Theo Dõi Tận Thế, bài 16
Daniel 5:18–30
“Tâu đức vua, Đức Chúa Trời Chí Cao đã ban vương quyền, uy quyền cao cả, vinh quang và uy nghiêm cho phụ vương ngài là Nebuchadnezzar.
19Chính vì quyền uy cao cả Chúa ban cho phụ vương ngài mà tất cả các dân tộc, các quốc gia, các ngôn ngữ đều run sợ trước vua ấy. Vua muốn giết ai thì giết và muốn để ai sống thì để, muốn nâng ai lên hay hạ ai xuống tùy ý.
20Nhưng khi lòng dạ trở nên kiêu căng, tâm linh cứng cỏi, thì vua ấy đã hành động một cách ngạo nghễ; do đó vua đã bị truất ngôi và tước bỏ vinh quang.
21Vua đã bị đuổi khỏi loài người; tâm trí trở nên tâm trí súc vật, phải sống chung với lừa rừng, ăn cỏ như bò và thân thể bị ướt đẫm sương móc trên trời, cho đến khi vua ấy nhận biết rằng Đức Chúa Trời Chí Cao cai trị vương quốc loài người và Ngài muốn lập ai lên đó tùy ý Ngài.
22Còn vua, tâu vua Belshazzar, con của vua ấy, dù vua biết hết các việc ấy, lòng vua vẫn không chịu nhún nhường chút nào.
23Trái lại, vua đã tự cao tự đại chống lại Chúa trên trời, sai đem ly tách của nhà Chúa đến cho vua uống rượu với các quan đại thần, các hoàng hậu và cung phi của vua. Vua đã tôn vinh thần bằng bạc, vàng, đồng, sắt, gỗ và đá là những thần không thấy không nghe không biết gì, nhưng lại không thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng cầm trong tay Ngài hơi thở và mọi đường lối của vua.
24Vì thế, Ngài đã sai phần bàn tay nầy đến và viết lên hàng chữ nầy.
25Hàng chữ đã viết như sau: MENE, MENE, TEKEL, UPHARSIN. 26Đây là nghĩa của dòng chữ đó: Mene nghĩa là: Đức Chúa Trời đã đếm và chấm dứt số ngày của vua;
27Tekel là: Vua đã bị đặt trên bàn cân và thấy kém thiếu.
28Peres là: Vương quốc của vua bị phân chia rồi giao cho người Mê-đi và người Ba Tư.” 29Vua Belshazzar lập tức truyền lệnh đem cẩm bào đỏ thẫm mặc cho Daniel; đeo vòng vàng vào cổ và công bố rằng ông là nhân vật thứ ba trong vương quốc. 30Ngay đêm đó, Belshazzar, vua Chalde, bị giết.“
Ai muốn biết bối cảnh tổng quát của chuyện nầy, thì phải đọc từ đầu đoạn 5 của sách Daniel. Vắn tắt câu chuyện: Vua Belshazzar, nối ngôi vua cha Nebuchadnezzar, làm hoàng đế vương quốc Babylon của người Chalde. Belshazzar mở tiệc lớn đãi một ngàn đại thần, các hoàng hậu và cung phi của mình. Vua nổi hứng sai lấy những chén bát thánh bằng vàng và bạc, do vua cha cướp đoạt từ Đền Thờ Đức Chúa Trời ở Jerusalem, cho mình, các hoàng hậu, các cung phi và đại thần dùng để uống rượu. Họ vừa uống rượu vừa ca tụng các thần bằng vàng, bạc, đồng, sắt và gỗ. Bỗng trên bức tường đối diện chỗ vua ngồi, một bàn tay người xuất hiện, viết lên tường vôi của hoàng cung, đối ngang giá đèn, một giòng chữ bí ẩn (5:2–5). Mặt vua biến sắc, tay chân rụng rời, run lập cập.
