Thế nào là Thờ-phượng?

Truyền Giáo Vững Vàng, bài 09

2 Sử ký 29:20–30

Đa số tín hữu đều nghĩ rằng thờ phượng là sinh hoạt ca hát ở nhà thờ, một hoạt động chung của Hội Thánh. Nhiều người siêng năng đi lễ vì sợ nếu vắng mặt sẽ bị Chúa phạt. Nhưng đó không phải là điều mà Đức Chúa Trời muốn.

Ngày xưa, dân Do-thái được dạy phải dâng tế lễ tạ ơn, tức là một hình thức thờ phượng; nhưng Đức Chúa Trời dặn họ: “Khi các con dâng tế lễ tạ ơn lên Đức Giê-hô-va thì phải dâng thế nào để được đoái nhậm” (Lêviký 22:29).

Vậy, khi chúng ta thờ phượng Chúa, cũng phải xem xét kỹ để sự thờ phượng của mình được Ngài vui nhậm; tế lễ tạ ơn để thờ phượng là một sự dâng hiến tự nguyện liên quan tới động lực thúc đẩy hành động dâng hiến. Nếu sự thờ phượng và dâng hiến của chúng ta là một hình thức bị bó buộc, thì chúng chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa. Vì thế, chúng ta sẽ xem xét phải thờ phượng Chúa như thế nào.

Trước hết, người thờ phượng là người biết ơn Chúa, nên sự thờ phượng luôn luôn mang tinh thần tạ ơn; vì thế, lòng tạ ơn phải trở thành một lối sống để sự thờ phượng trở nên tự nhiên và dễ dàng.

Tinh thần đó sẽ giữ chúng ta không bị kẻ thù trong linh giới lấy viễn cảnh thiếu hụt hù doạ khi có khó khăn ập đến. Vì tinh thần biết ơn cũng giúp chúng ta biết chắc Đức Chúa Trời mình là Đấng chu cấp. Ngài sẽ chẳng bỏ rơi con cái Ngài.

Người bị ma quỷ hù đoạ mà sợ hãi không dám tin cậy Chúa là người không có lòng tin thật sự mạnh mẽ vào Chúa, thường dựa vào sức riêng để tự giải quyết bất cứ điều gì trong đời và nghĩ rằng mình hành xử kiểu khôn ngoan.

Lời Đức Chúa Jesus dạy về tinh thần giống như con trẻ đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Thật, Ta bảo các con, nếu các con không biến đổi và trở nên như con trẻ, các con sẽ không bao giờ được vào Vương quốc thiên đàng đâu” (Mathiơ 18:3). Mà tinh thần con trẻ là hoàn toàn tin cậy cha mẹ chúng.

Những đứa con yêu thương cha mẹ và biết cha mẹ cũng rất yêu thương chúng thì đều mừng rỡ đón cha hay mẹ đi làm về; sau tiếng cười và hò hét reo mừng là những lời thủ thỉ tâm sự hay cử chỉ vô cùng yêu thương.

Sự thờ phượng Chúa của chúng ta cũng tương tự như thế. Reo mừng ca ngợi sự hiện diện vinh quang của Chúa là hành động bày tỏ lòng yêu thương chân thành đối với Cha trên trời.

Thế nhưng phản ứng của hầu hết người thờ phượng ở các Hội Thánh thì rất thụ động; bởi vì hầu như chẳng có bao nhiêu người cảm nhận sự hiện diện của Chúa ở Hội thánh trong giờ ca ngợi thờ phượng. Do đó, giờ phút ấy ít khi mang không khí vui vẻ của bữa tiệc mừng như đáng phải có.

Hỡi cả trái đất, hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va! Hãy vui vẻ phục vụ Đức Giê-hô-va, hãy ca hát mà đến trước mặt Ngài” (Thi Thiên 100:1–2). Chừng nào người tham dự cuộc thờ phượng có được tinh thần reo mừng cho Chúa, thì Ngài sẽ làm cho Hội Thánh khởi sắc.

