Giao Ước Vội Vàng

Giô-suê, bài 10

Giô-suê 9:1–27

Từ thời Abraham cho tới thời đó, các thành lớn vững chắc là một vương quốc nhỏ; mỗi thành có một vua cai trị theo kiểu vương quyền phong kiến. Xứ Canaan lại có nhiều dân tộc nên có nhiều vua và thường khi họ chẳng hoà thuận nhau (1).

Nhưng sau khi nghe tin hai vua ở phía đông sông Jordan bị Israel tiêu diệt, bây giờ đến phiên hai thành Jericho và A-hi bị đánh sập và dân của họ bị giết sạch, tất cả các vua ở vùng phía tây sông Jordan phải dẹp qua một bên mọi mối tị hiềm, thù oán, để hợp lực chống lại một kẻ thù chung của họ, là dân Israel (2).

Lúc ấy, dân Hê-vít ở Ga-ba-ôn, là vùng kề cận với A-hi, thì khôn ngoan hơn; họ dùng mưu để lừa Israel phải dùng lời thề lập giao ước với họ (3-4). Người Hê-vít ở Ga-ba-ôn là một cộng đồng của bốn thành gần nhau (17); đứng trước một Israel quá hùng mạnh, họ thà làm nô lệ hơn là bị tiêu diệt.

Đứng trước cái chết chắc chắn, có lẽ người Ga-ba-ôn đã tìm hiểu tính cách tôn trọng lời giao ước có thề nguyện của Israel; hoặc là theo phong tục chung của các dân tộc ở thời ấy thì giao ước có thề nguyện là điều không thể huỷ bỏ được; cho nên, dân Ga-ba-ôn sai người giả dạng làm một dân ở rất xa tìm đến thần phục vì nghe danh tiếng lẫy lừng của Israel.

Phải công nhận rằng người Ga-ba-ôn rất khôn khéo, mặc dù họ mặc áo đã sờn rách, bao đựng thức ăn cũ mòn, tất cả các bao chất hai bên lưng lừa đều đã cũ, giày mòn rách vá lại, tức là cải trang bề ngoài hết sức phong trần để chứng tỏ lời nói dối họ từ xứ xa đến có thể tin được, nhưng đầu hàng Israel thì họ sẵn sàng từ bỏ sự thờ thần tượng gớm ghiếc của họ và chịu đầu phục Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel.

Người Ga-ba-ôn cải trang khéo léo, có đủ vật dụng của những người đi đường xa chở hai bên hông những con lừa của họ. Tại sao người Israel dễ bị lừa gạt như vậy? Hãy nhớ rằng suốt bốn mươi năm lang thang trong hoang mạc, áo quần họ mặc không bị sờn rách, dép họ mang dưới chân không bị mòn, thức ăn thì có ma na hàng ngày, nước uống cũng được ban cho cách thần kỳ; cho nên, khi nhìn thấy bề ngoài cũ mòn, rách vá, bánh khô bị nát vụn của người Ga-ba-ôn, thì ban lãnh đạo của Israel bị bề ngoài của họ lừa gạt, không cầu hỏi ý muốn của Đức Chúa Trời.

Mặc dù ngay lúc đầu dân Israel nói: “Có lẽ các người sống ở gần chúng tôi thì làm sao chúng tôi có thể lập hoà ước với các người được?” (5-7).

Giô-suê bị sự hạ mình và nịnh bợ của họ lừa gạt: “Chúng tôi là đầy tớ của ông. … Đầy tớ của ông từ xứ rất xa đến vì nghe danh Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của ông. Vì chúng tôi có nghe nói về Ngài, và mọi điều Ngài đã làm tại Ai-cập” (8-9).

Đây là bài học cho chúng ta ngày nay cần phải cầu hỏi Đức Chúa Trời khi phải lập các quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của mình. Bởi vì hầu như tất cả những sự thất bại và tai hoạ xảy ra cho con cái của Chúa là ít khi nào cầu hỏi sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh, hoặc không lắng nghe sự chỉ dẫn, hay ngăn cản, của Ngài khi lập các quyết định quan trọng. Về sau tất cả đều hối tiếc về các quyết định mình đã lập cách vội vàng.

Thói quen cầu hỏi Chúa và khả năng nhận ra sự dạy dỗ, chỉ dẫn của Ngài, phải là một nếp sinh hoạt tương giao thường xuyên với Chúa, không phải là việc thỉnh thoảng mới làm khi cần. Bởi vì chúng ta chỉ có thể nhận biết sự chỉ dẫn của Ngài khi quen thuộc với cách Ngài chỉ dẫn.

Giô-suê và các cấp lãnh đạo dân Israel dựa vào sự nhận định qua mắt mình và các lời bợ đỡ của người Ga-ba-ôn, lại mất cảnh giác sau khi chiến thắng dân A-hi, nên bị mắc mưu. Chúng ta cũng rất lơ là sau mỗi thắng lợi (10-13).

Vậy, người Israel nhận lương thực của chúng mà không cầu hỏi Đức Giê-hô-va” (14). Chúa sẽ chỉ dẫn cho những con cái nào cầu hỏi Ngài. Ai tập tành thói quen cầu hỏi Chúa trong mọi vấn đề, sẽ thường được nghe sự chỉ dẫn dịu dàng của Ngài, tránh thoát những sự phiền toái và trở lực mà mình không thể thấy trước được.