Dù vua truyền lệnh, nhưng chẳng pháp sư, thầy bói hay nhà thông thái nào của người Chalde đọc được hoặc hiểu ý nghĩa của những chữ do bàn tay thần bí viết lên tường. Giữa lúc vô cùng bối rối đó, hoàng thái hậu bước vào phòng tiệc và mách: “Trong vương quốc ngài có một người mang linh của Đức Chúa Trời thánh khiết ở trong mình. Dưới đời phụ vương của ngài, người ta thấy nơi người nầy có ánh sáng, thông hiểu và khôn ngoan, như sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Phụ vương ngài là Nebuchadnezzar đã lập người ấy làm đầu các thuật sĩ, pháp sư, người Chalde và thầy bói. Vì trong Daniel, người mà vua đã đặt tên Belteshazzar, có thần linh siêu phàm, có tri thức và thông hiểu để giải nghĩa chiêm bao, giải thích các điều mầu nhiệm, giải quyết các nan đề, nên bây giờ hãy sai gọi Daniel để ông ấy giải nghĩa cho” (Daniel 5:11–12).
Daniel được mời tới và giải thích rằng: bàn tay thần bí đến và viết trên tường vì Belshazzar tự cao tự đại đã lấy vật dụng thánh để uống rượu mà còn ca tụng các thần vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ, và đá; cho nên, hàng chữ ấy là: “MENE, MENE, TEKEL, UPHARSIN,” nghĩa của nó: “MENE là Đức Chúa Trời đã đếm và chấm dứt số ngày của vua.” “TEKEL là: Vua đã bị đặt trên bàn cân và thấy kém thiếu.” U nghĩa là VÀ, PHARSIN (số nhiều của chữ PERES), nghĩa là “Vương quốc của vua bị phân chia rồi giao cho người Mê-đi và người Ba Tư” (26–28). Ngay đêm đó Belshazzar bị giết chết và Darius, người Mê-đi lên ngôi vua. Như lời Thần Linh đã bày tỏ bằng dòng chữ viết bởi bàn tay thần bí xuất hiện trên bức tường, Belshazzar bị diệt mất vì bị thấy là kém thiếu trên bàn cân.
Loại cân nói ở đây có hai bàn dĩa hai bên được chế tạo theo nguyên tắc thăng bằng; giống như cân tiểu ly của các tiệm mua bán vàng bạc, đá quý. Vật bị cân được đặt lên một bên bàn dĩa, quả cân có trọng lượng chuẩn xác được đặt lên bàn dĩa đối diện. Từ xưa nay, ai bị Đức Chúa Trời đưa lên một dĩa trên bàn cân của Ngài thì phải nặng hơn hoặc ít nhất là ngang bằng với quả cân chuẩn là sự thật và công chính của Đức Chúa Trời ở dĩa cân bên kia. Nếu cái cân của Chúa cho thấy đời sống hay tâm linh của người ấy kém thiếu vì không đủ sức nặng của sự công chính đòi hỏi, thì số ngày của người đó còn được sống trên đất phải bị đếm tới lúc chấm dứt. Như vậy, bất cứ ai cũng đều sẽ bị cân trên bàn cân của Đức Chúa Trời. Thế thì, làm sao biết mình đủ hay thiếu?
Ai bị Chúa kể là TEKEL, thì đời người ấy sẽ là MENE! Những ai là con cái thật của Đức Chúa Trời nên tạ ơn Ngài; vì tất cả đều bị đặt trên bàn cân nhưng sẽ không bị TEKEL tức là không kém thiếu! Tại sao? Mặc dù chúng ta bị đặt lên bàn cân, nhưng trọng lượng trên dĩa cân không phải là sự công chính nhẹ hều của chúng ta, nhưng là đức công chính của Đức Chúa Jesus: Cán cân thăng bằng với đức công chính của thiên đàng đòi hỏi ở dĩa cân bên kia. Ấy là phương diện cá nhân của tín hữu. Nhưng vấn đề không dừng ở đó; bởi vì, Hội Thánh, tổ chức, giáo hội, hệ phái, và đất nước cũng đều sẽ bị đặt trên bàn cân. Một chi hội ở địa phương bị thấy là kém thiếu sẽ không tồn tại.