Hãy lấy một ví dụ cụ thể để so sánh. Những người xem các trận đấu thể thao ở các vận động trường vẫn luôn hết sức reo hò lớn tiếng cổ võ đội mà họ ủng hộ. Tiếng hò hét reo mừng khi một bàn thắng được ghi thiếu điều làm tốc mái che của sân vận động.

Trong số người tham dự và reo hò đó có rất nhiều con cái Chúa; nhưng chẳng có mấy người trong số ấy mừng rỡ hò hát trước mặt Chúa của mình. Chúng ta lớn tiếng hát mừng vì Đức Chúa Jesus đã chiến thắng kẻ thù Satan bằng thập tự giá của Ngài; nhờ đó người thờ phượng biết chắc mình đã vượt khỏi sự chết mà vào sự sống vĩnh viễn: “Bây giờ qua Hội Thánh, sự khôn ngoan vô hạn của Đức Chúa Trời được bày tỏ cho những kẻ thống lĩnh, những quyền lực trong các nơi trên trời” (Êphêsô 3:10), đó là lý do mà con cái Chúa nên thật lòng lớn tiếng hát vui vẻ trước mặt Ngài.

Đức Chúa Trời quan tâm tới thực trạng của lòng chúng ta chứ Ngài không xem xét cách chúng ta biểu lộ bề ngoài.

Làm thế nào con cái Chúa có thể thờ phượng trong sự vui mừng? Nếu không khí thờ phượng ở nhà thờ là nhàm chán thì không ai muốn nấn ná lâu dài. Có những nơi người ta thích tới và lưu lại, không muốn về vì chỗ ấy thích hợp với họ.

Có thể rằng một nhà thờ không đáp ứng hết mọi ý thích của từng thành viên, nhưng nếu Hội Thánh địa phương nào mời được Chúa tới qua chương trình và cách thờ phượng của họ, mà thành viên nào không muốn nấn ná trong sự hiện diện vinh quang của Đức Chúa Trời, thì nan đề của thành viên đó là chưa nhận biết Chúa và cũng không biết tình trạng tâm linh của mình ra sao.

Sự thật về tình trạng tâm linh của mỗi người sẽ bộc lộ khi bước vào một nơi có sự hiện diện của Đức Thánh Linh. Mọi con cái thật của Chúa đều muốn lưu lại nhà của Chúa, như vua David ngày xưa ước ao được trọn đời ở trong nhà Đức Chúa Trời:

Lạy Đức Giê-hô-va, con yêu mến ngôi nhà Ngài ở, và nơi vinh quang Ngài ngự” (Thi thiên 26:8); “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều và sẽ tìm kiếm điều ấy. Đó là tôi muốn trọn đời tôi được ở trong nhà Đức Giê-hô-va để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va và cầu hỏi trong đền của Ngài” (Thi Thiên 27:4). “Phước cho người nào được ở trong nhà Chúa! Họ sẽ ca ngợi Chúa mãi mãi. … Vì một ngày trong hành lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày ở nơi khác. Con đã chọn thà làm người giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời còn hơn là sống trong trại kẻ dữ” (Thi Thiên 84:4, 10).

Không có nghĩa là chúng ta phải tới nhà thờ mỗi ngày. Nếu ai làm được vậy thì càng tốt; tuy nhiên, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm như thế. Điều Ngài mong muốn là các con cái Ngài biết dành ra những giờ phút ở riêng với Chúa để thờ kính và trò chuyện với Ngài.

Nếu đó là giây phút sung sướng và hạnh phúc của mình, thì người ấy đã đạt đến chỗ được Chúa vui lòng giãi bày chương trình và ý muốn của Ngài cho người ấy biết.