Israel chỉ cầu hỏi Đức Chúa Trời sau khi gặp tai hoạ, sau đó họ vẫn cậy ý riêng.” Giô-suê lập hoà ước với chúng và cam kết để cho chúng sống, và các nhà lãnh đạo của hội chúng cũng thề hứa với chúng nữa” (15).

Nhưng chỉ cần ba ngày sau, dân Israel biết được rằng nơi dân Ga-ba-ôn ở chỉ cách ba ngày đi đường (16-17). Vì Giô-suê và các nhà lãnh đạo của dân Israel đã nhân danh Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Israel mà lập lời thề với người Ga-ba-ôn rồi, nên người Israel không thể đánh giết họ, dù cho dân chúng lằm bằm, phàn nàn các nhà lãnh đạo (18).

Họ phải nói với cả hội chúng: “Chúng ta đã chỉ danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel mà thề với dân đó; vậy từ bây giờ chúng ta không được đụng đến chúng. Chúng ta phải đối xử với dân đó như thế nầy: Phải để cho chúng sống, kẻo cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va giáng trên chúng ta vì lời mà chúng ta đã thề với chúng. … Hãy để cho chúng sống, nhưng chúng phải đốn củi, xách nước cho cả hội chúng. Họ làm đúng như lời các nhà lãnh đạo đã nói với họ” (19-21).

Mặc dù biết họ lập lời thề vì đã bị lừa gạt, nhưng Israel vẫn giữ đúng lời thề. Chúng ta ngày nay hãy học gương giữ lời thề cũng như lời hứa với người khác, dù cho hầu như thời nay chẳng ai nhân danh Đức Chúa Trời mà hứa điều chi đó với người khác, nhưng vì chúng ta được gọi là Cơ đốc nhân, tức là những người mang danh của Đấng Christ, thì mọi cách hành xử của chúng ta mặc nhiên được xem là nhân danh Đức Chúa Trời.

Hãy đoạn tuyệt thói xấu hay nuốt lời hứa của người Việt. Vì chẳng những phải giữ danh dự của chính mình, mà còn phải tôn cao, bảo vệ danh Thánh của Đức Chúa Trời.

Có tín hữu nào từng suy nghiệm thử xem có phải những chuyện thất bại của đời chúng ta có gắn liền với các hành vi không tôn trọng lời hứa của mình hay không?

Giô-suê gọi những người lãnh đạo của dân Ga-ba-ôn đến để trách mắng họ; vì họ đã gạt gẫm Giô-suê và các cấp lãnh đạo Israel, nên Giô-suê ra lệnh: “Các người bị rủa sả và sẽ mãi mãi làm nô lệ, cứ đốn củi, xách nước cho nhà Đức Chúa Trời của ta” (22-23).

Người Ga-ba-ôn thưa rằng, họ biết chắc chắn Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel đã ban toàn xứ nầy cho Israel, và ban lệnh cho Israel phải tiêu diệt tất cả cư dân trong xứ; để cứu mạng sống mình nên họ mới làm như vậy. Bây giờ sinh mạng và số phận của toàn thể dân chúng Ga-ba-ôn nằm trong tay của Giô-suê, ông quyết định như thế nào, họ sẽ chịu thế đó (24-25).

Qua những lời người Ga-ba-ôn nói, người xem Kinh thánh phải nhận ra rằng, những lời Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se chuyển lại cho Israel thì không phải chỉ một mình người Israel biết, các lời ấy còn lan truyền tới các dân tộc ở Canaan.

Giô-suê và các cấp lãnh đạo Israel đã thề hứa và lập giao ước với người Ga-ba-ôn, nên “Giô-suê làm như ông đã nói và giải cứu chúng khỏi tay dân Israel, không giết hại chúng. Từ ngày đó, ông sai chúng đốn củi, xách nước cho hội chúng và cho bàn thờ của Đức Giê-hô-va ở nơi Ngài chọn lựa…” (26-27).

Đã nhân danh Đức Chúa Trời lập lời thề với người Ga-ba-ôn, Giô-suê và các cấp lãnh đạo của Israel phải kềm giữ không cho người Israel nào giết hại bất cứ người Ga-ba-ôn nào hết.

Ngoài bài học phải giữ vẹn lời thề nguyện, qua câu chuyện nầy, tất cả chúng ta đều học được rằng mình phải rất cẩn thận trước khi lập một lời thề nguyện. Vì khi lập một quyết định sai lầm, chúng ta phải sống với tất cả các hậu quả do quyết định đó đem đến. Cũng đừng nghĩ rằng mình có thể nuốt lời hứa mà thoát khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.

Từ khi thiết lập Đền Tạm tới ngày gặp dân Ga-ba-ôn, mọi việc đốn củi, xách nước cho nhà của Đức Chúa Trời là phần của cả Israel phân công nhau làm việc. Bây giờ những công việc nặng nhọc đó được giao cho dân Ga-ba-ôn gánh vác. Israel đã trở thành những người chủ, dân Ga-ba-ôn phải phục dịch cho cả hội chúng vì họ đã bằng lòng làm nô lệ để đổi lấy mạng sống. Những ai thuộc về dân của Đức Chúa Trời đều được hưởng ơn phước và quyền lợi của con dân Ngài.

Giôsue10.docx

Rev. Dr. CTB