Hệ phái, tổ chức hay giáo hội bị thấy là kém thiếu cũng đồng chung số phận như Belshazzar! Một đất nước bị kể là TEKEL thì sẽ bị tiêu diệt. Mọi con cái Chúa, đang sống trên một quê hương được kể là được thành lập bởi ân sủng của Đức Chúa Trời, thì cần phải hết lòng cầu thay cho chính phủ và xã hội của quê hương đó. Bởi vì nếu sự công chính của một số người là con cái Chúa trong nước không đủ để tạo thăng bằng trên bàn cân công chính của Đức Chúa Trời khi đất nước ấy bị phán xét, mà chắc chắn sẽ bị phán xét, thì khi tai họa xảy đến, mọi người trong nước, thiện hay ác, đều sẽ bị tai họa chung với nhau. Nhưng một đất nước sẽ bị phán xét dựa trên tiêu chuẩn nào? Vì đất nước không phải là một cá nhân mà có cả người thiện lẫn ác. Vậy tiêu chuẩn ấy là gì?
Tiêu chuẩn hành xử của một đất nước được bày tỏ qua tâm lý ưa thích chung do đa số người trong xã hội ấy chấp nhận; cũng có thể gọi là linh hồn của đất nước ấy. Ví dụ, tuyệt đại đa số người Việt đều ưa thích và tự xưng là con rồng cháu tiên; rồng là ai và tiên là ai? Mặc dù dân Việt đều biết con rồng của lịch sử Việt không có trong thực tế; tuy nhiên gốc gác của Lạc Long Quân, giống rồng, tổ tiên của người Việt, là con của Lộc Tục, tức là Kinh Dương Vương, vua nước Xích Quỷ. Dịch nghĩa tiếng nôm là quỷ đỏ. Chỉ chừng đó thôi đã thấy trục trặc rồi. Kinh Thánh thì cho biết lai lịch con rồng (Khải Huyền 12:9; 20:2)
“Con rồng lớn bị ném xuống, tức là con rắn xưa, được gọi là ma quỷ hay Satan, kẻ lừa dối cả nhân loại. Nó đã bị ném xuống đất; các sứ giả của nó cũng bị ném xuống với nó. … Người bắt con rồng, tức là con rắn xưa, là ma quỷ, là Satan, và xiềng nó lại một nghìn năm.“
Vậy, nếu linh hồn của đất Việt là con rồng, con rắn xưa, kẻ lừa dối cả thiên hạ, thì số phận dân Việt sẽ ra sao?
Hiện nay cả thế giới đều quan sát Hoa kỳ. Mấy năm qua người ta nhìn thấy đủ thứ trò lừa đảo, gian xảo và bản chất rất kinh tởm thô bỉ của nhiều giới người từ chính trị gia tới truyền thông, giáo dục khoa bảng, doanh gia, nghệ sĩ, thể tháo gia, và hàng hà sa số người khinh thường lương tri, phẩm giá và sự thật; họ hò hét, phá phách, ủng hộ sự rối loạn, chỉ nhằm một mục đích: Giúp tả phái chiếm chính quyền để thực hiện các mục tiêu mà họ chẳng biết sẽ dẫn họ tới đâu, vì thù ghét một người ra từ giữa họ xen vào phá hỏng hết mọi thành quả tai hại họ đã xây đắp. Nếu tại nước Mỹ có một nửa dân số đồng tình với kẻ thù của Đức Chúa Trời, đại đa số trong một nửa còn lại tuy ghét tả phái nhưng vẫn mê đắm tội lỗi, thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét nước Mỹ thế nào?
Tại sao sự phán xét của Chúa chưa giáng trên nước Mỹ, nếu số người tiếp nhận huyết tha tội của Đức Chúa Jesus và sống theo lời dạy của Kinh Thánh, được Chúa kể như công chính, là quá ít? Có hai nguyên nhân chính: 1 Chúng ta còn đang được ở trong thời kỳ ân điển (ân sủng) của Chúa áp dụng cho toàn thế giới. 2 Các chiến sĩ cầu thay ở tại Mỹ cũng như tại các Hội Thánh thật của Chúa ở khắp thế giới đã hết lòng cầu thay cho đất nước nầy; cho nên, sự trừng phạt đã bị đình hoãn rất nhiều lần. Hễ khi nào các thánh đồ giảm cầu thay, thì sự tấn công vào người được Chúa chọn đứng đầu đất nước gia tăng dữ dội hơn. Con cái Chúa cần phải phân biệt sự khác nhau giữa cầu nguyện với cầu thay: Cầu nguyện là trò chuyện với Chúa và trình dâng các nhu cầu; cầu thay là đại diện cho đối tượng để khẩn xin Chúa, và trực tiếp đương đầu chiến đấu với ma quỷ.