Gần gũi thân mật với Đức Chúa Trời thì không phải là điều gì bí ẩn cao xa. Ai thật lòng yêu mến Chúa vì biết ơn Ngài, thì người đó sẽ tới gần Ngài bằng sự dạn dĩ trong tình thân mật, rồi được kinh nghiệm sự tương giao rất thực tế, tiến dần vào những kinh nghiệm tâm linh cảm nhận được qua các giác quan của thân thể; tức là chạm vào linh giới bằng các giác quan của mình; lúc ấy thì biết chắc, chẳng phải tưởng tượng gì hết.

Người ta luôn luôn hãnh diện khi phía của họ đạt đến đỉnh vinh quang nào đó. Mọi công dân Hoa kỳ đều hãnh diện về sự hùng cường của nước Mỹ. Sổ thông hành và đồng tiền của họ có giá trị và sức mạnh ở khắp nơi; nhưng hầu như nhiều con cái Chúa không biết hãnh diện về uy quyền tuyệt đối và vinh quang tột đỉnh của Đức Chúa Trời.

Nhất là tín hữu người Việt thường mặc cảm về tình trạng thiểu số của tôn giáo mình khi còn quá nhiều người chưa tin Chúa ở trong nước hay hải ngoại. Tâm lý đó khiến cho tinh thần thờ phượng tại Hội Thánh hay chỗ riêng tư trở nên rụt rè, chưa biết hãnh diện về vai trò vô cùng vinh dự của mình hoặc sự vinh quang, uy quyền vô hạn của Đấng mình đang thờ kính.

Chúng ta cần phải suy xét kỹ lưỡng phương diện vô cùng quan trọng nầy để hiểu thấu tình trạng nguy kịch của chính mình; bởi vì khi phải trình diện Vị Chúa Tể vũ trụ không ai biện minh được lý do nào mình đã không dám hãnh diện về Ngài.

Vì lý do đó, sự thờ phượng của chúng ta cũng phải toát lên tinh thần hãnh diện về Chúa, Đấng Cao Cả và Quyền Năng tuyệt đối. Một người hãnh diện về Chúa của mình sẽ không cần lưu ý tới người chung quanh nghĩ gì về mình, mà chỉ chăm chú vào Đấng làm cho con cái Ngài được hãnh diện.

Hãy luyện tập sự tự do bày tỏ tình cảm yêu thương, tôn kính, vui mừng, hãnh diện, và sung sướng của chúng ta khi đến trước mặt Chúa. Hãy bắt chước vua David khi xưa:

Khi những người khiêng Rương Giao Ước của Đức Giê-hô-va đi được sáu bước, thì David dâng một con bò đực và một con thú béo tốt làm sinh tế. David mặc ê-phót vải gai, nhảy múa hết sức trước mặt Đức Giê-hô-va. Như thế, David cùng toàn thể nhà Israel rước Rương Giao Ước của Đức Giê-hô-va về giữa tiếng reo hò vui mừng và tiếng kèn vang dậy” (2Samuel 6:13–15).

Khi hoàng hậu Mi-canh phê bình vua, David nói “Ta sẽ hạ mình xuống nhiều hơn nữa, tự xem mình là hèn mạt” (2Sam.6:22).

Hễ ai xưng nhận Ta trước mặt thiên hạ, Ta cũng sẽ xưng nhận người ấy trước mặt Cha Ta ở trên trời; còn ai chối bỏ Ta trước mặt thiên hạ, Ta cũng sẽ chối bỏ họ trước mặt Cha Ta ở trên trời” (Mathiơ 10:32–33).

Đừng để sự ngại ngùng của mình trước mặt người khác bị Chúa kể là chối bỏ Ngài. Hãy hãnh diện mà thờ phượng Chúa. Hãy vui mừng ca hát tôn vinh Ngài. Hãy trình bày lễ vật tạ ơn Ngài bằng tinh thần biết ơn trong sự thờ phượng, để được Ngài vui nhậm.

TruyenGiaoVungVang09.docx

Rev. Dr. CTB