Quan Xét, bài 04
Quan Xét 3:1–31
Những người Israel chưa có kinh nghiệm chiến đấu ở Canaan là: hoặc được sinh ra sau thời Giô-suê, hoặc còn là trẻ thơ khi cha ông họ chinh chiến triền miên để chiếm đất hứa.
Đức Chúa Trời không diệt hết một số dân tộc của xứ Canaan, họ trở thành công cụ của Ngài để thử nghiệm lòng trung thành của thế hệ trẻ Israel như thế nào (1). Ngài cũng dùng chúng để “dạy cho các thế hệ mới của dân Israel biết cách chiến đấu, đặc biệt là cho những người trước đây chưa quen với trận mạc” (2).
Năm lãnh chúa của dân Philistines cai trị các thành Gaza, Ashdod, Askelon, Gath, và Ekron, được gọi chung là các Seranim hoặc Sarim.
Tất cả dân Canaan ở chỗ nầy nói về dân ở đồng bằng duyên hải và thung lũng Jordan (3-6). Bởi vì hầu hết đã bị tiêu diệt rồi. Người Si-đôn là dòng dõi con cháu của Canaan, con trưởng nam của Cham, vì Si-đôn là con trai của Canaan.
Như đã xem xét trước đây, Israel thời ấy là hình bóng của Hội Thánh và Cơ-đốc-đồ trên thế gian. Là tín đồ của Đức Chúa Jesus, không ai được thụ động lười biếng. Chúa dùng sự thử nghiệm và cám dỗ để dò xét tính gian ác trong lòng của tội nhân.
Đức Chúa Trời vẫn ban năng lực cho con cái Ngài trong cuộc tranh chấp hàng ngày với tội lỗi, các tà linh và thế giới gian ác. Chúng ta phải sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian cũng không được bắt chước rập khuôn xã hội mình sống, giống như Israel ngày xưa bị sống chung với các dân tộc Chúa để lại nhằm thử nghiệm họ;
Israel không được kết giao hay có liên hệ hôn nhân với các dân tộc nầy. Những ai trung thành với Chúa và giữ gìn các giới mạng của Ngài là dấu hiệu phân biệt rõ ràng giữa tín đồ thật của Đấng Christ khác với người chỉ có danh theo đạo nhưng thực chất vẫn thuộc về thế giới gian ác.
Người Israel vào thời kỳ nầy đã quên mất Đức Chúa Trời của họ, cũng chẳng vâng theo điều răn của Chúa do Môi-se truyền cho. Hành vi phụng thờ thần tượng dưới mắt Đức Chúa Trời là ác và là trọng tội (7).
Tượng thần Baal có hình người, khác với Asherah, thường là một trụ gỗ, tượng trưng cho nữ thần thiên nhiên, được dựng bên cạnh tượng Baal; người Israel thấy điều đó nên bắt chước dựng các trụ gỗ thờ.
Vì Israel đã từ bỏ Đức Chúa Trời nên Ngài không còn bảo vệ họ khỏi tay Chushanrishathaim, vua xứ Naharadim, tức là xứ A-ram vùng Lưỡng Hà (8). Chỉ mới bị phục dịch trong tám năm, Israel đã kêu than cầu khẩn cùng Đức Chúa Trời.
Điều nầy không có nghĩa là tất cả dân Israel đều nhớ tới Chúa để cầu khẩn Ngài, nhưng là vẫn còn vài người có lòng kính sợ Đức Chúa Trời nên cầu khẩn Ngài, trong đó có lẽ có ông Othniel, một người nổi danh (9).
Othniel chính là con rể của Caleb (Quan Xét 1:12-13) đã là một anh hùng lúc Giô-suê còn sống. Là một dũng tướng lại được Thần của Đức Chúa Trời ngự trên mình, nên Othniel lãnh đạo Israel ra trận đánh bại vua Aram Chushanrishathaim, giải thoát dân Israel khỏi ách phục dịch khổ nhọc cho dân ngoại bang.
Israel được hoà bình và an ổn trong bốn mươi năm Othniel làm quan xét của họ (10–11).
Sau khi Othniel qua đời, không có người lãnh đạo, dân Israel lại làm điều ác dưới mắt Đức Chúa Trời, tức là phạm tội thờ cúng thần tượng của người Canaan.
Tội lỗi phản loạn của họ khiến Đức Chúa Trời phải dùng các nhân vật bạo ngược khác làm cây roi đánh họ. Lần nầy Chúa dùng vua Moab tên là Eglon đồng minh với dân Ammon và dân Amalek tiến đánh Israel, chiếm thành Jericho, tức là thành Cây Chà Là. Israel phải phục dịch Eglon trong mười tám năm (12–14).
Khi dân của Chúa phạm tội, Chúa dùng tai hoạ và hoạn nạn để sửa phạt và đem họ trở về với Ngài. Nếu họ cứ tiếp tục phạm tội nữa, Đức Chúa Trời lại dùng kẻ cường bạo hơn và thời gian bị phục dịch lâu dài hơn. Lần trước bị tám năm, lần nầy kéo dài tới mười tám năm.
Nhưng khi tiếng kêu cầu của những người còn nhớ đến Chúa lên tới ngai Đức Chúa Trời, thì Ngài lại sẵn sàng ra tay cứu giúp.
Ehud là một dũng sĩ trẻ tuổi thuộc chi tộc Benjamin, một người thuận tay trái, được dân Israel phái đi đem lễ vật cống nạp cho Eglon theo lệ thường (15).