Hãy bắt chước Daniel cầu thay cho dân tộc mình (Daniel 9:3–6; 17–19) “Tôi hướng mặt về Chúa là Đức Chúa Trời mà tìm kiếm, khấn nguyện, nài xin với sự kiêng ăn, quấn vải sô và rắc tro lên đầu. Vậy tôi khẩn cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi và xưng tội với Ngài: ‘Lạy Chúa là Đức Chúa Trời cao cả và đáng kính sợ, Đấng giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Ngài và tuân giữ điều răn Ngài. Chúng con đã phạm tội, làm điều sai quấy, ăn ở gian ác; chúng con đã phản loạn, quay lưng lại với điều răn và luật lệ Ngài. Chúng con đã không nghe các đầy tớ Ngài là các nhà tiên tri, những người đã nhân danh Ngài mà nói với các vua, các thủ lĩnh, và tổ phụ chúng con cùng toàn dân trong xứ. … 17–19 Vì vậy bây giờ, lạy Đức Chúa Trời của chúng con, xin lắng nghe lời khấn nguyện nài xin của đầy tớ Ngài! Vì danh Chúa, xin chiếu sáng mặt Ngài trên đền thánh hoang tàn của Ngài! Lạy Đức Chúa Trời của con, xin lắng tai nghe, xin ghé mắt nhìn cảnh hoang tàn của chúng con và thành phố mang danh Ngài! Chúng con không dựa vào sự công chính của mình mà cầu khẩn Ngài, nhưng dựa vào sự thương xót vô biên của Ngài. Lạy Chúa, xin lắng nghe! Lạy Chúa, xin tha thứ! Lạy Chúa, xin đoái xem và hành động! Lạy Đức Chúa Trời của con, vì danh Ngài, xin đừng trì hoãn; bởi vì thành Ngài và dân Ngài đã được gọi bằng danh Ngài!‘“
Tinh thần và lời cầu thay của Daniel có hiệu quả tức khắc (9:20–23) “Tôi tiếp tục thưa chuyện và cầu nguyện, xưng nhận tội lỗi của tôi cũng như tội lỗi dân Israel tôi và trình dâng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi lời khẩn nguyện cho núi thánh của Đức Chúa Trời tôi. Khi tôi đang dâng lời cầu nguyện, thì Gabriel, người mà tôi đã thấy trong khải tượng đầu tiên, bay nhanh đến bên tôi vào giờ dâng sinh tế buổi chiều. Người dạy dỗ tôi và nói với tôi: ‘Hỡi Daniel, bây giờ ta đến để ban sự khôn ngoan và hiểu biết cho ngươi. Ngay khi ngươi bắt đầu cầu xin thì lời đã ban ra, và ta đến để công bố lời đó cho ngươi, vì ngươi rất được yêu quý. Vậy hãy suy nghĩ lời đó và hiểu rõ khải tượng.‘” Chẳng những chỉ lần đó, hai thiên sứ uy dũng nữa đã tới gặp Daniel tỏ cho ông biết nhiều việc tương lai:
(10:2–9; 10:15–11:1) “Trong những ngày đó tôi, Đa-ni-ên, đang buồn rầu suốt ba tuần lễ. Tôi không ăn cao lương mỹ vị, không nếm thịt và rượu, cũng không xức dầu thơm trong suốt ba tuần lễ đó. Ngày thứ hai mươi bốn tháng giêng, tôi đang đứng bên bờ sông lớn, tức là sông Tigris. Tôi ngước nhìn lên thì thấy một người mặc vải gai, lưng thắt đai bằng vàng ròng Uphaz. Thân hình sáng như bích ngọc, gương mặt như ánh chớp, đôi mắt như ngọn đuốc hừng, đôi tay và đôi chân như đồng đánh bóng, và tiếng nói như tiếng đám đông. Tôi, Daniel, chỉ một mình tôi thấy khải tượng đó. Những người ở với tôi tuy không thấy khải tượng nhưng họ đều run sợ, chạy trốn để tìm chỗ ẩn mình. Vậy, tôi còn lại một mình và thấy khải tượng lớn đó. Tôi không còn sức nữa. Mặt tôi tái xanh như người sắp chết. Tôi kiệt sức. Nhưng tôi vẫn nghe tiếng phán của người. Vừa nghe tiếng người, tôi bị ngất đi, mặt sấp xuống đất. …. 