Bài Học Để Đời

Quan Xét, bài 03

Quan Xét 2:1–23

Đoạn Kinh Thánh nầy tóm tắt các giai đoạn không vui trong lịch sử của Israel từ khi Giô-suê về già và sau khi ông qua đời cho tới trước lúc thiết lập chế độ quân chủ.

Nhóm chữ đầu tiên của câu 1 khiến  các học giả Kinh Thánh tranh luận nhau về câu “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va’ nghĩa là gì? Vì ngay sau đó tác giả viết rằng “từ Gilgal đi đến Bochim” lại khiến một số người cho rằng đó là một vị tiên tri, người khác lại giải nghĩa ấy là Giô-suê hoặc thầy tế lễ Pinehas. Tuy nhiên, ở chỗ nầy không nói “Đức Giêhôva phán,” nên chắc chắn không phải do một người nào đó chuyển lời của Chúa đến cho Israel.

Căn cứ trên những lời mô tả các hoạt động của “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va” được chép ở các đoạn sau (Quan Xét 6:11-12; 6:21-22; 13:13; 13:15), thì không thể gán cho một người nào đại diện của Chúa trong câu nầy, mà phải là chính Chúa hay Thiên Sứ của Ngài.

Sự kiện Thiên sứ của Đức Giê-hô-va phán với dân Israel ở chỗ nầy không đề cập gì tới việc họ ngừng chiến đấu, không đuổi các sắc dân Canaan đi để chiếm lấy đất, chứng tỏ sự việc đã xảy ra khi Giô-suê còn sống và Israel đã lập giao ước với người Hevite ở Ga-ba-ôn (Giô-suê 9:3–15); có nghĩa là thời gian đầu sau khi Israel tiến vào đất hứa; vì Thiên sứ của Đức Giê-hô-va chỉ trách họ đã lập giao ước với người Canaan và không chịu phá huỷ bàn thờ của chúng (2).

Một chi tiết nữa chứng minh sự kiện nầy đã xảy ra trong thời gian đầu vì “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ Gilgal đi đến Bochim.” Chữ ‘Ha-Bochim’ có nghĩa là những người khóc lóc. Mà địa danh Bochim chưa thấy có nơi nào nói tới, Kinh Thánh bản 70 viết thêm nơi đó gần Beth-El.

Trong thời gian ấy, Đền Tạm vẫn ở Gilgal, vì vậy Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ Gilgal đi đến Bochim là hợp lý.

Sự không vâng lời Chúa dẫn đến các hậu quả rất tai hại “Ta sẽ chẳng đuổi các dân ấy khỏi các con, nhưng chúng sẽ như gai đâm vào hông các con, và các thần của chúng sẽ là cạm bẫy cho các con” (3). Nghe xong, dân Israel cất tiếng lên khóc, đặt tên cho chỗ ấy là Bochim, nghĩa là than khóc, nhưng về sau vẫn không vâng lời, vẫn tánh nào tật nấy (4-5).

Trong thời gian Giô-suê còn sống, cũng như khi các trưởng lão, “những người đã chứng kiến tất cả công việc lớn lao mà Đức Giê-hô-va đã làm cho Israel” (6-7) còn sống, thì dân Israel thờ kính Đức Chúa Trời suốt thời gian ấy.

Bất cứ khi nào trong Hội Thánh vẫn còn những người chứng kiến các việc kỳ diệu Chúa đã thực hiện cho con cái Ngài, thì Hội Thánh ấy vẫn trung thành với đường lối Chúa dạy. Nhưng khi thế hệ ấy đã qua rồi, các thế hệ kế tiếp sẽ đi lạc, không còn giữ niềm tin của tổ phụ mình nữa (8-10). Việc đó cứ lặp lại suốt lịch sử. Hiện nay chúng ta đang thấy nó vẫn diễn ra.

Ngày xưa, các thế hệ Israel lớn lên sau khi tổ phụ của họ đã qua đời hết, thì các thế hệ ấy lìa bỏ Đức Chúa Trời của họ để thờ lạy và phụng sự tượng các thần Baal và Astarte, tức là các thần sinh sản, thần mưa bão của người Canaan và Si-đôn (11-13) mà họ thấy dân Canaan thờ cúng nên bắt chước. Đúng như lời Chúa đã phán trước “các thần của chúng sẽ là cạm bẫy cho các con” (3).

Ngày nay chúng ta thấy điều gì? Luật lệ của Đức Chúa Trời ghi rõ trong Kinh Thánh là Ngài không chấp nhận sự thực hành đồng tính luyến ái. Việc ăn nằm thoả mãn tình dục giữa hai người đồng giới là điều Đức Chúa Trời ghê tởm (Lêviký 18:22–30). Chúng ta biết rằng những gì Ngài ghê tởm ngày xưa thì ngày nay vẫn như vậy. Nhưng có một số giáo hội hiện nay nhân danh chính trị phải đạo, nên cử hành hôn lễ cho các cặp đồng tính và bổ nhiệm giới đó làm giám mục.

Nghĩa là họ thấy chính trị tả phái thế tục làm gì thì bắt chước y như vậy. Có thể nói một cách chính xác rằng: Lịch sử của Israel từ khi ra khỏi Ai-cập cho tới ngày thiết lập chế độ quân chủ là hình bóng chính xác của đời sống con cái Chúa trong tất cả các Hội Thánh của Đức Chúa Jesus từ ngày thành lập cho đến nay.

Bây giờ, khi chúng ta đang ở trong thời tận thế thì tình trạng càng tồi tệ hơn bội phần. Sự trung thành với Chúa và với Hội Thánh là tính cách vô cùng hiếm hoi vẫn đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời không còn chỗ trong lòng vô số người tự xưng là tín đồ Tin Lành.

