Khái Quát Sách Các Quan Xét

Quan Xét, bài 01

Sách Các Quan Xét, hay Thẩm Phán, là sách lịch sử thứ nhì trong Kinh Thánh Cựu Ước sau sách Giô-suê. Chữ, hay tên gọi, quan xét ra từ chữ Hebrew “Shophetim,” có thể dịch là “thống đốc, người cai trị.” Những vị quan xét hay thẩm phán ấy là những người được Đức Chúa Trời dùng để giải thoát dân Israel ra khỏi tay những kẻ áp bức họ.

Mặc dù truyền thuyết cho rằng tác giả sách Các Quan Xét là Samuel, nhưng thật ra không ai biết tác giả là vị nào. Rất có thể ông Samuel thu thập nhiều câu chuyện qua các thời kỳ của nhiều quan xét, rồi sau đó có thể các vị tiên tri Nathan và Gad (1Sử ký 29:29) góp phần vào việc làm thành hình sách Các Quan Xét mà chúng ta đang có.

Cũng không ai biết sách được viết nào năm nào. Tuy nhiên, người ta nghĩ sách được viết vào thời kỳ quân chủ của Israel. Trong sách có một câu được lặp lại nhiều lần: “Trong thời đó, Israel không có vua” (17:6; 18:1; 19:1; 21:25), gợi ý là sách được viết sau khi nền quân chủ đã thiết lập ở Israel.

Người ta quan sát thấy sách nói về thời người Jebusites vẫn còn chiếm giữ Jerusalem (1:21), để xác định thời kỳ trước khi David chiếm được thành (2Samuel 5:6-10) vào năm 1000 BC.

Sách Các Quan Xét mô tả đời sống của dân Israel trong đất hứa từ sau ngày Giô-suê qua đời tới lúc thiết lập chế độ quân chủ. Mặt khác, sách cũng tường thuật về sự bội đạo vẫn thường diễn ra trong các chi tộc Israel, chọc giận Đức Chúa Trời, khiến Ngài phải dẫn sự trừng phạt đến trên họ.

Ở một phương diện khác nữa, sách nói về sự khẩn nài với Đức Chúa Trời khi dân Israel nguy cấp, lúc bị kẻ thù do Chúa sai đến trừng phạt, thì họ kêu cầu Ngài ban cho sự giải thoát, tiêu diệt kẻ áp bức, phục hồi sự bình an trên đất họ đang sống.

Thời kỳ Các Quan Xét là thời lịch sử Israel không có cấp lãnh đạo trung ương, cho nên tình trạng của họ luôn luôn không ổn định. Chính các vị quan xét là những thủ lãnh khởi nghĩa chống kẻ đang cai trị và trở thành các anh hùng dân tộc. Sự thành công rồi thất bại của các quan xét, cộng với tình trạng bất ổn đưa tới chế độ quân chủ.

Chủ đề căn bản xuyên suốt sách Các Quan Xét là quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên Israel vì Israel đã thề hứa sẽ trung thành với Ngài và giữ luật pháp của Ngài.

Trong giao ước được thiết lập riêng biệt ở chân núi Sinaii giữa Israel với Đức Chúa Trời, thì quyền làm Vua cai trị của Ngài trên Israel đã được xác lập rõ ràng (Xuất Ai-cập 19–24). Sau khi tới đồng bằng Moab, Môi-se lập lại giao ước một lần nữa (Phục Truyền 29), rồi ở Sichem trước khi qua đời, Giô-suê cùng với Israel lại thề hứa với Chúa sẽ phục vụ Ngài và làm dân của Ngài (Giô-suê 24).

Nhưng tác giả sách Quan Xét tố cáo Israel hết lần nầy đến lần khác đã từ khước quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Họ từ bỏ luật pháp của Chúa về cách sống hàng ngày, không chịu đánh đuổi các dân tộc thờ hình tượng, chính họ lại tìm ơn phước cho gia đình, bầy súc vật và đồng ruộng của mình nơi các thần xứ Canaan.

Tác giả than thở về cách dân Israel cư xử với Đức Chúa Trời, và mỗi người đều theo ý riêng mà hành động. “Trong thời đó, Israel không có vua, mọi người cứ làm theo ý mình cho là phải” (Quan Xét 17:6). Theo sự tường thuật của tác giả thì Israel vẫn thường không vâng lời Chúa của họ.

Về ý nghĩa thần học, thì điều đáng lưu ý là ngay sau các biến cố Israel được giải cứu qua Môi-se và Giô-suê, Đức Thánh Linh ở thời Cựu Ước được gọi là Thần của Đức Chúa Trời, trong thời kỳ Israel cứ đi từ sa bại nầy tới sa bại khác, Thần của Đức Chúa Trời vẫn sử dụng những người đặc biệt hoàn thành sự chiến thắng trong các trận chiến mà Ngài dùng để đánh bại những thế lực thù nghịch đe doạ huỷ diệt dân mà Ngài đã lựa chọn. Cho nên trong sách Các Quan Xét, chủ đề Thần của Đức Chúa Trời được nhấn mạnh cho người đọc biết đó là nguồn của sự chiến thắng.

Việc xác định niên đại và số năm chính xác đối với các vị quan xét là khó khăn và phức tạp. Các sử gia thường phải căn cứ trên ghi chép ở (1Vua 6:1) “Vào năm bốn trăm tám mươi, kể từ khi dân Israel ra khỏi Ai-cập, tức là năm thứ tư Solomon trị vì trên Israel,” để định các niên đại và thời kỳ những vị quan xét cai trị trên Israel.