10:15–11:1 Trong khi người nói với tôi những lời đó, tôi cúi mặt xuống đất và bị câm lặng. Nầy có một vị mang hình dạng như các con trai loài người chạm đến môi tôi. Tôi liền mở miệng và nói được. Tôi thưa với vị đứng trước mặt tôi: ‘Thưa chúa, khải tượng đã làm tôi đau đớn và kiệt sức. Làm sao đầy tớ của chúa có thể thưa chuyện với chúa được? Vì hiện nay tôi không còn một chút sức lực nào, cũng chẳng còn hơi thở trong tôi nữa!‘ Bấy giờ, vị có hình dạng người nam lại chạm đến tôi và thêm sức cho tôi. Người bảo tôi: ‘Hỡi người rất được yêu quý, đừng sợ hãi. Hãy an tâm và can đảm! Hãy can đảm lên!‘ Khi người đang nói với tôi, tôi được thêm sức và nói: ‘Thưa chúa, xin ngài cứ nói, vì Ngài đã thêm sức cho tôi.’ Người nói: ‘Ngươi có biết tại sao ta đến với ngươi không? Bây giờ ta phải quay lại để giao chiến với thủ lĩnh của Ba Tư, và khi ta vừa đi thì thủ lĩnh của Hi Lạp sẽ đến. Nhưng ta sẽ báo cho ngươi biết những gì đã được chép trong sách chân lý. Không có ai hiệp sức với ta để chống lại chúng, ngoại trừ Michael, thiên sứ của các ngươi. Về phần ta, từ năm thứ nhất triều vua Darius người Mêđi, ta đã đứng cạnh để hỗ trợ và thêm sức cho Michael.“
Khi con cái Chúa chịu cầu thay, thì các thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ đến làm hỏng hết mọi mưu toan gian lận của những tên lưu manh, xảo quyệt. Hiện nay chúng ta thấy tình hình vẫn luôn bất ổn, vì trong lúc kẻ thù hết sức nỗ lực phá đổ tương lai Hoa kỳ, thì các hệ phái, giáo hội và nhà thờ địa phương cứ kèn cựa với nhau, không chịu hợp nhất hành động, chỉ vì ích kỷ về điều họ tưởng là lợi ích của họ. Chúa không thể tin cậy những người thường xuyên ích kỷ, không trung tín với lợi ích Hội Thánh chung của Ngài.
Mọi người đều sẽ bị đặt lên bàn cân của Đức Chúa Trời là điều khỏi phải bàn cãi; nhưng mình sẽ bị xem như thế nào mới đáng kể. Việc tự đánh giá chính mình chẳng có chút giá trị gì hết; Chúa đánh giá chúng ta bằng cái cân của Ngài mới là điều mọi người cần phải quan tâm. Ai muốn không bị MENE (bị đếm và chấm dứt số ngày), cũng không muốn Hội Thánh địa phương của mình, hay đất nước mình bị MENE, thì phải tỉnh thức xem xét lại cách mình đối xử với Chúa, với Hội Thánh, với mọi người chung quanh. Cũng hãy xem lòng quyến luyến thế gian của mình đang mạnh tới mức nào? Hãy thật lòng ăn năn để được Đức Thánh Linh biến đổi, thoát khỏi sự trừng phạt.
TheoDoiTanThe16.docx
Rev. Dr. CTB