm vì những lời khoe khoang hoặc nói chen vào lời người đồng hành với mình.

Vì thế, khi chuẩn bị công tác chứng đạo, chúng ta phải là một đội biết hợp đồng yểm trợ nhau. Người chứng đạo phải biết các nguyên tắc trói và mở trong chiến tranh linh giới.

Các lời ba hoa, khoác lác làm hỏng hết mọi nỗ lực chứng đạo. Vì vậy, người thuộc linh non nớt cần phải biến đổi mới tham gia được.

Nguyên tắc thứ ba trong tri thức truyền giáo là phải biết phân tích thái độ của người chưa tin Chúa để phân loại các đối tượng mà mình muốn truyền rao ơn cứu rỗi. Có năm loại phản ứng của người ta khi nghe Tin Mừng.

Hai loại đầu nằm trong khoảng một nửa số người mình quen biết vì họ là những người chống đối hoặc hờ hững với Tin Mừng của Chúa. Vì thế, dù có quen biết thân mật mà không có hi vọng gì thành công đối với giới người nầy, thì đừng phí thì giờ vô ích.

Ba loại phản ứng còn lại thì phân thành hai loại đối tượng: Mục tiêu và tiềm năng. Có một số người rất thích nghe các vấn đề tâm linh, đạo đức và thời cuộc. Trong đó có những người rất chú trọng tới vấn đề tâm linh và đạo đức. Nhóm người nầy là các đối tượng mục tiêu cần phải hết sức theo đuổi cho đến khi thành công. Có khoảng 30% số người mình quen biết nằm trong số nầy. Và tỉ lệ thành công đối với số 30% đó thì khoảng chừng 7 trong số 10 người.

Nhóm đối tượng thứ nhì là đối tượng tiềm năng, tức là những người chịu nghe ơn cứu độ của Đức Chúa Trời. Họ sẽ không hăng hái, nhưng khi có dịp thì sẵn lòng chăm chú nghe. Thường có khoảng 20% số người chúng ta quen biết thuộc đối tượng tiềm năng, nếu biết áp dụng cách chứng đạo khôn ngoan đúng mức, thì tỉ lệ thành công đối với nhóm nầy là khoảng một nửa.

Vì truyền giáo là chiến tranh chống các thế lực ma quỷ, giành giật các linh hồn ra khỏi móng vuốt của chúng, nên mọi con cái Chúa đều cần phải biết áp dụng các chiến lược cách khôn ngoan.

Phải chờ hoặc tạo hoàn cảnh thuận lợi để mình có thể chia sẻ Tin Mừng mà người ta bình tâm lắng nghe. Cho nên, chứng đạo cho người đang bận rộn là rước lấy thất bại; vội vàng chia sẻ Tin Mừng khi chưa tạo đủ tình thân và lòng tin cậy, cũng rất dễ thất bại, nên phải có kế hoạch.

Mục sư W. A. Nance nói như sau: “Sự thất bại có thể chia đều cho những người có suy tính nhưng không bao giờ làm, và những người làm mà không bao giờ suy tính.” Ông cũng nói tiếp: “Nếu bạn thiếu kế hoạch, tức là bạn đang trù tính sự thất bại.” Vậy, chúng ta sẽ làm chi?

ThuNghiemDucTin10.docx

Rev. Dr. CTB