Theo câu trên thì Israel đi ra khỏi Ai-cập xảy ra vào năm 1446 BC. Còn thời kỳ các quan xét phải là từ năm 1380 BC tới lúc Saul lên ngôi vua năm 1050 BC. Căn cứ trên phát biểu của quan xét Giép-thê nói rằng, Israel đã làm chủ “Heshbon và vùng phụ cận, Aroer và vùng phụ cận, cùng tất cả các thành dọc theo rạch Arnon trong suốt ba trăm năm” (Quan Xét 11:26), thì cũng phù hợp với thời gian bốn trăm tám mươi năm của 1Vua 6:1.

Bia đá đen ca tụng các chiến công của vua Ai-cập Merneptah, do các nhà khảo cổ khai quật được, cho biết Israel định cư ở Canaan trước năm 1210 BC.

Nhưng một số sử gia thì không đồng ý với số năm 480 nói trên. Họ cho rằng số năm nầy là cách tính ước lệ dùng số 40 nhân lên mười hai lần. Vì 40 là con số quy ước để định số năm của một thế hệ; mà có lẽ nói về mười hai vị quan xét. Họ chỉ ra trong sách Các Quan Xét thường xuyên dùng các con số tròn 10, 20, 30, 40 và 80.

Nếu năm ra khỏi Ai-cập trễ hơn năm 1446 BC, thì những năm cai trị của các quan xét sẽ rút ngắn hơn nhiều. Theo sự nghiên cứu lịch sử Ai-cập, thì vua Rameses (Xuất Ai-cập 1:11) sống từ 1289 tới 1278 BC, người con là Rameses II thì cai trị Ai-cập từ 1279-1212 BC là các vua hà khắc với Israel; nên năm Israel ra khỏi Ai-cập phải là 1279 BC.

Sự mâu thuẫn về số năm giữa 1446 BC so với 1279 BC thì khó xác định năm nào là đúng. Có lẽ người chép lại Xuất Ai-cập sống sau Môi-se nhiều thế kỷ.

Bố cục của sách có ba phần rõ ràng: Phần mở đầu (1:1–3:6); thứ nhì là nội dung chính (3:7 – 16:31); và phần kết luận (17–21).

Phần mở đầu lại chia ra làm hai phần nhằm hai mục đích khác nhau. Hai phần nầy không nối kết với nhau về mặt niên đại lịch sử. Phần đầu (1:1–2:5) trình bày giai đoạn lịch sử của các sự tường thuật tiếp theo. Nó mô tả công cuộc Israel chiếm vùng đất hứa từ các dân phải bị tiêu diệt. Cũng nói về sự thành công ban đầu tới việc bị thiên sứ của Đức Giê-hô-va quở trách về không vâng lời và sự sa bại của họ.

Phần thứ nhì (2:6 – 3:6) nói về quan điểm căn bản của tác giả trong giai đoạn từ thời Giô-suê tới thời chế độ quân chủ. Một thời kỳ có đặc điểm các chu kỳ lặp đi lặp lại sự bội đạo, bị đè nén, kêu khóc than thở, và được giải cứu thần kỳ. Tác giả dùng nhiều lần câu “họ làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va.

Phần nội dung chính nói về việc Israel bị Đức Chúa Trời phó họ vào tay các kẻ áp bức, phải phục dịch kẻ thù, khi họ than thở kêu cầu thì Chúa dùng các thủ lãnh khởi nghĩa chống lại kẻ áp bức, giải thoát dân Israel của Ngài. Việc đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần.

Các quan xét gồm có sáu vị chính là Ốt-niên, Ê-hút, Đê-bô-ra, Ghê-đê-ôn, Giép-thê, và Sam-son. Cũng có sáu vị quan xét kém hơn là Sam-ga, Thô-la, Giai-rơ, Íp-san, Ê-lôn, và Áp-đôn.

Cách sắp xếp thứ tự các quan xét không theo trình tự thời gian, nhưng tác giả xếp Ghê-đê-ôn, vị quan xét được Đức Chúa Trời đẹp lòng ở khoảng giữa sách; kèm trước và sau là Đê-bô-ra, một người đàn bà, và Giép-thê một người bị xã hội ruồng bỏ. Trước và sau đó nữa là Ê-hút và Sam-son, hai vị anh hùng đơn độc.

Phần kết luận dùng một cách khác nói về một thời đại được mô tả là bị hư hoại về tôn giáo và đạo đức của các cá nhân, thành phố và các chi tộc.

Giống như phần mở đầu, phần kết chia ra làm hai phần khác nhau không liên quan về trình tự thời gian hoặc thời đại của vị quan xét nào. Tuy nhiên, những sự kiện ấy phải diễn ra trước thời các quan xét đầu tiên (Quan Xét 18:30; 20:28).

Phần đầu của đoạn kết (17–18) kể chuyện nhân vật Mi-ca làm miếu thờ hình tượng và chi tộc Đan thờ hình tượng cho tới ngày bị lưu đày khỏi xứ.

Phần thứ nhì tường thuật chuyện đồi bại của chi tộc Benjamin diễn ra sau khi Giô-suê và thầy tế lễ thượng phẩm Eleazar đã qua đời, và kết quả là chi tộc ấy gần như bị tiêu diệt.

Sách Các Quan Xét nhấn mạnh tính quan trọng về lòng trung thành của Israel đối với Chúa. Sự tồn tại của họ tuỳ thuộc vào việc họ có trung thành với Chúa hay không. Thảm hoạ xảy ra cho cả dân tộc khi họ bất trung với Ngài.

Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu các bài học trong sách nầy để trang bị cho mình một sự cẩn trọng trong mối liên hệ với Chúa yêu thương của chúng ta.

QuanXet01.docx

Rev. Dr. CTB