Nhân cơ hội ấy, Ehud đã có ý tưởng ám sát Eglon, nên ông làm một dao găm hai lưỡi, có lẽ bằng đồng, vì lúc ấy Israel chưa có khả năng rèn vũ khí hay nông cụ bằng thép. Dao ấy không thể dài tới năm tấc, vì Ehud cột nó nơi đùi phải, đủ giấu dưới lớp áo, để không ai khám phá được (16).
Ehud dẫn đoàn người mang lễ vật cống nạp cho vua Moab Eglon rồi bảo họ ra về trước, ông ở lại giả vờ muốn tâu điều bí mật cho vua. Eglon mắc mưu, đuổi hết cận thần ra ngoài và bị Ehud đâm chết mà không ai hay (17–23).
Sau khi Ehud ra ngoài, khoá cửa lại, tẩu thoát ra khỏi lãnh thổ Moab, vì các cận thần của Eglon chần chờ, tưởng chủ mình đang đi đại tiện trên lầu mát. Tới khi họ mất kiên nhẫn, mở được cửa và khám phá Eglon đã bị đâm chết, thì đã quá trễ. Ehud đã đi xa qua ngả các tượng đá và lẩn trốn ở vùng Seirath.
Seirath không phải là tên của một thành hay địa danh nào; nó có nghĩa là vùng rừng rậm hay khu cây cối rậm rạp thường thấy ở vùng thung lũng sông Jordan, giáp giới với vùng núi Ephraim, tức là kề cận với lãnh thổ Benjamin, người em ruột của Joseph (24–26). Vậy là, Ehud được Đức Chúa Trời dùng để diệt bạo chúa Eglon, vua Moab.
Ehud triệu tập dân Israel ở vùng đồi núi Ephraim bằng tiếng kèn tù-và sừng cừu. Tiếng tù-và phải được thổi từ trên một đỉnh núi thì các nơi mới có thể nghe được.
Nói rằng dân Israel nghe tù và do Ehud thổi và kéo đến theo ông (27), thì có nghĩa là dấu hiệu ấy đã được bàn thảo thoả thuận trước với những người thân cận của Ehud; cho nên, khi nghe tiếng kèn, các thuộc hạ của Ehud rủ các chiến sĩ trong vùng bị dân Moab đè nén nặng nhất kéo tới theo Ehud để đánh hạ quân địch ở gần vùng họ cư ngụ.
“Ehud nói: ‘Hãy theo ta, vì Đức Giê-hô-va đã phó kẻ thù của anh em là dân Moab vào tay anh em.’ Họ theo ông xuống chiếm các chỗ cạn của sông Jordan, là đường dẫn đến Moab và không cho ai qua sông” (28).
Thời ấy, người ta đi qua đi lại ngang qua sông Jordan là nhờ có các chỗ cạn. Khi Ehud và quân của ông đã chiếm các chỗ ấy thì không ai qua sông được nữa.
Khoảng mười ngàn người Moab bị quân Israel đánh giết là quân Moab đóng ở các đồn nằm bên bờ Tây của sông Jordan. Họ là công cụ của Eglon dùng để cai trị và trấn áp người Israel sống trong khu vực (29). Vì các chỗ cạn có thể qua sông đều bị quân Israel chiếm giữ, nên chẳng người nào trong số quân Moab đóng ở các đồn quân bên bờ Tây Jordan, dù là các chiến sĩ mập mạnh có thể tẩu thoát được.
Kết quả là dân Moab bị khuất phục dưới tay dân Israel, xứ sở Israel được bình yên trong tám mươi năm (30). Kinh Thánh bản LXX chép rằng Ehud làm quan xét trên Israel cho tới khi ông qua đời.
Bài học về cách cư xử của dân Israel đối với Đức Chúa Trời khi họ được bình an khiến chúng ta suy nghĩ về đời sống tâm linh của mình cũng tương tự như vậy. Người ta thường nghiêng về nếp sống tội lỗi khi cuộc đời được bình an, không thấy tai hoạ xảy ra. Nhưng sẽ cuống quýt kêu cầu Đức Chúa Trời khi tai hoạ kéo đến. Tình trạng ấy cứ tái diễn luôn.
Trường hợp Shamgar làm quan xét ngắn ngủi cũng khiến các học giả Kinh Thánh thắc mắc về câu “Ông dùng gậy thúc bò đánh giết sáu trăm người Philistines” (31). Bởi vì với cái gậy thúc bò bằng gỗ có đinh nhọn ở một đầu, Shamgar khó có thể đánh giết cả sáu trăm người trong một trận đánh.
Người ta cho rằng có lẽ con số sáu trăm là tổng cộng số người Philistines bị ông Shamgar giết chết trong nhiều trận đánh khác nhau.
Trong bài hát ca ngợi Đức Chúa Trời của bà Deborah, sau khi cùng với Barak đánh bại vua Jabin, người Canaan, thì bà Deborah có đề cập tới “Trong ngày Shamgar, con trai Anath” (Quan Xét 5:6), thì chữ ngày ở đây nghĩa là thời kỳ; thế thì, chuyện Shamgar đánh giết sáu trăm người Philistines có lẽ đã diễn ra trong nhiều lần chiến đấu khác nhau.
Tuy vậy, điều đó chứng tỏ Đức Chúa Trời có thể dùng nhiều cách để giải cứu dân Ngài khỏi sự áp bức của những kẻ thù thờ cúng hình tượng.
Chúng ta học biết và dùng các gương ấy để tự răn mình. Lúc bình an cũng như thời bị bối rối đều vững tin vào sự chăm sóc và bảo vệ của Đức Chúa Trời.
Đừng lơi lỏng sự thờ kính và tương giao với Ngài trong đời sống tâm linh của chúng ta. Người trung tín luôn được thưởng.
QuanXet04.docx
Rev. Dr. CTB