Giáo hội La-mã tiếp tục trượt dài trong sự thờ hình tượng và kêu cầu các thánh, thay vì tương giao trực tiếp với Chúa. Họ nuôi dưỡng tinh thần mê tín trong số giáo đồ vốn đã mê tín, ngày nào cũng tụng kinh ê a theo kiểu hô thần chú để được phước.

Vì thế, Đức Giê-hô-va nổi cơn thịnh nộ với Israel. Ngài phó họ vào tay kẻ cướp để chúng bóc lột họ. Ngài bán họ cho các kẻ thù chung quanh và họ không chống cự nổi kẻ thù mình. Mỗi khi họ ra trận, tay Đức Giê-hô-va đều giáng hoạ trên họ như Đức Giê-hô-va đã thề phán với họ. Họ lâm vào cảnh khốn cùng” (14–15).

Hậu quả sự phản bội Đức Chúa Trời thật là đau đớn cho những ai đã nếm trải ơn phước của Ngài. Khi so sánh tình cảnh của dân Israel lúc bấy giờ với tình trạng hiện nay của Hội Thánh Chúa, chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng, vì Hội Thánh đã mất hết tất cả ảnh hưởng trên xã hội, bị các thế lực gian ác tấn công và đàn áp tới tấp không chống cự nổi các mánh khoé của chúng.

Mặt trận truyền giáo thì thất bại từ năm nầy sang năm khác; chẳng có một đường hướng cải tổ nào để phục hồi lại sự hướng dẫn, che chở và bảo vệ của Chúa.

Đức Chúa Trời vẫn không hoàn toàn từ bỏ dân Ngài. Ngài dấy các quan xét lên để giải cứu họ khỏi tay kẻ thù. Nhưng vì Israel đã thông dâm và thờ lạy các thần ngoại bang, nên họ không nghe lời những vị quan xét được Chúa dấy lên “Họ vội từ bỏ con đường mà tổ phụ mình đã đi, chẳng theo gương tổ phụ mà vâng giữ các điều răn của Đức Giê-hô-va” (16-17).

Tình trạng thời ấy giống y như xã hội Hoa kỳ ngày nay. Số người còn trung thành với giáo huấn của Đức Chúa Trời dạy trong Kinh Thánh thì chẳng còn bao nhiêu. Người ta chạy theo các phong trào thời đại và cho rằng đó là các ý tưởng văn minh, nhân bản; vì vậy, Hội Thánh không còn uy quyền trên các vấn đề xã hội.

Nhất là các Hội Thánh của người Việt ở hải ngoại hầu như chẳng có chút ảnh hưởng tốt nào trên cộng đồng, càng ngày càng thoái hoá trầm trọng.

Chúa không làm ngơ trước tiếng kêu than của những người trong dân Israel vẫn còn nhớ đến Ngài và nài khẩn Ngài. Vì lòng thương xót, Ngài dấy các vị quan xét lên và dùng các quan xét ấy giải thoát Israel ra khỏi sự áp bức của kẻ thù. Nhưng khi các quan xét ấy đã qua đời thì các thế hệ con cháu của Israel lại làm điều tệ hại hơn tổ phụ mình (18–19).

Chỉ cần quan sát tình trạng xã hội và Hội Thánh của Chúa tại Hoa kỳ, chúng ta thấy rõ những điều diễn tả trong các câu nầy không sai chút nào đối với lòng dạ loài người. Sau đệ nhị Thế Chiến, xã hội Mỹ được phục hồi qua các cuộc phấn hưng tôn giáo mà Đức Chúa Trời dùng các đầy tớ đầy ơn và quyền năng để dẫn người Mỹ trở lại với Ngài.

Sự phấn hưng ấy đem lại ơn phước và sự hùng cường lạ lùng. Nhưng thế hệ sinh ra sau thế chiến không theo gương tổ phụ mà ngày càng sa đoạ trong xã hội thịnh vượng.

Gần hai mươi năm sau, phong trào nhạc rock dần dần dẫn tới phong trào cách mạng tình dục ở Mỹ và Tây phương, đã đưa tới sự hợp pháp hoá các hành động huỷ hoại mầm sống các thai nhi xấu số.

Tình trạng đó không khác gì Israel thờ thần Baal ngày xưa vì mong muốn công khai thoả mãn tình dục mà không cần trách nhiệm. Bây giờ, vô số tín đồ của các giáo hội và giáo phái Tin Lành tham gia vào các việc tội ác bị Chúa ghê tởm. Tỉ lệ ly dị và phá thai của người Tin Lành là ngang ngửa với người không theo đạo.

Nếu ngày xưa Đức Chúa Trời không ra tay “đuổi một dân tộc nào mà Giô-suê để lại trước khi qua đời” (20-21), mà dùng các dân tộc ấy để thử nghiệm Israel xem họ có đi theo đường lối của Đức Giê-hô-va như tổ phụ của họ hay không (22), thì ngày nay, Đức Chúa Trời cũng chưa trừ khử các thế lực gian tà và tội lỗi, dùng họ để thử nghiệm Hội thánh của Ngài, xem các tín hữu có tìm kiếm Ngài hay chỉ chạy theo tiền bạc và của cải đời nầy (23).

Tình trạng của dân Israel ngày xưa vào thời các quan xét là tấm gương soi cho chúng ta ngày nay. Mặc dù lịch sử đã lặp lại nhiều lần, nhưng khi chúng ta đã biết các hậu quả tai hại, cũng biết đời sống theo Chúa chẳng những được Ngài ban vô số ơn phước tuyệt vời, mà còn được trở nên những thánh nhân hữu ích cho vương quốc Chúa, thì chúng ta sẽ giữ vững địa vị ở trong Ngài.

QuanXet03.docx

Rev. Dr. CTB